5 điều có thể bạn chưa biết về son môi đỏ

Ngày đăng: 08/08/22

Trải qua nhiều thế hệ, lúc thăng lúc trầm, môi son đỏ vừa là món quà vừa là vũ khí gợi cảm của bao phụ nữ. Thế nhưng, liệu bạn đã biết hết về nó?

Nếu có một thứ gì đó đã chinh phục nhiều thế hệ phụ nữ trong nhiều thế kỷ, đó chính là màu son đỏ! Từ Cleopatra, Elizabeth I, Marilyn Monroe… đến gần như mọi phụ nữ có thân phận bình thường đều yêu mến, cuồng nhiệt với màu son đỏ, thậm chí coi nó như một biểu tượng của vẻ đẹp. Tuy vậy, màu son đỏ có một số phận với hai mặt hoàn toàn trái ngược. Không một thứ gì có thể khơi dậy tình yêu và sự quyến rũ như nó. Nhưng nó cũng từng được cho là dấu hiệu của quỷ dữ, là biểu hiện của một người có đạo đức đáng ngờ.

“Nếu buồn, nếu gặp chuyện đa cảm, hãy trang điểm, tô son đỏ lên môi và tiến lên!” – Coco Chanel

Lịch sử của son đỏ rất lâu đời và nhiều rắc rối, nhưng mỗi bước đi của nó đã giúp nó biến thành những dấu ấn cho đến ngày nay: không chỉ là một bí quyết làm đẹp đơn giản chỉ bằng một cử chỉ, mà còn là một biểu tượng thực sự của sự giải phóng, sự tự tin và lòng dũng cảm. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, doanh số bán hàng của những hãng son môi đỏ vẫn tăng cao. Giống như Coco Chanel từng có câu: “Nếu buồn, nếu gặp chuyện đa cảm, hãy trang điểm, tô son đỏ lên môi và tiến lên!”.

Dưới đây là 5 điều làm bạn bất ngờ về lịch sử của son môi đỏ!

Ra đời từ nhiều thế kỷ trước 

Trong suốt nhiều thời đại qua, son đỏ là biểu tượng gắn liền với sự quyến rũ và quyền lực. Kể từ khoảng 2.500 trước Công nguyên, Nữ hoàng Sumer Pu-Abi – người cai trị thành phố Ur, bắt đầu làm sáng đôi môi của mình bằng hỗn hợp bột làm từ đá đỏ và chì trắng mà bà cất bên trong vỏ của những con vật nhỏ. Khi đó, không ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn táo bạo của mỹ phẩm này.

Vào thời Sumer, màu son đỏ thể hiện uy tín xã hội, giống như việc các vị vua và hoàng hậu Ai Cập cổ đại mặc trang phục màu đỏ. Cleopatra đã dùng son môi đỏ để trang điểm, kết hợp đôi mắt đen của mình với đôi môi được tô màu cam, đỏ tươi và xanh đen nhờ hỗn hợp bọ ống khói, vảy cá và sáp ong.

Ngay cả ở Đế chế La Mã, nhuộm môi là một cử chỉ không phân biệt giới tính, một cách phân loại địa vị để phân biệt các quan chức cấp cao và hoàng đế. Trong số những người hâm mộ son đỏ lớn nhất là Poppaea, vợ của Nero. Cô ấy được cho là có cả một đội ngũ trợ lý chuyên chăm sóc đôi môi của cô ấy, với màu tô hoàn hảo bằng đất son, quặng sắt, sồi biển, dâu tằm, chanh, cánh hoa hồng và bã rượu. Son đỏ cũng từng có lịch sử gắn liền với những cô gái làng chơi, với chất liệu là sự pha trộn giữa mồ hôi cừu, nước bọt người và phân cá sấu. Gái mại dâm Hy Lạp buộc phải sử dụng chúng để làm chất màu, xác định nghề nghiệp của mình trước công chúng.

Được xem Màu của ác quỷ

Màu son đỏ hào nhoáng và sặc sỡ thường bị soi xét với một số nghi ngờ. Nó trải qua thời kỳ đen tối nhất trong thời kỳ Trung cổ, gắn liền với sự bí ẩn, đáng sợ, gần như là ma quỷ. Được biết, màu đỏ là màu của ma quỷ và vì lý do này mà nhà thờ sẵn sàng xử tội bất cứ ai tô son đỏ. Họ sẽ bị coi là tái sinh của Satan và buộc phải ăn năn vì đã bị lừa dối bởi thứ mỹ phẩm tội lỗi. Để tránh rắc rối và được coi là trong sáng và ngoan đạo, phụ nữ phải sử dụng các sắc thái nhẹ nhàng hơn như màu hồng nhẹ nhàng.

Sự hồi sinh của son môi đỏ là nhờ công lao của Nữ hoàng Elizabeth I của Anh, người đã tự hào thể hiện son môi đỏ ở nơi công cộng và riêng tư. Bà yêu thích màu son đỏ là hỗn hợp nước ép trái cây, lòng trắng trứng gà đến nỗi bà cho rằng nó có sức mạnh kỳ diệu. Thế nhưng, thời kỳ hạnh phúc của son môi đỏ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi vương miện lọt vào tay Nữ hoàng Victoria theo chủ nghĩa thuần túy, sản phẩm làm đẹp này bị coi là thô tục và thiếu tôn trọng, cần phải tránh xa. Thậm chí vào khoảng năm 1770, quốc hội Anh đề xuất một đạo luật mới: bất kỳ phụ nữ nào dụ dỗ các quý ông Anh bằng son đỏ trên môi sẽ bị trừng phạt vì tội phù thủy.

Nữ hoàng Elizabeth I của Anh – người đã hồi sinh son môi đỏ

Sự đau khổ và giải phóng của phụ nữ

Một số minh tinh điện ảnh đầu thế kỷ 20 như Sarah Bernhardt đã đưa son đỏ trở lại thịnh hành. Nhưng chính Elizabeth Arden mới là người trao cho nó quyền lực chính trị, nâng nó lên thành biểu tượng của sự nổi loạn và trao quyền cho phụ nữ. Năm 1912, người sáng lập của một trong những thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu thế giới đã xuống đường ở New York và phân phối son môi, tham gia cùng những người dân diễu hành đòi quyền lợi của họ. Ở Mỹ và Anh, các nhà lãnh đạo của phong trào nữ quyền như Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman bắt đầu diện đôi môi màu đỏ như một kiểu giải phóng thể chất khỏi những ràng buộc và sự phán xét của nam giới. Kể từ đó, son môi đỏ đã thịnh hành trở lại và thể hiện sự nữ tính lẫn kiên cường.

Son đỏ như một tuyên bố chống phát xít

Son đỏ là một trong những thứ Adolf Hitler ghét nhất. Đối với quốc trưởng Hitler, tô son đỏ là cách quá phóng túng và gợi cảm. Ông quan niệm sự thuần khiết của chủng tộc Aryan có nghĩa là một khuôn mặt tự nhiên không trang điểm. Vì vậy, phụ nữ ở các nước Đồng minh bắt đầu dùng môi đỏ như một dấu hiệu của cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa phát xít. 

Vào năm 1941 và trong suốt Thế chiến thứ hai, son môi đỏ trở thành bắt buộc đối với phụ nữ nhập ngũ vào Quân đội Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Helena Rubinstein đã tạo ra Regimental Red, thương hiệu son môi Cyclax của Anh, và Elizabeth Arden ra mắt Victory Red. Arden được chính phủ Hoa Kỳ ủy quyền sản xuất son môi và sơn móng tay cho phụ nữ phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến và tạo ra màu Montezuma Red huyền thoại mang màu đỏ nổi bật trên bộ quân phục. 

Cái tên son môi này liên quan đến bài ca của Thủy quân lục chiến, trong đó họ hứa sẽ chiến đấu cho đất nước của họ ở khắp mọi nơi, “từ các cung điện của Montezuma đến bờ biển Tripoli.” Sau khi quân đội Anh giải phóng trại tập trung Bergen-Belsen vào ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội Chữ thập đỏ Anh đã gửi những hộp son môi màu đỏ. Một cử chỉ nhỏ để giúp phụ nữ phục hồi, trở lại bình thường và khôi phục nhân cách và phẩm giá của họ. 

Tự hào và nổi loạn mãi mãi

Kể từ khi Chiến tranh kết thúc, lịch sử của son đỏ luôn dậy sóng nhờ những diva như Marilyn Monroe, Betty Page, Liz Taylor… Điều tương tự cũng xảy ra với các chính trị gia như “Quý bà sắt” Margaret Thatcher, Alexandria Ocasio-Cortez hay nhà hoạt động Marlén Chow, những người đã xuống đường chống lại chế độ độc tài của Nicaragua và đối mặt với những kẻ thẩm vấn quân đội với đôi môi màu đỏ. Họ đã truyền cảm hứng cho những người đàn ông và phụ nữ, biểu tình đòi trả tự do cho tất cả những người từng bị cầm tù bằng cách tô son đỏ với hashtag #SoyPicoRojo. 

Ngày nay, son đỏ – loại mỹ phẩm táo bạo nhất từ ​​trước đến nay, vẫn tiếp tục là biểu tượng của niềm tự hào, nổi loạn và giải phóng không chỉ cho phụ nữ, mà cho cả cộng đồng LGBT và bất cứ ai muốn khẳng định bản sắc riêng của mình.

Thực hiện: Bảo Lam

Theo: nssgclub.com