Đi ngược dòng chảy – Câu chuyện đằng sau gã lập dị Julian Roberts “mong muốn” phạm sai lầm

Ngày đăng: 08/08/18

Ngành công nghiệp thời trang luôn hoa mĩ và khắc nghiệt. Bạn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bạn bị đào thải, cho dù bạn có giỏi đến đâu. Từ thế kỷ 19 cho đến thế kỷ 21, người ta vẫn không tìm ra được một công thức nhất định để thành công trong ngành thời trang. Mỗi một nhà thiết kế buộc phải tìm một hướng đi riêng, đổi mới liên tục.

Như Coco Chanel đã từng nói “In order to be irreplaceale, one must always be diffrent” – “Để không thay thế được, con người ta phải luôn thay đổi”. Thời trang không dành cho những kẻ bảo thủ. Khi nhìn thấy những mẫu thiết kế mang hơi hướng của các bộ sưu tập cũ trên các sàn diễn thời trang, giới chuyên môn đã đảo mắt ngán ngẩm. Cho đến những năm 90, những chuyên gia thời trang đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy mẫu thiết kế “The Red Dress” của Julian Roberts – đi ngược lại những kiến thức chuyên môn mà họ tưởng như đã nằm lòng. Họ băn khoăn nhưng cũng không kém phần thích thú – kỹ thuật “Subtraction Cutting” đã chứng minh rằng, còn rất nhiều điều về thời trang đang đợi được khám phá.

NTK Julian Roberts

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Julian Roberts đã hiểu rằng, nếu thế giới hoàn hảo sẵn rồi thì chẳng cớ gì con người ta phải sáng tạo những cái mới. Chính vì thế, anh liên tục sáng tạo để rồi mắc sai lầm, hoàn thiện và không ngừng phát triển những phương pháp cắt. Julian luôn mong muốn nhiều hơn, anh luôn cảm thấy khó khăn khi nói về những thành công cũng như thành tựu của mình khi còn có quá nhiều điều chưa đạt được, quá nhiều việc còn dang dở, và thời trang thì luôn chuyển động liên tục. Julian tin rằng, bạn phải đuổi theo nó thay vì ngồi một chỗ chờ đợi.

Tác phẩm sử dụng kỹ thuật Subtraction Cutting
Tác phẩm sử dụng kỹ thuật Subtraction Cutting

Và thế là, kỹ thuật “Subtraction Cutting” ra đời sau nhiều năm trăn trở và thử nghiệm. Một phương pháp mà những người chưa biết gì về thời trang cũng có thể dễ dàng tiếp cận và làm chủ. Kỹ thuật cắt vải thường không được giới chuyên môn coi trọng, nó thường được nhìn nhận như một công đoạn thiếu tính sáng tạo trong thời trang. Khi Julian thiết kế quần áo trong lúc cắt vải, họ gần như không thể tin vào mắt mình. Về mặt nguyên tắc, bạn chỉ có thể thiết kế một sản phẩm khi đã có sẵn một bản vẽ, tất cả những gì Julian Roberts đang làm “thách thức” những kiến thức họ biết về thời trang. Việc cắt vải thường được dạy một cách rập khuôn, liên quan chặt chẽ đến con số và tỷ lệ. Nhưng với Julian, những mẫu vải liên tục chuyển động, mềm mại và biến hoá hơn nhiều so với việc triển khai một bản vẽ cứng nhắc.

Sản phẩm của Comme des Garçons với tinh thần của phép cắt Subtraction Cutting

Đã bao giờ bạn khẽ ướm một tấm vải lên mình và tưởng tượng những gì bạn có thể làm với nó? Nhìn những nếp gấp duyên dáng chuyển động như một vũ điệu không lời, bạn gần như bất lực khi không thể truyền tải được những gì bản thân đang suy nghĩ thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Bạn có xu hướng phức tạp hoá quy trình và miếng vải vẫn sẽ mãi nằm im lìm trên chiếc Dress Form, chờ đợi được thiết kế. Tiếp cận với “Subtraction Cutting”, suy nghĩ của bạn sẽ trở nên tự do và ngẫu hứng hơn rất nhiều, chỉ sau vài nét vẽ sơ lược trên mặt phẳng vải, bạn sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế trong lúc cắt.

Tiếp cận với “Subtraction Cutting”, suy nghĩ của bạn sẽ trở nên tự do và ngẫu hứng hơn rất nhiều

Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Julian Roberts, bạn gần như không thể đi chệch hướng vì từng bước trong phương pháp này đều đơn giản và rất dễ hiểu. Sử dụng kỹ thuật này, bạn không nhất thiết phải có căn bản về thời trang, bạn có thể là một “tay ngang” và sản phẩm bạn làm ra vẫn hoàn hảo như bất kỳ một nhà thiết kế chuyên nghiệp nào. Sinh viên của Julian luôn cho ra đời những sản phẩm khác nhau sử dụng cùng một kỹ thuật. Chính vì thế, cái hay ở đây là bạn không thể biết chính xác hình dáng sản phẩm của mình.

Sản phẩm của sinh viên lớp “Subtraction Cutting” sử dụng cùng một phương pháp

“Subtraction Cutting” không chỉ là một kỹ thuật cắt, phía sau nó là cả một con đường sáng tạo dám đi ngược lại với quy chuẩn thông thường. Julian tâm sự trong bài phát biểu ở Đại học Hertfordshire: “Tôi tự đi con đường của chính mình, từ chối tất cả những gì lỗi thời, buồn chán hoặc quá tầm thường, cố gắng sáng tạo ra một khoá học có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, mang tính vui vẻ, khác biệt, thử nghiệm, không chỉ tập trung vào việc tạo ra “các nhà thiết kế” mà chú trọng phần nhiều vào kỹ năng. Tôi muốn chỉ cho sinh viên của mình các phương pháp tiếp cận vấn đề khác nhau, cho họ thấy ngành công nghiệp thời trang rộng lớn đến thế nào, và thực tế nó còn liên quan đến nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, giao tiếp, quảng cáo và kinh doanh. Tôi muốn sáng tạo ra một khoá học tập trung vào nhịp thở đa dạng của thời trang.” Julian Roberts khẳng định.

“Subtraction Cutting” không chỉ là một kỹ thuật cắt, phía sau nó là cả một con đường sáng tạo dám đi ngược lại với quy chuẩn thông thường.

“Subtraction Cutting” không chỉ là một kỹ thuật cắt, phía sau nó là cả một con đường sáng tạo dám đi ngược lại với quy chuẩn thông thường.

Có nhiều ý kiến cho rằng “Thời trang chỉ dành cho những chuyên gia, những nhà thiết kế hay những thợ may thiên tài”. Nhưng Julian phủ nhận hoàn toàn nhận định đó, đối với anh “Ai cũng có thể tiếp cận thời trang nếu họ tin rằng bản thân sở hữu những kỹ năng phù hợp với ngành công nghiệp này”. Sự sáng tạo có thể đến từ bất cứ đâu, bất cứ công đoạn nào trong quá trình làm ra sản phẩm như cắt may, rập vải, hoàn thiện những nếp gấp,… một cách đầy ngẫu hứng. Tuy nhiên, chúng ta thường tự giới hạn trí tưởng tượng của mình trong một công đoạn duy nhất: Vẽ thiết kế. Đó chính là lý do nhiều khi sản phẩm cuối cùng không có được sự bay bổng, thoải mái như ta hằng mong muốn.

Phần lớn những ai theo đuổi thời trang đều nỗ lực vươn tới sự chuyên nghiệp, nhưng ít ai ngờ rằng, “nghiệp dư” lại là một vị trí rất quyền lực. Julian sáng lập ra phương pháp cắt của riêng mình bởi một lý do duy nhất, anh chủ động “nghi ngờ những nguyên tắc truyền thống”. “Tôi luôn muốn thử những thứ mới mẻ, phạm những lỗi lầm không thể sửa chữa được, luôn cố gắng hoàn thiện mình và xem điều gì sẽ xảy ra nếu học cách tiếp cận vấn đề theo cách của riêng mình” Julian thẳng thắn nói. Đối với anh, vẻ đẹp hoàn mỹ nhất luôn nằm trong sự không hoàn hảo.

Vẻ đẹp hoàn mỹ nhất luôn nằm trong sự không hoàn hảo.

Sinh viên của Julian luôn đi trước anh một bước. Họ thay đổi những nguyên tắc anh dạy họ, không ngại ngần hay dè chừng trước những cái mới. Đó là phương pháp dạy của Julian Roberts. Subtraction Cutting, hướng đến sự thoải mái, tự do thậm chí còn bốc đồng. “ Đừng hiểu nhầm tôi, tôi tôn trọng những phương pháp truyền thống” Julian nói. “Nhưng tôi cũng thích lờ chúng đi bởi không có đúng hay sai trong việc làm ra một mẫu thiết kế. Không ai có thể làm chủ thời trang. Nếu các bạn sinh viên dũng cảm thử những cái mới, cho phép bản thân được sửng sốt, ngạc nhiên hay thậm chí thất vọng, chỉ khi đó các bạn mới có thể dấn thân vào không gian nghệ thuật không giới hạn của thời trang”.

Ứng dụng từ phép cắt “Subtraction Cutting” của Julian Roberts

Và hãy xem điều Julian Roberts nhận được là gì? Sự táo bạo của anh đã đem lại cơ hội trình diễn 13 bộ sưu tập mang dấu ấn cá nhân của chính mình tại hai tuần lễ thời trang – London và Paris. Ngay sau đó, những thương hiệu nổi tiếng như Marks& Spencers hay Jasper Conran cũng “nôn nóng” muốn được làm việc với anh. Bởi họ tin rằng, Julian chắc chắn sẽ mang đến một làn gió mới cho bộ sưu tập của họ. ELLE hay Vogue cũng không nằm ngoài xu hướng, những mẫu thiết kế của Julian Roberts ở thời điểm bấy giờ luôn được ưu tiên nằm trong nội dung của hai tờ tạp chí danh tiếng này. Những siêu mẫu hàng đầu thế giới như Naomi Campbell hay Kylie Minogue cũng tin tưởng anh với tư cách một nhà thiết kế.  Sáng tạo không phải lúc nào cũng mang lại thành công. Nhưng rõ ràng, Julian đã chứng minh điều ngược lại.

Bộ sưu tập Xuân/Hè của Julian dưới tên thương hiệu JULIAN AND SOPHIE tại tuần lễ thời trang London 2003
Bộ sưu tập Xuân/Hè của Julian dưới tên thương hiệu JULIAN AND SOPHIE tại tuần lễ thời trang London 2003

Fashion meets Art là một dự án đặc biệt được tổ chức vào mùa hè năm nay bởi F.A.C.E Fashion Workshop. Lần đầu tiên, 04 giáo sư và thạc sĩ thời trang từ các trường thời trang danh tiếng toàn cầu: Shingo Sato, Julian Roberts, Marie Genevieve Cyr, Elena Ryleeva có mặt tại Việt Nam và giảng dạy cho các sinh viên thời trang.

Bên cạnh phương pháp tư duy sáng tạo của giáo sư Marie, đây cũng là lần đầu tiên Subtraction Pattern Cutting – Phép cắt rỗng dựa trên nguyên lý của trọng lực và cân bằng được giảng dạy tại Việt Nam bởi giáo sư Julian Roberts (cố vấn thời trang từ học viện British Council). Thời gian khai giảng: 17,18/8 tại TP.HCM và 19,20/8 tại Hà Nội.

Thông tin chi tiết các khóa học ngắn và dài hạn vui lòng truy cập website www.facefashionworkshop.com hay liên hệ số hotline 0965147117 để được tư vấn trực tiếp.

Thực hiện: Nhi Nguyễn