7 mô hình kinh doanh trong metaverse

Ngày đăng: 16/04/22

Dưới đây là 7 dự đoán về tương lai của mô hình kinh doanh trong metaverse, tập trung vào doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau: giải trí, công nghệ, điện tử, thời trang, nghệ thuật…

Từ khóa metaverse giờ đây trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết và được nhắc đến trong các cuộc đối thoại thường nhật của dân công nghệ, người làm trong giới giải trí hay ngành thời trang. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu các trải nghiệm thực tế tăng cường đã đủ để định hình một metaverse và có thể làm thay đổi xã hội của chúng ta hay không. Tuy nhiên, hiện tại ngành công nghệ đang tiến hành xây dựng nên những tiền tố giúp cấu thành nên metaverse đáng mong đợi, ví dụ như tai nghe tăng cường, công nghệ blockchain, non-fungible token (NFT), thiết bị internet và công nghệ đám mây… Tất cả như các phương tiện kết nối và tăng cường trải nghiệm ở metaverse và tạo ra các nguồn doanh thu mới cho ngành.

Việc khám phá đó có thể sẽ tiếp tục theo những cách mới khi công nghệ đang phát triển, ngày càng kết nối với nhau và được nâng cấp lên cấp độ cao hơn. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng trong tâm thế thử nghiệm hay lên kế hoạch để phát triển việc kinh doanh trong metaverse. Dưới đây là 7 mô hình kinh doanh trong metaverse được dự đoán sẽ trở nên phổ biến trong tương lai gần. 

1. Giải trí nhập vai toàn diện

Ngay ở thời điểm sơ khởi của metaverse ở hiện tại, giải trí nhập vai đã thực sự bùng nổ mạnh mẽ. Giải trí trong metaverse đang thu hút rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ những người tiêu dùng trẻ tuổi, những người có khả năng thúc đẩy tăng trưởng ngành metaverse.

Siêu sao nhạc pop Ariana Grande, DJ Marshmello, hay nam rapper Travis Scott đã từng có show diễn âm nhạc tăng cường thị giác và tính tương tác trong tựa game nhập vai đình đám Fortnite. Sự thịnh hành và du nhập nhanh chóng của các sự kiện tương tự gợi ý cách metaverse sẽ cung cấp trải nghiệm giải trí nhập vai mới. Mô hình kinh doanh này sẽ vô cùng phổ biến trong ngành game, trước khi lan rộng qua những nhóm ngành khác như thời trang, điện tử, vận tải, thể thao…

Show diễn của Ariana Grande và Travis Scott trong Fortnite

2. Ứng dụng thực tế tăng cường (AR) 

Nhiều công ty thuộc nhóm ngành công nghệ hay thời trang đã sử dụng thực tế tăng cường (AR) để cải thiện lẫn tăng cường khả năng vận hành. Một metaverse đáng mong đợi, được tích hợp đầy đủ những tính năng hiện đại sẽ phải bao gồm việc tạo ra môi trường tăng cường khả năng tương tác tiện ích, nhằm gia tăng năng suất làm việc, gắn kết các nhân lực trong công ty.

Metaverse được dự tính sẽ mang lại trải nghiệm phong phú hơn nhiều cho nhóm nhân viên vận hành, những người sẽ có thể sử dụng công nghệ thực tế tăng cường cho việc hướng dẫn chuyên môn hay đào tạo nhân lực nội bộ, từ lĩnh vực dịch vụ cho đến những lĩnh vực phức tạp đòi hỏi lao động trí óc và nghiệp vụ chuyên môn cao hơn. Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cũng sẽ giúp nâng cao việc hợp tác, phối hợp và làm việc theo nhóm trong doanh nghiệp.

3. Quảng cáo & tiếp thị bằng công nghệ VR

Một số thương hiệu đang tiến hành việc quảng cáo và tiếp thị bằng công nghệ VR. Chẳng hạn như công ty Hyundai Motor Company đã ra mắt Hyundai Mobility Adventure – một trải nghiệm tăng cường dành cho tệp người chơi của Roblox – một tựa game được xem là mô hình sơ khởi của metaverse ở thời điểm hiện tại.

Trải nghiệm này của Hyundai cho phép những nhân vật người chơi của Roblox được lái thử những sản phẩm di chuyển trong tương lai của hãng. Người chơi cũng có tùy chọn lái thử những phiên bản xe đã được ra mắt của Hyundai. Ngành thời trang cũng chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của nhiều thương hiệu danh tiếng như Gucci, Ralph Laurent, hay Nike trong không gian của Roblox, để tăng nhận diện của thương hiệu trong metaverse.

7 mô hình kinh doanh trong metaverse
Hyundai Mobility Adventure

Vào năm ngoái, hãng phim Warner Bros. Pictures cũng đã tổ chức một buổi tiệc “ảo”, cũng trong nền tảng Roblox để quảng bá cho bộ phim “In The Heights”. Không kém cạnh, Walt Disney cũng là một thương hiệu lớn khác đang nỗ lực quảng bá và xây dựng thương hiệu thông qua các dự án metaverse của riêng mình.

Trong một bài đăng trên LinkedIn vào tháng Mười Một vào năm 2020, Tilak Mandadi – người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số và công nghệ của Disney Parks, Experiences and Products Inc., đã đề cập về sáng kiến tạo ra một ​​”công viên giải trí metaverse” của riêng Disney, nơi “thế giới vật lý và kỹ thuật số [sẽ] hội tụ, với thiết bị đeo, điện thoại thông minh và các điểm truy cập kỹ thuật số giúp người tham gia được đắm chìm trong những trải nghiệm đa dạng.”

Các mảnh ghép cần thiết cho công cụ quảng cáo lẫn tiếp thị trong metaverse (theo nhận định của Mandali) sẽ bao gồm công nghệ máy tính phân tích hình ảnh, hệ thống hiểu biết ngôn ngữ tự nhiên, AR, VR, AI và thiết bị kết nối internet tân tiến là những công nghệ tối quan trọng.

4. Mô hình Work from home (Làm việc tại nhà)

Trong đại dịch, nhiều người đã phải trông cậy vào các tiện ích công nghệ như Google Meet hay Zoom để hội họp. Các công ty công nghệ như Meta và Microsoft vốn dĩ đang rất tập trung vào việc phát triển metaverse. Họ nhận thấy tiềm năng của mô hình Work from home khi giản lược được nhiều thứ, đồng nên tạo nên những phiên bản cải tiến, đem tới sự tiện nghi và thoải mái thông qua những cuộc họp “ảo”. Nên đây sẽ là một trong những mô hình kinh doanh chính trong metaverse.

“Trong vòng hai hoặc ba năm tới, tôi dự đoán hầu hết các cuộc họp ảo sẽ chuyển từ hình ảnh thu được từ camera 2D… sang metaverse – một không gian 3D với các nhân vật đại diện kỹ thuật số,Bill Gates viết trên blog của mình.

Ý tưởng cuối cùng là nhân vật ảo sẽ trở thành hình ảnh đại diện của con người, dùng để gặp gỡ người khác trong một không gian ảo được giả lập, nhằm mang tới cảm giác những người tham gia đang cùng hiện diện trong một không gian, cũng giống như là họ đang ở trong một căn phòng ngoài đời thực.”

“Để điều này có thể thực sự xảy ra, ngành công nghệ sẽ cần phải phát triển kính thực tế ảo (VR) và găng tay chụp chuyển động để hiển thị biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể và thiết bị tăng cường chất lượng giọng nói của người khác,” Gates nhấn mạnh.

7 mô hình kinh doanh trong metaverse
Thị trường của thiết bị công nghệ cao phục vụ cho metaverse như kính VR đang có tốc độ phát triển nhanh chóng

Những công cụ như vậy có thể giúp người lao động làm việc trong thế giới trực tuyến. Metaverse sẽ có thể nhanh chóng đưa họ đến các địa điểm làm việc khác, đồng thời cho phép họ tương tác với những người khác trong cả thế giới ảo và thực. Một ví dụ cụ thể cho viễn cảnh này: thông qua những công nghệ kỹ thuật số giúp người lao động ở vị trí lãnh đạo làm việc tại nhà, có thể quản lý nhiều cửa hàng bán lẻ, hay giải quyết các tình huống phát sinh bất chợt trong công việc một cách thuận tiện và nhanh chóng.

5. Giáo dục & hướng nghiệp trong metaverse

Metaverse sẽ không chỉ là không gian giải trí, mà một trong những lĩnh vực có đủ sức tăng trưởng và thừa hưởng những tiện ích đa dạng của metaverse chính là giáo dục. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xem xét cách metaverse vận hành trong tương lai, với khả năng truyền dữ liệu theo thời gian thực, kèm với khả năng tương tác (trong thời gian thực) trong không gian ảo, có thể thay đổi và cải thiện tính hiệu quả của toàn ngành giáo dục.

Viễn cảnh trong tương lai của metaverse sẽ là các doanh nghiệp tổ chức trong nhiều ngành khác nhau, khai thác metaverse để đào tạo nâng cao cho nhân viên của họ. Trong ngành giáo dục, giảng viên và sinh viên trên toàn cầu có thể gặp nhau trong metaverse và cùng nhau học tập thông qua các tình huống được giả lập dựa theo tính thực tế. Điều này sẽ giúp cho chất lượng và nội dung của bài giảng trở nên thú vị, hấp dẫn và dễ tiếp thu hơn.

7 mô hình kinh doanh trong metaverse
Viễn cảnh về giáo dục và hướng nghiệp trong metaverse là rất thiết thực

6. Xúc tiến thương mại sản phẩm kỹ thuật số (lẫn vật lý)

Nhiều doanh nghiệp đã và đang bán hàng hóa, dịch vụ chỉ tồn tại trong thế giới kỹ thuật số. Cụ thể, thương hiệu thời trang Gucci đã hợp tác với Superplastic để tạo ra một bộ sưu tập NFT giới hạn. Trong khi đó thương hiệu Ralph Lauren đang bán quần áo kỹ thuật số trong Roblox cho các game thủ, còn thương hiệu Nike đang tạo ra các NFT liên kết với các sản phẩm vật lý của thương hiệu. Việc bán sản phẩm kỹ thuật số và cả phiên bản vật lý của nó là một chiến lược mà nhiều thương hiệu thời trang đang áp dụng.

Việc các thương hiệu thời trang tên tuổi đang bán quần áo và phụ kiện ở dạng kỹ thuật số, họ đang đi theo cách thức mà ngành game đã làm, để có thêm một nguồn doanh thu trong việc vận hành trong suốt hai thập kỷ qua. Chỉ đó điều, giờ đây ngành thời trang và việc giao thương áo quần kỹ thuật số trong metaverse là hoàn toàn hợp lý. Khi mà các nền tảng sơ khởi của metaverse là các tựa game, thì việc các thương hiệu thời trang hợp tác với các nền tảng như thế là một nỗ lực rất kịp thời để du nhập xu thế, nhờ vậy mà mở đường cho các cơ hội kinh doanh lớn hơn trong tương lai.

7 mô hình kinh doanh trong metaverse
Triển lãm của Gucci mang tên “Archetypes Gucci Garden” trong Roblox được tổ chức vào tháng Năm 2021

7. Nâng tầm dịch vụ chăm sóc/trải nghiệm của khách hàng

Metaverse có tiềm năng thay đổi cách thức, thời gian và vị trí các công ty tương tác với khách hàng của họ, vì các nền tảng thực tế mở rộng cho phép các doanh nghiệp mang đến trải nghiệm mới và cung cấp thông tin theo những cách hoàn toàn mới.

Chẳng hạn, một khu nghỉ mát trượt tuyết có thể tạo ra một hướng dẫn “ảo” chân thực cho người trượt tuyết khi họ di chuyển xuống núi, cung cấp thông tin được cá nhân hóa trong thời gian thực để nâng cao trải nghiệm của người trượt tuyết. Hoặc, một công ty du lịch có thể cung cấp trải nghiệm nhập vai liên tục trong thế giới ảo được dựa trên địa lý của thế giới thực để thông báo cho khách du lịch khi họ di chuyển qua các điểm đến mới – chẳng hạn như đưa các sự kiện lịch sử vào cuộc sống ở các thành phố có bề dày lịch sử.

Các công ty cũng có thể cung cấp cho khách hàng tiềm năng những trải nghiệm mua sắm thay thế. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô có thể cung cấp các chương trình lái thử trong bối cảnh thực tế mở rộng. Tất cả những điều này sẽ giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng lên một tầm cao mới, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng tương tác nhất.

Công nghệ thử đồ 3D của ngành thời trang sẽ trở thành một trong những tiện ích chăm sóc và trải nghiệm mua sắm thuận tiện dành cho khách hàng được tích hợp trong Metaverse.

Thị trường ước tính của metaverse

Theo nghiên cứu của công ty Gartner, đã dự đoán rằng khoảng 25% nhân loại sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong metaverse vào năm 2026. Các nền tảng công nghệ metaverse được dự đoán sẽ trở thành một thị trường sinh lợi – đạt mức 800 tỷ USD vào năm 2024, theo một báo cáo của Bloomberg vào tháng Mười Hai năm ngoái. Chính nỗi sợ hãi về việc bỏ lỡ nguồn doanh thu tiềm năng đó là một động lực mạnh mẽ để nhiều doanh nghiệp dấn thân vào metaverse. Về phía khách hàng tiềm năng, họ sẽ là những người dẫn đầu xu hướng muốn tìm hiểu cách hoạt động trong thế giới kỹ thuật số mới lạ, trong khi đó một số khác vì sợ bị tụt hậu với thời đại hoặc chậm chân đầu tư.

Sự nhất quán về định nghĩa của metaverse vẫn còn chưa được rõ ràng, thống nhất ở thời điểm hiện tại. Hiện cũng không có nền tảng công nghệ tăng cường trải nghiệm thực tại ảo nào có thể tạo ra được nhân diện ảo – mà có thể sống, làm việc và tiêu dùng ở trong thứ được nhận định là cuộc cách mạng của internet. Câu hỏi được đặt ra là liệu metaverse sẽ được thống nhất giống với internet hay không, và những vấn đề tiềm ẩn trong việc phát triển metaverse sẽ được giải quyết như thế nào – mà cụ thể nhất là việc tiêu tốn điện khổng lồ dẫn đến phát thải khí nhà kính, những vấn đề liên đới đến tính an toàn và pháp lý trong metaverse, cũng như việc chế tài, lập pháp dành cho các doanh nghiệp khởi tạo, quản trị và vận hành metaverse.

Dù vẫn còn rất nhiều những câu hỏi còn bị bỏ ngỏ, thì metaverse cùng những tiện ích thực tế của nó đang được mở ra, với một tốc độ phát triển và thích ứng nhanh chóng, từ cả phía doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Kinh doanh trong metaverse là vô cùng đáng để trông đợi cho tất cả các nhóm ngành trong tương lai.

Bài viết có tham khảo từ TechGadget

Thực hiện: Fellini Rose


SR Fashion Business Talk Episode 15: “Metaverse and NFT in Fashion”

“Metaverse” được xem là từ khoá của ngành thời trang và bán lẻ trong năm 2022. Khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để sử dụng internet, thì vũ trụ metaverse trở thành “bệ phóng hoàn hảo” cho “hàng hóa ảo”. Các nhà lãnh đạo trong ngành thời trang cần khám phá ra những cách tương tác mới với nhóm khách hàng trẻ ngày nay, bằng cách thử nghiệm với NFT, trò chơi và thời trang ảo, các thương hiệu sẽ thông qua giá trị metaverse thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi và tìm ra những con đường mới đến sáng tạo, thương mại và cộng đồng.

Dưới sự dẫn dắt của chị Trần Hà Mi, Co-Founder Style-Republik.com và các khách mời chuyên gia trong cả hai ngành: thời trang và công nghệ, chúng ta sẽ có cái nhìn chuẩn xác về Metaverse và NFT, đồng thời khám phá sự tác động của chúng lên ngành thời trang thời gian gần đây.

SR Fashion Business Talk Episode 15: “Metaverse and NFT in Fashion”
Ngày: 09:30 AM, Chủ Nhật, 24.04.2022
Địa điểm: Auditorium 2.1.004, RMIT University Saigon South Campus, 702 Nguyễn Văn Linh, TP Hồ Chí Minh.
Link đăng ký SR Fashion Business Talk: https://bit.ly/SRFBTep15FashionMetaversenNFT


 

Tags: