Bí quyết gì khiến một sản phẩm thời trang trở nên viral?

Ngày đăng: 16/12/22

Giày ballet của Miu Miu, đôi sục của Birkenstock, áo tank top của Prada, dép đi nhà của UGG, giày thể thao Samba của Adidas, thắt lưng B-1DR của Diesel, áo len của Patagonia Better, giày loafer da của Gucci 1953, túi xách mini của Valentino, kính mắt hình oval của Balenciaga. Bí quyết gì khiến những sản phẩm đó trở nên phổ biến như hiện tại?

Mỗi năm, một thương hiệu ra đời bốn bộ sưu tập với hàng chục, hàng trăm sản phẩm. Chúng ta đang sống trong thế giới “thừa cung, thiếu cầu” với hàng ngàn lựa chọn. Thế nhưng, vẫn luôn có những sản phẩm cháy hàng ngay từ khi ra mắt và được “lùng sục” khắp thế giới. Giày ballet của Miu Miu, đôi sục của Birkenstock, áo tank top của Prada, dép đi nhà của UGG, giày thể thao Samba của Adidas, thắt lưng B-1DR của Diesel, áo len của Patagonia Better, giày loafer da của Gucci 1953, túi xách mini của Valentino, kính mắt hình oval của Balenciaga.

Bí quyết gì khiến những sản phẩm đó trở nên phổ biến như hiện tại?

Trên thực tế, mỗi sản phẩm, mỗi thương hiệu vừa được liệt kê bên trên đều giành được một vị trí trong Lyst index – bảng xếp hạng thời trang hàng quý về top các thương hiệu và sản phẩm cao cấp. Chúng được tính toán dựa trên tính “viral” – một khái niệm cực kỳ dễ thay đổi, bất kể số lượt thích trên Instagram của một bài báo hay số lượng bài viết mà các sản phẩm kia xuất hiện, nó đều được tính là “viral”. “Viral” thường được gắn chặt với các thuật toán của mạng xã hội, nhưng đôi khi cũng chỉ là sự suy đoán, và nhiều khi, chúng chỉ xuất hiện trong phòng marketing của các thương hiệu hàng đầu.

Hãy nghĩ về sự phát triển của ý nghĩa của thuật ngữ “hype” trong những năm gần đây. Trước kia, “hype” đơn thuần gắn liền với những đôi giày thể thao mới được ra mắt, nhưng ngày nay, “hype” dường như dính lấy phong cách đường phố của Bella Hadid. Điều gì khiến “hype” nổi đình nổi đám như thế?

Trước hết, đó chính là “dữ liệu”.

Theo các chuyên gia, sự kết hợp có chủ đích giữa chiến lược và dữ liệu sẽ là chìa khoá biến một sản phẩm trở nên “viral”. Mark A. Cohen nói với The Globe and Mail, giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Trường Kinh doanh Columbia và cựu Giám đốc điều hành của Sears Canada: “Dữ liệu là bí mật của cuộc sống”

“Các thương hiệu luôn có một lượng lớn dữ liệu bán hàng để tùy ý sử dụng. Nhưng ngày nay, các nhà bán lẻ đều biết, nếu không phải cùng ngày thì chỉ ngay ngày hôm sau, họ sẽ biết chính xác các cửa hàng vừa bán ra món gì. Họ có dữ liệu thực nghiệm gần như theo thời gian thực về những gì thương hiệu đã bán và tại chi nhánh nào.

Các công ty nên theo dõi dữ liệu chặt chẽ, nắm bắt xu hướng mà thương hiệu mong đợi sẽ phát triển hoặc những thành công được lan truyền cách bất ngờ. Tuy nhiên, nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng những thương hiệu thành công nhất lại không sử dụng dữ liệu không để đem về doanh số bán hàng tăng gấp đôi – mà là để theo dõi sản xuất. Bởi, thách thức lớn nhất khi các sản phẩm trở nên “viral” không phải là sự bùng nổ, mà là dự đoán chúng sẽ trở nên thịnh hành trong bao lâu, và nên đầu tư bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

Dữ liệu bán hàng được kết hợp bởi các thuật toán dự đoán, một công cụ giúp các thương hiệu dự tính trước những sản phẩm sẽ bán được trong tương lai, và thậm chí sản phẩm nào sẽ được lưu kho ở một thời điểm nhất định, với số lượng bao nhiêu để chờ đợi một ngày “bùng nổ” – chúng tuân theo logic tương tự như các thuật toán xác định nguồn dữ liệu dường như ngẫu nhiên của Instagram và Tiktok.

Một chiến lược kinh doanh có phương pháp của các thương hiệu thời trang nhanh đạt đến độ nhanh đến chóng mặt, như trường hợp của Zara, thương hiệu có thể đưa một sản phẩm từ bản phác thảo đến cửa hàng trong 13 tuần, giảm thời gian giao hàng xuống chỉ còn hai tuần nếu cần. Nhưng thương hiệu hiếm khi cho ra mắt lặp lại chính xác một sản phẩm. Thay vào đó, họ sẽ tận dụng xu hướng bằng cách đưa ra các biến thể màu mới, chỉ có sẵn ở một số thị trường nhất định theo dữ liệu bán hàng đã có.

Có bao nhiêu sản phẩm mà chúng ta nhìn thấy ở người qua đường là kết quả của sở thích cá nhân? Hay chúng là kết quả của xu hướng nhất thời hoặc thậm chí là một sự cần thiết liên quan đến thời điểm nhất định trong lịch sử? Chẳng hạn như quần áo mặc trong thời kỳ Covid, và bao nhiêu sản phẩm khác là kết quả của một mô hình nghiên cứu mà các chuyên gia đã lên kế hoạch từ lâu? Câu trả lời có lẽ là ở đâu đó ở giữa.

Nhận thức của chúng ta đôi khi là phù du và phiến diện, đã bao nhiêu lần chúng ta nhận thấy cùng một sản phẩm xuất hiện lặp đi lặp lại trên trang “For Your Page” và tin rằng nó sẽ viral? Từ sản phẩm làm đẹp đến nến thơm, từ giày thể thao đến quần áo khoác, và khi trao đổi với bạn bè, bạn lại ngạc nhiên vì họ thậm chí còn không biết rằng nó tồn tại?

“Khi nói về văn hoá Internet hay thời trang, bạn không thể không nhắc tới cảm giác thân thuộc.”

Armida Ascano, giám đốc thông tin chi tiết của Trend Hunter cho biết: Sự viral không chỉ là từ để nói về một sản phẩm đang tạo được tiếng vang, chúng còn thể hiện khát khao được công nhận, hoà nhập vào trong xu hướng của mỗi người. Một người bạn của bạn có chiếc túi Bottega, một người khác cũng có, và để không là người bị “bỏ rơi”, bạn cũng sẵn sàng chi một số tiền lớn để rinh về một sản phẩm đang “viral”. Và thế là, sản phẩm này ngay lập tức hot đến chóng mặt và nhận được sự săn đón của số đông.

Chúng ta đã đi đến một giai đoạn, mà mọi người đang “điên cuồng” về sự viral, khiến nhiều xu hướng thời trang dường như đi chệch hướng, các thương hiệu hết hơi trong khâu sản xuất, và khi đủ số lượng cung cấp cho khách hàng, sản phẩm lại hết “hot”. Liệu chăng, chúng ta đang ngày càng dễ “dắt mũi” và ngày càng mua sắm điên cuồng hơn qua từng năm?

Và cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là môi trường và tài chính của chính chúng ta.

Thực hiện: Heidi Trương

Theo NSS Magazine