[Brand To Know] Dear José & nhà sáng lập Nguyễn Thanh Dương: “Học hỏi là một quá trình cần thiết trước khi phá vỡ quy tắc để tạo ra nguyên bản thực sự”

Ngày đăng: 25/09/21

Chuyên mục Brand to know của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam. Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ sâu sắc đến từ Nguyễn Thanh Dương, nhà sáng lập thương hiệu thời trang nữ mang phong cách lãng mạn phóng khoáng Dear José.

Dear José hướng đến những cô gái trẻ thành thị với tinh thần lãng mạn đương đại. Với nguồn cảm hứng đến từ thiên nhiên, hoa cỏ, tình yêu… các thiết kế của Dear José mang đậm tinh thần tự do, phóng khoáng, chinh phục được rất nhiều cô gái không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Cùng lắng nghe Nguyễn Thanh Dương chia sẻ về hành trình xây dựng và nuôi dưỡng thương hiệu được phái đẹp vô cùng yêu thích này.

Nguyễn Thanh Dương – Nhà sáng lập thương hiệu Dear José

Chào Thanh Dương, Dear José đã được ra đời như thế nào và tại sao bạn chọn cái tên này?

Mình bắt đầu Dear José khi đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Industrial Design và là nhân viên văn phòng trong ngành Marketing. Đó là những ngày cuối tháng 3 năm 2018, toàn bộ hệ thống kho của Dear José đồ sộ hiện tại gom gọn trong một chiếc thùng carton dưới gầm bàn làm việc và nhân viên duy nhất mình có là bạn trợ lý cùng văn phòng giúp mình chăm sóc khách hàng trên mạng xã hội. Thời trang lúc ấy với mình là một mô hình start-up online tinh gọn để tạo thêm thu nhập phục vụ nhu cầu trải nghiệm cuộc sống cá nhân. Và trái tim mình lúc ấy hoàn toàn không đặt ở thời trang. Mình nhớ ước mơ của mình lúc đó là trở thành một nhà thiết kế phụ kiện hoặc đồ nội thất. Ở góc nhìn chuyên ngành lúc ấy của bạn bè mình, thời trang là một thứ gì đó mang tư duy ngắn hạn, phù phiếm và không đem đến những giá trị bền vững cho người sử dụng. Nhưng mà mình lỡ yêu thời trang mất rồi nên đâu còn nhớ gì đến mấy vấn đề trên (cười).

Cái tên Dear José có nguồn gốc từ trang blog bí mật của mình, nghe tựa đề như kiểu mở đầu một lá thư tay sướt mướt gửi cho cô gái nào đó tên José, gửi gắm những thông điệp cho cô ấy thông qua ngôn ngữ của thời trang và váy áo. Cũng vô tình là một lần mình biết được trong tiếng Tây Ban Nha, cái tên ấy còn nghĩa là “bạn mến thương”.

Không phải tự nhiên mà mình chọn thời trang để khởi nghiệp. Lúc ấy ở Việt Nam vẫn là thời điểm mà thị trường thời trang chưa sôi động như bây giờ và phong cách mình theo đuổi còn nhiều định kiến cho là “khó bán” và “không dám mặc ra ngoài đường”. Nhưng may mắn là sau một năm, kết quả mình nhận được là sự yêu mến của rất nhiều khách hàng. Bước ngoặt thật sự diễn ra khi mình quyết định thôi việc để tập trung toàn lực xây dựng đội ngũ và quy trình cho Dear José lớn lên như ngày hôm nay với những kinh nghiệm mình có trong ngành Marketing và Thời trang.

Dear José luôn mong muốn từng bước xây dựng những trải nghiệm thời trang mới mẻ hơn cho khách hàng Việt Nam thông qua những thiết kế được phát triển bởi các bạn trẻ sáng tạo người Việt. Chúng mình mong rằng trong tương lai có thể cùng cộng đồng khách hàng tạo nên một lifestyle của những cô gái JOSÉGIRLS và liên tục lan toả những thông điệp về sự tích cực và lãng mạn trong cuộc sống.

Không đi theo phong cách minimalism khá thịnh hành tại Việt Nam mà chọn hướng đi riêng, Dear José hướng đến những đối tượng nào? 

Dear José hướng đến những cô gái trẻ thành thị với tinh thần lãng mạn đương đại. Trong đầu mình luôn vẽ ra rất rõ một hình tượng phụ nữ mà sẽ mặc đồ của mình để bước vào tiệm hoa hay ngồi cùng bạn bè trong một quán brunch chiều chủ nhật trong những thiết kế đan xen giữa cổ điển và hiện đại, nhẹ nhàng nhưng cá tính.

Ở cô gái đó sẽ luôn toả ra một thứ năng lượng lạc quan, một niềm hạnh phúc tự thân, nhẹ nhàng và bền bỉ trong từng cử chỉ và thần thái. Và ở góc độ nào đó, Dear José phản ánh rõ một hình tượng mà mình muốn trở thành nếu là con gái: là chị em, là cô gái bàn bên, là lối sống Sài Thành của những tâm hồn mộng mơ và sống động.

Cảm hứng của Dear José đến từ đâu?

Nguồn cảm hứng của mình đến từ sự nữ tính tự nhiên cùng những rung động trước những khung cảnh lãng mạn trong cuộc sống: tình yêu, mùa xuân, hoa cỏ, thập niên 70s và lối sống phóng khoáng của các cô gái Sài Gòn.

Mình đem đến cho các bạn gái một góc nhìn nữ tính thông qua góc nhìn của nam giới. Đối với mình, phụ nữ không cần đao to búa lớn để có được nữ quyền. Sự dịu dàng và nữ tính là thế mạnh của họ rồi. Nhiệm vụ của mình là tạo ra những thiết kế giúp tôn vinh và nâng cao những phẩm chất đó. Mình thích chọn những chất liệu siêu nhẹ, bồng bềnh để giúp phụ nữ trút bỏ bớt những gánh nặng trong cuộc sống và khiến tính nữ trong họ được trỗi dậy.

Nếu phần lớn thời gian mọi người tìm kiếm sự sang trọng và tinh tế trong những tone màu trung tính thì đội ngũ thiết kế Dear José thích giải phóng thị giác và đem đến cho người dùng một cái nhìn tươi mới thông qua màu sắc và cấu trúc thanh ống dây thể hiện sự tự do và tính thủ công truyền thống.

Anh cảm thấy đâu là thành tựu lớn nhất mà Dear José đạt được trong suốt thời gian phát triển của thương hiệu?

Tháng 9 vừa qua, Dear José vinh dự được xuất hiện trên Tạp chí Vogue Anh ở hạng mục những thương hiệu và nhà thiết kế mới. Đó là một thành tựu không thể quên đội ngũ Dear José đánh dấu những bước đi đầu tiên được công nhận ở thị trường nước ngoài.

Theo Thanh Dương, kinh doanh thời trang tại Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?

Thời trang đối với mình phát triển song song cùng đô thị hoá với nhu cầu được khẳng định cá tính và giao tiếp kết nối. Đây là vùng đất vàng thuận lợi để bạn bắt đầu đầu tư vào với số vốn cực kì nhỏ cũng như lượng khách hàng tiềm năng dồi dào. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội và thương mại điện tử dễ dàng giúp bạn quảng bá miễn phí thương hiệu. Cứ mỗi tuần, mỗi tháng chúng ta lại thấy một thương hiệu mới. Mình gọi đó là những “em bé” mới đẻ. Và để nuôi lớn một thương hiệu đến khi biết đi và phụng dưỡng mình lại là một bài toán khác phụ thuộc vào tầm nhìn của người sáng lập.

Tuy nhiên, thời trang ở Việt Nam có những tiêu chuẩn riêng mà ở khía cạnh tiêu cực có thể gọi là định kiến. Người Việt Nam mình rất thực tế trong chuyện ăn mặc và có những quy tắc trong hành vi mua sắm bao đời nay. Nếu bạn làm thời trang mà chưa kinh qua những tiêu chuẩn này hoặc chưa nghiên cứu nhu cầu thị trường mà đã vội đi một phong cách lạ ở xứ mình thì dù sớm hay muộn cũng sẽ nản. Để sinh tồn trong một vùng đất vàng với những đối thủ với năng lực cạnh tranh cao, ai cũng cần nhẫn nại và một chiến lược dung hoà giữa thương mại và sáng tạo.

Thanh Dương có bài học sâu sắc nào về kinh doanh thời trang trong suốt quá trình xây dựng và duy trì Dear José?

Có lần team vận hành xem nhẹ chuyện quản lý chất lượng sản phẩm và phải thu hồi một đơn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. Bài học rút ra là luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của khách hàng bởi nó có tính quyết định đến uy tín và hình ảnh của thương hiệu.

Chúng mình đã từng thử thay đổi phong cách của thương hiệu vì có quá nhiều đối thủ ra sau làm nhái và sử dụng hình ảnh của thương hiệu trái phép. Dear José vô tình chinh phục được tệp khách hàng mới, đạt được mục tiêu branding nhưng lại đánh đổi bằng một lượng khách theo đuổi phong cách cũ. Quyết định nào cũng có cái giá của nó.

Hoặc chúng mình định giá quá thấp cho sản phẩm và thương hiệu của mình, dẫn đến không có đủ kinh phí để duy trì và phát triển. Ở quy mô càng lớn, vấn đề giá cả càng quan trọng, nó thể hiện uy tín và chất lượng sản phẩm trên thị trường. Nhu cầu bán được hàng quan trọng nhưng như cầu được trân trọng sản phẩm cũng rất quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu.

Dear José từng bị đánh giá là có những thiết kế sao chép hoặc cóp nhặt từ các thương hiệu khác. Thanh Dương nhìn nhận điều này như thế nào?

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng nơi mọi thứ được kết nối và phản chiếu rất nhanh để tiến hoá và phát triển. Không có thứ gì chúng ta thấy là nguyên bản cả, nó được tiếp nối liên tục bởi xu hướng, khoa học lịch sử, phim ảnh,… kể cả những thiết kế của Dear José.

Không quan trọng là nó được truyền cảm hứng hay copy từ đâu, quan trọng là sáng tạo đó phục vụ cho ai với giá trị như thế nào. Tuy nhiên, với cương vị là người kiểm duyệt và dẫn đầu một đội ngũ sáng tạo, mình cũng luôn phải đưa ra những quyết định khó khăn dựa trên những quy tắc của bản thân: luôn cố gắng nâng cấp và không bao giờ sử dụng những tư liệu đã có ở thị trường Việt Nam. Trong thiết kế, không chỉ đơn giản bạn tạo ra một thứ nguyên bản là thành công. Đối với mình, một thiết kế đi sau được nâng cấp tốt hơn bản gốc về mặt công năng và thẩm mỹ, phù hợp với số đông mới đáng được tuyên dương.

Sự sáng tạo tiếp nối hay copy ở măt nào đó là cách nhanh nhất để người tiêu dùng Việt Nam đến gần hơn với xu hướng quốc tế và làm đa dạng hơn cho ngành thời trang nước nhà. Đối với mình cũng vậy, đối với những thương hiệu đi trước mình trong phong cách này cũng vậy, học hỏi và hội nhập là một quy trình cần thiết trước khi bạn phá vỡ những quy tắc và tạo ra một thứ nguyên bản thật sự.

Thanh Dương có đánh giá gì về tình hình và xu hướng phát triển của thời trang tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Thời trang Việt Nam đang phát triển rất nhanh ở mặt sản phẩm và tiếp thị. Một số thương hiệu lâu năm đang dần bị bão hoà và đang đứng yên trong vùng an toàn của mình vì ngần ngại thay đổi.

Thương mại điện tử đang là xu hướng sẽ chi phối rất nhiều hoạt động marketing và bán lẻ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thương hiệu cũng cần thông minh để hoà nhập nhưng không hoà tan, giữ vững được tiêu chuẩn chất lượng và chăm sóc khách hàng của mình mọi lúc.

Để thành công ở thị trường cạnh tranh khốc liệt như thời trang, yếu tố tiên quyết là sự yêu mến và trung thành của số đông khách hàng, là hạnh phúc và tận tâm của đội ngũ phía sau và uy tín của thương hiệu theo thời gian.

Dịch COVID-19 năm 2020 và 2021 đã ảnh hưởng đến Dear José như thế nào? Bạn đã làm gì để duy trì việc kinh doanh và phát triển sản phẩm?

Khi dịch bệnh xảy ra, doanh số ở thị trường Việt Nam tụt giảm khủng khiếp vì khách hàng của Dear José đa số là các cô gái ở các thành thị lớn có dịch phải phong toả. Nhưng khó khăn lớn nhất nằm ở logistic và sản xuất, điều này ảnh hướng rất nhiều đến tiến độ phát triển sản phẩm và hàng hoá. Mình phải nói tạm biệt đội ngũ, hoãn ra mắt BST Thu Đông 2021 và kết nối với team qua những chiếc màn hình nhỏ mỗi ngày. May mắn là từ trước đó chúng mình đã bắt đầu chinh phục nguồn khách hàng mới ở các quốc gia khác thông qua thương mại điện tử và các nhà bán lẻ trong khu vực cho nên vẫn có nguồn lực để bình an qua dịch. Khách hàng ở bên kia họ kiên nhẫn và lên kế hoạch chi tiêu trước kĩ lắm, họ sẵn sàng đợi 1-2 tháng cho một chiếc đầm đẹp để đi nghỉ mát. Cho nên hình thức đặt hàng trước (Pre-order) đã giúp mình và đội ngũ giảm bớt gánh nặng kể trên.

Khách hàng Việt Nam ai cũng trở về với những nhu cầu tâm hồn và sức khoẻ thay vì chưng diện và khẳng định bản thân qua vật chất. Dear José quyết định ra mắt một mini collection nhỏ với màu sắc tươi sáng lạc quan phục vụ cho các chị em mặc ở nhà mà vẫn đẹp đi kèm với chiến dịch Bloom Hope kêu gọi đóng góp qua mua sắm gây quỹ vaccine vì cộng đồng. May mắn là bộ sưu tập mới được rất nhiều khách hàng trung thành của thương hiệu ủng hộ và chấp nhận chờ đợi để mặc. Điều này giúp đội ngũ Dear José và khách hàng có một sự kết nối thiêng liêng hơn trong giai đoạn đặc biệt này.

Thanh Dương đã học và đúc kết được gì từ những khó khăn đã trải qua trong thời kỳ dịch bnh?

Dù là ai chúng ta đều thuộc về một cộng đồng. Dịch bệnh cho mình biết được rằng thời trang là một mảnh nhỏ trong bức tranh kinh tế lớn. Cho dù bạn có toả sáng đến đâu giữa bầu trời đêm thì cũng không thể thắp sáng cả một bức tranh. Điều đó cho mình và đội ngũ một chút thời gian để nghỉ ngơi, suy nghĩ về những định hướng tương lai với những đóng góp của thời trang cho cộng đồng nơi mình thuộc về. Thời trang giờ đây còn mang nhiều ý niệm hơn trên vai: trách nhiệm với cộng đồng.

Dương có lời khuyên nào cho những bạn ấp ủ một thương hiệu thời trang ở Việt Nam?

Hãy xác định đó là sự nghiệp hay là sở thích của mình. Sự nghiệp sẽ đem đến những trải nghiệm thăng trầm còn sở thích thì luôn đem đến những điều thú vị. Khi làm chủ một thương hiệu thời trang, tạo ra một quy trình là một điều cần thiết nhưng cũng phải biết ứng biến linh động theo quy trình đó. Cuối cùng là luôn luôn lạc quan, kiên nhẫn và cẩn trọng trong từng quyết định của bản thân.

Thanh Dương có mong ước hay lời nhắn gửi nào dành cho cộng đồng kinh doanh thời trang tại Việt Nam?

Ở thời điểm hiện tại, cơ hội bứt phá là ngang nhau, các bạn đừng chỉ cạnh tranh trong thị trường Việt Nam, hãy cùng nhau đưa thời trang Việt ra ngoài biên giới. Có thể trong nước sản phẩm của bạn không được chấp nhận nhưng ở đúng nơi đúng thời điểm, nó sẽ toả sáng.

Trong lòng rất nhiều người tiêu dùng thời trang quốc tế, chữ MADE IN VIETNAM có giá trị không hề nhỏ, đó là lời khen của những đối tác bán lẻ trong khu vực đã từng nói với mình. Chúc các bạn kiên định và thành công với định hướng của mình.

Cám ơn Thanh Dương vì những chia sẻ hết sức sâu sắc!


Thực hiện: Mỹ Đỗ