Cần lưu ý những gì để các local brand không phạm phải sai lầm khi kinh doanh thời trang?

Ngày đăng: 29/03/23

Trong kinh doanh, không thiếu những lúc chúng ta gặp phải thử thách và những rào cản không thể đoán trước được. Nhưng nếu có sự chuẩn bị và tìm hiểu kĩ càng trước, rủi ro sẽ ít xuất hiện hơn.

Vậy Style-Republik sẽ điểm ra những “thất bại” dễ gặp sau đây trong kinh doanh thời trang để các local brand mới lưu ý! 

Không tốt trong việc quản lý chuỗi cung ứng

Bất kỳ ngành nghề nào, không riêng gì thời trang, chúng ta cần những nhân viên giỏi trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt là sau đại dịch COVID, việc gián đoạn nguồn cung ứng như một đòn đánh gây “chao đảo” rất nhiều doanh nghiệp. Theo Sourcing Journal, “Ngay cả những thương hiệu hoặc nhà bán lẻ vượt qua doanh thu 1 tỷ đô la, thách thức lớn nhất của họ là quản lý chuỗi cung ứng”. Do đó, quy mô công ty càng lớn, thách thức của họ do chuỗi cung ứng càng cao. 

Bài toán được đặt ra ở đây gói gọn không chỉ trong chi phí, thời gian, nguồn nguyên vật liệu hoặc cách tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, cách vận chuyển từ nhà xưởng đến cửa hàng, mà còn có cách chúng ta giao sản phẩm đến tay khách hàng. Vì vậy, việc tìm ra lời giải sẽ giúp ích rất nhiều đến thương hiệu và góp phần bảo vệ doanh nghiệp của mình trước “cuộc chiến thương mại” đầy hỗn loạn này. 

Zara là một thương hiệu thời trang nhanh, họ xây dựng chuỗi cửa hàng toàn cầu, và họ chỉ cần 15 ngày để thay đổi tất cả sản phẩm trên kệ, nhằm để bắt kịp xu hướng tiêu dùng. Điều này khiến cho khách hàng của họ nhận ra rằng sản phẩm Zara sẽ chỉ có theo đợt và nhanh chóng mua ngay khi thích nếu không sản phẩm sẽ không còn. Thương hiệu đã phối hợp với các hãng hàng không như Air France, KLM Cargo và Emirates Air để có tốc độ phân phối “một cách chóng mặt”.

Xem thêm: Những nhà cung ứng vải tại Việt Nam mà các chủ local brand cần biết

Tài chính không đủ 

COVID19 đã khiến thế giới thay đổi rất nhiều điều chỉ sau 3 năm. Nhu cầu mua sắm bị “bốc hơi” để cắt giảm chi tiêu và cửa hàng online xuất hiện ngày càng đa dạng dường như làm “chết đứng” các loại cửa hàng truyền thống. Gián tiếp khiến nhiều nhân viên bị sa thải, không đủ tiền trả mặt bằng và cuối cùng gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp bị thua lỗ.

Theo số liệu thống kê được, 82% doanh nghiệp thời trang trên thế giới thất bại trong việc quản lý dòng tiền. Từ lúc bắt đầu đến việc phát triển doanh nghiệp với mục tiêu xa hơn cần nhiều tiền hơn chúng ta nghĩ. Bởi vì việc vận hành sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với các nhãn hiệu mới trên thị trường. Hãy tính toán thử xem, chi phí cho nhân viên, sản xuất, nguyên liệu thô (đối với các hãng tự thiết kế), trang trí cửa hàng, mặt bằng, marketing, nghiên cứu sản phẩm hoặc nghiên cứu thị trường, vận hành, quản lí hàng tồn kho… sẽ tốn hết bao nhiêu? 

Giá sản phẩm không đi đôi với “chất lượng” 

Có một sự thật rằng càng đầu tư vào chất lượng, việc “hét giá cao” sẽ không khiến khách hàng không quay lại lần nữa. Nhiều thương hiệu chỉ vì muốn đạt lợi nhuận nhanh chóng mà tính giá quá cao dễ làm họ “ngã đau” sau một khoảng thời gian. 

Hãy để Style Republik gợi ý bạn một phương pháp định giá cho sản phẩm: nghiên cứu số tiền khách hàng sẵn sàng trả cho sản phẩm dựa trên giá trị cảm nhận được, không nhất thiết là giá trị thực. Lấy một ví dụ về chiếc áo tweed và áo khoác làm từ vải khác có chi phí sản xuất gần bằng nhau, nhưng họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho chiếc áo tweed vì chúng “mang cảm giác sang trọng hơn”. 

Trong giai đoạn đầu khi vừa mới khởi nghiệp, bạn có thể đưa ra chi phí dự kiến và chi phí sản xuất mình mong muốn. Sau đó cùng team phát triển sản phẩm xây dựng phong cách của mình dựa vào những tiêu chuẩn đã đặt ra. Lựa chọn vải một cách thông minh mà không vượt quá mức giá ấy sẽ khiến sản phẩm của bạn trở nên đắt giá hơn.

Áo khoác vải Tweed – biểu tượng của nhà Chanel có giá lên tới hơn 200 triệu VND
Trong khi chiếc áo khoác làm từ Satin có giá chưa tới 170 triệu VND

Cắt giảm phần phát triển sản phẩm 

Phát triển sản phẩm ở đây liên quan đến tất cả các quá trình bạn thực hiện bộ sưu tập của mình cho đến khi phù hợp với tầm nhìn đã đặt ra. Việc quan trọng không kém chính là đảm bảo nguồn vốn đủ để sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn và sản phẩm được bày bán đạt được độ giống với sản phẩm mẫu của mình. Nhưng trong một vài trường hợp, không phải lúc nào sản phẩm mẫu và sản phẩm bán đều giống nhau. 

Ngoài ra, có trong tay những thông số kỹ thuật số chất lượng cao và chính xác thì khi bạn làm việc hay hợp tác với các đơn vị sản xuất cũng sẽ dễ dàng hơn. Bạn nên nắm rõ các loại vải bạn đang sử dụng, giá cả, thành phần, màu sắc, trọng lượng, hay thậm chí là thời gian giao hàng. 

Bảng chi phí cuối cùng là thứ bạn không thể thiếu bởi vì số lượng sản xuất khác nhau quyết định chi phí sản xuất sẽ tăng hay giảm. Những thông tin này sẽ phần nào giúp bạn mở rộng quy mô khi cần. Do đó, nếu cắt giảm quá trình phát triển sản phẩm, doanh nghiệp sẽ khó có thể tăng trưởng nhanh chóng. 

The role of the Product Developer in fashion: what they do and how to become one - GLAM OBSERVER

Không quản lý lượng vải tồn kho

Điều sai lầm khi một doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh chính là sản xuất quá nhiều dẫn đến hàng tồn kho, không thể bán được từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của thương hiệu. Nhưng nếu hàng đặt quá ít thì không đáp ứng được số lượng tối thiểu nhà cung cấp đặt ra. Vậy phải làm sao? 

Có một cách giải quyết gợi ý như thế này. Hãy chọn những loại vải chính phù hợp với phong cách, màu sắc cốt lõi và định hướng của thương hiệu. Sáng tạo với nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng chúng dựa trên một loại vải hoặc hoa văn cố định không chỉ giúp thương hiệu có được “signature” riêng của mình (trong một vài trường hợp) mà còn tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Bạn cần lưu ý rằng, nếu không sử dụng hết vải tồn kho nhanh chóng, bạn sẽ chịu phí bảo quản và “tuổi thọ” của vải sẽ giảm nhanh chóng nếu không sử dụng nữa đấy!

What will fashion be like 20 years from now? - BBC Culture
Từ một chất vải giống nhau, bạn có thể sử dụng thiết kế cho quần, áo khoác phao,… 

Thiếu đầu tư vào Marketing (tiếp thị) và Selling (bán hàng)

Hằng năm, các thương hiệu cao cấp toàn cầu đều chi một số tiền khổng lồ cho quảng cáo và tiếp thị. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là chi bao nhiêu là cần thiết? Không ai có thể chắc chắn được con số tối thiểu hay tối đa. Nghiên cứu thị trường, xác định rõ phân khúc, hay chân dung khách hàng là điều cần thiết cho mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cần phải tổ chức các chiến lược phù hợp và triển khai Marketing-Mix khi mới bắt đầu. 

Bạn có thể bắt đầu bằng việc chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội trên Facebook và Instagram nhắm đến các khách hàng tiềm năng trong thị trường mục tiêu. Sử dụng những số liệu thu thập được và đo lường chi phí cần bỏ ra cho lần đầu tiên để lập kế hoạch cho những lần kế tiếp. 

Biti’s Hunter đã từng chao đảo nhưng nhờ vào chiến dịch Marketing cứu vãn thương hiệu trong lòng người tiêu dùng Việt. Phương thức truyền thông một cách khôn kéo sẽ giúp thương hiệu duy trì được chỗ đứng trong lòng khách hàng.

Thực hiện: Mỹ Tâm