Cẩm nang về kem chống nắng, liệu bạn đã hiểu rõ về chúng?
Ngày đăng: 29/06/24
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều biết rằng nên sử dụng kem chống nắng hằng ngày để chống lại các tác hại của tia UV và SPF là chỉ số quan trọng mà chúng ta thường hay quan tâm đến khi lựa mua kem chống nắng. Nhưng ngoài việc bảo vệ khỏi tia UVA và UVB, bạn có thực sự biết gì về kem chống nắng?
Nếu bạn muốn biết các nguyên liệu cấu tạo nên một chai kem chống nắng thì bạn có thể nhìn vào bảng thành phần của chúng được dán trên chai. Bài viết này sẽ đưa ra nhiều thông tin mà bạn có thể chưa biết về kem chống nắng như các thành phần không hoạt tính, mối quan tâm về môi trường và con số PA+ mơ hồ đó để từ đó có thể mua loại kem chống nắng phù hợp nhất cho bạn.
Mức độ SPF cần có trong kem chống nắng
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị chỉ số SPF mà bạn sử dụng hàng ngày nên từ 30 trở lên, nhưng các bác sĩ da liễu thường khuyến nghị mức SPF cao hơn để có thể chống nắng tốt hơn. Bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận Rita Linkner, MD, của Spring Street Dermatology, khuyến nghị mức SPF “SPF 50, vì đó là con số tối đa hóa khả năng bảo vệ khỏi tia UVB và bạn cũng nên sử dụng đúng lượng kem chống nắng.”
Theo FDA, SPF (viết tắt của “Sun Protection Factor”) là một chỉ số đo lường mức độ bảo vệ da khỏi tác hại của tia tử ngoại (UV) gây ra cháy nắng. Chúng cho biết lượng năng lượng mặt trời cần thiết để gây ra cháy nắng trên vùng da có sử dụng kem chống nắng so với lượng năng lượng mặt trời cần thiết để gây ra cháy nắng trên da không sử dụng kem chống nắng. Tuy nhiên, SPF chỉ đo lường khả năng bảo vệ khỏi tia UVB mà nó không đo lường khả năng bảo vệ khỏi tia UVA.
Điều quan trọng cần lưu ý là có nhiều loại kem chống nắng có chỉ số SPF trên 50 như Kem chống nắng Anthelios Light Fluid của La Roche Posay, có khả năng chịu nước lên đến 80 phút và không để lại vệt trắng. Và hãy nhớ: Để đạt được mức SPF ghi trên chai, bạn cần dùng khoảng 1/4 thìa cà phê (tức 1,25g) cho vùng mặt và cổ.
Phổ rộng (Broad-Spectrum) là gì?
Để bảo vệ làn da của bạn, hãy chọn nhãn kem chống nắng phổ rộng, ngăn chặn cả tia UVA và UVB. Fayne Frey, MD, bác sĩ da liễu phẫu thuật và lâm sàng được hội đồng chứng nhận hành nghề ở West Nyack, New York, giải thích: “Tia UVB làm tổn thương bề mặt trên của da và là nguyên nhân chính gây cháy nắng. Tia UVA xâm nhập sâu hơn vào da và chủ yếu gây ra các dấu hiệu lão hóa da, nếp nhăn, nám và chảy xệ. Cả tia UVA và UVB đều gây ung thư da”.
Bạn cũng có thể nhận thấy một kí hiệu PA bên cạnh loại SPF của chai kem, một hệ thống được sử dụng ở các nước Châu Á để biểu thị hệ số bảo vệ tia UVA của sản phẩm. Càng có nhiều dấu cộng thì khả năng chống tia UVA càng tốt.
Kem chống nắng vật lí và hoá học
Khi so sánh kem chống nắng hóa học và vật lý, câu trả lời ngắn gọn là cả hai đều hoạt động theo những cách khác nhau để bảo vệ bạn khỏi ung thư da và tổn thương do ánh nắng mặt trời.
Kem chống nắng vật lí
- Zinc oxide và titanium dioxide là 2 thành phần chính trong kem chống nắng vật lí
- Phù hợp hơn với làn da nhạy cảm
- Loại kem này có thể để lại vệt trắng
Kem chống nắng vật lí tạo ra một hàng rào trên da và ngăn chặn các tia nắng mặt trời khi bị ánh sáng chiếu vào. Frey cho biết: “Kem chống nắng khoáng chất hoặc tự nhiên ít gây kích ứng hơn so với kem chống nắng hóa học. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy tìm đến kem chống nắng này.”
Kem chống nắng hóa học
- Chống nắng bằng cách sử dụng các bộ lọc hóa học hấp thụ tia nắng mặt trời
- Thường có màu sắc và kết cấu nhẹ
- Thường bị chỉ trích do nhiều lùm xùm gần đây, nhưng kem chống nắng hóa học được các bác sĩ da liễu coi là an toàn khi sử dụng
Trong khi đó, kem chống nắng hóa học hoạt động bằng cách sử dụng các bộ lọc hóa học như oxybenzone và homosalate để hấp thụ các tia nắng khi chúng chạm vào da bạn. Kem chống nắng hóa học thường có màu sắc trong suốt và có nhiều cải tiến về kết cấu hơn. Tuy nhiên, một số người chọn không sử dụng kem chống nắng hóa học do các đợt thu hồi gần đây liên quan đến benzen và các đặc tính có thể gây tổn hại đến rạn san hô (nhưng cho đến nay vẫn chưa được chứng minh).
Giải mã nhãn “chống nước” (Waterproof)
Frey cho biết: “Không biết khả năng chống nước (hoặc chống mồ hôi) của kem chống nắng có thể bảo vệ đầy đủ trong 40 phút hay 80 phút khi một người bơi lội hoặc đổ mồ hôi hay không”. Nhưng “có khả năng kháng nước” không có nghĩa là kháng nước hoàn toàn. “Vì không có loại kem chống nắng nào hoàn toàn ‘không thấm nước’ hoặc ‘hống mồ hôi’ nên FDA không cho phép những thuật ngữ này trên nhãn kem chống nắng” – Frey nói. Chúng có thể kháng nước tạm thời nhưng bạn vẫn cần phải bôi lại thường xuyên.
“Đã được thử nghiệm trên da” (Derm-Tested) so với “Được khuyên dùng trên da” (Derm-Recommended)
Goldenberg giải thích: Hai thuật ngữ này có thể hoán đổi cho nhau nhưng có sự khác biệt chính về ý nghĩa của chúng. Cô nói: “Một số công ty yêu cầu bác sĩ da liễu kiểm tra chất lượng của sản phẩm—đó là sản phẩm đã được bác sĩ da liễu kiểm nghiệm, trong khi các công ty khác yêu cầu bác sĩ da liễu dùng thử một sản phẩm và cho biết liệu họ có giới thiệu sản phẩm đó cho bệnh nhân hay không – trường hợp này sẽ được gọi là bác sĩ da liễu khuyến khích”. Tuy nhiên, Frey nói, khi nói đến vấn đề này, chúng ta cũng không nên quá tin tưởng vào chúng.
Kem chống nắng cho “mặt” và “cơ thể”
Goldenberg cho biết: “Kem chống nắng dành cho da mặt được chế tạo theo công thức khác nhau để không làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây nổi mụn vì chúng thường có ít Zinc Oxit hơn”.
Ngoài ra, kem chống nắng dành cho da mặt có thể sử dụng chung với một số sản phẩm khác như đồ trang điểm và chăm sóc da. Về điều này, Goldenberg có giải thích: “kem chống nắng cho mặt thường mỏng nhẹ hơn và dễ thẩm thấu hơn, giúp người dùng dễ dàng kết hợp với các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da hàng ngày. Trong khi đó, kem chống nắng cho cơ thể có xu hướng dày hơn và bền hơn, phù hợp cho những vùng da dễ bị đổ mồ hôi và cần bảo vệ nhiều hơn”.
Đừng bỏ qua các thành phần không hoạt tính
Không hoạt tính không có nghĩa là không quan trọng. Linkner khuyên: “Khi tìm kiếm kem chống nắng, hãy chọn những sản phẩm không chứa paraben, không chứa dầu và không có mùi thơm”.
Frey cho biết thêm, “Giống như tất cả các sản phẩm chăm sóc da, người tiêu dùng nên biết các thành phần mà họ có thể bị dị ứng, các thành phần có thể gây nổi mụn, các thành phần có thể làm trầm trọng thêm bệnh chàm ở những người dễ mắc bệnh hoặc những người có làn da nhạy cảm và hương thơm, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra dị ứng da.”.
Đừng nên bỏ qua các nghiên cứu
Tất nhiên, vẫn có nhiều trường hợp thông tin trên nhãn không chính xác. Consumer Reports đã từng kiểm tra độ chính xác trên nhãn của một loạt sản phẩm chống nắng và kết quả cho ra thật đáng lo ngại: “Trong số 82 loại kem dưỡng da, xịt, thỏi và son dưỡng môi theo xếp hạng của [CR’s] năm nay, 32 sản phẩm đã thử nghiệm với chỉ số SPF thấp hơn một nửa trên nhãn của chúng.”
Để tránh ‘mất tiền oan’ vì những sản phẩm kém chất lượng, Frey khuyên: “Tôi khuyên bạn nên mua kem chống nắng của các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế. Họ có đủ nguồn lực để sản xuất kem chống nắng giá cả phải chăng, hiệu quả và an toàn”.
Thực hiện: Mỹ Tâm