Thời trang Việt và triển lãm: Cách để “kể” câu chuyện của thương hiệu

Ngày đăng: 07/12/24

Kinh doanh và nghệ thuật là hai yếu tố cần được cân bằng một cách tinh tế. Sự phát triển và thành công của thương hiệu thời trang không chỉ nên phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu, mà còn cách lan tỏa giá trị và di sản. Một trong những cách để “kể” câu chuyện của thương hiệu là tổ chức triển lãm thời trang. 

“Triển lãm thời trang” không còn là thuật ngữ xa lạ đối với cộng đồng yêu thích sáng tạo Việt. Không xa lạ, nhưng làng mốt vẫn chưa quen thuộc với sự xuất hiện của nó trong cuộc đua thời trang Việt; triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật thì nhiều nhưng sự kiện trưng bày các “cổ vật” thời trang của một thương hiệu hoặc nhà thiết kế lại vô cùng hiếm hoi.

Từ “Cục Im Lặng” của NTK Nguyễn Công Trí, “Mộng Bình Thường” của NTK Thủy Nguyễn, đến nay vẫn chưa có triển lãm thời trang riêng của thương hiệu nào để lại ấn tượng sâu sắc cho làng mốt. Trong bối cảnh khá u ám của ngành thời trang Việt, triển lãm PARAMOUNT của nhà thiết kế Cường Đàm vào những ngày cuối tháng 11 vừa qua chính là một chấm sáng đầy hy vọng, khiến nhiều người làm trong ngành công nghiệp căng thẳng này ngộ ra được nhiều điều về tầm quan trọng của triển lãm trong chiến dịch vận hành thương hiệu. 

Triển lãm – Cách hoàn hảo để kỷ niệm di sản và kể câu chuyện của thương hiệu 

Trở lại cuộc đua thời trang Việt sau 1 năm “im hơi lặng tiếng”, NTK Cường Đàm và thương hiệu C.Dam của mình đã không chọn cách giới thiệu chương sáng tạo mới dưới hình thức show diễn thời trang hay bằng chiến dịch phim ảnh; thay vào đó là tổ chức triển lãm trưng bày mang đậm chất nghệ thuật.

Khi doanh thu không còn là mục tiêu hàng đầu, nhà thiết kế chọn triển lãm để kể câu chuyện của thương hiệu, cho khán giả thấy được thời trang và quần áo của anh trở thành phương tiện bộc lộ cảm xúc bên trong; ở PARAMOUNT đó là chặng đường tìm đến “vị thần” ngự trị bên trong mỗi bản ngã. 

Bên cạnh đó, trong thời đại hỗn loạn, vừa mở mắt là phải tiêu thụ biết bao tin tức tiêu cực từ ô nhiễm môi trường đến nội chiến, hành trình chữa lành tấm gương cảm xúc bên trong là điều được đặt lên hàng đầu. Trong thế giới thời trang, để chạm được điều đó, “đánh tâm lý” khách hàng, triển lãm là cách để thương hiệu tạo ra một “khoảng lặng” để khán giả sống chậm lại, thưởng thức và chiêm nghiệm cuộc sống.        

Đây không phải lần đầu C.Dam tổ chức các sự kiện nghệ thuật, bởi lẽ 2 lần ra mắt bộ sưu tập trước đều là những cuộc gặp gỡ không tưởng giữa thời trang – nghệ thuật – kiến trúc – âm nhạc. Tuy nhiên, một sự kiện kéo dài 15 phút hay nửa tiếng như vậy không đủ để các nhà thiết kế thể hiện tâm tư, giá trị thương hiệu, và cũng không đủ lâu để những khán giả ghi nhớ những khoảnh khắc lắng đọng đầy sâu sắc đó. Vì thế, màn ra mắt bộ sưu tập PARAMOUNT  được NTK Cường Đàm kéo dài đến 3 ngày, mở cổng miễn phí để cộng đồng thời trang đến “diện kiến” “đấng tối cao” bên trong họ. 

5 năm trước, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cũng đã chọn triển lãm để kể câu chuyện di sản mà mình để lại trong thế giới thời trang. Vào năm 2019, nhà thiết kế từng mời mở triển lãm thời trang – nghệ thuật để kỷ niệm hai thập kỷ hoạt động trên con đường sáng tạo “không trải hoa hồng” này. Triển lãm “Cục Im Lặng” – một “tuyệt tác giấu kín” của nhà thiết kế Việt được thực hiện thông qua bàn tay và góc nhìn của chính anh cùng sự hỗ trợ của mười nghệ sĩ khác, từng là một trong những sự kiện khiến thời trang Việt lúc bấy giờ dậy sóng, một cột mốc quan trọng của ngành truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau. Là “trái ngọt” sau hai mươi năm làm nghề, “Cục Im Lặng” phản ánh triết lý làm nghề của chính nhà thiết kế. 

Suốt 20 năm dấn thân vào thời trang, từ những chập chững đầu tiên của một chàng trai trẻ tự mày mò khám phá về thời trang, cho đến vị thế hàng đầu và trở thành đại diện duy nhất từ Việt Nam đĩnh đạc và kiêu hãnh bước vào lãnh địa của thời trang cao cấp thế giới – Nguyễn Công Trí luôn là một KHỐI IM LẶNG nhất quán và nguyên chất, một người nghệ sĩ đam mê với lao động nghệ thuật, đam mê cống hiến một cách thầm lặng; và sự im lặng của người bỏ công thầm lặng đã mang lại ánh hào quang rực rỡ nhất, sự thành công “ồn ào” nhất. 

Vào năm 2022, nhà thiết kế Phương My cũng đã từng mở triển lãm Petalwalker (Cuộc dạo chơi của những cánh hoa) tại Dinh Độc Lập – biểu tượng của TP Hồ Chí Minh, để ghi dấu hành trình 10 năm làm nghề. Vào năm 2023, triển lãm thời trang “Mộng bình thường” được Thủy Nguyễn tổ chức ở Hà Nội đã gói gọn chín năm thực hành thời trang của nữ nhà thiết kế, với các bộ sưu tập thuộc thương hiệu Thuy Design House. Đối với “PARAMOUNT” của NTK Cường Đàm, triển lãm như một lời tuyên bố, một tuyên ngôn khẳng định mình của thương hiệu trên bản đồ thời trang – ở đó chúng ta được chiêm ngưỡng tay nghề may đo tinh xảo cùng sự nhấn mạnh vào chi tiết “vòng tròn” – yếu tố cốt lõi trong đường nét thiết kế của thương hiệu.  

Triển lãm – Cuộc đàm thoại với văn hóa, giá trị truyền thống 

Tương tự các buổi trình diễn thời trang, triển lãm cũng là một trong những chiến dịch tạo được tiếng vang trên mạng xã hội, dễ dàng tiếp cận đến số đông đại chúng. Điều này trở thành một “món vũ khí” lợi hại để các nhà thiết kế/ thương hiệu hoàn thành sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Trong triển lãm thời trang “Mộng bình thường”, người xem đã được cảm thức được tình cảm và sự gắn kết của nhà thiết kế Thủy Nguyễn đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, để từ đó đưa sáng tạo của thời trang Việt Nam đương đại đến gần hơn với những ai yêu thời trang nói riêng và với công chúng nói chung. Những tà áo dài của Thủy Nguyễn trong “Mộng bình thường” được chế tác đan cài nhuần nhuyễn giữa đường nét thiết kế truyền thống và điểm xuyết từ dòng chảy đương đại. 

Ở triển lãm “Cục Im Lặng” của NTK Nguyễn Công Trí, các giá trị truyền thống trong thời trang vẫn được tỏa sáng trong không gian riêng. Tại gian phòng thứ hai giới thiệu bộ sưu tập “NO.2: CÃI LẠI” – tuyển tập những chiếc áo dài mang đậm truyền thống của Việt Nam; nhưng được cách tân lại cùng nhịp đập đương đại. Đến với căn phòng thứ 3: “Cảm”, đó là hành trình trở về cội nguồn, là chuyến dạo chơi của chính NTK về chốn thôn quê yên bình. Ở miền đất đó, anh được hòa vào thiên nhiên, lắng nghe những thanh âm mộc mạc và chân thật. Kiến trúc và thời trang trong căn phòng được làm bằng các chất liệu thủ công truyền thống, ấn tượng nhất chắc chắn là một chiếc trụ tháp được giăng từ 100 chiếc đó tre. Trong khi đó, gian phòng thứ 7 “Cảm ơn Sài Gòn” mang đầy tính mỹ cảm, và hoài cổ. Bối cảnh đó mang người xem trở về những năm 1960s của Việt Nam.

Triển lãm – Nơi “ngọn lửa nghề” thêm mãnh liệt

Đối với những nhà thiết kế trẻ, sinh viên thời trang, stylist, nhiếp ảnh gia,… hoặc đơn giản chỉ là các tín đồ đam mê, triển lãm và các sự kiện trưng bày mang tính nghệ thuật là cơ hội quý báu để họ được truyền lửa, trao đổi, chia sẻ, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm. Triển lãm thời trang đem đến một trải nghiệm thực tế để người học trong ngành sáng tạo cảm thụ nghệ thuật từ mọi giác quan từ thị giác đến thính giác. Triển lãm “PARAMOUNT” chữa lành tấm gương cảm xúc vỡ vụn bên trong mỗi người bằng cách chiêm nghiệm. Sự kiện trưng bày “Cục Im Lặng” mang đến màn giao thoa hoàn mỹ giữa thời trang và nhiều loại hình nghệ thuật từ âm nhạc, múa đương đại,…- một trải nghiệm thưởng thức cái đẹp qua nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh, cuộc đàm thoại với hình ảnh, người tham dự còn có cơ hội tham gia các buổi lắng nghe chia sẻ từ bậc tiền bối. Hiểu được tầm quan trọng của việc truyền lửa cho thế hệ tương lai, NTK Công Trí và ban tổ chức triển lãm “Cục Im Lặng” còn có buổi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của một người làm nghề, những lát cắt về làng thời trang và ý niệm về sự duy mỹ mà họ luôn theo đuổi đến với các sinh viên và NTK trẻ.

Triển lãm – Góp phần thúc đẩy doanh thu thương hiệu

Ngày nay, nghệ thuật gắn liền với chiến lược kinh doanh được nhiều thương hiệu tin tưởng. Đằng sau các mục đích tôn vinh nghệ thuật thuần túy của các triển lãm thời trang chính là mục tiêu thúc đẩy doanh số bán hàng. Bên cạnh mối gắn kết với tệp khách hàng trung thành, triển lãm còn giúp thương hiệu và vũ trụ sáng tạo của nhà thiết kế tiếp cận được với nhiều vị khách mới. Đây cũng là cách để họ đẩy mạnh doanh thu. Bằng cách mở triển lãm, các thương hiệu còn “đánh trúng tâm lý” mua đồ trước thềm tham gia sự kiện của khách mời. 

Ngoài không gian trưng bày, các thương hiệu và nhà thiết kế còn có thể tích hợp hình thức triển lãm và cửa hàng pop-up. Tương tự như nhà thiết kế Cường Đàm, bên trong bối cảnh trưng bày đầy nghệ thuật, “PARAMOUNT” còn mở ra không gian mua sắm bộ sưu tập mới của thương hiệu, khách hàng có thể ướm lên người trang phục của nhà thiết kế; từ đó cảm thụ được thông điệp ý nghĩa một cách “bằng xương bằng thịt” hơn. Khi đó, quần áo không chỉ đơn thuần là một món hàng vô tri vô giác, khách hàng không chỉ mua vì sở thích nữa, mà vì họ đã “cảm” được giá trị nghệ thuật, câu chuyện mà thương hiệu/ NTK muốn truyền tải. 

Bên cạnh những ưu điểm, việc tổ chức triển lãm thời trang/ nghệ thuật không hề dễ dàng. Bởi lẽ, điều này yêu cầu rất nhiều nguồn lực từ thời gian chuẩn bị, tiền đầu tư, phương tiện truyền thông hỗ trợ, câu chuyện truyền cảm hứng, cho đến di sản của thương hiệu,… Đó cũng là lý do vì sao triển lãm thời trang ở Việt Nam vẫn còn rất ít ỏi, thậm chí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Thực hiện Dory