Annie Leibovitz – Giai thoại của người đàn bà làm nên những thời khắc lịch sử bằng máy ảnh

Ngày đăng: 22/11/22

Nếu ca sĩ tạo nên khoảnh khắc lịch sử bằng những bài hát, cầu thủ được nhân danh huyền thoại với màn ghi bàn mát mắt thì Annie Leibovitz sẽ là người đàn bà tạo nên các thời khắc quan trọng nhất của thời đại bằng một chiếc máy ảnh và những bức chân dung “biết nói”.

Trận đấu đầu tiên của mùa giải bóng đá lớn bậc nhất hành tinh đã diễn ra, mở màn một mùa World Cup 2022 bùng nổ sắp tới nhưng ắt hẳn cộng đồng hâm mộ làng túc cầu vẫn chưa khỏi bất ngờ và vui mừng khi được chiêm ngưỡng “bức ảnh thế kỷ” với sự góp mặt của hai huyền thoại bóng đá Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Chỉ sau vài phút ngắn ngủi tung ra trước một ngày chính thức diễn ra của World Cup 2022, thời khắc huyền thoại đấy được lan rộng vô cùng mạnh mẽ và tạo nên một xu hướng thịnh hành được đông đảo người hưởng ứng. 

Với cuộc bùng nổ mạng xã hội cũng như một dấu ấn quan trọng ghi dấu không chỉ trên bản đồ thời trang mà còn thế giới bóng đá, nhà mốt Pháp Louis Vuitton đã làm được điều mà chưa một câu lạc bộ bóng đá hay một nhà mốt thời trang nào làm được trước đây. Đồng thời, khoảnh khắc huyền thoại số 7 và huyền thoại số 10 cùng chung một khung hình đã thoả lòng mơ ước của toàn bộ cộng đồng người hâm mộ bóng đá. Tuy nhiên, trong trận đấu lần này cả hai không còn chinh phục quả bóng trên sân cỏ nữa mà đổi lại sẽ là một ván cờ vua mang tên “Victory is a State of Mind” được đặt ngay trên chiếc rương mang tính biểu tượng của nhà mốt Louis Vuitton. Cả hai cũng không khoác trên người những chiếc áo nhuộm màu lá cờ nước hay con số quen thuộc mà thay vào đó là hai vẻ ngoài giản đơn, bộc tả được hết con người của chính họ – chỉ là áo phông, quần jean hay quần âu và ngồi mặt đối mặt cùng đấu trí trên một ván cờ. Vậy ai là người đứng sau “bức ảnh thế kỷ” này? Ai là người biến những giây phút thường nhật đấy thành một thời khắc lịch sử khiến nhiều người vỡ òa? Nói đến đây thì chắc chắn những người đam mê nghệ thuật, sáng tạo hay thời trang sẽ liên tưởng ngay đến “con mắt tài hoa” của nữ nhiếp ảnh gia  Annie Leibovitz. Đúng thế, chính người đàn bà đấy đã một lần nữa tạo nên một khoảnh khắc làm nên lịch sử. Đây cũng không phải là lần đầu người hâm mộ bóng đá được chứng kiến những huyền thoại trên sân cỏ hội tụ với nhau trong cùng một khung hình. Vào World Cup 2010, nữ nhiếp ảnh gia lừng danh và Louis Vuitton cũng đã tạo nên một trận bi lắc có 1-0-2 giữa Zidane, Maradona và Pele.

Nếu quan tâm nghệ thuật đủ lâu hay chỉ mới là những người “mới yêu” nghệ thuật nhiếp ảnh thì danh sách những nữ nhiếp ảnh gia xuất sắc mọi thời đại có lẽ không thể thiếu Annie Leibovitz. Con mắt nhiếp ảnh tài hoa của bà gắn liền với những bức ảnh chân dung của hàng loạt người nổi tiếng từ tổng thống, nữ hoàng, chính trị gia, ca sĩ, rocker, cầu thủ,… như John Lennon, Angelina Jolie, Leonardo DiCaprio, Michael Jackson, Queen Elizabeth II, David Beckham, Kim Kardashian và Kanye West… Có thể nói nữ nhiếp ảnh gia 73 tuổi chính là người nắm giữ khoảnh khắc quan trọng nhất thậm chí là làm nên sự nghiệp của người nổi tiếng. Cả giới giải trí đã truyền tai nhau rằng khi bạn được chụp chân dung bởi Annie Leibovitz thì đó chính là lúc bạn đã đạt được dấu ấn cuối cùng trong cả chặng đường dài của sự nghiệp. Trong văn hóa đương đại, những nhiếp ảnh gia thường tỏa sáng lặng lẽ phía sau ánh hào quang của những ngôi sao và cũng hiếm khi một người thợ chụp ảnh có thể trở nên nổi tiếng cùng với những người ngôi sao mà họ làm việc cùng. Tuy nhiên, có lẽ Annie Leibovitz là một trường hợp ngoại lệ. 

Cả giới giải trí đã truyền tai nhau rằng khi bạn được chụp chân dung bởi Annie Leibovitz thì đó chính là lúc bạn đã đạt được dấu ấn cuối cùng trong cả chặng đường dài của sự nghiệp.

Với tài năng khai thác được toàn bộ bản chất chân thật của con người, khiến người được chụp trở về chính bản ngã của mình mà chẳng màn địa vị hay danh tính xã hội cũng như khiến ống kính chẳng còn là thứ mà biết bao ngôi sao sợ hãi và dè chừng, cựu nhiếp ảnh gia của tạp chí Rolling Stone đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật không thể thay thế, những bức ảnh đã một phần định hình phong cách cho toàn bộ nền văn hóa đại chúng trong suốt 5 thế kỷ dài đằng đẵng. 

Sinh năm 1949 ở Waterbury, bang Connecticut, Leibovitz đã theo học nghiên cứu hội họa tại Viện Nghệ thuật San Francisco và chính chuyến du lịch Nhật Bản vào năm 2 đại học đã đưa bà đến chụp ảnh. Khi trở về San Francisco mùa Thu năm đó, Leibovitz bắt đầu tham gia các lớp học về nhiếp ảnh cũng như đi tác nghiệp ở nhiều nơi khác nhau. Khoảng thời gian công tác tại một khu định cư ở Israel đã giúp Leibovitz mài giũa và ngày càng hoàn thiện kỹ năng chụp ảnh của mình. Từ nhỏ, Leibovitz đã phải tập quen với việc di chuyển và thay đổi chỗ ở thường xuyên vì tính chất công việc của người bố sĩ quan quân đội. Những lần đặt chân và trải nghiệm một cuộc sống mới ở nhiều nơi khác nhau đã giúp bà có những cái nhìn đa dạng về cuộc sống cũng như tiếp xúc được với nhiều mảnh đời đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.  

Những bức ảnh của Annie Leibovitz luôn khiến người xem suy ngẫm nhưng không về bố cục, màu sắc, hay ánh sáng mà chính những câu chuyện ít-ai-được-biết và các dáng pose chân thật đến mức gây tranh cãi của người được chụp. Thông qua lăng kính của chính mình, Leibovitz còn khiến người xem có được một góc nhìn khác về chủ thể được chụp và chính sự tìm hiểu, tiếp xúc lâu dài, gần gũi với người được chụp đã giúp nữ nhiếp ảnh làm được điều đó. Nếu ngắm nhìn kỹ và cảm nhận thật sâu sự gần gũi trong bức chân dung của Leibovitz thì người thưởng thức còn có thể cảm nhận được chất điên độc đáo cũng như sự nỗ lực, tâm huyết của chính bà để đạt được một tấm để đời. “You have to be insane, obsessed. You have to live it and eat it…” chính là lời khuyên truyền cảm hứng nổi tiếng của bà đằng sau sự thành công của những ý tưởng điên rồ. Nếu nhiều người thường nghĩ rằng chỉ vài ba nháy là đã có được một bức ảnh thì Leibovitz sẽ sẵn sàng bỏ qua vài trăm ảnh chụp mẫu hay ở suốt studio vài giờ đồng hồ liên tục và làm tất cả mọi thứ để ghi lại được một khoảnh khắc đáng giá. Chẳng hạn, bà đã từng thuyết phục Nữ hoàng Anh Elizabeth II tháo bỏ vương miện, thay đổi kiểu tóc, thay y phục để người xem biết được một hình ảnh khác của nữ hoàng – quen thuộc, gần gũi và thật hơn. 

Từ những năm đầu làm nhiếp ảnh đến khi thăng tiến lên vị trí nhiếp ảnh gia trưởng cho tờ Rolling Stone, cho đến khi được Thư viện Quốc Hội công nhận là một “huyền thoại sống” cũng như là người phụ nữ đầu tiên tổ chức triển lãm tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc Gia Hoa Kỳ, Annie Leibovitz đã chứng minh được tài năng và sức ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ làm sáng tạo bằng những cú nháy ảnh xuất sắc mọi thời đại. Cùng Style Republik điểm lại những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của nữ nhiếp ảnh gia nhé!

1974 – Lễ từ chức của Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ – Nixon

Với bối cảnh ba người bảo vệ đang lom khom cuộn tấm thảm lên dưới cơn gió từ cánh quay trực thăng của Nixon, Leibovitz đã ghi lại một sự kiện phi thường trong lịch sử Hoa Kỳ theo một cách mới lạ. Khoảnh khắc Nixon rời khỏi Nhà Trắng sau khi từ chức tổng thống của Leibovitz đã chứng minh được rằng một tác phẩm nghệ thuật không chỉ phụ thuộc vào chủ đề mà còn nằm ở những gì nó thể hiện về thời điểm văn hóa mà nó được tạo ra.

Leibovitz có một khả năng kỳ lạ là thấm nhuần những khoảnh khắc trần tục và rồi chuyển hóa nó thành những vẻ đẹp đầy tinh tế. Bà còn nổi tiếng với tài năng bắt được những khoảnh khắc và biến nó thành một khoảnh khắc để đời. Trong bức ảnh huyền thoại này này, đó là khoảnh khắc sau khi chiếc trực thăng chở Nixon cất cánh. Khu đất trống, đài tưởng niệm Washington có thể nhìn thấy ở bên trái, và ba người đàn ông đang thu dọn những dấu tích cuối cùng của buổi lễ – tấm thảm nơi Nixon sẽ xuất hiện với tư cách là tổng thống lần cuối. Nó vừa trần tục vừa mang tính sân khấu – những người bảo vệ có thể là nhân viên sân khấu hoặc đội khuân vác, nhưng sự hiện diện của tấm thảm và khung cảnh của Nhà Trắng gợi lên sự lộng lẫy của hệ thống nhà nước. 

1975 – Mick Jagger, Buffalo, New York 

Sau khi làm việc tại tạp chí Rolling Stone được 5 năm và xây dựng được danh tiếng là một nhiếp ảnh gia nhạc rock and roll điêu luyện, Leibovitz được một ngôi sao rock huyền thoại – Mick Jagger đề nghị làm nhiếp ảnh gia đi theo chuyến lưu diễn The Rolling Stones năm 1975. Leibovitz đã háo hức dành cả năm đi khắp đất nước để ghi lại những khoảnh khắc rất chân thực và ít ai có thấy được của ban nhạc. Bức ảnh không tên chụp Mick Jagger năm ấy ngay sau một trong những buổi biểu diễn cuối cùng. Jagger đang đứng trong thang máy, mặc áo choàng trắng và đội khăn trùm trên đầu. Rocker nhìn thẳng vào máy quay với vẻ mặt phờ phạc, thể hiện sự mệt mỏi khi phải biểu diễn và tiệc tùng hàng đêm. Chiếc áo choàng và khăn tắm màu trắng trung tính khiến Jagger như một người du mục Bedouin được đúc kết trong ánh sáng có độ tương phản cao của một bức chân dung thời kỳ phục hưng, từ đó khiến Jagger tỏa sáng dưới một luồng ánh sáng mới thay vì hình ảnh hào nhoáng lộng lẫy quen thuộc trên sân khấu. 

Khi mới vào nghề, nữ nhiếp ảnh gia đã dành nhiều ngày, nhiều tuần hoặc trong một năm giống như lần lưu diễn này để có thể gần gũi với người chụp nhất. Bà từng chia sẻ rằng “để có được hình ảnh đẹp nhất có thể, người ta phải trở thành một phần của những gì đang diễn ra.” Leibovitz đã rất thành công trong việc hòa mình vào một môi trường mới, một con người mới, để họ có thể thoải mái nhất thậm chí quên mất sự hiện diện của bà ấy tại đấy. 

1980 – Yoko Ono và John Lennon (bìa Rolling Stone, 1981)

Vào giữa những năm 1970, Rolling Stone bắt đầu thay đổi những tấm trắng đen thành ảnh màu từ đó Leibovitz cũng bắt đầu học chụp ảnh màu. Nữ nhiếp ảnh gia cũng đã từng chụp ảnh John Lennon nhiều lần cho tạp chí ở cả ảnh đen trắng và ảnh màu. Tuy nhiên, có lẽ tấm ảnh nhạc sĩ chụp cùng vợ hay tấm ảnh bìa Rolling Stone năm 1981 là bức ảnh nổi tiếng nhất của bà khi làm việc cùng Lennon. 

Điều ấn tượng đầu tiên ở bức ảnh bìa này chắc có lẽ là ý tưởng táo bạo khi Lennon đang khỏa thân, cuộn tròn ôm ấp và hôn lên má của người vợ (Yoko Ono) – khi đang duỗi thẳng, nằm an yên với bộ quần áo đầy đủ trên người. Ban đầu, Leibovitz đã yêu cầu họ chụp ảnh khỏa thân cùng nhau nhưng Ono đã từ chối. Và cuộc đụng độ giữa người phụ nữ mặc quần áo và người đàn ông khỏa thân đã phá vỡ quy tắc khó thay thế trong lịch sử nghệ thuật – tôn sùng cơ thể phụ nữ khỏa thân. Việc Ono từ chối cởi quần áo gợi nên một hình ảnh của một người phụ nữ mạnh mẽ được đặt trùng khớp với hình ảnh trần như nhộng cũng giống như sự dễ tổn thương của Lennon.

Như một sự kiện được sắp đặt một cách đau đớn, bức ảnh như tấm hình cuối cùng giữa hai vợ chồng vì chỉ sau vài giờ chụp ảnh, Lennon đã bị ám sát bên ngoài căn hộ Upper West Side của chính mình. Và khi được xuất bản lần đầu tiên trên trang bìa của Rolling Stone, bức ảnh nhanh chóng trở thành biểu tượng, truyền tải được nhiều cảm xúc của cặp đôi sau khi vụ ám sát xảy ra. 

Leibovitz từng chia sẻ “Đó thực sự là một ví dụ tuyệt vời về cách hoàn cảnh thay đổi một bức ảnh. Đột nhiên, bức ảnh đó có một câu chuyện. Bạn đang nhìn vào nó và nghĩ rằng đó là nụ hôn cuối cùng của họ, hoặc họ đang nói lời tạm biệt. Bạn có thể bịa ra đủ thứ về nó. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi có nhiều cấp độ cho một bức ảnh.” Năm 2005, Hiệp hội Biên tập viên Tạp chí Hoa Kỳ đã bình chọn bức ảnh này là trang bìa tạp chí đẹp nhất trong 40 năm qua.

1991 – Demi Moore

Chỉ đeo một chiếc nhẫn trên tai và hoa tai kim cương 33 cara, một tay che ngực trong khi tay kia nhẹ nhàng ôm lấy chiếc bụng bầu 7 tháng, trước một bức phông nền màu xám đơn giản, nữ diễn viên Demi Moore trông có vẻ đang rất tự hào về cơ thể trần trụi của mình. Và chính khoảnh khắc tự nhiên này đã khiến nó trở thành một trong những tấm ảnh bìa Vanity Fair ấn tượng và gây tranh cãi mọi thời đại.  

Vào những năm 1990 khi Cuộc chiến Văn hóa (Culture War) lên đến đỉnh điểm, bức ảnh bìa đó được coi là một sự khiêu khích chưa từng có từ một ấn phẩm chính thống. Khi số đó được phát hành, tranh cãi và phản ứng dữ dội đã xảy ra ngay lập tức. Việc một người nổi tiếng hoàn toàn khỏa thân và lộ rõ bụng bầu trên trang bìa bị coi là kỳ cục và vô cùng tục tĩu. Nhiều đơn vị đã từ chối bán nó hoặc trưng bày nó vì có lẽ nó như một tạp chí khiêu dâm. Bức ảnh đã khiến một cuộc thảo luận trên toàn quốc nổ ra – bàn luận về tính nữ, sự đúng mực của một “good mom”. Đã có hai luồng ý kiến xảy ra, trong khi nhiều người chỉ trích rằng Moore không phù hợp với vai trò làm mẹ vì đã tạo dáng khỏa thân đó, thì cũng có nhiều người ủng hộ và tán dương vẻ đẹp thiêng liêng của cơ thể người mẹ. George Lois, giám đốc nghệ thuật lâu năm của các cuộc thi trên tạp chí Esquire, đã miêu tả bức ảnh này như “biểu tượng táo bạo, trao quyền cho phụ nữ… truyền tải một thông điệp mạnh mẽ thách thức mọi định kiến của xã hội.”Bức chân dung đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong hai thập kỷ qua và được Tạp chí Time vinh danh là một trong 100 hình ảnh có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Sự thành công này còn là một ví dụ về cái tài của Leibovitz khi “đưa” những người nổi tiếng tham gia vào các cuộc tranh luận văn hóa xã hội. 

1994 – Fallen bicycle of teenage boy just killed by a sniper (Cú ngã xe đạp của thiếu niên vừa bị bắn tỉa)

Vào những năm 1990, Leibovitz đã cùng Sontag tới Sarajevo để ghi lại cuộc đấu tranh đẫm máu giành độc lập của Bosnia. Cú ngã xe đạp của cậu bé thiếu niên vừa bị giết bởi một tay súng bắn tỉa – một cái chết vô tội chỉ vì mắc kẹt giữa cuộc xung đột. Như Leibovitz nhớ lại, “bức ảnh chiếc xe đạp và vết máu được chụp ngay sau khi cậu bé đi xe đạp bị trúng đạn cối rơi xuống trước xe ô tô của chúng tôi…Chúng tôi đưa cậu bé lên xe và đưa cậu đến bệnh viện, nhưng anh ấy đã không quá khỏi trên đường đi.” Bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đau thương cuối cùng của cậu bé; sự ra đi đấy biểu trưng cho sự mong manh của cuộc sống.

Bức ảnh đó khác với những tuyệt tác chân dung của Leibovitz, có lẽ nó nghiêm túc và có tác động mạnh mẽ hơn. Được chụp bằng màu đen trắng, nó tuân theo truyền thống của ảnh phóng sự tài liệu, và khác xa với những bức chân dung người nổi tiếng thương mại của bà ấy. Khi thảo luận về sự khác biệt giữa các thể loại này, Leibovitz giải thích: “Chụp ảnh chân dung mang lại sự tự do cho tôi, trong khi đó ảnh phóng sự giúp tôi trở thành một người quan sát và ghi lại những khoảnh khắc đắt giá.” Mặc dù công việc thương mại cho phép bà mở rộng trí tưởng tượng, nhưng Leibovitz vẫn duy trì mối liên hệ với các nhiếp ảnh gia tài liệu đã truyền cảm hứng cho cô để tiếp tục truyền cảm hứng và động lực trong sự nghiệp. 

“Chụp ảnh chân dung mang lại sự tự do cho tôi, trong khi đó ảnh phóng sự giúp tôi trở thành một người quan sát và ghi lại những khoảnh khắc đắt giá.” – Annie Leibovitz

2007 – Nữ hoàng Elizabeth II 

Năm 2007, Annie Leibovitz tiếp tục tạo nên bước đột phá mới khi bà trở thành người Mỹ đầu tiên thực hiện bức chân dung chính thức của Nữ hoàng Anh kỷ niệm Chuyến thăm cấp Nhà nước của Nữ hoàng tới Hoa Kỳ cùng năm.

Không gian được trang trí cầu kỳ từ The White Room của Cung điện Buckingham đã mang đến một khung cảnh ấn tượng mà không cần bất kỳ sự chỉ đạo hay dàn dựng nghệ thuật bổ sung nào, trong không gian đấy Nữ hoàng xuất hiện vô cùng lộng lẫy. Ánh sáng chiếu vào từ một cửa sổ lớn làm nổi bật Nữ hoàng trong khi phần còn lại của không gian chìm trong bóng tối. Bức ảnh này hòa trộn lòng đam mê sân khấu và tác phẩm chân dung của Leibovitz vô cùng nhuần nhuyễn. 

Leibovitz bác bỏ niềm tin rằng một bức ảnh có thể khắc họa bản chất của một người vì tin rằng con người quá phức tạp. Trong nhiều tác phẩm Leibovitz đã sử dụng không ít kỹ xảo để tạo ra một bối cảnh vô cùng lý tưởng để bổ trợ hoàn hảo cho nhân vật. Như trong bức chân dung Nữ hoàng, Leibovitz biến người được chụp của mình thành các nhân vật trong một câu chuyện, họ đóng một vai trò trong một concept do nhiếp ảnh gia tạo ra. Trong quá trình này, thay vì làm giảm đi vẻ hào nhoáng và “thần thánh” của người nổi tiếng, ngược lại những bức ảnh của Leibovitz lại phóng đại nó lên.

2017 – Untitled 

Untitled là trang bìa của năm 2017 gây tiếng vang của nữ nhiếp ảnh gia. Trong bức ảnh có 11 ngôi sao cùng quy tụ và tạo dáng trong những bộ váy thiết kế màu sắc, đắt tiền đứng trong một xưởng làm phim. Một số đứng, trong khi những người khác ngồi hoặc ngả, tạo ra một bố cục đầy tính đối xứng, sống động mà không có một điểm sáng nào duy nhất. Sự uể oải tổng thể của nhóm kết hợp với thời trang cách điệu xa hoa củng cố quan niệm về các nữ diễn viên là những người đẹp “không cần nỗ lực”..

Thành công của bà ấy trong bức ảnh bìa nổi tiếng này nằm ở khả năng tạo ra sự quan tâm về mặt thị giác đối với việc bố trí người, ánh sáng và đạo cụ – những việc tưởng chừng được thực hiện có vẻ dễ dàng, nhưng trên thực tế đòi hỏi nhiều suy nghĩ và lập kế hoạch. Leibovitz chấp nhận sự hời hợt này của văn hóa người nổi tiếng và nói rằng, “đôi khi tôi chỉ thích chụp ảnh bề ngoài vì tôi nghĩ nó có thể tiết lộ như đi vào cốt lõi của vấn đề.” Sự liên quan của tác phẩm nghệ thuật thường không nằm ở những gì được tiết lộ hoặc phơi bày về chủ đề, mà là những gì nó tiết lộ về thời điểm văn hóa mà nó được tạo ra. Tổng hợp các trang bìa về người nổi tiếng của Leibovitz, chúng ta sẽ có được một quỹ đạo mô tả chân thật văn hóa đại chúng đương đại.

Nghệ thuật và giá trị trị sáng tạo của bà không được diễn giải ra bằng chữ hay vải vóc mà nó được cô đọng trong từng tấm ảnh, những chuyển động tự nhiên của người được chụp, sự không thoải mái hay e dè trước ống kính của những người vô danh và cả một bề mặt khác của người nổi tiếng mà hiếm khi phô bày. Tất cả tạo nên những tuyệt tác đắt giá nhất trong một thế giới nghệ thuật rộng lớn, truyền cảm hứng bất tận cho các thế hệ làm sáng tạo mai sau. 

Thực hiện: Huỳnh Trân