Ai sẽ kế thừa chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo của Virgil Abloh tại Louis Vuitton?

Ngày đăng: 13/07/22

Khi tuần lễ Haute Couture và một mùa Thu Đông Paris dần kết thúc, cuộc đua đến chiếc ghế Giám đốc Sáng tạo mảng thời trang nam tại Louis Vuitton – một trong những nhà mốt hàng đầu Paris cũng đã dần ngã ngũ.

Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ khi Virgil Abloh qua đời đột ngột vào cuối năm ngoái. Thời gian đã đủ lâu, và những di sản dang dở của Virgil Abloh cũng đã được sử dụng gần hết. Theo một nguồn tin nội bộ, Louis Vuitton đã có trong tay danh sách những cái tên kế vị thích hợp, và chỉ chờ quyết định cuối cùng nữa mà thôi.

Virgil Abloh new artistic director of Louis Vuitton (Men) - HIGHXTAR.
Cố Giám đốc Sáng tạo Virgil Abloh

Vào đầu tháng 5 vừa qua, thương hiệu đường phố xa xỉ Off-White, vốn được thành lập vào năm 2013 bởi Virgil Abloh và thuộc sở hữu của LVMH, đã thông báo bổ nhiệm Ibrahim, được biết đến với cái tên ‘Ib’, Kamara làm giám đốc hình ảnh và nghệ thuật. Kamara sinh ra tại Sierra Leonean, sống ở London từ năm 16 tuổi, là tổng biên tập của tạp chí thời trang Dazed (Anh) và là một trong những cộng tác viên lâu năm của Abloh. Do đó, Kamara dường như là một sự lựa chọn an toàn để kế thừa di sản của Abloh và chỉ đạo nghệ thuật cho Off-White trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc lựa chọn người kế nhiệm chiếc ghế mà Virgil Abloh để lại tại Louis Vuitton sẽ không đơn giản như vậy. 

Với tầm quan trọng của một thương hiệu xa xỉ lâu đời, cùng với Dior là một trong những viên ngọc quý của đế chế LVMH, mà hơn hết là di sản mang tính biểu tượng quá lớn mà Virgil Abloh để lại, công việc của người kế nhiệm không chỉ đơn giản là “kế thừa”. Với Virgil Abloh, nhà thiết kế da màu duy nhất đứng đầu một thương hiệu xa xỉ Paris – cùng với Olivier Rousteing tại Balmain – LVMH đã đặt ra những tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp này. Kể từ năm 2018, tập đoàn này đã mở rộng sự thu hút và đối tượng của mình sang các thế hệ trẻ và nhóm đối tượng mới, định hình lại vũ trụ thời trang xa xỉ, với chủ nghĩa đa văn hóa và các phong trào xã hội.

Louis Vuitton Men's Spring 2020 – WWD

Đã bảy tháng trôi qua kể từ khi giám đốc sáng tạo qua đời, Louis Vuitton đã trình làng hai bộ sưu tập thời trang nam dựa trên di sản mà Virgil Abloh để lại. Một số người tin rằng LVMH sẽ mất thêm một thời gian mới đưa ra quyết định ai sẽ là tân giám đốc sáng tạo mới. Nhìn lại, LVMH cũng đã mất một năm mới bổ nhiệm Maria Grazia Chiuri làm người đứng đầu Christian Dior, sau sự ra đi của Raf Simons.

“Họ không quá vội vàng, đặc biệt là vì doanh số bán hàng đang diễn ra rất tốt và đội ngũ vẫn đang hoạt động tốt”, một nhân viên điều hành nhóm tiết lộ.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, dưới đây là danh sách những cái tên tiềm năng mà Louis Vuitton đang cân nhắc, để thay Virgil Abloh dẫn dắt mảng thời trang nam.

Martine Rose 

Martine Rose đang là cái tên được dự đoán nhiều nhất. Nhà thiết kế người Anh gốc Jamaica đã đứng đầu danh sách ứng cử viên kể từ khi chủ tịch Louis Vuitton – ông Michael Burke đã đến xem tận mắt BST Xuân/Hè của cô ở London. 

Martine Rose Rumored to Be a Contender for Louis Vuitton Menswear | HYPEBEAST

Được coi là một trong những nhân vật đột phá của London, Martine Rose đã lặng lẽ làm việc cho nhãn hiệu thời trang nam của mình từ năm 2007 và gần đây nhất là tư vấn thiết kế trang phục nam cho Balenciaga. Tốt nghiệp Đại học Middlesex năm 2002, một năm sau Martine thành lập nhãn hiệu đầu tay LMNOP cùng với đồng đội Tamara Rothstein. Ngừng công việc kinh doanh năm 2005, cô bắt đầu tự phát triển dự án riêng của mình, bắt đầu từ việc thiết kế áo trong lĩnh vực thời trang nam giới. Từ đó Martine Rose bắt đầu thành công. Với thiên hướng thích những chiếc quần quá khổ, tận hưởng phong cách thể thao, đường phố được lấy từ các nền văn hóa phụ và những năm 90, phong cách của cô không khác nhiều so với Abloh.

Nếu Martine Rose được bổ nhiệm, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử công ty có một người phụ nữ đảm nhiệm mảng thời trang nam.

Samuel Ross

Samuel Ross sinh ra ở Brixton, bờ nam nước Anh trong một gia đình di cư thế hệ thứ hai từ Benin, Tây Phi. Với con mắt nghệ thuật của người sáng lập Off-White – Virgil Abloh đã nhanh chóng phát hiện ra tài năng triển vọng của Ross. Abloh đã nhanh chóng thuê Samuel Ross vào làm trợ lý của mình những năm 2014. Điều này đã đưa Ross trở lại London và giúp anh định hình nên chính con người anh của ngày hôm nay.

Samuel Ross and Virgil Abloh on the power of mentorship | British GQ
Mối quan hệ “thầy trò” giữa Samuel Ross và Virgil Abloh

Vào năm 2015, dưới cảm hứng lớn từ những thành công của người thầy Virgil Abloh, Samuel Ross đã bắt tay vào tạo dựng thương hiệu A-COLD-WALL của riêng cho mình. Thương hiệu đã được anh miêu tả với tạp chí của Vouge là “một dự án nghệ thuật dựa trên những khám phá về văn hoá đa sắc tộc tại Anh Quốc”.

Tôn chỉ ý niệm đằng sau A-COLD-WALL là kể “những câu chuyện chưa kể” về những giai cấp, về địa lý, văn hoá bắt nguồn trên khắp lãnh thổ nước Anh. Các thiết kế của Ross lấy cảm hứng lớn từ tính công bằng trong hệ thống giai cấp bị áp bức tại Vương quốc Anh – đặc biệt là những tầng lớp da màu của nước Anh hiện đại, chủ nghĩa thô mộc (brutalist) và kiến trúc trong thời kỳ Victoria. Logo thương hiệu của anh cũng xuất hiện khắp các cửa hàng uy tín thế giới như Barneys, Self Ink và Dover Street Market. Và những logo thương hiệu ấy đã tạo được những dấu ấn riêng khi cùng bắt tay với những ông lớn như Nike và Louis Vuitton.

Grace Wales Bonner

Từng là người vinh dự được công nhận bởi giải thưởng dành cho những NTK trẻ tài năng của LVMH vào năm 2016, Grace Wales Bonner được cho là có mối liên kết bền chặt với tập đoàn thời trang xa xỉ này. Thời điểm đó, cô đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và nhà quản lý nhờ những thiết kế pha trộn giữa âm hưởng lãng mạn và nét nam tính dành cho người đàn ông da màu. Trong thế giới thời trang của cô, không hề hiện diện khái niệm rạch ròi giữa nam hay nữ giới.

5 Reasons Why Grace Wales Bonner Is a Force of Fashion | Vogue

Với cảm quan nghệ thuật đặc trưng, Grace Wales Bonner đã từng bước gây dựng danh tiếng với việc nâng tầm những sàn diễn thời trang của mình lên mức cảnh quan văn hóa. Những năm gần đây chứng kiến sức hút ngày một tăng từ những show diễn của Wales Bonner, khi mà giới điệu mộ từ nhiều nơi trên thế giới đổ về London để có thể trực tiếp tham dự.

Mike Amiri 

Một ứng cử viên sáng giá khác là Mike Amiri người được xem là đã hồi sinh phong cách Rock ‘n’ Roll thông qua thương hiệu thời trang đường phố xa xỉ mang tên mình.

Mike Amiri | BoF 500 | The People Shaping the Global Fashion Industry

Trước khi thành lập nên thương hiệu Amiri, ông đã từng làm việc tại nhiều gã khổng lồ denim ở Los Angeles và nhiều thương hiệu cao cấp. Với niềm đam mê thời trang và denim, Mike Amiri đã sớm nhận ra đã đến lúc phải tự mình làm nên điều kì diệu từ những món đồ bụi bặm này.

Các thiết kế của Amiri đều lấy cảm hứng từ sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa California và yếu tố thời trang đường phố American Rock ‘n’ Roll, cùng những chất liệu cao cấp được chọn lọc kỹ càng.

Jonathan Anderson

Người cuối cùng được cân nhắc trong danh sách này chính là Jonathan Anderson. Jonathan Anderson là một nhà thiết kế trẻ sinh năm 1984, bắt đầu sự nghiệp của mình với thương hiệu J.W. Anderson gồm những thiết kế dành cho nam giới. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Anderson phá vỡ những quan niệm truyền thống về cái đẹp và tạo nên những xu hướng khó đoán cho làng thời trang thế giới. J.W. Anderson đã chinh phục nhiều tín đồ thời thời trang khó tính, trong đó có cả những người nổi tiếng như Alexa Chung, Pixie Geldof, Rihanna, Rita Ora, Kim Kardashian và nhiều biên tập viên thời trang danh tiếng khác.

The Man Turning European Fashion Into Something Raw and Real - The New York Times

Hiện tại, nhà thiết kế người Ireland cũng đang nắm giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo của Loewe, thương hiệu chung nhà LVMH với Louis Vuitton.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Fashion Network