[Brand to know] Tiệm con Công: Theo đuổi Thời trang bền vững là sự kiên định đến cùng

Ngày đăng: 14/05/20

Thời trang bền vững không còn là một xu hướng nhất thời, mà dần trở thành định hướng phát triển của nhiều thương hiệu Việt. Nó không chỉ giải quyết bài toán giảm thiểu tác hại của thời trang lên môi trường, mà hơn nữa thời trang bền vững còn giúp giữ lại những làng nghề thủ công trước bờ vực thất truyền và những kỹ thuật dệt may có nguy cơ đang bị mai một.

Style-Republik đã được dịp trò chuyện cùng chị Ami Hà, người đứng sau thương hiệu Tiệm con Công và lắng nghe nhiều chia sẻ từ chị về việc xây dựng đội ngũ nghệ nhân để cùng tạo ra những sản phẩm thủ công, ứng dụng các kỹ thuật nhuộm chàm đặc biệt, thân thiện môi trường. Việc người trẻ tìm về với các giá trị thủ công, đề cao tính bền vững không còn quá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên đằng sau đó là những nỗ lực thầm lặng đáng để nâng niu và trân trọng.

Đối với một thương hiệu, chọn đi theo thời trang bền vững đó không phải một quyết định nhất thời, hay chạy theo xu hướng, thương hiệu biết rõ phải đối mặt với bàn toán kinh tế trước mắt, kiên định và từ chối những chất liệu gây ô nhiễm môi trường, vốn được sử dụng vô cùng phổ biến vì giá thành rẻ. Nhưng, từ những giới hạn và khó khăn ấy lại tạo nên động lực để các nhà thiết kế, thợ thủ công phát triển những kỹ thuật truyền thống và tạo nên những chất liệu hữu cơ mới có thể thay thế.

Chân dung chị Ami Hà – Founder của Tiệm con Công

Thời gian qua, rất nhiều hình ảnh được truyền nhau về những chiếc khẩu trang thêu họa tiết hoa lá đáng yêu của Tiệm con Công. Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về lý do chị thực hiện ý tưởng này không?

Do đặc trưng sản phẩm của Tiệm con Công lâu nay đã là thêu tay, bản thân là dân làm thời trang mà, nên cái gì cũng muốn phải đẹp. Trước đây, tôi đã thêu lên giày, mũ, túi, khẩu trang dùng hàng ngày. Khi mùa dịch mới chớm, tôi đã làm khẩu trang thêu tay tặng anh em, bạn bè vì nhận thấy lượng khẩu trang y tế khổng lồ thải ra mỗi ngày có hại cho môi trường, cộng thêm đi đến đâu cũng nhìn thấy mọi người đều khẩu trang y tế khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Vì muốn nhiều người sử dụng khẩu trang vải thêu tay cho tươi tắn và yêu đời, tạo công việc mùa dịch cho đội ngũ thợ, lại tận dụng được nguồn vải vụn dư thừa sau khi cắt áo váy nên tôi quyết định hiện thực hoá ý tưởng và đưa vào sản xuất, bán ra thị trường.

Thiết kế khẩu trang thêu hoa được các bạn trẻ yêu thích thời gian qua của Tiệm con Công

“Điều quan trọng là giữ cho nghề truyền thống không mai một, ngược lại còn được phát triển một cách hợp thời để tạo nên những giá trị mới.”

Thời trang bền vững không còn là một phong trào, mà đã trở thành định hướng phát triển của nhiều thương hiệu tại Việt Nam như Tiệm con Công. Cơ duyên nào dẫn chị đến quyết định thành lập thương hiệu?

Cách đây 5 năm, khi bắt đầu thương hiệu Tiệm con Công, tôi đã lựa chọn chất liệu vải sợi tự nhiên như cotton thô 100%, lanh 100% sợi đay … có thể phân huỷ được thay vì các chất liệu có chứa polyester thịnh hành, mặc dù tại thời điểm đó, chất liệu mình sử dụng chưa phổ biến nhiều và chưa được quan tâm như hiện giờ, thậm chí nó còn bị chê chối rất nhiều vì những nhược điểm nhất định.

Bản thân tôi vốn rất đam mê làm việc trong ngành thời trang, nhưng lại không muốn tổn hại môi trường, nói chính xác hơn là luôn cố gắng giảm thiểu tác hại đến môi trường, nên đây là lựa chọn duy nhất của bản thân.

Khăn nhuộm chàm thủ công của thương hiệu Tiệm con Công

Sản phẩm của Tiệm con Công đều được làm thủ công bằng tay bởi các nghệ nhân từ nhiều dân tộc khác nhau, đặc biệt các cộng đồng thiểu số. Chị đã bắt đầu hành trình tìm kiếm và xây dựng đội ngũ nghệ nhân của mình như thế nào? Có những khó khăn gì không? Chị đã làm như thế nào để vượt qua khó khăn?

Bản thân là một người rất khó tính trong vấn đề chất lượng sản phẩm, bởi vậy đội ngũ làm việc với tôi cần có tay nghề cao. Lấy ví dụ như áo dài thì được may bởi thợ làng nghề áo dài, các chi tiết thêu được các chị thợ tay nghề trên 20 năm ở các làng nghề thêu tay, nhuộm vải cũng phải là nghệ nhân lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm ở các vùng núi phía Bắc…

Có một chút lợi thế từng làm báo, đi nhiều, gặp nhiều, nên việc tìm kiếm thông tin không có gì quá khó khăn đối với tôi, nhưng việc xây dựng đội ngũ làm việc theo đúng ý của bản thân lại thực sự rất “gian nan”. Bởi vì các bà, các cô, các chị vẫn quen tư duy thẩm mỹ và làm nghề theo lối cũ, quan niệm về cái đẹp, cái gout của hai thời cũng khác nhau hoàn toàn. Thời gian đầu, giữa tôi và các cô thợ rất khó khăn để thống nhất với nhau được về màu sắc, hình hoạ cũng như chi tiết, thiết kế mong muốn, phải trao đổi với nhau, làm thử ra rất nhiều sản phẩm mới dần dần hiểu nhau và dung hoà cách làm việc được. Việc đi đi về về các làng nghề cũng khiến tôi mất nhiều thời gian mà không hiệu quả, nên cuối cùng, tôi mời mọi người về làm việc với nhau tại xưởng để có thể tập trung, chủ động và có kết quả tốt hơn trong công việc.

Bên cạnh cải thiện thu nhập, điều này còn mang đến cho cộng đồng nghệ nhân những gì?

“Hạnh phúc” nói đơn giản hơn là niềm vui. Được làm việc mình yêu mình muốn, chẳng phải là hạnh phúc của mọi người hay sao (cười). Ngoài ra, điều quan trọng là giữ cho nghề truyền thống không mai một, ngược lại còn được phát triển một cách hợp thời để tạo nên những giá trị mới.

Chị có thể chia sẻ những điều đặc biệt (kỹ thuật, chất liệu) mà chị tâm đắc trong sản phẩm của mình không?

Năm năm qua, có một điều của Tiệm mà tôi cảm thấy tự hài lòng chính là chất liệu các sản phẩm 100% thân thiện với môi trường: Lụa tơ tằm, lanh, vải bông và được lựa chọn kỹ càng thay vì chạy theo những chất liệu vải mang tính xu hướng, mặc dù nó có thể đảm bảo về doanh số cao. Chúng tôi luôn cố gắng định hình rõ phong cách, đi kèm bên cạnh đó là kỹ thuật may, thêu đính tỉ mỉ để định hướng cho khách hàng một phong cách nhất định. Mỗi chiếc áo, chiếc đầm ở Tiệm đều được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào hệ thống bán hàng.

Thời trang bền vững không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, mà rộng hơn là xây dựng phong cách sống hài hòa với thiên nhiên. Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về không gian sống và làm việc của mình không?

Cuộc sống của tôi cũng đơn giản và bản thân có thích trồng cây, bởi vậy không gian sống và làm việc luôn tối giản, thoáng đãng và nhiều cây xanh.

Chị đánh giá thế nào về lĩnh vực thời trang bền vững và nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam?

Lĩnh vực thời trang bền vững ở Việt Nam hai năm trở lại đây đã chuyển biến tích cực so với trước cả từ phía thương hiệu lẫn khách hàng. Theo như tôi quan sát, các thương hiệu lớn nhỏ đều bắt đầu có những động thái chung tay cải thiện môi trường như là thay đổi sang chất liệu sản phẩm an toàn, thay đổi quy trình đóng gói sản phẩm,… tuy chưa triệt để 100% nhưng đó cũng là một bước chuyển mình đáng ghi nhận và lan tỏa rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, một phần khách hàng cũng đã có những thay đổi trong ý thức và hành động mua sắm nhằm giảm thiểu nhiều nhất có thể các tác động tiêu cực lên môi trường.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, đó chỉ là một bộ phận còn khiêm tốn, như muối bỏ bể, và nhãn hàng cần phải thay đổi hình thức vì theo đuổi thời trang bền vững là sự kiên định đến cùng. Bởi, họ chắc chắn sẽ mất nhiều thứ trong chặng đường này. Và hơn hết, việc thay đổi suy nghĩ và thói quen của khách hàng đại chúng thật sự không hề dễ dàng.

Sản phẩm áo dài được may thủ công của thương hiệu Tiệm con Công

Đâu là cách chị vượt qua căng thẳng và tìm kiếm nguồn cảm hứng mới?

Tôi là một người có khả năng chịu áp lực, nhưng khi căng thẳng quá độ thì tất nhiên làm việc cũng không hiệu quả cao được, thường lúc đó tôi sẽ chọn cách tạm dừng lại, và đi du lịch ở những vùng có đặc trưng văn hoá, thủ công – như một cách thư giãn đầu óc đồng thời học hỏi, khám phá thêm những điều mới mẻ ở các vùng đất mới. Đa số những cảm hứng cho ra những ý tưởng/sản phẩm được đánh giá cao của Tiệm đều xuất phát từ những chuyến du hí.

Những dự án sắp tới của chị và Tiệm con Công là gì?

Hiện tôi đang tập trung nghiên cứu sâu và phát triển các kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm củ nâu để đưa vào dòng sản phẩm của Tiệm con Công trong tương lai. Đây là một kỹ thuật nhuộm vải thủ công không mới nhưng chưa được phổ biến nhiều đến khách hàng, hiện cũng rất ít nhãn hàng áp dụng.

Các mẫu vải thử nghiệm kỹ thuật nhuộm chàm được chị Ami Hà cùng các nghệ nhân thực hiện

Kỹ thuật nhuộm gốc thực vật hiện chủ yếu các chị em dân tộc duy trì, tuy nhiên họ chỉ nhuộm vải và vẽ hoạ tiết đơn thuần, tính ứng dụng thấp và không phong phú. Việc học hỏi, tìm tòi kỹ thuật tạo hoạ tiết/chi tiết cho vải sáng tạo hơn, mới hơn là nhiệm vụ tôi đặt ra cho bản thân và mọi người ở Tiệm để có thể kết hợp truyền thống với hiện đại cho ra sản phẩm không bị đi theo lối mòn. Tôi cũng đang cố gắng hết sức để sớm đưa sản phẩm vào kế hoạch kinh doanh của Tiệm sắp tới.

Thời trang bền vững – đó là hành trình mà tôi và thương hiệu theo đuổi với mong muốn: Mỗi thay đổi từng ngày của mình sẽ có ích cho trái đất này. Và chúng ta, thì luôn phải đẹp!

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cùng Style-Republik!

Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Nhân vật cung cấp