7 bài học từ huyền thoại thời trang André Leon Talley

Ngày đăng: 03/03/22

Từ cách sống “đẹp” cho đến trở thành một tác nhân chính của sự thay đổi, đây là di sản mà một trong những huyền thoại của thời trang thế giới André Leon Talley đã để lại cho chúng ta.

Tin tức về sự ra đi của André Leon Talley đánh dấu một mất mát không thể đong đếm không chỉ đối với thời trang, mà với cả thế giới. Một người khổng lồ của nền văn hoá Pop, nhà phê bình thời trang, tác giả văn học và cựu giám đốc sáng tạo của Vogue đã tạo ra những tiền lệ để định hình và góp phần xây dựng nên ngành công nghiệp thời trang ngày nay. Trong khi tiếc thương sự ra đi của một huyền thoại, hãy trân trọng những di sản mà ông để lại cho thế giới.

Chân dung André Leon Talley

Được nuôi dạy ở thời đại của Jim Crow, câu chuyện thời trang của André Leon Talley bắt đầu từ năm 1974 khi ông thực tập dưới trướng Diana Vreeland – biên tập của Vogue và giám đốc Viện Phục trang của bảo tàng Met thời bấy giờ. Từ đó, ông luân chuyển giữa các vị trí senior tại Interview, WWD, W và The New York Times, trước khi gia nhập Vogue vào năm 1983 với vai trò giám đốc tin tức thời trang. Ông trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí vào 1988, năm mà Anna Wintour bắt đầu tới Vogue, và làm việc ở vị trí biên tập chính cho tới 2013. André Leon Talley cũng là một tác giả xuất sắc, chắp bút cho các cuốn sách bao gồm Valentino, A.L.T: A Memoir, A.L.T. 365+, và gần đây nhất là cuốn hồi ký bán chạy nhất của ông: The Chiffon Trenches. Năm 2020, ông đã được trao giải Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres từ Cộng hòa Pháp vì những cống hiến của ông đối với nền văn hóa của đất nước này.

Đối với tất cả những thành tích của André Leon Talley, thứ sẽ sống mãi chính là tinh thần đáng gờm của ông. André thực sự yêu thích thời trang – đó là raison d’être – mục đích sống của ông ấy. Niềm đam mê của ông được hỗ trợ bởi vốn kiến thức “bách khoa toàn thư”, điều này được thể hiện rõ rệt trong các bài viết của André Leon Talley, như chuyên mục Vogue hàng tháng của ông: “Style Fax”. Bất cứ ai nhìn thấy ông – dù chỉ trong ảnh và phim – đều thấy rõ ràng rằng André Leon Talley là một người đàn ông cam kết sống theo đúng ý mình, đầy sự xa hoa và lập dị, và luôn không hề xấu hổ.

Trong khi là một hình mẫu truyền cảm hứng cho rất nhiều người, ông còn là một ngọn hải đăng sáng chói và cũng là minh chứng sống động trong giới sáng tạo, đồng thời một mình vạch ra con đường dẫn đến các vị trí cao nhất của ngành công nghiệp đầy tính cạnh tranh. Là người da màu duy nhất hay được nhìn thấy trên hàng ghế đầu của các show diễn, André Leon Talley là bằng chứng sống cho thấy những cơ hội từng bị cho là xa tầm với thực chất chẳng là gì. Có thể bạn sẽ thấy trong rất nhiều “captions” trên mạng xã hội ngày nay, André là người đã đặt nền tảng cho ngành thời trang đương đại. 

Sau đây là những bài học về cuộc sống mà André Leon Talley đã dạy chúng ta khi còn ở trên thế giới này.

1. Biết mọi thứ mình cần

Trong một thế giới mà thông tin có thể dễ dàng truy cập trong tầm tay, André Leon Talley là một trong số ít người có tất cả những nguồn tài liệu mà mình cần được lưu giữ cẩn thận trong đầu. Ông là “một trong những vị biên tập cuối cùng biết chính xác những gì họ cần ở đâu, họ đang xem những gì và nó tới từ đâu”. Tom Ford từng mô tả điều này trong bộ phim tài liệu năm 2017 “The Gospel According to André”, cho biết thêm André còn có thể định vị được bất kỳ nguồn tham khảo nào chỉ từ cái nhìn đầu tiên. Ông thực sự là một người yêu thích lịch sử thời trang cuồng nhiệt và tuyệt đối phù hợp với vai trò quan trọng mà bản thân ông đảm nhiệm.

2. Nếu bầu trời là giới hạn, hãy hướng tới vũ trụ

Miền Nam nước Mỹ, nơi theo chủ nghĩa tách biệt, gần như không phải là nơi bắt đầu lý tưởng cho những câu chuyện về hầu hết các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, nhưng tại đó, ở Durham, North Carolina, chính là nơi André Leon Talley bắt đầu. Được nuôi lớn bởi bà mình – một người yêu thời trang, sự kết hợp của trí tuệ, lòng kiên trì cùng khao khát về kiến thức đã cho ông một vị trí tại trường đại học North Carolina Central vào cuối những năm 60, nơi mà ông có tấm bằng Cử nhân về Văn học Pháp, và sau đó là học bổng thạc sĩ tại trường đại học thuộc khối Ivy League danh giá: Brown. Từ đó, con đường của ông tới thời trang đã tăng tốc độ khi Diana Vreeland, sau khi nhận thấy tài năng vượt bậc của André khi ông thực tập cho bà tại bảo tàng Met, đã sắp xếp cho ông một công việc tại tạp chí Interview của Andy Warhol. Chỉ trong vòng 1 năm, ông đã ở Paris, lên tới văn phòng tạp chí WWD của Pháp, và nổi tiếng với tư cách là biên tập viên người Da màu tài năng duy nhất được nhìn thấy tại các buổi triển lãm. Tất nhiên, gần 5 thập kỷ sau đó chính là lịch sử của thời trang.

3. Sống vì cái đẹp

“Đó là một vụ hạn hán của cái đẹp, bạn yêu ơi! Mắt tôi đang thèm khát cái đẹp đây!” là câu cảm thán bất hủ của André trong “The Gospel According to André”, và quả đúng vậy, có rất ít người thực sự hết mình về thời trang như ông. André là một người yêu cái đẹp theo nghĩa chân thật nhất, sống cuộc đời không ngừng theo đuổi vẻ đẹp siêu việt, bất kể hình thức của nó. Dù là người có thiên hướng trang trí công phu, những chiếc áo choàng dài hay trong tình bạn thân thiết với Diane von Furstenberg, Karl Lagerfeld và Manolo Blahnik, ông đã sống cuộc đời của mình như thể đó là một câu chuyện cổ tích – và cũng thường được mô tả như một câu chuyện cổ tích. 

4. Tử tế, ngay cả khi thế giới không làm vậy

Instagram @pam_boy

Bất kể ai đã từng biết hay nói chuyện với André sẽ kể cho bạn nghe về sự nhạy cảm, tử tế và hào phóng của ông. Mặc dù ông luôn mở lòng hết mình với thế giới, những những gì không nhận lại thường không phải là sự thân thiện. Trong cuốn hồi ký năm 2020 của mình – The Chiffon Trenches – mà André mô tả như một biên niên sử về “cuộc sống sống trong chiến hào” của ngành công nghiệp thời trang – sự nghiệp của ông đã gặp phải bởi các cuộc bạo động nhỏ và những trường hợp rõ ràng về phân biệt chủng tộc, như mọi người cũng nhận xét tàn nhẫn về kích cỡ của ông. Bất chấp sự đối xử tệ bạc nhất mà mình phải chịu đựng, André vẫn luôn tử tế từ trong tâm, kiên định làm phần việc của mình để đem lại những thay đổi tích cực trong môi trường thời trang nói riêng và thế giới nói chung.

5. Nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo

Trong một bài đăng bày tỏ lòng kính trọng được đăng trên Instagram, Pierre M’Pelé, Trưởng ban Biên tập Nội dung của GQ Pháp, viết: “ALT từng nói: ‘Tôi muốn được nhớ đến như một người đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người trẻ tuổi – tôi đã nuôi dưỡng ai đó và dạy họ theo đuổi ước mơ và sự nghiệp của họ, tôi đã để lại di sản của mình.” Thật vậy, đó chính xác là những gì ông sẽ được nhớ đến, với những tài năng và biểu tượng thời trang luôn cảm phục ông. Một ví dụ đáng chú ý là John Galliano, về cơ bản đã được vực dậy bởi André, người đã thúc đẩy anh ấy đi dọc theo con đường dẫn đến vinh quang mà Galliano bước lên sau này.

6. Nếu bạn có thể thay đổi cái gì, hãy làm đi

Khi những cuộc bàn tán xung quanh địa vị của André với tư cách là một “bù nhìn” cho những tài năng da màu đã được khuếch đại sau sự phân biệt chủng tộc của giới thời trang, ông đã là người đấu tranh cho sự đa dạng hơn trong ngành kể từ những ngày đầu tiên của sự nghiệp. André nói rằng, những năm 90 đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt đối với ông: “Tôi rất ý thức về việc có tiếng nói và trách nhiệm của mình khi sử dụng nó” – ông nói. “Tôi đã cố gắng đóng góp theo bất kỳ cách nào có thể, nhưng tôi đã đóng góp một cách thầm lặng – tôi không làm điều đó một cách phi lý.” Có lẽ một trong những ví dụ lâu dài nhất về cam kết của ông ấy trong việc thiết lập sự đa dạng trong thời trang là một cảnh trong ấn bản tháng 5 năm 1996 của Vanity Fair, để tưởng nhớ đến Cuốn theo chiều gió, trong đó André đã chọn Naomi Campbell vào vai Scarlett O’Hara – một điều bất thường trong thời đại mà người mẫu da đen được nhìn thấy ở vị trí dẫn đầu ít hơn nhiều so với ngày nay.

7. Luôn luôn vui vẻ

Rihanna tại thảm đỏ MET Gala 2015

Trên tất cả, một điều luôn tỏa ra từ André là khí chất của một người luôn vui vẻ – một người nhận ra đặc ân của việc có thể dành cả cuộc đời cho niềm đam mê lớn nhất của mình và rất biết ơn khi có thể làm được như vậy. Cho dù mặc đồ, viết về nó hay chỉ nhìn nó, ông tiếp cận thời trang với niềm đam mê trẻ thơ, bỏ qua những quy ước về những gì nên mặc hoặc những gì đang thịnh hành. Khi phỏng vấn Rihanna trên thảm đỏ tại Met Gala 2015 – năm cô mặc chiếc váy hoa cúc vạn thọ “hài hước” của Guo Pei – André đã thúc giục cô “hãy đắm mình vào khoảnh khắc này”. Khi nói về cuộc sống của chính mình, André là một trong số ít người hiếm hoi thực sự chú ý đến việc cho lời khuyên đến người khác.

Thực hiện: Lexi Hoang

Theo i-D