Những chiến thắng ấn tượng của các thương hiệu xa xỉ trong chiến lược tiếp thị văn hoá năm 2024
Ngày đăng: 16/01/25
Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi, các thương hiệu buộc phải sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sự kết hợp giữa hiểu biết văn hóa và đổi mới kỹ thuật số là chìa khóa để kết nối thành công với nhóm khách hàng này.
Những thương hiệu như Dior, Miu Miu, Charlotte ilbury,… với những chiến dịch tiếp thị văn hóa (culture marketing) ấn tượng năm vừa qua đã thể hiện sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại đầy sáng tạo, đưa trải nghiệm của người dùng vượt xa tiêu chuẩn, đem lại ấn tượng lâu dài.
Charlotte Tilbury x F1
Vào tháng 2/2024, Charlotte Tilbury đã được công bố là đối tác chính thức của F1 ACADEMY 2024 – thương hiệu mỹ phẩm tài trợ thể thao toàn cầu đầu tiên . Charlotte Tilbury cũng sẽ là thương hiệu mỹ phẩm đầu tiên và là thương hiệu đầu tiên do phụ nữ sáng lập trở thành nhà tài trợ của F1 ACADEMY. F1 ACADEMY là một dự án mới đầy tham vọng của Formula 1® nhằm phát triển và chuẩn bị cho các tay đua nữ có cơ hội tiến lên các cấp độ cạnh tranh cao hơn.
Quan hệ đối tác này sẽ hiện thực hóa mục đích chung của Charlotte Tilbury và F1 ACADEMY là trao quyền cho mọi người, ở mọi nơi để họ cảm thấy tự tin nhất. Charlotte Tilbury sẽ sử dụng nền tảng toàn cầu của mình cho các tay đua nữ tuyệt vời của F1 ACADEMY, giúp họ xây dựng sự nghiệp và tôn vinh những thành tựu, tài năng của họ, qua đó thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả về cơ hội mà môn thể thao này mang lại cho phụ nữ. Hiện tại, 40% người hâm mộ F1 là nữ, đóng góp vào tổng số lượt xem của mùa giải 2022 lên tới hơn 1.5 tỷ.
Đây là một bước đi rất sáng tạo, đầy tính chiến lược, mạnh mẽ và truyền cảm hứng, đồng thời cũng tạo được sự kết nối mạnh mẽ giữa lĩnh vực sắc đẹp và thể thao, góp phần thúc đẩy sự hiện diện của phụ nữ trong thể thao đua xe, một lĩnh vực mà trước đây ít thấy sự tham gia của nữ giới. Charlotte Tilbury không chỉ quảng bá sản phẩm của mình mà còn tham gia vào một cuộc cách mạng văn hóa, khích lệ phụ nữ trên toàn thế giới mạnh dạn đứng lên và theo đuổi những ước mơ.
Dior’s ‘Gold House’
Ra mắt vào ngày 08/12/2024, Dior’s ‘Gold House’ tại Bangkok Thái Lan là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình “Dior Around The World” sau Seoul, Hàn Quốc nhằm tôn vinh khát vọng nghệ thuật của người sáng lập nhà mốt – Christian Dior.
Không gian phủ vàng – biểu tượng vĩnh cửu của Dior, được thiết kế để phát triển theo mùa và bộ sưu tập và nằm giữa một khu vườn tuyệt đẹp tựa như “dấu ngoặc đơn” quyến rũ ở trung tâm của thủ đô văn hóa sôi động và tràn đầy năng lượng.
Mặt tiền của Dior Gold House lấy cảm hứng từ kiến trúc của số 30 đại lộ Montaigne ở Paris – trụ sở lịch sử của Dior. Bên trong không gian được trang trí với các tác phẩm nghệ thuật từ 9 nghệ sĩ Thái Lan, bao gồm các tác phẩm như điêu khắc dấu chân voi của Boonserm Premthada, xe tuk-tuk bằng mây của Sarun Yen Panya từ 56th Studio và ghế bành của Ek Thongprasert. Những tác phẩm đã tôn vinh sự kết hợp giữa thủ công truyền thống Thái Lan và tinh thần sáng tạo của Dior.
Như một bất ngờ cuối cùng, Café Dior mang đến một khoảng lặng tinh tế cho ẩm thực, tô điểm thêm cho mỗi lần ghé thăm bằng một nét quyến rũ, một lời mời gọi thưởng thức những món ngon ngọt ngào do đầu bếp ba sao Mauro Colagreco nghĩ ra.
Vòng tay cuộn băng dính của Balenciaga
Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào Tuần lễ thời trang Paris 2024, chiếc vòng tay không khác gì một cuộn băng dính (hay nói đúng hơn là dùng cuộn băng dính đeo vào tay) của Balenciaga đã ngay lập tức gây xôn xao cõi mạng.
Với giá phải bỏ ra là 3.300 USD để sở hữu chiếc “vòng tay” quen thuộc này, nhà mốt đã nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều cùng hàng loạt cuộc tranh luận về loại phụ kiện kì lạ của mình. Rất nhiều cư dân mạng toàn cầu cũng tự tạo cho mình chiếc vòng tay giống hệt thương hiệu chỉ bằng cuộn băng dính sẵn có ở nhà của họ, trào lưu này nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng.
Thật ra, chiếc vòng tay băng dính chỉ là sản phẩm mới nhất trong truyền thống lâu đời, đầy tự hào và khiêu khích của Balenciaga về việc tạo ra những sản phẩm với cách tiếp cận “phản không tưởng”.
Chiến dịch này của Balenciaga có thể được coi là một phần của chiến lược “culture marketing” khi thương hiệu sử dụng các yếu tố văn hóa đại chúng và thiết kế gây tranh cãi để thu hút sự chú ý và tạo ra cuộc thảo luận.
Bằng cách này, Balenciaga không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ trong tâm trí công chúng, bất kể phản ứng tích cực hay tiêu cực.
Miu Miu’s ‘Summer Reads’ pop up
Vào mùa hè năm 2024, Miu Miu đã triển khai dự án “Summer Reads” bằng cách thiết lập các quầy báo pop-up tại nhiều thành phố lớn như New York, London, Milan, Tokyo, Seoul, Thượng Hải, Hồng Kông và Paris.
Mỗi quầy báo được thiết kế độc đáo, mang đến cho khách tham quan cơ hội nhận miễn phí hai trong số ba tác phẩm văn học kinh điển do các nữ tác giả viết, “Forbidden Notebook” của Alba de Céspedes, “A Woman” của Sibilla Aleramo và “Persuasion” của Jane Austen. Mục tiêu của Miu Miu thông qua dự án này là tôn vinh tiếng nói và cuộc sống của phụ nữ qua các thời đại, đồng thời khuyến khích việc đọc sách trong cộng đồng.
Chiến dịch “Summer Reads” của Miu Miu là một ví dụ tiêu biểu về “culture marketing”, khi thương hiệu kết hợp thời trang với văn hóa và nghệ thuật để tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Bằng cách thúc đẩy việc đọc sách và tôn vinh các tác giả nữ, Miu Miu không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn thể hiện cam kết đối với việc thúc đẩy văn hóa và giáo dục trong xã hội.
Arc’teryx Museum
Tháng 1/2024 vừa qua, thương hiệu thời trang ngoài trời cao cấp của Canada, Arc’teryx, đã khai trương không gian concept mang tên “Arc’teryx Museum” tại đường Nam Kinh Tây, Thượng Hải.
Đây là cửa hàng đầu tiên của Arc’teryx trên toàn cầu được gọi là “bảo tàng”, lấy cảm hứng từ vùng bờ biển và núi non Vancouver, British Columbia, Canada. Không gian được chia thành bốn khu vực theo chủ đề, từ cảnh quan đá đến rừng cây, mang đến trải nghiệm leo núi nhập vai cho khách hàng khi di chuyển qua các tầng. Ngoài ra, cửa hàng còn có góc trình chiếu nội dung nghe nhìn và trung tâm chăm sóc sản phẩm reCARE.
Đây không phải là động thái đầu tiên thể hiện cam kết của thương hiệu trong việc kết hợp kinh doanh với trải nghiệm văn hóa. Trước khi khai trương, Arc’teryx đã trình chiếu phim tài liệu ngắn “Searching for the Christmas Tree” trên màn hình lớn bên ngoài cửa hàng, kể về hành trình của các vận động viên Arc’teryx tìm kiếm vách đá băng hình cây thông Noel tại dãy núi Thái Hành, Hà Nam, đồng thời, từ ngày 4/2, cửa hàng đã tổ chức triển lãm về áo khoác Alpha SV huyền thoại.
Việc mở cửa hàng concept lớn nhất tại Thượng Hải cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với Arc’teryx. Thương hiệu hiện có 63 cửa hàng tại Trung Quốc Đại lục, chiếm một nửa tổng số cửa hàng toàn cầu. Bằng cách tạo ra không gian bán lẻ kết hợp trải nghiệm văn hóa và sự kiện, Arc’teryx không chỉ củng cố hình ảnh thương hiệu mà còn xây dựng cộng đồng trực tuyến và ngoại tuyến mạnh mẽ, phù hợp với chiến lược “culture marketing”.
Moncler’s The City of Genius
Tháng 10/2024, Moncler đã tổ chức sự kiện “The City of Genius” tại Thượng Hải, đánh dấu một bước tiến mới trong dự án Moncler Genius.
Sự kiện này thu hút khoảng 8.000 khách mời, bao gồm nhiều ngôi sao quốc tế như Rihanna, A$AP Rocky và Anne Hathaway, cùng với hơn 57 triệu lượt xem trực tuyến.
“The City of Genius” được thiết kế như một thành phố với mười “khu phố” độc đáo, mỗi khu vực do một nhà sáng tạo hoặc nghệ sĩ đảm nhận, thể hiện tầm nhìn và phong cách riêng biệt.
Sự kiện này không chỉ là một buổi trình diễn thời trang, mà còn là một trải nghiệm đa ngành, kết hợp giữa nghệ thuật, âm nhạc và công nghệ, thể hiện cam kết của Moncler trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Thực hiện: Elio
Theo Jing Daily, Vogue