Điều gì xảy ra khi các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton lao vào cuộc đua thương mại điện tử?
Ngày đăng: 27/11/19
Vừa qua, Louis Vuitton đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử thông qua các cửa hàng trực tuyến để người mua có thể mua sắm trực tuyến, nhận hàng trực tiếp tại nhà, mà không cần qua bất kì nhà bán lẻ trung gian nào.
Thực chất, đây không phải là hướng đi mới của Louis Vuitton ở lĩnh vực thương mại điện tử. Nhà mốt xa xỉ này đã ra mắt trang thương mại điện tử đầu tiên tại Pháp vào năm 2005 và kể từ đó đã mở rộng ra 25 quốc gia trong đó có Đức, Ý, Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Ireland và Monaco…
Cuộc đua của 2 ông trùm lĩnh vực xa xỉ
Sau một thời gian chậm chân trong việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, thậm chí có phần thờ ơ với thương mại điện tử, nhiều tập đoàn xa xỉ bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thương mại điện tử thông qua việc kiểm soát các kênh phân phối và kiểm soát giá cả nhiều nhất có thể – hai yếu tố giúp giữ vững vị thế độc quyền của thương hiệu.
Chủ sở hữu thương hiệu Gucci, tập đoàn Kering cũng cho biết họ đang phát triển mảng thương mại điện tử cho các thương hiệu mà họ sở hữu từ vài năm nay, để bán các sản phẩm xa xỉ đồng thời kiểm soát hình ảnh và dữ liệu khách hàng.
Trên toàn ngành công nghiệp hàng xa xỉ nói chung, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% doanh thu của doanh nghiệp hiện nay và sẽ đạt 25% doanh số vào năm 2025 theo ước tính. Đối thủ của Kering, tập đoàn LVMH cũng đang ra sức thúc đẩy tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực này.
Điều gì xảy ra khi khách hàng có thể sở hữu món hàng xa xỉ quá nhanh chóng?
Để cạnh tranh với những trang thương mại trực tuyến khác, Nhà mốt Pháp Louis Vuitton cung cấp dịch vụ vận chuyển kịp thời rất ấn tượng đem bưu kiện của bạn đến nhà gần như cùng ngày. Theo CNA Luxury, dịch vụ White Glove cao cấp của Louis Vuitton thậm chí còn lựa chọn cho bạn một người giao hàng phù hợp với món thiết kế đắt tiền bạn vừa mua.
Cách đây đã lâu, trên trang Farfetch loan báo rằng các mặt hàng của Gucci sẽ được trao tận tay khách hàng trong 90 phút sau khi đặt mua tại 10 thành phố lớn trên toàn cầu. Farfetch, Net-a-Porter, Matchesfashion.com và nhiều website khác cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày tại các kinh đô thời trang thế giới và điểm đến du lịch (và Matchesfashion giao hàng trong 90 phút tại London), nhưng Gucci cam kết rằng sẽ ngày càng rút ngắn thời gian hơn nữa.
Và để cạnh tranh từng đơn hàng, dịch vụ giao hàng nhanh chóng trở thành điểm then chốt trong chiến lược kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ. Giống như một quả cầu tuyết đang lăn nhanh từ các thương hiệu này đến các thương hiệu khác, theo hiệu ứng domino, cuộc chiến thương mại điện tử vẫn đang tiếp tục. Amazon đang nắm giữ sân chơi thương mại điện tử, nhưng mà sẽ như thế nào khi các nhà thời trang xa xỉ lao theo cuộc đua? Trong khi với phân khúc thời trang xa xỉ, chờ đợi cũng là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị sản phẩm và kích thích sự thèm muốn của khách hàng.
Thực hiện: Koi