Kinh doanh thời trang: Háo hức trong ngày mở cửa trở lại!

Ngày đăng: 01/10/21

Lệnh giãn cách trong giai đoạn vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là những doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá nằm trong diện không thiết yếu, trong đó có kinh doanh thời trang. 

Khi lệnh giãn cách nghiêm ngặt được áp dụng từ đầu tháng Bảy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh thời trang tại Việt Nam nhất là tại TP.HCM và Hà Nội cho biết, nhiều đơn hàng không thể giao cho khách mua và bị kẹt ở những đơn vị vận chuyển. Đếm từng ngày chờ thành phố cho mở cửa trở lại để có thể thu hồi hàng hóa và tái vận hành việc kinh doanh, nỗi niềm hân hoan lẫn cảm giác hồi hộp là điểm chung của những người kinh doanh thời trang còn trụ lại được trong giai đoạn hiện nay. 

Ảnh: Été Project

Chờ ngày được mở cửa trở lại

Vào cuối tháng Chín, khi có thông tin TP.HCM có thể cho phép các hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại vào đầu tháng Mười, dù áp dụng kèm các điều kiện thực thi để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch, các chủ doanh nghiệp kinh doanh thời trang hân hoan với thông tin này. 

A way to Green – một khu tổ hợp với các cửa hàng kinh doanh thời trang theo hướng thân thiện với môi trường vốn chuẩn bị ra mắt vào tháng Sáu đã phải im lìm suốt mấy tháng nay. Việc khai trương bị tạm hoãn khi có chỉ thị 15 rồi đến 16 của Thành phố. Nhà thiết kế Lư Bích Sơn – Founder thương hiệu San Design Garden mong chờ ngày Thành phố cho các cửa hàng hoạt động trở lại. Chị cũng cho biết, nếu hoạt động trở lại cửa hàng của chị vẫn cẩn thận nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, có thể sẽ áp dụng hình thức khách hàng đặt hẹn trước khi đến để tránh nhiều người tập trung cùng thời điểm.

Trang phục San Design Garden trưng bày tại Khu tổ hợp mua sắm A way to Green

Été Project, một thương hiệu thời trang thiết kế nằm tại chung cư Lý Tự Trọng – TP.HCM. Anh Dũng Phạm – Co-Founder của thương hiệu cho biết: “Với đợt thời gian giãn cách toàn thành phố vừa rồi, nhãn hàng gặp khó khăn rất nhiều, và hầu như là phải dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh. Do không có đơn vị logistic để giao hàng, Été cũng nghĩ đó là vấn đề chung lớn nhất và cốt lõi nhất mà các nhãn hàng khác đều gặp phải.” 

Anh Dũng Phạm vui mừng khi nghe thông tin được hoạt động trở lại và đã sắp xếp cho việc ra mắt collection mới. “Sau 1.10 thương hiệu đã lên sẵn collection mới cho khách hàng của mình và đang xúc tiến nhanh chụp lookbook, vì đối tượng chính là các cô nàng công sở nên việc bắt nhịp ngay vào công việc là không thể chậm trễ. Băn khoăn nhất của nhãn hàng là giai đoạn hiện tại, việc giao nhận hàng hóa còn tương đối khó khăn, cũng như chưa thể nắm được nhu cầu sức mua của khách hàng để có thể tính toán sản xuất số lượng sản phẩm.

Vừa qua, thương hiệu Uniqlo cơ sở Hà Nội cũng đã gửi đi thông cáo báo chí về việc hoạt động trở lại 3 cơ sở ở Hà Nội: bao gồm UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch, UNIQLO Vincom Metropolis & UNIQLO AEON MALL Long Biên kể từ ngày 29.09.2021. Cam kết tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về phòng dịch an toàn, UNIQLO sẽ tung ra loạt sản phẩm Thu/ Đông mới nhất cùng chương trình ưu đãi áp dụng cho loạt sản phẩm LifeWear thiết yếu đáp ứng những nhu cầu của nhịp sống bình thường mới. 

Thương hiệu thời trang Hà Linh Thư tại Hà Nội cũng thông báo chính thức trở lại hoạt động từ ngày 01.10.2021 đồng thời ra mắt BST Pre-fall 2021. 

Kinh doanh trực tuyến vẫn là cốt lõi trong thời điểm hiện nay 

Trong đầu tháng Mười, một số cửa hàng thời trang đã rục rịch hoạt động trở lại, tuy nhiên tâm lý e dè dịch bệnh của khách hàng là chuyện mà các chủ doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm lý chấp nhận. Song song với việc mở lại cửa hàng, các thương hiệu trông chờ vào việc giao nhận hàng hoá sẽ không còn chịu nhiều hạn chế để có thể thanh lý bớt hàng tồn, hàng lỗi mốt đã sản xuất vào mùa Hè vừa qua. 

Trong 4 tháng giãn cách vừa qua, cũng không ít các cửa hàng kinh doanh thời trang đã phải trả mặt kinh doanh, vì doanh thu 0 đồng nhưng phải trả đủ tiền mặt bằng điện nước. Một số ngừng hẳn kinh doanh, một số chuyển sang mô hình bán online để thanh lý hàng tồn. 

Ảnh: Été Project

Nhìn chung các chủ cửa hàng trông cậy vào hình thức bán hàng trực tuyến nhiều hơn vào thời điểm này. Thời gian qua, khách hàng đã quen với việc mua sắm trực tuyến, có shipper giao hàng tận nơi và giao hàng không tiếp xúc. Việc bán hàng đa kênh cũng giúp chủ các cửa hàng kinh doanh tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đồng thời khách hàng cũng có thể thanh toán chuyển khoản hoặc qua ví điện tử. 

Chiến lược gia thời trang – Fashion Marketing Strategist: Chị Trần Hà Mi, Founder SR Fashion Business School chia sẻ lời khuyên các thương hiệu thời trang Việt trong giai đoạn hiện nay cho việc hoạt động trở lại: “Sau hơn 4 tháng giãn cách, kinh tế ảnh hưởng trầm trọng và hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể. Con người sẽ trở nên e dè hơn khi tiếp xúc nhau nên mọi hoạt động mua bán trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, bên cạnh đó họ cũng e ngại hơn trong việc tiêu xài ở thời điểm hiện tại. Vì thế các thương hiệu nên đầu tư thích đáng vào thương mại điện tử vì những tháng ngày giãn cách, người dân đã bắt đầu quen dần với sự tiện lợi của hình thức mua sắm này và có niềm tin tốt hơn, họ sẽ sẵn sàng chọn mua sắm qua mạng để thay thế cho việc đến cửa hàng trực tiếp, vừa an toàn vừa tiện lợi. Hãy cân nhắc lại việc mở quá nhiều cửa hàng offline, nếu cần phải đóng bớt thì có thể cân nhắc đóng một số cửa hàng không hiệu quả ở thành phố lớn mà chuyển sang các tỉnh vì chi phí ở tỉnh sẽ rẻ hơn. Ưu tiên hướng khách hàng thành phố đến mua bán online và khách hàng ở tình đến cửa hàng.

Chiến lược gia thời trang – Fashion Marketing Strategist: Chị Trần Hà Mi, Founder SR Fashion Business School

Việc kinh doanh online sẽ có khác biệt so với offline một chút nên cần cân nhắc lại kế hoạch ra mắt BST, kiểu dáng, kích cỡ… để phù hợp với hành vi của người tiêu dùng online. Những trang phục thoải mái, dễ mặc, không phụ thuộc vào size vì không cần thử nên được ưu tiên trong mỗi BST, và cũng không nhất thiết phải ra mắt quá nhiều BST một năm. Ngoài ra, KOC – Key Opinion Customer đang là xu hướng mới, hãy tìm hiểu đến tệp KOC và đưa ra những chiến lược marketing phù hợp.” – Chị Trần Hà Mi đưa ra những lưu ý cho người làm thời trang trong giai đoạn hiện nay. 

Ms. Châu Nguyễn, Cựu Country Manager ZARA Việt Nam và Cựu Business Unit Director ACFC

Chị Châu Nguyễn, Cựu Country Manager ZARA Việt Nam và Cựu Business Unit Director ACFC cũng đưa ra chia sẻ dưới góc nhìn một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành: “Theo tôi, hiện nay có 4 vấn đề lớn cần phải quan tâm: Thứ nhất là về mặt nhân sự, hiện nay chính chủ yêu cầu việc nhân viên phải tiêm vắc xin khi hoạt động điều này có thể khiến các cửa hàng gặp ảnh hưởng về mặt nhân sự, lại thêm nhân sự về quê tránh dịch. Nhất là với chuỗi cửa hàng có thể không có đủ nhân sự để hoạt động. Thứ hai là về mặt hàng hoá. Thời trang là mặt hàng cần bảo quản kỹ lưỡng, sau bốn tháng nằm kho không chỉ vấn đề lỗi mùa, lỗi mốt mà còn có thể bị hư hại. Các nhãn hàng nên kiểm tra lại cẩn thận hàng hoá. Bên cạnh đó trước giãn cách các cơ sở kinh doanh đang bán mặt hàng thời trang Xuân Hè thì giờ là đã qua Thu Đông, hàng hoá có thể bị lỗi mốt cần lên chiến lược sale-off để đẩy nhanh số lượng hàng tồn.

Thứ ba là việc sản xuất, mặc dù việc mở cửa trở lại nhưng khách hàng vẫn sẽ e dè khi mua sắm trực tiếp và ưu tiên cho hàng hoá thiết yếu. Đây cũng là thời điểm đẩy mạnh bán trực tuyến và có thể giảm mạnh một số mặt hàng lỗi mốt để kích cầu mua sắm vì rất khó nếu sang năm sau. Thứ tư là việc chiến lược kinh doanh vào 6 tháng đầu năm 2022, các thương hiệu cần phải cẩn trọng trong việc nhập hay đặt xưởng. Không giống với năm 2021, thời điểm này năm trước tình hình cả nước đã kiểm soát được dịch, các chủ kinh doanh thời trang có thể nhận thấy lượng doanh thu lớn đổ về khi người dân mua sắm cho đợt Tết. Tuy nhiên, thời điểm năm nay, mọi thứ có thể rất khác. Bên cạnh việc lên chiến lược cẩn trọng cho 6 tháng đầu năm, quan sát tình hình dịch bệnh, cũng cần thêm các chiến lược marketing thông minh để thúc đẩy đơn hàng.” – chị Châu cho biết thêm. 

Thực hiện: K.