3 sai lầm thường gặp khi “tay ngang” kinh doanh thời trang

Ngày đăng: 21/04/20

Nếu như bốn năm năm về trước, thị trường thời trang Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để các thương hiệu phát triển, thì trong hai ba năm trở lại đây kinh doanh thời trang Việt gặp nhiều khó khăn. 

Các thương hiệu mọc lên như nấm, nhưng thiếu chiến lược kinh doanh, thiếu tầm hình và không có nhiều ý tưởng sáng tạo. Mức độ cạnh tranh ngày càng cao khi các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế như Zara, H&M đổ bộ vào Việt Nam. 

Năm 2019, người tiêu dùng có thể chứng kiến những cơn bão “sale” liên tục từ các thương hiệu thời trang Việt. Kích cầu mua sắm bằng cách “Sale” được nhiều thương hiệu thường xuyên áp dụng đến mức khách hàng cũng dần trở nên không tha thiết nữa. Và thay vì mua ngay các sản phẩm trong sưu tập khi mới ra mắt, một bộ phận khách hàng chuyển sang đợi sale hãy mua. 

Năm 2019, người tiêu dùng có thể chứng kiến những cơn bão “sale” liên tục từ các thương hiệu thời trang Việt. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Tại Việt Nam, không hiếm những người kinh doanh thời trang vốn dĩ là “tay ngang”, không có chuyên môn về thiết kế, không am hiểu nhiều về kinh doanh thời trang, không nhiều kiến thức về xây dựng thương hiệu. Họ phải tự mình mò mẫm, nghiền ngẫm và xoay xở để tìm hướng đi trong cơn bão thị trường. Không thể phủ nhận nhiều người có thể tự mình mày mò học hỏi từ con số không để từng bước phát triển và xây dựng thương hiệu thành công. Nhưng cũng không ít người đã bỏ cuộc chơi nhanh chóng trong một hai năm đầu. 

Không am hiểu về thiết kế thời trang 

Thực tế, để có thể xây dựng một thương hiệu thời trang, chủ thương hiệu không nhất thiết phải học qua thiết kế thời trang. Nhiều nhà sáng lập các thương hiệu thời trang Việt lâu năm và thành công vẫn có thể tốt nghiệp một chuyên ngành khác, tiêu biểu là Nhà thiết kế Công Trí tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh, khoa Mỹ thuật Công nghiệp; chị Yến Vũ – nhà sáng lập của thương hiệu Cocosin, tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại tại Đại học RMIT Việt Nam…

Tuy nhiên, mức độ am hiểu thời trang của nhà sáng lập chỉ không nên dừng lại ở mức biết phối đồ và nhận biết những kiểu dáng trang phục đơn giản, điều này sẽ không thể đảm bảo thương hiệu có thể đi được con đường dài. Theo chị Trần Hà Mi, Fashion Marketing Strategist, chia sẻ trong chương trình SR Fashion Business Talk Series Ep 2 How to survive in fashion business: không hiếm lạ việc nhiều người nhảy sang lĩnh vực kinh doanh thời trang bằng việc đem một sản phẩm mình thích (hay nhận thấy là kiểu dáng đó hiện bán chạy trên thị trường) đến xưởng may để sản xuất ra sản phẩm tương tự (hoặc chỉnh sửa chút ít) rồi đem bán. Tương tự vậy, nhiều người kinh doanh thời trang bằng cách lướt Facebook, Pinterest, Tạp chí thời trang Quốc tế… để chọn những kiểu dáng trang phục rồi đặt nhà xưởng sản xuất. Điều này chỉ có thể khiến cho thương hiệu có thể tồn tại trong một thời gian ngắn, một hoặc hai mùa. 

(Ảnh mang tính chất minh họa)

Vì sao kiến thức và kinh nghiệm về thiết kế thời trang lại quan trọng? Vì đó là cốt lõi của thời trang, kể cả khi thương hiệu của bạn chỉ thiên về kinh doanh thời trang ứng dụng chứ không chọn nghệ thuật. Hiểu về lịch sử, cách vận hành của các thương hiệu thời trang, các phân khúc sản phẩm, các mô hình kinh doanh… càng nhiều kiến thức càng giúp xây dựng tầm nhìn rõ ràng cho thương hiệu. Bên cạnh đó, kiến thức về mặt thiết kế như hiểu về phom dáng, đường may, kỹ thuật trên bề mặt chất liệu… giúp các chủ doanh nghiệp dễ dàng làm việc với thợ may của mình hoặc đối tác xưởng may hơn, cho ra đời những sản phẩm như mong muốn. 

Nhiều thương hiệu khác thuê đội ngũ thiết kế có chuyên môn, chủ thương hiệu đảm nhận khâu quản lý và kinh doanh, đây cũng là hướng giải quyết phổ biến nhất. 

Tầm nhìn của thương hiệu không rõ ràng 

Việc không có định vị thương hiệu rõ ràng cũng là một trong những điều phổ biến của nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam. Nhiều chủ thương hiệu muốn đánh vào thị trường thời trang cao cấp do lợi nhuận cao, nhưng nhìn chung chiến lược tiếp cận khách hàng lại khá mơ hồ, mục tiêu hướng đến mông lung, như “đối tượng khách hàng là những người giàu có sành điệu”, “trang phục có thể mặc trong bất cứ trường hợp nào”… 

(Ảnh mang tính chất minh họa)

Đối tượng khách hàng càng cụ thể, càng giúp cho chiến lược marketing của thương hiệu có hiệu quả. Chị Yến Vũ của Cocosin từng chia sẻ với Style-Republik về đối tượng khách hàng của thương hiệu: “Kể từ khi Cocosin được thành lập vào bảy năm trước đến nay, tôi đều cố gắng nhận biết các khách hàng. 80% khách hàng của Cocosin là nhân viên văn phòng, những người sẵn sàng ăn mặc rất chỉn chu. Đó cũng có thể là bộ trang phục có thể được biến đổi đôi chút để tham dự tiệc tùng vào buổi tối. Chính vì hiểu được mình phục vụ ai, nên đội ngũ Cocosin có thể tạo dựng và phát triển các bộ sưu tập phù hợp.” 

Bởi vì xác định được phân khúc khách hàng là “nhân viên văn phòng”, thương hiệu có thể đưa ra mức giá phù hợp. Song song đó, mục đích diện trang phục của khách hàng rất cụ thể có thể thấy là “đến văn phòng” hoặc “thi thoảng tiệc tùng”. 

BST GIRLS RUN THE WORLD MÀ COCOSIN HỢP TÁC CÙNG VỚI JESSICA MINH ANH (ẢNH: COCOSIN)

Nhiều chủ thương hiệu thời trang cố gắng mở rộng đối tượng khách hàng của mình càng rộng càng tốt, vô tình chung điều này làm khó cho đội ngũ marketing (mà đôi khi chi phí khá cao do thuê ngoài), bởi sản phẩm của họ lại không thích hợp với số đông. Như, một số bộ áo váy sexy có mức giá 5-10 triệu đồng thường không phải là ưu tiên hàng đầu đối với những người phụ nữ 30-50 tuổi (vì những trở ngại về hình thể). Những người phụ nữ càng giàu có và sành điệu thì càng khắt khe trong việc chọn lựa thương hiệu khi mua sắm, và họ đòi hỏi nhiều giá trị trong sản phẩm chứ không đơn thuần là vung tiền ngay khi sản phẩm lướt qua trên News Feed của mình. 

Nhận diện được chính xác đối tượng khách hàng, mang đến cho họ sản phẩm mà họ mong muốn, mới là chìa khóa bán được hàng mà nhiều thương hiệu bỏ quên. 

(Ảnh mang tính chất minh họa)

Quá phụ thuộc vào bán hàng trên Facebook, bỏ quên cửa hàng  

Giai đoạn vàng để bán hàng trên Facebook đã qua, nhất là với mặt hàng thời trang. Giờ đây, khi bạn click vào một Fanpage bán hàng, Facebook sẽ gợi ý cho bạn một số cửa hàng khác. Quá nhiều yếu tố chi phối tâm trí khách hàng khi lướt qua sản phẩm của bạn. Đó là chưa kể, sau đó News Feed của họ có thể hiện ra loạt sản phẩm tương tự của bạn. Và đáng e ngại là trong đó có thể có mặt hàng tương đồng mà giá rẻ hơn. Trong khi đó, chi phí để các thương hiệu bỏ ra cho ekip thực hiện hình ảnh để bán hàng, chi phí chạy quảng cáo trên Facebook, chi phí cho nhân viên trực inbox và chốt đơn hàng, chi phí cho cửa hàng ngày càng không nhỏ. 

Nhiều chủ cửa hàng thời trang vẫn đi theo đường lối cũ, “bỏ quên” cửa hàng của mình. Họ mong chờ một cách thụ động khách hàng sẽ đến, thử đồ, chọn lấy và đi, thay vì mời gọi khách hàng đến và trao cho họ một trải nghiệm đặc biệt, khiến họ trở lại. 

Ảnh: Xéo Xọ

Xéo Xọ, một thương hiệu thời trang từ Hà Nội, với đối tượng khách hàng từ 24-40 tuổi, những người sẵn sàng chi tối thiểu 3-4 triệu/ tháng cho trang phục. Không chỉ thiết kế có phong cách riêng, họ còn tìm cách xây dựng cửa hàng theo concept riêng. Xéo Xọ đặt ra mục tiêu, khách hàng bước vào cửa hàng phải có tâm lý thư giãn, có trà uống, có hương thơm… từng góc nhỏ được chăm sóc cẩn thận. Nhân viên nhớ được khách hàng cũ thích gì để tư vấn và chính nhân viên cũng là người mặc sản phẩm mẫu gợi ý cho khách hàng tham khảo. Từ đó doanh thu bán trực tiếp tại cửa hàng của họ cao hơn bán online và họ có lượng khách hàng thân thiết. 

Tạm kết

Từ những điều trên cho thấy, kinh doanh thời trang đòi hỏi người chủ thương hiệu phải đặt hoàn toàn tâm huyết của mình vào việc kinh doanh, duy trì và phát triển thương hiệu. Thay vì nuôi tham vọng “làm chơi ăn thật” trong kinh doanh thời trang, dựa vào may rủi, thì nền tảng vững chắc về kiến thức chuyên môn lĩnh vực kinh doanh thời trang giúp tiết kiệm được thời gian và công sức khá nhiều. 

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỉ USD với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân, không phải hàng cao cấp. Điều này cho thấy thị trường kinh doanh thời trang Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, tuy nhiên cần nhất là sự bứt phá từ các thương hiệu Việt. 

Thực hiện: Hoàng Khôi