[Brand to know] CAO STU và nhà thiết kế Cao Quý: “Dục tốc bất đạt, cái gì thành công sớm quá cũng sẽ nhanh tụt lại”

Ngày đăng: 14/10/21

Chuyên mục Brand to know của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam. Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ đến từ Cao Quý, nhà sáng lập thương hiệu thời trang CAO STU mang phong cách streetwear pha trộn thẩm mỹ kiến trúc thú vị.

CAO STU hướng đến những bạn trẻ hiện đại cá tính với phong cách streetwear trộn lẫn menswear áp dụng cùng tư duy kiến trúc độc đáo. Cùng lắng nghe Cao Quý chia sẻ về hành trình xây dựng và nuôi dưỡng thương hiệu thời trang phi giới tính tuy còn non trẻ nhưng đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng thời trang Việt. 

Nhà thiết kế Cao Quý, nhà sáng lập CAO STU

Xin chào Cao Quý, cơ duyên nào đã khiến bạn sáng lập CAO STU?

CAO STU ra mắt vào giữa tháng 12/2020 nên vẫn là một thương hiệu còn non trẻ trong thị trường local brand của Việt Nam. Lý do CAO STU ra đời chắc có lẽ phải kể đến thời điểm cuối 2019, Quý bỗng dưng bị biến chứng đau lưng nặng phải nằm một chỗ hai tuần, phải phụ thuộc vào người khác rất nhiều, cảm giác rất là bất lực. Lúc ấy tuy sức khoẻ không khả quan nhưng Quý nghĩ nó là khoảng thời gian đẹp giúp mình được tĩnh lặng, được nhìn nhận lại bản thân và trở nên trân quý thời gian hơn bao giờ hết. Sau một quãng thời gian đấu tranh nội tâm, Quý có một quyết định liều lĩnh là bỏ hết mọi thứ bắt đầu lại từ đầu. Quý muốn làm những điều mình thích mà không phải vì cơm áo gạo tiền hay bất cứ một lý do nào khác.

CAO STU là một tên ghép giữ họ tên của mình là “ CAO trong CAO QUÝ “ . Còn “STU” trong cụm từ “STUBBORN. STUPID. STUDIOUS” – Bướng bỉnh. Ngốc nghếch. Học hỏi . 

Cụm từ này đại diện cho tính cách của Quý. Mọi bướng bỉnh với cái tôi lớn trong quá khứ sẽ tạo ra sai lầm và ngốc nghếch trong tương lai. Để từ đó mình vấp ngã và trưởng thành hơn, mình lấy nó làm kinh nghiệm để học hỏi và phát triển. Logo hình vô cực cũng là ẩn dụ cho việc mình không ngừng nỗ lực, kiên trì thì sẽ luôn có thành quả. Đó cũng là một vòng tuần hoàn. 

Quý có niềm đam mê thời trang còn khá là sớm. Từ năm lớp 4, Quý đã vẽ phác thảo cho đến bây giờ. Quý mê mẩn kênh thời trang duy nhất vào thời điểm ấy là Fashion TV, ngoài ra Quý còn xem “ Thời trang và cuộc sống“ cũng như các tạp chí tuổi teen là Mực Tím và Hoa Học Trò. 

Quý tốt nghiệp chuyên thành thời trang 2015 tại trường đại học Văn Lang với vị trí thủ khoa ở mảng thiết kế đồ nam. Cái duyên đó cũng là lý do tại sao CAO STU chủ yếu 70% là đồ nam và 30% là đồ nữ. 

Cảm hứng và điểm khác biệt của CAO STU là gì?

Vì bản thân là một người yêu thiên nhiên và hình khối của kiến trúc nên đó là cảm hứng rất lớn đối với Quý. Nếu để ý thì các thiết kế của CAO STU luôn có những đường uốn lượn hay các mảng phân chia bố cục hình khối trên tổng thể trang phục . 

Xử lý chất liệu vải, phối các chất liệu và màu sắc với nhau cũng là DNA của CAO STU trong từng thiết kế. Để làm được điều này, các môn trang trí cơ bản trong quá trình học đại học đã góp phần rất lớn để giúp tính thẩm mỹ của bản thân được nâng cao. CAO STU vô cùng chú trọng chất lượng của thiết kế qua từng đường kim mũi chỉ và phom dáng.

Hành trình trở thành nhà thiết kế và sở hữu thương hiệu riêng của Quý có những dấu mốc đáng nhớ nào?

Từ khi còn là sinh viên, Quý đã làm thực tập sinh cho các nhà thiết kế tên tuổi ở Việt Nam như Công Trí, Phương My, Lê Thanh Hoà cũng như làm stylist cho tạp chí. Những cơ hội đó đã giúp Quý cọ sát hơn với nghề và tích lũy nhiều kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp năm 2015, Quý đi làm công ty một năm để học hỏi kinh nghiệm sản xuất cũng như cách vận hành công ty. 

Sau đó thì Quý có một khoảng thời gian ở ẩn 3 năm vì mất cảm hứng trong thời trang, tuy không sáng tạo nhiều nhưng khoảng thời gian đó Quý thiên về kiếm tiền nhiều hơn là đam mê. Ban đầu Quý cũng có nhận lên mẫu và gia công cho một số thương hiệu ở Việt Nam. Rồi Quý cũng có một số vốn kha khá mở shop thời trang rồi đóng cửa sau hai năm hoạt động không tốt, sau đó Quý lại quay lại với việc sản xuất gia công. Tuy lúc đó có tiền thật nhưng chả có đam mê hay cảm thấy vui vẻ gì cả, chỉ biết lao đầu vào kiếm tiền thôi. 

Giờ nghĩ lại mọi thứ đến với mình đều có lý do của nó. Mỗi công việc mình làm hay kể cả khoảng thời gian mình mất cảm hứng, định hướng thì nó cũng giúp cho mình ngày hôm nay có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và trưởng thành hơn trong suy nghĩ để tiến về phía trước.

Quý tin những cố gắng đó không hề vô nghĩa. Bằng chứng là CAO STU tuy là một thương hiệu mới nhưng được nhiều nghệ sĩ chọn lựa trang phục của mình để mặc, hay những khách hàng họ phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm cũng như vinh hạnh nhận được một lời mời từ New York về việc hợp tác phân phối sản phẩm của CAO STU sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mình đành từ chối và hẹn lại họ sau 2 năm vì hiện tại nguồn nhân lực chưa đủ để quản lý cũng như muốn ổn định thương hiệu trước.

Kinh doanh thời trang tại Việt Nam theo Quý có những thuận lợi và khó khăn gì?

Để mở một thương hiệu thời trang ở Việt Nam thì khá là dễ, nhưng để vận hành, xây dựng và phát triển lâu dài thì lại là một chuyện khác. Nhiều thương hiệu mọc lên như nấm nhưng sau một thời gian thì số thương hiệu có thể trụ lại và được nhiều người biết tới thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Đối với mình điều đầu tiên khi làm thời trang phải nghiên cứu xem thời trang nội địa hiện tại đang phát triển như thế nào, sau đó xác định phong cách mình muốn làm có đủ sức để cạnh tranh trên thị trường hay không, xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình, lên kế hoạch phát triển 1-3 năm đầu ra làm sao rồi sau đó tiến hành thực hiện tốt từng lộ trình một.

Mỗi thương hiệu sẽ có từng lộ trình khác nhau vì nguồn tài nguyên khác nhau. Chỉ cần biết người biết ta, kiên trì và nỗ lực đi từng bước thì cũng sẽ lên đến đỉnh. Đừng bỏ cuộc là được.

Đã bao giờ Quý thất vọng, chán nản, bỏ cuộc với thời trang? Quý đã làm gì để quay trở lại?

Có rất nhiều là đằng khác. Khi mà mình đã leo lên một cái đỉnh núi nhỏ mà mình muốn leo lên một đỉnh núi lớn hơn thì chỉ có đúng một việc là đi xuống cái đỉnh núi nhỏ đó vả leo lên đỉnh núi lớn kia. 

Khi mà Quý được thủ khoa ngành thời trang thì mình có rất nhiều lời mời và nhiều cơ hội để phát triển, mình nghĩ lúc đó mình ngon lành nên cái tôi cũng cao lắm. Giống như ếch ngồi đáy giếng vậy đó. Khi ngoi lên được thành giếng thì mới thấy mình như hạt cát giữa sa mạc vậy. Giống như con ếch được ra khỏi giếng, gặp nhiều loại người với nhiều bộ mặt khác nhau, tính cách nhau, mình lao động cật lực và bị xã hội chà đạp thì lúc đó mình mới biết cuộc sống là gì, không hào nhoáng như mình tưởng khi còn là một cậu sinh viên. 

Rồi từ đó Quý bị mất định hướng rồi dần dần rơi vào cảm giác không còn hứng thú với thời trang nữa. Lúc đó Quý vẫn làm thời trang nhưng thiên về gia công sản xuất hơn nên kiểu như làm để sống chứ không phải sống để được làm việc, không có một niềm vui nào khi làm thời trang cả. Cộng thêm việc kinh doanh thất bại nên dần dần Quý cũng tách ra khỏi xã hội và bạn bè luôn, cũng có khoảng thời gian mình như kiểu bị tự kỷ vậy. Rồi phải nhờ tham gia vào các hội nhóm chia sẻ những điều tích cực và xây dựng thói quen tốt thì từ từ Quý mới trở nên tích cực hơn. 

Đỉnh điểm tới cuối 2019 mà Quý đã chia sẻ ở trên là mình bị bệnh về cột sống nên phải nằm một chỗ, thời gian đó mình mới tĩnh lặng và nói chuyện nhiều với tâm hồn của mình và lúc đó tự hỏi mình vì sao lại chối bỏ thời trang nhỉ, trong khi thời trang là hơi thở của mình từ nhỏ cơ mà. Chính thời điểm đó là lúc Quý xác định quay lại với thời trang.

Bản sắc cá nhân là một điều quan trọng trong DNA của thương hiệu lẫn nhà thiết kế, Quý làm sao để giữ được điều đó mà vẫn bắt kịp dòng chảy của thời trang, để không bị bão hòa hay bị lãng quên?

Quý nghĩ mỗi người đều có một phong cách riêng, một cái tôi riêng cũng như một thế mạnh riêng trong quá trình sáng tạo. Như bản thân của Quý nhận thấy mình mạnh trong việc xử lý chất liệu, về bố cục, mạnh về màu sắc hay phối các chất liệu với nhau. Những thế mạnh đó mình cần giữ và uyển chuyển trong việc thiết kế. Còn về xu hướng màu sắc hay phong cách mới  thì mình phải luôn cập nhật liên tục để bắt kịp sự thay đổi của dòng chảy thời trang trong thế giới 4.0 hiện tại.

Lời khuyên của thương hiệu cho những bạn trẻ ấp ủ một thương hiệu thời trang ở Việt Nam?

Đừng vội mở thương hiệu hay mở shop. Ban đầu hãy đóng vai là một người học việc. Học từ việc làm nhân viên bán hàng, hay làm trong khâu thiết kế, sản xuất của NTK, công xưởng hay học cách điều hành công ty, doanh nghiệp. Sau khi đủ vững về trải nghiệm, kinh nghiệm và tài chính thì hãy xây dựng thương hiệu của riêng mình. Dục tốc bất đạt, cái gì thành công sớm quá cũng sẽ nhanh tụt lại. 

Quý mong mọi người lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như tính sáng tạo làm chủ chốt. xây dựng văn hoá ý thức tiêu dùng trong thời trang, cùng nhau tạo ra một cộng đồng lành mạnh để giúp thời trang Việt Nam ngày càng phát triển. 

Cám ơn Cao Quý đã vì những chia sẻ rất thiết thực!

Thực hiện: Mỹ Đỗ