[Brand To Know] Vũ Thị Thanh Vân – Founder theMay: “Tính Độc Đáo – tính Ứng Dụng – tính Nghệ Nhân là ba giá trị cốt lõi, là tôn chỉ của theMay”

Ngày đăng: 15/06/21

Chuyên mục Behind The Label của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam. Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ thú vị đến từ chị Vũ Thị Thanh Vân – Founder thương hiệu trang sức theMay.

Tóm tắt nội dung

Say mê với những giá trị văn hóa thủ công truyền thống của người dân tộc Bana, chị Vũ Thị Thanh Vân đã đưa chúng vào các thiết kế trang sức tinh tế của mình với thương hiệu mang tên theMay. Tập trung vào truyền tải những câu chuyện chân thực về đời sống của đồng bào qua sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm dệt tay, theMay chinh phục khách hàng của mình bằng sự giản dị mà sắc sảo trong từng thiết kế. Cùng Style-Republik lắng nghe những chia sẻ của chị Vũ Thị Thanh Vân về đứa con tinh thần theMay này.

Chị Vũ Thị Thanh Vân – Founder theMay

Chị có thể chia sẻ với đọc giả của Style-Republik về câu chuyện hình thành nên thương hiệu theMay của mình? Nguồn gốc tên gọi theMay?

Những lần đi công tác Việt Nam, mình tìm mua khắp nơi các sản phẩm đặc trưng văn hoá để làm quà cho bạn bè đồng nghiệp nhưng tìm mãi vẫn không có sản phẩm ưng ý. Văn hoá Việt Nam rất đa dạng, mình nghĩ nếu tạo ra được những sản phẩm chỉnh chu, có kế thừa văn hoá truyền thống sẽ rất đặc trưng nên mình đã bắt đầu mày mò học hỏi và sáng lập nên theMay.

May là hoa cỏ May, một loài hoa nhìn thì mỏng manh nhưng sức sống thì rất bền bỉ. Thông qua theMay mình muốn truyền lửa cho các làng nghề truyền thống ở Việt nam, dù có khó khăn vẫn luôn kiên trì tìm giải pháp để vượt qua. theMay sinh ra nhằm góp phần bồi đắp và khẳng định lại vị thế vốn có của các sản phẩm thủ công truyền thống, hồi sinh niềm yêu thích dành cho chất liệu thổ cẩm dệt tay – một dòng chất liệu rất đặc sắc nhưng tiếc thay đang dần bị mai một.

Cảm hứng của theMay đến từ đâu? Tại sao chị lựa chọn niềm cảm hứng đó?

Sự đa dạng trong văn hoá truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam là nguồn kiến thức, cảm hứng và là động lực để team theMay sáng tạo hằng ngày. Mình muốn khi mọi người nghĩ đến văn hoá dân tộc của Việt Nam, họ sẽ nhớ ngay hình ảnh của chiếc áo dài, nón lá và cả thổ cẩm màu sắc của các nhóm dân tộc thiểu số nữa. Sản phẩm theMay là sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống và thiết kế hiện đại, mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm theMay đều là một đại sứ giúp theMay và cộng đồng thiểu số lan toả nét đẹp văn hoá.

[Behind The Label] Vũ Thị Thanh Vân - Founder theMay: “Tính Độc Đáo - tính Ứng Dụng - tính Nghệ Nhân là ba giá trị cốt lõi, là tôn chỉ của theMay.”

Điểm đặc biệt (signature) của thương hiệu? Sự khác biệt của thương hiệu so với các thương hiệu local khác cùng lĩnh vực (đặc biệt với các thương hiệu trang sức thổ cẩm thủ công khác)?

Tính Độc Đáo – tính Ứng Dụng – tính Nghệ Nhân là 3 giá trị cốt lõi, là tôn chỉ cho thiết kế sản phẩm của theMay. 

Khác với các thương hiệu khác, sản phẩm của theMay là những thiết kế độc quyền, truyền tải chân thật nhất câu chuyện văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Mặc dù khi nhắc đến thổ cẩm mọi người thường nghĩ đến màu sắc sặc sỡ, khó phối đồ, nhưng làm sao để khách hàng mua và có thể sử dụng được sản phẩm của theMay hằng ngày, bất kể mục đích khác nhau luôn là ưu tiên hàng đầu cho các thiết kế của theMay. Nếu chất liệu khó sử dụng vậy tại sao mình không kết hợp nó với một thiết kế phù hợp để làm nó gần gũi hơn? 

Đánh giá chung của thương hiệu về thị trường trang sức tại Việt Nam? Tại sao thương hiệu chọn hướng đi hiện tại (khá ngách, không đánh vào phân khúc sang trọng mà thiên về bản sắc dân tộc) của mình? Thuận lợi và khó khăn của thương hiệu ở hướng đi này là gì?

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen lắm với việc đeo phụ kiện thời trang, trang sức vàng bạc đá quý vẫn là lựa chọn hàng đầu của đại đa số khách hàng. Tuy nhiên một bộ phận giới trẻ, những người có cá tính riêng thì đã bắt đầu tìm hiểu và chấp nhận sản phẩm đặc trưng, khác biệt như sản phẩm của theMay.

Mình chọn ứng dụng thổ cẩm lên phụ kiện thời trang vì mình thấy thị trường phụ kiện vẫn chưa có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, đa phần phụ kiện hoặc là phụ kiện vàng bạc đá quý, hoặc là phụ kiện giá rẻ nhập từ nước ngoài về. Thuận lợi là mình có thể thoả sức sáng tạo, thể hiện đúng tinh thần của thổ cẩm mà chưa lo lắm về việc bị ăn cắp ý tưởng. Có thể mọi người nghĩ khó khăn nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tuy nhiên với theMay thì việc tìm được các làng vẫn còn giữ được nghề dệt, vẫn còn nghệ nhân tâm huyết với thổ cẩm mới là cái khó khăn nhất.

[Behind The Label] Vũ Thị Thanh Vân - Founder theMay: “Tính Độc Đáo - tính Ứng Dụng - tính Nghệ Nhân là ba giá trị cốt lõi, là tôn chỉ của theMay.”

Kinh doanh trang sức tại Việt Nam có những thuận lợi và thử thách gì?

Thị trường trẻ, mức sống & sức mua đang tăng là thuận lợi chung cho cả thị trường. Tìm được nét riêng và thuyết phục khách hàng tin tưởng và sử dụng nét riêng của mình là điều khá khó nhằn. Tâm lý đám đông ở Á Đông vẫn rất phổ biến mà. 

Theo chị, chất liệu vùng miền có thể tấn công sâu hơn vào phân khúc luxury (xa xỉ) hay không? Tại sao?

Chắc chắn là có. Các thương hiệu lớn họ đã làm rất tốt điều này trong những năm gần đây. Cũng đã có nhiều NTK Việt băn khoăn và ứng dụng chất liệu dân tộc lên sản phẩm của mình, nhưng cần có một làn sóng lớn hơn để tạo hiệu ứng và khách hàng có thể cảm thấy gần gũi hơn với chất liệu dân tộc. Để xử lý tốt các chất liệu truyền thống, sản phẩm thủ công thì cần bỏ công sức và nguồn lực nhiều hơn các sản phẩm đại trà khác. Có thể đó là rào cản đầu tiên nên các chất liệu này vẫn chưa được ưu ái bởi đông đảo thương hiệu và khách hàng.

Quá trình tạo nên các sản phẩm trang sức của theMay được thực hiện như thế nào?

Thổ cẩm của đội ngũ theMay sẽ kết hợp với các nghệ nhân ở làng nghề để phối màu, chọn hoa văn và kích thước. Dựa trên các mẫu thổ cẩm đội ngũ sẽ lên bản vẽ thiết kế sau đó là mẫu thử. Khi mẫu thử được duyệt thì chuyển sang khâu marketing, sản xuất số lượng và bán hàng.

Một số thương hiệu lấy cảm hứng văn hóa bản địa của một nơi nhưng không thực sự làm việc cùng nghệ nhân nơi đó, theMay đã làm gì để đóng góp cho người dân địa phương nơi theMay lấy cảm hứng để làm nên các sản phẩm của mình?

theMay sử dụng thổ cẩm dệt bởi các nghệ nhân địa phương, điều này giúp mang lại một nguồn thu nhập phụ cho chị em phụ nữ bản địa. Việc theMay quan tâm phát triển thổ cẩm của làng nghề cũng giúp các chị cảm thấy được tầm quan trọng của việc giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.

Là Founder/CEO của thương hiệu, chị phải chuẩn bị những gì để có thể phát triển thương hiệu thành công?

Tinh thần học hỏi sáng tạo không ngừng, rút kinh nghiệm từ chính sai sót khuyết điểm của mình, giữ vững lập trường và định hướng phong cách của thương hiệu dù bất kì trường hợp nào.

Khó khăn thường gặp khi thương hiệu mới bắt đầu là gì và làm sao để vượt qua những khó khăn đó?

Lòng tin của khách hàng là thứ khó lấy mà dễ mất nhất. Ở theMay mình tập trung rất nhiều vào thiết kế, chất lượng sản phẩm, với những thương hiệu mới và nhỏ như theMay thì “word of mouth” (truyền miệng) là cách quảng cáo hiệu quả nhất.

Thời trang nói chung và trang sức nói riêng có tính đào thải cao vì thế làm thế nào để một thương hiệu có thể sống sót và cạnh tranh giữa thị trường khốc liệt? Những yếu tố quyết định thành công của một thương hiệu trang sức? Thành công của theMay cho đến thời điểm này là gì?

Mình nghĩ vững chất riêng của mình là điều kiện đầu tiên để tồn tại trong ngành thời trang. Bên cạnh đó, sản phẩm đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng. theMay không chạy theo xu hướng. Ngược lại theMay luôn làm những sản phẩm lạ, khác biệt, đồng thời truyền tải chân thật nhất về câu chuyện văn hoá, câu chuyện thủ công để tạo nên nét riêng cho mình. Sau 3 năm tài sản lớn nhất của theMay là một đội ngũ nghệ nhân tâm huyết và một nhóm khách hàng thân thiết, luôn tin tưởng vào hoạt động của thương hiệu.

Một thương hiệu thời trang cần đầu tư, chú trọng vào những yếu tố gì để phát triển thương hiệu tốt nhất? 

Với mình thì chất lượng sản phẩm vẫn là điều quan trọng nhất. Tiếp đến là ý nghĩa, thông điệp mà sản phẩm và thương hiệu muốn truyền tải. Ngoài ra với xu hướng thị trường hiện tại thì marketing là một yếu tố thiết yếu luôn phải đầu tư song song cùng sản phẩm và câu chuyện.

Dịch COVID đã ảnh hưởng thế nào đến thương hiệu? Thương hiệu đã làm gì để duy trì kinh doanh, giữ mối quan tâm của khách hàng… trong thời gian đó?

Dịch Covid ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của theMay. Ban đầu tệp khách du lịch, khách nước ngoài chiếm đa số nhưng khi dịch bùng phát thì tệp khách Việt Nam đang nuôi sống thương hiệu từng ngày. Tháng 6 này theMay bắt đầu bán các sản phẩm phụ kiện cho khẩu trang nữa, và tất cả doanh thu trong tháng 6 từ sản phẩm phụ kiện khẩu trang theMay sẽ ủng hộ cho quỹ vắc xin Covid-19.

Sắp tới, thương hiệu có cho ra mắt dòng sản phẩm/bộ sưu tập nào mới?

Tháng 6 theMay sẽ ra mắt mini collection phụ kiện trang sức lấy cảm hứng từ sóng biển. Tháng 7 theMay sẽ cho ra mắt Mini collection phụ kiện đồ da do theMay nhuộm thảo mộc và may thủ công.

Cám ơn chị Thanh Vân vì những chia sẻ vô cùng thú vị!


Thực hiện: Mỹ Đỗ