11 nữ nhân thành công trong lịch sử thời trang với thương hiệu mang tên mình

Ngày đăng: 06/11/21

Người ta vẫn thường tin rằng, thời trang là một “đặc quyền” dành riêng cho phái đẹp, dù rằng người nắm giữ linh hồn của những cái tên hàng đầu trong ngành thời trang là nam giới. Vì bên cạnh yếu tố nghệ thuật, thời trang cũng là một câu chuyện về kinh doanh, cần sự khôn khéo và quyết liệt của người làm chủ trên thương trường.

Trong những năm gần đây, thông qua thông điệp về nữ quyền, phụ nữ đã dần trở nên độc lập hơn trong những quyết định về tài chính và chiến lược. Từ đó, ngành thời trang bắt đầu chứng kiến sự ra đời của những thương hiệu được thành lập và điều hành bởi phái đẹp. Dưới đây, cùng Style-Republik nhìn lại 11 người phụ nữ thành công nhất trong sự nghiệp gầy dựng một thương hiệu thời trang mang tên mình.

Coco Chanel – Chanel

Năm 1909, Gabrielle “Coco” Chanel bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình bằng một cửa hiệu thời trang ở Paris, là điểm đến thường xuyên của những quý phu nhân quyền lực nhất thành phố thời bấy giờ. Và cứ thế, danh sách khách hàng giàu có tại cửa hàng ngày càng tăng, khiến cho việc kinh doanh của Coco thành công hơn bao giờ hết. Đến năm 1915, Chanel trở thành một trong những Nhà thiết kế được khao khát nhất châu Âu. Hơn 100 năm sau, Chanel vẫn là một tượng đài bất tử của thời trang xa xỉ, là cái tên được mọi người thèm muốn nhờ sự lãnh đạo tài tình của Karl Lagerfeld, và bây giờ là người kế nhiệm của ông, Virginie Viard.

Coco Chanel và những bài học về định hình phong cách riêng | Tập đoàn dệt may Việt Nam

Elsa Schiaparelli – Schiaparelli

Nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli đã đặt nền móng cho sự nghiệp thời trang của mình tại Paris vào năm 1927. Trong chính ngôi nhà của mình, Schiaparelli đã trưng bày những thiết kế lấy cảm hứng từ Paul Poiret cũng như một họa sĩ theo trường phái siêu thực khác, cũng là bạn của bà: Salvador Dalí. Những thiết kế đặc trưng của bà thường được kết hợp giữa các yếu tố nghệ thuật thị giác (trompe-l’œuil) và biểu tượng “màu hồng gây sốc” (shocking pink) từng làm điên đảo giới thời trang một thời. Dù thương hiệu đã ngưng hoạt động vào những năm 50, vào năm 2013, nhà thiết kế 50 tuổi người Ý Marco Zanini đã một lần nữa hồi sinh lại tinh thần và di sản của House of Schiaparelli, với chất siêu thực và sắc hồng rực rỡ đã thành biểu tượng qua năm tháng.

Elsa Schiaparelli (1890-1973) - Bui Thuy

Madeleine Vionnet – Vionnet

Sau một khởi đầu sai lầm vào năm 1912, sau đó bị ảnh hưởng bởi Thế chiến thứ nhất, Madeleine Vionnet đã khởi động lại House of Vionnet thành công vào năm 1923. Được mệnh danh là Nữ hoàng của kỹ thuật bias-cut (kỹ thuật cắt vải xéo), Vionnet đã một lần nữ chinh phục khách hàng của mình là những ngôi sao hàng đầu Hollywood thời điểm đó như Greta Garbo, Katharine Hepburn và Joan Crawford. Những thiết kế gợi cảm của Vionnet cũng là một phần không thể nhắc tới mỗi khi nghĩ về thời trang những năm 30. Dù phải đóng cửa một lần nữa vào năm 1939 do Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dù sự nghiệp chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, phong cách của Vionnet vẫn còn ảnh hưởng cho tới tận bây giờ và đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế đương thời như Rei Kawakudo, Issey Miyake, Azzedine Alaïa và John Galliano.

Madeleine Vionnet and the Bias Cut - Madeleine Vionnet và kỹ thuật Cắt xéo vải

Gaby Aghion – Chloé

Năm 1945, Gaby Aghion và chồng Raymond rời nhà ở Ai Cập để bắt đầu cuộc sống mới ở Paris. Bảy năm sau, bà thành lập House of Chloé. Buổi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên diễn ra vào năm 1956 bên ngoài quán Café de Flore, biểu tượng của văn hóa – nghệ thuật thủ đô Paris thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Gaby Aghion được xem là người tiên phong khai sinh ra cụm từ prêt-à-porter (thời trang may sẵn) Nhiều người đã ghi nhận Aghion khi đặt ra cụm từ “prêt-à-porter”. Dù chính thức rút lui khỏi chiếc ghế giám đốc sáng tạo vào năm 1960, bà vẫn giữ tầm ảnh hưởng và “tham mưu” cho những thế hệ giám đốc sáng tạo tiếp theo cho đến tận năm 1985. 

A tribute to Gaby Aghion | Vogue Paris

Jeanne Lanvin – Lanvin

Jeanne Lanvin bắt đầu sự nghiệp từ một công việc đơn giản hàng ngày, chính là may quần áo cho con gái. Tuy nhiên, đến năm 1889, quý cô 32 tuổi đã thành lập thương hiệu House of Lanvin mang tên của mình, là nhà mốt cao cấp và lâu đời thứ ba trong lịch sự thời trang nước Pháp. Các sản phẩm của cô ngay lập tức thu hút sự chú ý của những người giàu có và đặt may các mẫu hệt như vậy cho con em của họ. Dần dần, Jeanne Lanvin đảm nhận luôn việc thiết kế và may cho những phụ huynh đó, một trong số đó còn là những tên tuổi nổi tiếng bậc nhất Châu Âu lúc bấy giờ. Các mốt thời trang cực thịnh của Lanvin lúc bấy giờ như: Empire Presses, mang ảnh hưởng của phong cách Hy Lạp giai đoạn 1789 – 1820; Robe de style ra đời năm 1913, lấy cảm hứng từ vòng eo kiến của trang phục nữ thế kỷ XVIII; Lanvin Chemise nổi tiếng trong những năm 1920;… là các nguyên tố định hình phong cách thời trang thập niên 20, vốn luôn được ca ngợi và hoài niệm trong thời đại ngày nay.

Jeanne Lanvin Fashion Legacy - CR Muse: Jeanne Lanvin, Mother of Fashion

Sonia Rykiel – Sonia Rykiel

Xây dựng thương hiệu từ thập niên 1960, Sonia Rykiel từng là stylist cho các siêu sao Brigitte Bardot, Francoise Hardy và Audrey Hepburn. Nổi tiếng với tính cách tự do, phóng khoáng, trang phục bà thiết kế thường có kiểu dáng dệt kim ôm sát người và váy ngắn mang lại sự thoải mái cho phụ nữ thời bấy giờ, chỉ bó mình trong những bộ suit. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà còn được giới thời trang ưu ái đặt tên là “Queen of Knitwear” (Nữ hoàng áo len) với kiểu áo sweater “poor boy” trứ danh – chiếc áo len sọc chui đầu cao cổ. Rykiel tái định nghĩa mọi khái niệm về áo len trong thời trang, xóa đi khái niệm là chiếc áo chỉ mặc để giữ ấm. Ra đời vào năm 1962, chiếc áo knitwear sọc ôm sát người tôn vẻ quyến rũ, nữ tính của phụ nữ được Audrey Hepburn và Brigitte Bardot ưa chuộng. Mẫu áo này tiếp tục xuất hiện trong bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu Sonia Rykiel.

French designer Sonia Rykiel passes away | News | The FMD

Rei Kawakubo – Comme des Garçons 

Rei Kawakubo là một nhà thiết kế chưa từng qua đào tạo chính quy, nhưng cũng chính điều đó đã tạo nên sự thú vị ở người phụ nữ này. “Con người bà rất trầm lặng, nhưng váy áo lại có những tuyên ngôn thời trang lớn”. Năm 1969, bà sáng lập thương hiệu của mình và chính thức mở rộng thành công ty mang tên Comme Des Garcon Co. Ltd tại Tokyo. Năm 1975, sau show diễn đầu tiên của mình ở Tokyo, Kawakubo khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố này, toạ lạc ngay quận Aoyama – một trong những nơi được xem là “kinh đô thời trang” ở Tokyo lúc bấy giờ.

Chỉ trong vòng 10 năm, thương hiệu huyền thoại – Comme des Garcons đã trở thành hiện thân của phong cách avant-garde, tạo nên cuộc cách mạng thời trang trên thế giới vào những năm 80 bằng những thiết kế “phản thời trang” và thách thức những chuẩn mực về cái Đẹp thời bấy giờ, và cả tận ngày nay. 

Rei Kawakubo | Rei kawakubo, Japanese fashion designers, Rei

Jil Sander – Jil Sander

Jil Sander là nhà thiết kế thời trang người Đức, nổi tiếng phong cách tối giản và cũng chính là người sáng lập ra thương hiệu thời trang mang tên mình Jil Sander. Những năm 80-90, Jil Sander từng làm nên cách mạng trong phong cách thời trang tối giản. Kỹ thuật cắt may hoàn hảo đã giúp Jil Sander đưa thương hiệu của mình trở thành đế chế thời trang trị giá 200 triệu đô-la Mỹ. Những ai theo đuổi của trường phái tối giản hẳn không thể không biết đến kiểu trang phục gắn liền với tên tuổi của nhà thiết kế người Đức này: pant suit (có thể hiểu là đồ vest đơn sắc). Bộ trang phục tân thời ngay khi vừa ra mắt đã tạo nên tiếng vang không thua kém gì mẫu thiết kế New Look của Christian Dior.

Jil Sander - The Fashiongton Post

Vivienne Westwood – Vivienne Westwood

Những năm 1970, Vivienne Westwood được mệnh danh “nữ hoàng tóc đỏ nổi loạn”, là biểu tượng cho phong cách thiết kế thời trang phá cách của nước Anh, mang đậm tinh thần trào lưu punk thời kỳ hoàng kim. Gần 5 thập niên sau, cho đến bây giờ Vivienne Westwood vẫn được xem là một trong những thương hiệu truyền cảm hứng nhất trong nền công nghiệp thời trang thế giới. Từ phong thái thiết kế của trào lưu punk phá cách ban đầu, Vivienne Westwood còn phả vào các sáng tạo của mình tầng tầng ý nghĩa, ngầm tranh đấu cho những quyền lợi nữ quyền và môi trường.

Ở tuổi 77, lão bà Vivienne Westwood vẫn chưa hết nổi loạn. Tại Tuần lễ Thời trang Paris 2019, bà đã gây bất ngờ với giới mộ điệu khi đích thân làm vedette giới thiệu cho 2 trang phục trong bộ sưu tập mới do người chồng Andreas Kronthaler thiết kế.

Vivienne Westwood | Vivienne westwood, Insta fashion, Vivienne

Donna Karan – Donna Karan New York

Donna Karan New York được sáng lập bởi nhà thiết kế Donna Karan vào năm 1984. Với tiêu chí “Thiết kế quần áo hiện đại cho những người hiện đại”, hãng tập trung vào những người phụ nữ hiện đại và bận rộn. DKNY thành công và nổi tiếng với những thiết kế mang tính tiện dụng, thoải mái, phong cách và hợp thời. Cuối thập kỷ 80, xã hội chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt nơi công sở khi ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng, và từ đó tủ quần áo của cô ấy cũng thay đổi. Chính Donna Karan đã giúp những người phụ nữ quyền lực cảm thấy tự tin hơn với những mẫu thiết kế đề cao tính ứng dụng, sự thoải mái và trên hết giúp họ dễ dàng thể hiện quan điểm và chính kiến của mình.

Donna Karan - Jinnie Femme

Stella McCartney – Stella McCartney

Stella McCartney là nhà thiết kế thời trang sinh ra ở Anh, trong một gia đình nổi tiếng với cha là cựu thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles – Sir Paul McCartney. Năm 16 tuổi, cô thực tập tại Christian Lacroix và được làm việc trong môi trường thời trang hàng đầu, có nhiều cơ hội phát triển tài năng. Ngay cả buổi trình diễn bộ sưu tập tốt nghiệp, Stella McCartney cũng may mắn hơn rất nhiều người khi đã mời được những người bạn đồng thời là các siêu mẫu thế giới Naomi Campbell, Yasmin Le Bon và Kate Moss trình diễn các thiết kế của mình.

Năm 2001, cô rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của Chloé để thành lập thương hiệu của riêng mình và cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Paris. Theo đó, Stella McCartney mở liên tiếp 4 cửa hàng tại New York và Los Angeles. Năm 2008, cô tiếp tục mở cửa hàng ở Hồng Kong và năm sau đó nữa, Stella cho giới thiệu cửa hàng đầu tiên tại trung Jardins du Palais Royal, Paris. Tính đến hiện tại, Stella hiện nay sở hữu 17 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn như New York, London, Los Angeles, Paris, Barcelona, Milan, Rome, Miami… và được xem là người dẫn đầu trong việc phát triển thời trang bền vững, thân thiện với môi trường.

Stella McCartney: The hero of sustainable fashion - The Gryphon

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo L’Officiel (USA)