Bộ phim giới thiệu BST Xuân Hè 2022 của Maison Margiela: Là những lời gửi gắm dành cho thế hệ trẻ sau đại dịch

Ngày đăng: 06/10/21

Một lần nữa tiết lộ BST mới bằng những thước phim, không chỉ có thời trang, nghệ thuật mà John Galliano còn gửi gắm thông điệp cho người trẻ thông qua bộ phim thời trang mới của Maison Margiela.

Sau bộ phim giới thiệu BST trước – A Folk Horror Tale, thì lần “hé mở” tiếp theo này giám đốc sáng tạo Maison Margiela – John Galliano lại một lần nữa “bắt tay” và đạo diễn Olivier Dahan dựng lên những thước phim về nhận thức, khát vọng, cống hiến của thế hệ trẻ dành cho môi trường và chính cộng đồng của họ khi trở lại với cuộc sống bình thường mới hậu đại dịch. Và ngay lúc này, nhà thiết kế đình đám sẽ nói cho chúng ta biết lý do tại sao phim ảnh lại là phương tiện tốt nhất để ông “kể” câu chuyện thời trang của chính mình.

Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh “những con người đang say sưa nhảy múa giữa đêm tối” và tiếng thì thầm của John Galliano trong tiếng ghi-ta điện rít lên. Nhà thiết kế như “trêu đùa” và thật sự làm khán giả phấn khích lên với những hình ảnh thời trang không thể ngờ tới trước mắt họ. Bộ phim này như tầm nhìn mới và là phần tiếp theo của A Folk Horror Tale – những thước phim về dòng thời trang cao cấp “gây chấn động” giới thời trang vào tháng 7 vừa rồi.

Nếu A Folk Horror Tale bạn được trải nghiệm một không gian thơ mộng của những thước phim celluloid nhưng lại đầy ám ảnh thì trong bộ phim mới này bạn sẽ được đắm chìm trong bầu không khí đậm chất rock ‘n’ roll, phá cách nhưng vô cùng quyến rũ. Khác hoàn toàn với bối cảnh ma mị, huyền ảo của thước phim dòng thời trang cao cấp trước thì ở dòng Co-Ed lần này thì bối cảnh sẽ trở nên thân thuộc hơn, khán giả có cơ hội vào hậu trường của chính BST. Với hiệu ứng, bối cảnh và đạo cụ làm bằng gỗ như vậy, kịch bản lần này được đánh giá là hấp dẫn hơn.

Galliano cũng giải thích rằng bộ phim giới thiệu dòng ready-to-wear lần này được quay trong studio với màn hình LED 360 và ông cho rằng thật thú vị nếu tiết hộ các bối cảnh của hậu trường và khán giả sẽ có cảm giác quen thuộc, tin cậy hơn rất nhiều.

Nếu các dòng sản phẩm thời trang cao cấp Haute Couture cho chúng ta thấy những thiết kế, đường may mũi chỉ tỉ mỉ, thì ngược lại dòng sản phẩm của Ready-To-Wear là những sản phẩm của công cuộc “công nghiệp hóa” hiện đại.  “Soi” kĩ thì về bản chất bộ sưu tập lần này dựa trên dòng Haute Couture ra mắt vào tháng Bảy với độ tiếp cận phổ biến hơn với khách hàng. 

Bối cảnh lần này là cuộc sống của những ngư dân được thu nhỏ lại bằng những thước phim thời trang. Những thiết kế lần này cũng được nhà thiết kế lấy cảm hứng từ thế giới đánh bắt cá từ chi tiết những chiếc thuyền buồm được khắc trên hàng nút của một số thiết kế, những chiếc mũ trùm đầu và mũ ngư dân bằng vải bông, túi xách hình dáng những chiếc xô, áo sơ mi và quần short mini bằng vải denim sờn sờn với những chỗ chắp vá đầy màu sắc.

Những đôi boots lần này được thiết kế với phần mũi giày bằng cao su tái chế được nhuộm những gam màu tươi sáng. Chủ đề câu cá lần này cũng được thể hiện rõ ràng trong những chiếc quần lót cạp cao, ngoại cỡ, và chiếc áo choàng oversize đặc trưng của những ngư dân những khi thời tiết xấu.

Ông đặc biệt còn sử dụng công nghệ mới Essorage của Margiela, để tạo nên những hiệu ứng hao mòn, những vết sờn trên một số thiết kế. Với những dòng nước biển trong phim được ông làm bằng giấy kính bóng có thể phân hủy sinh học, còn với những chiếc bè đánh cá được tái chế từ những đạo cụ của bộ phim trước. Galliano còn không ngần ngại tiết lộ những chiếc áo khoác trong BST lần này còn được tái chế lại bằng những chiếc áo khoác cũ hoặc những tấm vải denim không còn được sử dụng. 

Giống như lối kể chuyện từ trước đến nay của Galliano, ông tạo cảm giác tò mò và để chính khán giả đi giải mã những gì diễn ra trong phim. Trong thời gian dịch bệnh, với sự lựa chọn về những tác phẩm sử thi này đã phản ánh những thách thức và khó khăn của chúng ta, từ việc giao tiếp, tiếp cận thông tin, đến sự phụ thuộc lẫn nhau của các cá thể đều rất quan trọng đối với chúng ta. Và bộ phim mới nhất của ông như phác họa lại cộng đồng hậu đại dịch như những “kẻ vui chơi trong đêm” được gặp lại nhau sau khoảng thời gian “tách biệt” loài người. 

Trong một số phân cảnh, Galliano còn dựng một loạt phông nền những cánh đồng quê hương “nhân tạo”, được nhấn nhá bởi những trận động đất, thiên tai của môi trường, và những người mẫu đang catwalk qua chiếc background đó. Qua hình ảnh ấy NTK gửi gắm thông điệp ý nghĩa: “Mặc dù chúng ta đã vượt qua nhiều thứ, nhưng vẫn còn rất nhiều điều đang xảy ra và chờ ta đối mặt.” Lấy chủ đề môi trường, các hoạt động gắn liền với thiên nhiên, họa tiết động vật làm chủ đạo, BST lần này quả đúng là chân dung của thế hệ trẻ với những điều ấp ủ, cống hiến dành cho môi trường và cộng đồng.

Galliano còn đồng ý rằng đại dịch như một bài học, một lời cảnh báo từ Trái Đất và cũng đừng nên quên những gì đã xảy ra để có thể trở lại sự “bình thường” vốn có. Ở cuối phim, là sự xuất hiện của những hiệp sĩ với vương miện được làm bằng thùng carton, mang nhẫn bạc, găng tay dệt kim xứ Fair Isle. Qua đây Galliano không chỉ thể hiện sự phát triển và thịnh hành của trào lưu DIY trong giới trẻ mà những anh hùng kia như một ẩn dụ cho người trẻ ngày nay, đang đối mặt và chống lại những gì đang và sắp xảy ra trong thế giới ngày càng phức tạp. 

Thực hiện: Huỳnh Trân

Tham khảo: Vogue