3 cách thức để sống sót qua mùa dịch mà các thương hiệu thời trang nội địa đã áp dụng đầu năm 2020

Ngày đăng: 01/08/20

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm do Covid-19 gây ra trên toàn cầu, tình hình kinh doanh thời trang nội địa cũng trong tránh khỏi ảnh hưởng. Nhiều thương hiệu thời trang đã đóng cửa, một số thay đổi quy mô và chiến lược kinh doanh. 

Tuy nhiên, một số thương hiệu vẫn có cách thức để tồn tại và sống sót qua mùa dịch. Style-Republik mang đến một vài cách thức để những người làm kinh doanh thời trang có thể tham khảo!

Thay đổi quy mô kinh doanh 

Vắng khách vãng lai là tình hình chung của nhiều cửa hàng trong mùa dịch. Để giảm bớt chi phí vận hành nhiều thương hiệu thời trang đã cắt giảm chi phí thuê mặt bằng kinh doanh

Với thương hiệu thời trang có nhiều chi nhánh: chọn giữ lại những mặt bằng mang lại doanh thu khá nhất, đóng cửa những cửa hàng lỗ. Ngay cả tập đoàn Inditex (sở hữu loạt thương hiệu như Zara, Bershka, Pull & Bear, Massimo Dutti…) cũng áp dụng chính sách này. 

Với những cửa hàng thời trang chỉ có một cửa hàng, thảo luận lại hợp đồng với chủ thuê. Nhiều nơi đã bỏ luôn cọc do không chịu nỗi tình hình khó khăn. 

Nếu không thể thương lượng để được hỗ trợ giá thuê trong mùa dịch, hãy lưu ý xem có thể tận dụng mặt bằng để kinh doanh những mặt hàng khác hay chia sẻ không gian cùng các cửa hàng khác. Bán thêm các mặt hàng thiết yếu mùa dịch như nước rửa tay, khẩu trang, mỹ phẩm, phụ kiện… cũng là một gợi ý, tuy không thể đem lại doanh số khả quan những phần nào giúp các cửa hàng tồn tại trong mùa dịch. 

Đọc thêm: Mặt bằng kinh doanh thời trang có còn quan trọng như nhận định của nhiều doanh nghiệp Việt?

Các thương hiệu cũng có thể chuyển đổi chức năng của các nhân viên bán hàng tại cửa hàng sang tư vấn khách hàng trực tuyến, đồng thời tạo nên chế độ chăm sóc khách hàng tốt để duy trì nhận diện thương hiệu. 

Áp dụng đa kênh thương mại điện tử

Vào giai đoạn “Work from home”, người tiêu dùng sử dụng internet nhiều hơn và tăng cường mua sắm qua các kênh thương mại điện tử. Tuy thời trang không phải là nhu cầu thiết yếu, nhưng sử dụng các kênh thương mại điện tử cũng giảm bớt áp lực hàng tồn. Rất nhiều thương hiệu như Cocosin, Madelen, Veo’s Boutique… đã hợp tác với các kênh Shopee, Lazada, Tiki, Sendo để bán sản phẩm dễ dàng hơn, đồng thời để khách hàng được hưởng một vài chính sách ưu đãi từ các kênh này. 

Nhiều thương hiệu cũng đầu tư bán hàng qua Website, áp dụng chính sách sale-off để kích cầu mua sắm và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thời trang cuối mùa. 

Ra mắt các thiết kế phù hợp hơn với tình hình mùa dịch 

Hai tháng vừa qua, Style-Republik chứng kiến sự trỗi dậy của các thương hiệu thời trang nội địa qua nhiều bộ sưu tập mang hơi hướm mùa Hè cho những chuyến đi. Nhưng trong những ngày tới đây, các hoạt động du lịch có lẽ sẽ hạn chế do du khách nội địa cũng e ngại dịch bệnh. 

Theo dự đoán của Style-Republik, các trang phục thoải mái, nhẹ nhàng để hoạt động tự do tại nhà vẫn sẽ được ưa chuộng. Hoặc các bộ trang phục không bị lỗi mốt có thể dễ dàng mặc nơi công sở hay tiệc tùng vẫn sẽ được ưu tiên mua sắm nhiều hơn trang phục có tính xu hướng. 

Dù vậy, các thương hiệu có thể tiếp tục truyền thông, quảng bá, bằng cách xây dựng hình ảnh các quý cô với những bộ trang phục của mình trong những hoạt động ngày thường. Hay tạo nên những chiến dịch ý nghĩa, tạo nên nguồn cảm hứng lạc quan, tích cực để chúng ta cùng nhau vượt qua mùa dịch lần nữa. Bởi suy cho cùng, thời trang vẫn là thứ mà chúng ta yêu-bằng-mắt và có khả năng tiếp thêm cho con người cảm xúc bay bổng trong giai đoạn khó khăn.

Thực hiện: Koi