Biến đổi khí hậu khiến chất liệu sản xuất trong ngành thời trang khan hiếm

Ngày đăng: 23/12/21

Trong số nhiều thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt do biến đổi khí hậu, việc tìm nguồn cung cấp sợi và chất liệu tự nhiên có thể trở nên khó khăn hơn, và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trong vài năm qua, thương hiệu thời trang Another Tomorrow của New York đã lấy nguồn len từ hai trang trại ở Nile – một thị trấn nông thôn ở Tasmania, Australia. Tuy nhiên, một trong nguồn cung ứng đã phải vật lộn với các đợt hạn hán làm cạn kiệt thức ăn cho đàn cừu của nông dân, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp lông cừu.

Khi một lượng mưa bất thường sau đó đổ bộ vào khu vực trong năm nay và thức ăn cho gia súc dồi dào, người nông dân đã nghĩ rằng sẽ có thể thu hoạch lông cừu cho việc sản xuất. Vậy nhưng vào tháng Tám, sau khi xén lông cừu, anh ta đã gửi len đi xét nghiệm chất lượng rồi hụt hẫng với kết quả. Lượng mưa lớn đã làm thay đổi chất lượng của len, khiến nó không phù hợp tiêu chuẩn của Another Tomorrow, vốn yêu cầu chất lượng dày hơn. Vanessa Barboni Hallik, Giám đốc điều hành của Another Tomorrow cho biết: “Chất lượng của len đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức chúng tôi không thể sử dụng nó và đã buộc lòng phải tìm kiếm một nguồn cung ứng mới.”

Another Tomorrow chỉ là một trong số rất nhiều công ty thời trang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì diễn biến thời tiết khó lường và khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Từ cotton đến cashmere, nhiều loại sợi tự nhiên và hàng dệt đang trở nên khó để cung ứng đủ lượng nhu cầu. Đối với bông, sáu quốc gia sản xuất hàng đầu gồm Ấn Độ, Pakistan, Brazil, Trung Quốc, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ – chịu nhiều rủi ro về khí hậu bất ổn, trong đó Tây Bắc Phi và Tây và Nam Á có nguy cơ cao nhất. Theo một báo cáo của Cotton 2040, có khoảng 40% các vùng sản xuất bông sẽ có mùa vụ trồng ngắn hơn vào năm 2040.

Biến đổi khí hậu khiến chất liệu trong ngành thời trang khan hiếm
Thực hành canh tác bền vững đã được chứng minh là làm tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu thô, bao gồm cả bông hữu cơ.

Không chỉ có bông mới gặp rủi ro. Sản xuất tơ cũng bị đe dọa ở các vùng nhiệt đới, nơi nhiệt độ tăng cao sẽ khiến loài sâu bướm khó khăn để xây kén. Ngành công nghiệp tơ lụa bị tác động tiêu cực có thể đe dọa sinh kế của hơn 2 triệu người. Chất lượng và sản lượng cashmere cũng đang giảm dần, bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ không ổn định và nguồn cung cấp nước giảm dần cũng như việc chăn thả quá mức. Tất cả có tác động không nhỏ đến sự phát triển của lớp lông mùa đông của dê ở Mông Cổ.

Vào ngày 17 tháng Mười Một, Google thông báo họ sẽ ra mắt Global Fiber Impact Explorer, một công cụ được xây dựng trên Google Earth và Google Cloud để xác định và đánh giá rủi ro môi trường của 20 loại sợi khác nhau. Các yếu tố đánh giá bao gồm ô nhiễm không khí, đa dạng sinh học, khí nhà kính, lâm nghiệp và lượng nước sử dụng. Công cụ này là một phần trong quan hệ đối tác liên tục của Google với tổ chức WWF để xây dựng một nền tảng theo dõi các nguyên liệu thô bền vững và đặc biệt xem xét mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và nguyên liệu thô được sử dụng trong bán lẻ. Stella McCartney là thương hiệu đầu tiên thử nghiệm công cụ này và nhiều thương hiệu khác đã thể hiện sự quan tâm, theo Google.

Các cảnh báo từ các nhà khoa học là rõ ràng. Jennifer Francis – Phó Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Khí hậu Woodwell và là một nhà khoa học cho biết: “Nhiều vụ mất mùa hơn nữa là điều mà ngành công nghiệp thời trang cần hiểu rằng sẽ xảy ra. Rất có thể những cây trồng được sử dụng làm vải sẽ trở nên đắt hơn hoặc thậm chí là không có sẵn.”

Ngành thời trang tìm kiếm giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Vào năm 2015, tập đoàn Kering cảnh báo rằng chất lượng và sự sẵn có của nguyên liệu thô đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Helen Crowley, người đứng đầu các sáng kiến tự nhiên và tìm nguồn cung ứng bền vững tại Kering cho biết: “Rất nhiều điều đã thay đổi so với năm năm trước khi chúng tôi mới nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn. Toàn ngành hiện đang tìm kiếm các giải pháp khí hậu.”

Một giải pháp là đa dạng hóa nguồn cung giữa các khu vực địa lý để đảm bảo rằng nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một khu vực, các công ty thời trang có thể chuyển sang khu vực khác. Ví dụ, Another Tomorrow đang mở rộng cơ sở cung ứng để giảm rủi ro thiếu hụt trong tương lai. Tuy nhiên, đa dạng hóa nguồn cung có những hạn chế, bao gồm cả việc khiến các công ty khó xác minh điều kiện làm việc của các nhà cung cấp hơn.

Biến đổi khí hậu khiến chất liệu trong ngành thời trang khan hiếm
Hình ảnh tại Barega Merino, một trang trại được chứng nhận RWS (Responsible Wool Standard – Tiêu chuẩn len có trách nhiệm) ở Tasmania.

Về cơ bản, việc đa dạng hóa nguồn cung không mang nhiều ý nghĩa chiến lược trong dài hạn. Khí hậu của tất cả các khu vực sẽ trở nên khó dự đoán hơn khi nhiệt độ tăng lên. “Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở khắp mọi nơi”, Gail Whiteman – người sáng lập tổ chức Arctic Basecamp và là giáo sư về tính bền vững tại Đại học Exeter tại Anh Quốc nhận định. “Chúng ta không thể tránh chúng, chúng ta phải thích nghi với chúng.”

Các chuyên gia khí hậu cũng như các chuyên gia trong ngành đang thúc đẩy sự chuyển dịch của ngành thời trang theo hướng phát triển các vật liệu bền vững hơn và đàn hồi tốt hơn có thể chống chọi với các kiểu thời tiết khắc nghiệt. Theo “Hiệp hội Đất” của Anh Quốc (Soil Association), các phương pháp canh tác bền vững đã được chứng minh là làm tăng chất lượng và số lượng nguyên liệu thô. Việc trồng bông hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu đã mang lại năng suất cao hơn 50% cho một số nông dân, đồng thời cải thiện chất lượng.

Cái giá của sự thay đổi

Những thay đổi đối với nguồn cung ứng vật liệu là vô cùng cần thiết. Việc chuyển đổi sang các phương thức canh tác tái sinh và bền vững vẫn còn tốn kém đối với người nông dân, và ít được khuyến khích về khía cạnh tài chính hoặc thị trường. Các nhà vận động cho biết cần phải đầu tư nhiều để khôi phục đa dạng sinh học ở những khu vực bị khai phá để lấy đất canh tác và cải thiện sức khỏe của đất để tạo ra các hệ sinh thái có khả năng phục hồi tốt hơn. Việc này đòi hỏi phải suy nghĩ lại hoàn toàn về chuỗi cung ứng. Nếu chúng ta muốn chuyển đổi sang các phương thức tái tạo và bền vững, chúng ta cần đảm bảo các biện pháp khuyến khích phù hợp và người nông dân được tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực của họ.

Biến đổi khí hậu khiến chất liệu trong ngành thời trang khan hiếm
Another Tomorrow hợp tác với một số trang trại ở Tasmania và làm việc lẫn khuyến khích các nông dân để áp dụng các phương pháp canh tác bền vững hơn.

Một nông dân khác ở Tasmania mà thương hiệu Another Tomorrow làm việc cùng là Nan Bray – một cựu nhà khoa học khí hậu đã trở thành nông dân. Sau khi mùa hạn hán 2006-2009 biến đất đai của cô thành bùn đất, Bray đã cắt giảm số lượng cừu trong đàn từ 1.800 con xuống còn 200 con để ngăn chăn thả quá mức, dẫn đến những con cừu khỏe mạnh hơn và đất có khả năng phục hồi cao hơn khi hạn hán xảy ra lần nữa. Bray cho rằng nếu muốn có một môi trường đa dạng sinh học, sẽ cần phải giảm số lượng động vật ăn cỏ. Đó là chìa khóa để tồn tại với tư cách là nhà cung ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đó là một quá trình tốn kém. Bray đã không thu được lợi nhuận trong nhiều năm. Và bây giờ, với số lượng cừu chăn nuôi ít hơn trên đất của mình, cô ấy cần phải tính phí cao hơn giá thị trường cho len mà mình thu hoạch được. Sau nhiều năm chuyển đổi sang các phương thức canh tác bền vững hơn và cũng nâng cao chuỗi giá trị để phát triển len làm sợi dệt kim, Bray cuối cùng cũng đã thu được những lợi ích về cả mặt môi trường và tài chính. Không chỉ vậy, Bray còn đồng thời phổ biến đến những người nông dân khác bằng cách viết bài trên tờ báo địa phương.

Lĩnh vực thời trang cao cấp đang ủng hộ một số sáng kiến, dẫn đầu là “Quỹ Tái sinh cho Thiên nhiên” (Regenerative Fund for Nature) của Kering – một tổ chức hỗ trợ các dự án nông nghiệp trên khắp thế giới tìm cách chuyển đổi từ phương pháp canh tác hiện tại sang phương thức tái sinh. Một số thành công đã được báo cáo. Ví dụ, một dự án do Kering hỗ trợ những người chăn nuôi ở sa mạc Gobi của Mông Cổ nhằm tái tạo các đồng cỏ bản địa bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu và gia tăng chăn thả đã giúp cải thiện năng suất và sinh kế tốt hơn cho người chăn nuôi. Dự án đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhiều vốn đầu tư trả trước.

Helen Crowley, đại diện của Kering, chia sẻ rằng cần có thời gian để xây dựng các mối quan hệ, cũng như xây dựng các chuỗi cung ứng và để theo dõi các kết quả này.” Dự án của Mông Cổ đã được tiến hành từ sáu đến bảy năm. Nhưng đó là sự tác hợp mà cả đôi bên cùng có lợi khi đạt đến được cột mốc đó.

Biến đổi khí hậu khiến chất liệu trong ngành thời trang khan hiếm
Nếu ngành thời trang không chung tay hành động, việc khan hiếm các chất liệu cần thiết cho công cuộc sản xuất là điều khó tránh khỏi.

Tìm nguồn cung ứng các chất liệu vững hơn chỉ là một trong hàng núi thách thức mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu gia tăng theo từng năm. Lĩnh vực thời trang hiện đang chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải toàn cầu hàng năm và 48% chuỗi cung ứng của nó có liên quan đến nạn phá rừng. Ngành này cũng có tác động tiêu cực nặng nề đến đa dạng sinh học do sử dụng hóa chất và ô nhiễm vi nhựa. Ngành công nghiệp thời trang đang chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các mục tiêu của hội nghị khí hậu COP26. Ở cấp độ cơ bản nhất, rủi ro về danh tiếng là rất lớn đối với các thương hiệu thời trang lẫn ngành xa xỉ khi không tích cực ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Bài viết được chuyển ngữ từ Vogue Business

Thực hiện: Fellini Rose