Các thương hiệu học gì từ vụ việc khủng hoảng truyền thông của Biti’s Bloomin’ Central?

Ngày đăng: 13/10/21

Chưa đầy hai ngày hứng chịu làn sóng chỉ trích của dư luận cho chiến dịch Bloomin’ Central, chiều qua Biti’s đã chính thức đưa ra lời giải thích và xin lỗi đến cộng đồng, cũng như có phương hướng khắc phục cụ thể để giải quyết khủng hoảng truyền thông xoay quanh sản phẩm mới này. Cơn khủng hoảng truyền thông lần này của Biti’s đã khơi gợi nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho những người làm kinh doanh thời trang nói chung về khía cạnh marketing cho sản phẩm, cùng việc nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt văn hoá và lịch sử nước ta trước khi đưa vào sản phẩm mang yếu tố thương mại. 

Chiều ngày 12/10, Biti’s đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trên Fanpage đến cộng đồng xoay quanh những vấn đề liên quan đến nguồn gốc chất liệu sử dụng trong thiết kế giày Bloomin’ Central. Sản phẩm mới của Biti’s, Bloomin’ Central vấp phải sự chỉ trích là sử dụng chất liệu gấm phổ biến của Trung Quốc cho một sản phẩm cộp mác là tự hào Việt Nam, trong khi lẽ ra thương hiệu phải dùng hoạ tiết xuất phát từ nền văn hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, chất liệu thổ cẩm được thương hiệu cho là từ “dân tộc Tây Nguyên” lại được một cộng đồng nghiên cứu chỉ ra là từ người dân tộc Chăm. Sự việc đã thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ đã inbox cho Biti’s và yêu cầu phản hồi thích đáng về nhũng vụ lùm xùm này.

Rất nhanh chóng, Biti’s đã có phản hồi chính thức về những vấn đề mà sản phẩm mắc phải thông qua một post xin lỗi mang tính công khai. Nguyên văn lời xin lỗi của Biti’s được đăng tải trên Fanpage như sau:

 

“THÔNG BÁO CHÍNH THỨC TỪ BITI’S HUNTER
PHẢN HỒI VỀ NHỮNG GÓP Ý XUNG QUANH SẢN PHẨM BITI’S HUNTER BLOOMIN’ CENTRAL

Trong 2 ngày vừa qua, Biti’s Hunter đã nhận được ý kiến phản hồi cho dự án Biti’s Hunter Street Blooming’ Central vừa được ra mắt vào ngày 10.10.2021 có tên gọi, “Cảm hứng tự hào Miền Trung – Hoa trong đá”.

Theo đó, nội dung góp ý từ bạn và người tiêu dùng được ghi nhận như sau:
– Về nguồn gốc chưa rõ ràng của những họa tiết trên vải thổ cẩm.
– Về nguồn gốc vải gấm được chia sẻ bởi Facebook La Quốc Bảo.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, cũng như tìm hiểu thêm về các vấn đề mà người tiêu dùng đặt câu hỏi, Bitis Hunter xin chính thức có phản hồi như sau:

Về nguồn gốc của hoa văn vải thổ cẩm, Biti’s Hunter thật sự bất ngờ với sự khám phá Thổ cẩm Tây Nguyên mình đang sử dụng có nguồn gốc từ hoạ tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm. Biti’s Hunter ghi nhận sự khám phá này và sẽ chỉnh sửa ngay lập tức trong phần truyền thông để ghi nhận hoa văn Thổ cẩm của dân tộc Chăm. Cảm ơn các bạn trong Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam đã chia sẻ thông tin quý báu này, và giúp chúng tôi nhìn thấy sự thiếu sót về chi tiết sản phẩm vải thổ cẩm này.

Về vấn đề chất liệu vải gấm thể hiện trong bộ sưu tập lần này, Biti’s Hunter đã chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng sản phẩm. Trước đó, Biti’s Hunter đã cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải trong nước, nhưng chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp. Khi mà bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ cho giày dép trong nước còn nhiều hạn chế, cũng như dịch bệnh hoành hành trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Biti’s Hunter xin hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm về sự lựa chọn chưa thấu đáo này và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được sự kỳ vọng của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt đối với dòng sản phẩm “Proudly Made in Vietnam” đầy tính tự hào. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự chia sẻ và đóng góp quý báu của bạn La Quốc Bảo đối với BST lần này.

Về hướng giải quyết Biti’s Hunter sẽ khắc phục như sau:
1. Thay thế chất liệu vải gấm lấy cảm hứng từ văn hoá nghệ thuật Huế (chi tiết ở hình ảnh bên cạnh) để hoàn thiện sản phẩm hơn, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người tiêu dùng Việt.
2. Hiệu chỉnh lại toàn bộ hình ảnh & thông tin truyền thông để phù hợp với những chỉnh sửa phía trên, trong vòng 24 giờ tới.
3. Phiên bản đến tay người tiêu dùng sẽ là phiên bản được cập nhật với chất liệu và hoạ tiết gấm mới nhất, như đã chia sẻ ở mục 1.
4. Chúng tôi sẽ hoàn toàn hỗ trợ quý khách hàng đã pre-order sản phẩm này nhưng muốn hoàn trả vì thiết kế mới không còn phù hợp với sở thích của khách.
5. Chúng tôi tiếp tục cam kết duy trì ý định ban đầu về việc trích 100.000 VNĐ từ doanh thu mỗi sản phẩm bán được của bộ sưu tập này để đóng góp cho các quỹ phát triển tài năng của miền Trung, đặc biệt là dân tộc Chăm, nâng niu con người và tiếp sức cho những ý chí người Miền Trung lạc quan, kiên cường.

Cuối cùng, với tinh thần luôn cầu thị, lắng nghe để hoàn thiện mình, Biti’s Hunter xin chân thành rút kinh nghiệm, và gửi lời cảm ơn tới những tổ chức và cá nhân đã lên tiếng giúp chúng tôi nhận ra thiếu sót trong lần ra mắt BST lần này.

Biti’s Hunter cũng gửi lời xin lỗi vì chưa đáp ứng được mong đợi của những người bạn đã tin tưởng, kỳ vọng và yêu thương Thương Hiệu. Biti’s Hunter xin ghi nhận, đúc rút kinh nghiệm lần này và không ngừng học hỏi, hoàn thiện để có thể trở thành niềm tự hào thật sự của Việt Nam, lan toả được những giá trị tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Một lần nữa, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng những ủng hộ quý báu của các bạn, và cũng xin gửi lời cảm ơn tới nghệ sĩ Việt Max đã luôn sát cánh bên Biti’s và Biti’s Hunter trong suốt thời gian qua, cùng nhau trên hành trình ý nghĩa này.
Trân trọng cảm ơn,
Từ Biti’s Hunter.”

Theo đó, Biti’s sẽ tiến hành các thay đổi sau trong thiết kế Bloomin’ Central :

Họa tiết mới được áp dụng là họa tiết trên vải gấm được lấy cảm hứng và cách điệu từ hoa văn họa tiết nghệ thuật Huế. Với họa tiết hoa và lá hóa đầu rồng mang đầy quyền năng, thần bí cũng giống như những vẻ đẹp của con người miền Trung và Việt Nam là luôn đến từ những điều tự nhiên, gần gũi và đơn giản. Mọi thứ được đơm hoa kết trái mang đến sức sống, phồn vinh.

Mây trời bao bọc xung quanh là tạo hóa của thiên nhiên, vừa thanh bình, vừa khắc nghiệt để tạo nên những Hỉ Nộ Ái Ố.

Đồng xu cổ, lỗ hình tròn tượng trưng cho trời, giữa là lỗ hình vuông tượng trưng cho đất. Trời ngoài đất trong tượng trưng cho quẻ Thái tức sự thịnh vượng. Bốn chữ Biti’s Hunter Street Central được cách điệu bốn hướng như Đông Tây Nam Bắc, như tứ trụ thể hiện cho sự đoàn kết vững bền.

Biti’s tiếp tục sử dụng vải thổ cẩm họa tiết “chân chó” của người Chăm và sẽ ghi nhận đầy đủ cũng như cam kết duy trì ý định ban đầu về việc trích 100.000 VNĐ từ doanh thu mỗi sản phẩm bán được của bộ sưu tập này để đóng góp cho các quỹ phát triển tài năng của miền Trung, đặc biệt là dân tộc Chăm.

Tuy nhiên, lời xin lỗi này có được chấp nhận và có thể xoa dịu cộng đồng mạng? Biti’s được hay mất gì từ sau khủng hoảng này? 

Nhìn chung, ngay sau khi Biti’s đăng tải công khai post xin lỗi cũng như đưa ra phương án khắc phục, đã có những ý kiến ủng hộ cho hành động của Biti’s.

Thương hiệu đã có phản ứng nhanh và kịp thời, thay vì im lặng trước dư luận. Việc xử lý vấn đề kịp thời là cách giải quyết khủng hoảng khôn ngoan. Lời xin lỗi từ đội ngũ Biti’s và cả những người trong đội ngũ thực hiện được đăng tải cùng lúc giúp duy trì hình ảnh thương hiệu và một phần nào đó niềm tin của khách hàng. Bên cạnh đó, Biti’s cũng đã thẳng thắn nhận lỗi, việc trực tiếp nhận lỗi và tiến hành sửa lỗi thay vì vòng vo, đổ lỗi hay đưa ra những lời giải thích không liên quan đã giúp Biti’s xoa dịu dư luận.

(Ảnh chụp màn hình bình luận trên Fanpage Bitis Hunter)

Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen cho khả năng xử lý khủng hoảng truyền thông của thương hiệu, có còn những ý kiến trái chiều về cách ra mắt sản phẩm của Biti’s.

Trong một cộng đồng về content không ít ý kiến hoài nghi về quy trình ra mắt sản phẩm của thương hiệu. Và việc Biti’s có ngay phương án thay thế hoạ tiết vải gấm một cách “quá nhanh quá nguy hiểm” cũng dẫn đến những nghi ngờ về quá trình nghiên cứu, việc mà lẽ ra phải tốn rất nhiều thời gian?

(Ảnh chụp màn hình bình luận trên Group Tâm Sự Con Sen)

Có lẽ qua sự việc lần này, Biti’s sẽ mất nhiều thời gian để nghiên cứu và tạo nên sản phẩm mang tính thuyết phục hơn vào lần ra mắt kế tiếp. Điều này là rất cần thiết để củng cố lại niềm tin của khách hàng và uy tín thương hiệu. Còn với các thương hiệu Việt, nếu muốn kinh doanh dựa trên nền tảng cốt lõi là “yếu tố văn hoá”, nên xem xét có sự đầu tư thích đáng vào việc nghiên cứu các tư liệu văn hoá – lịch sử trong quá trình đưa vào sản phẩm, để việc truyền bá các yếu tố văn hoá lịch sử được chính xác và tinh thần dân tộc Việt Nam được truyền tải một cách sâu sắc. Bởi trong thời đại ngày nay, những gì hời hợt nông cạn đang bị đào thải một cách chóng vánh…


Thực hiện: M. & K.