Bằng cách nào mà Patagonia thành công với mô hình quần áo tái chế?

Ngày đăng: 17/04/21

Vào cuối năm 2019, thương hiệu Patagonia đã ra mắt ReCrafted, là một bộ sưu tập các sản phẩm quần áo tái chế “độc nhất vô nhị” được làm từ những mảnh vải vụn, thừa. Các sản phẩm này thậm chí còn được nhận định là đẹp hơn các sản phẩm mang tính biểu tượng của Patagonia.

Patagonia được nhận định là một thương hiệu đáng nể trong lĩnh vực thương mại quần áo tái chế. Bài viết này sẽ chỉ ra lý do vì sao thương hiệu Patagonia lại làm được điều đó.

Thành quả đáng ghi nhận của Patagonia

ReCrafted được ra mắt như một thử nghiệm mới mẻ của thương hiệu, nhưng trong hơn một năm rưỡi qua, nó đã chứng minh được tiềm năng lớn của mình, với những thành công vang dội. ReCrafted hiện đã bán hàng nghìn sản phẩm thủ công được làm từ quần áo bỏ đi. Những sản phẩm mới nhất được bán với mức giá từ $57 đến $231. Chúng đắt hơn giá trị thực của các sản phẩm mới, nhưng chính vì sự độc nhất vô nhị và ý nghĩa đối với môi trường nên khách hàng luôn mua chúng ngay khi vừa được ra mắt, tạo ra tình trạng cháy hàng.

Alex Kremer – người giám sát và điều hành hoạt động của ReCrafted, hiện vẫn đang chứng minh với toàn ngành thời trang rằng các thương hiệu thời trang thuộc mọi quy mô đều có thể nâng cấp sản phẩm đã qua sử dụng như một phần hoạt động kinh doanh của họ và tạo ra một nguồn doanh thu mới sinh lợi nhuận hiệu quả.

Một sản phẩm tái chế từ quần áo cũ của Patagonia.
Một sản phẩm tái chế từ quần áo cũ của Patagonia.

Upcycling (tái chế áo quần) từng là một ngành công nghiệp thủ công nhỏ lẻ dành cho các nhà bảo vệ môi trường đang cố công tạo ra sự thay đổi tích cực, nhưng hiện nay nó đang thịnh hành và sẽ sớm trở thành một ngành công nghiệp. Tuy nhiên, có một mặt tiêu cực của upcycling này là một số thương hiệu đang lợi dụng nó như miếng mồi tiếp thị để làm tăng giá trị sản phẩm, mà không thực sự thay đổi phương thức của họ. Gần giống với thời trang bền vững và hành vi greenwashing vậy.

Lấy ví dụ là thương hiệu Zara, từng hợp tác với Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ (Council of Fashion Designers of America – CDFA) vào tháng Mười Hai để lập nên danh sách các nhà thiết kế đang nổi danh trong lĩnh vực tái chế quần áo. Điểm đáng nói là các nhà thiết kế đã phải sử dụng loại vải tồn kho (còn mới) mà Zara cung cấp. Vậy chính ra là Zara tiếp tục sản xuất những thiết kế này bằng vật liệu mới, bổ sung vào bộ sưu tập thời trang thường ngày và bày bán tại một số cửa hàng chỉ định của Zara.

Thoạt nhìn, chương trình có vẻ như đang cố gắng nâng cấp khái niệm thời trang nhanh, nhưng trên thực tế, bộ sưu tập không khác gì cách thức ra mắt bộ sưu tập bình thường khác của Zara. Thật đáng tiếc vì thông qua chương trình tái chế của Patagonia, có thể nhận định được rằng các thương hiệu vẫn có thể kinh doanh dựa trên việc tái chế sản phẩm cũ, đồng thời loại bỏ sự lãng phí to lớn của ngành công nghiệp thời trang.

Thách thức của việc Upcyclingquần áo tái chế

Ngành công nghiệp thời trang đã phát triển theo cấp số nhân kể từ những năm 1980, khi các thương hiệu bắt đầu sản xuất quần áo giá rẻ ở các nước đang phát triển. Ngày nay, hơn 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất mỗi năm, gấp đôi sản lượng vào năm 2000. Thực trạng là nhiều người tiêu dùng chỉ mặc một món đồ bảy lần trước khi bỏ đi, điều đó có nghĩa là thế giới đang bị xâm thực bởi quần áo cũ.

Áo thun được ghép từ nhiều mảnh áo quần bỏ đi của Patagonia.
Áo thun được ghép từ nhiều mảnh áo quần bỏ đi của Patagonia

Patagonia đã và đang nghiên cứu những cách sáng tạo để giữ quần áo đã qua sử dụng tránh khỏi kết cục bị đưa vào bãi rác. Thương hiệu đã cung cấp các dịch vụ sửa chữa và một chương trình resale (thu mua để bán lại quần áo cũ). Nhưng một sản phẩm quần áo, nếu bị bỏ lơ quá nhiều năm, sẽ trở thành những món đồ dự trữ không thể sửa chữa và các nhà thiết kế của Patagonia đã tự hỏi làm thế nào để sử dụng những món đồ này một cách có trách nhiệm.

“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những khách hàng của mình, những người sửa chữa quần áo theo một cách sáng tạo, cũng như cảm hứng cũng đến từ những người đam mê việc tái chế thủ công để tạo ra những sản phẩm đẹp đẽ từ chất thải. ReCrafted là nỗ lực của chúng tôi để nâng cao tốc độ trên quy mô lớn.” Kramer chia sẻ cùng tờ FastCompany.

Xã hội luôn luôn tồn tại một trào lưu văn hóa, gồm các nhóm nhỏ những thợ may chuyên về đồ tái chế. Họ những người đã tạo ra những sản phẩm mới từ những món quần áo cũ rích. Trong 5 năm qua, một số người trong các nhóm tái chế đó đã thành công trong việc bán hàng trên các thị trường resale lớn như Depop và Poshmark. Bella McFadden là một thí dụ cụ thể, rõ ràng, khi là người đã kiếm được hơn 1,26 triệu đô bằng việc kinh doanh thời trang tái chế trên Depop. Các thương hiệu như FanFare và Zero Waste Daniel thì tập trung hoàn toàn vào việc tái chế. Còn thương hiệu Eileen Fisher, giống như thương hiệu Patagonia, cũng tận dụng tái chế các sản phẩm cũ, hàng tồn kho do chính mình sản xuất.

Trở ngại lớn nhất của việc tái chế hàng may mặc là thời gian và công sức phải tiêu tốn. Chuỗi cung ứng hàng may mặc được thiết kế để tối đa hóa hiệu quả: Các thương hiệu tạo ra một phong cách được chỉ định, chọn loại vải họ muốn, sau đó sản xuất các mẫu giống hệt nhau theo dây chuyền của nhà máy. Tuy nhiên, khi thực hiện việc tái chế, thì doanh nghiệp cần phải xử lý bất cứ mặt hàng bỏ đi nào mà họ có trong tay.

Túi xách làm từ vải jeans của quần áo bỏ đi.

Nhóm nghiên cứu tại Patagonia phát hiện ra cách thức để chương trình này hoạt động hiệu quả là hợp lý hóa quy trình. Họ đã thiết kế hàng chục kiểu – bao gồm túi tote, áo khoác, áo vest và áo thun – cho phép họ sử dụng các vật liệu có trong tay. Ví dụ, họ sử dụng vải denim và vải thô dày để làm túi tote chắc chắn; trong khi hình dạng tổng thể của mỗi chiếc túi là giống nhau, sự chắp vá của vải là yếu tố ngẫu nhiên, tạo ra tính duy nhất cho sản phẩm. “Chúng tôi đã cố gắng điều chỉnh nó phù hợp với quy trình tạo ra sản phẩm các sản phẩm bình thường khác của mình, nhưng chúng tôi cũng muốn tận dụng được càng nhiều sản phẩm bỏ đi càng tốt”, Kremer nói.

Thương hiệu Patagonia đã hợp tác với một doanh nghiệp có trụ sở tại LA tên là Suay Sew Shop. Công ty này có chuyên môn về upcycling để giúp Patagonia sản xuất các sản phẩm này. Các thợ may của Suay lấy các mẫu mà Patagonia thiết kế và tạo ra sản phẩm mới từ những kiện quần áo bỏ đi mà Patagonia gửi đến hàng tuần. Patagonia cũng phải trả nhiều hơn cho chi phí nhân công giúp tạo ra những sản phẩm may mặc tái chế, bởi mỗi sản phẩm mất vài giờ để sản xuất, nhưng đồng thời, công ty không phải trả tiền nguyên liệu thô.

Thuyết phục người tiêu dùng đại chúng

Thương hiệu Patagonia hiện đã bán được hàng ngàn sản phẩm tái chế thủ công và Kremer hy vọng việc kinh doanh của ReCrafted sẽ phát triển hơn nữa. Nhưng để mô hình kinh doanh này trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, Kramer tin rằng điều quan trọng là phải tạo ra những thiết kế gây được sự chú ý. Nhiều nghệ nhân upcycling (hoặc thợ may) có khiếu thị sáng tạo và thẩm mỹ tốt sẽ có khả năng tạo ra các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao được làm từ quần áo cũ. Họ có thể chọn một miếng vải đắp có màu tương phản để cho thấy rằng nó thực chất được đặt ở đó với chủ đích là che đi một lỗ thủng.

“Những “vết sẹo” trên áo quần sẽ kể một câu chuyện. Mọi người có thể đặt câu hỏi về một miếng vải đắp ngộ nghĩnh và bạn có thể nói với họ về cách bạn trượt qua những bụi cây gai, làm rách áo khoác.” Kramer chia sẻ.

Nhận định khách quan thì ReCrafted có một số sản phẩm phù hợp với phong cách cổ điển, chẳng hạn như áo khoác màu xám tối giản có túi áo dễ thương hoặc áo khoác màu đỏ với viền đen mà khi nhìn gần thì bạn có thể thấy mảnh vải đỏ được may lại với nhau, mặc dù từ xa, bạn sẽ khó lòng nhận ra. Có những chi tiết trang trí trở nên nổi bật vì sự kết hợp màu sắc độc đáo của chúng. Các mảnh ghép tạo ra tính duy nhất, có một không hai, và không dễ dàng để nhận định được rằng chúng thực sự được làm từ quần áo bỏ đi.

Điều thú vị là quần áo tái chế của Patagonia nhìn như một sản phẩm mới toanh chứ không phải là sản phẩm mang dáng hình cũ kỹ.
Điều thú vị là quần áo tái chế của Patagonia nhìn như một sản phẩm mới toanh chứ không phải là sản phẩm mang dáng hình cũ kỹ.

Kremer tin rằng chính những người tiêu dùng trẻ tuổi sẽ là nguyên tố để thúc đẩy cuộc “cách mạng tái chế” phát triển mạnh mẽ hơn. Thế hệ GEN-Z có ý thức về môi trường hơn các thế hệ trước đó và đang dành nhiều sự ưu ái cho mô hình resale và thời trang tái chế. Kremer cho biết anh ấy đã nghe được thông tin từ các thương hiệu thời trang khác muốn tìm hiểu thêm về hệ thống của Patagonia, và học hỏi từ thương hiệu. Điều này quả là một dấu hiệu đáng mừng cho cả ngành thời trang.

Chủ đề được chuyển ngữ từ nguồn trên trang FastCompany

Thực hiện: Fellini Rose