Câu chuyện về xưởng tái chế Petit H của Hermès

Ngày đăng: 14/01/23

Với tên tuổi không mấy xa lạ với các tín đồ thời trang, Hermès từ lâu đã có những bí quyết bí mật không muốn cho ai biết. Hiểu nôm na là khi bạn muốn mua một chiếc túi Hermès, không phải chỉ đơn giản có tiền là mua được. Có những quy tắc được đặt ra và chia sẻ trên nền tảng Tiktok liên quan đến Hermès đã thu hút hơn 3 tỉ view. 

Tất cả các sản phẩm đều được sản xuất thủ công bởi các nghệ nhân có thâm niên trong ngành và giới hạn số lượng, dẫn đến cầu vượt cung. Cho nên từ những chiếc túi Hermès của Kris Jenner, yên ngựa Hermès, chiếc khăn choàng đầu của Nữ Hoàng Anh, cho đến Candyland tại Ginza của Hermès đều có giá trị cao khủng khiếp. 

Kris Jenner sở hữu một căn phòng dành riêng cho những chiếc túi Hermès

Khăn choàng Hermès là phụ kiện yêu thích của bà
Candyland được làm từ Mashmallow tọa lạc tại Ginza, Nhật Bản

Ngày nay, thương hiệu này thường gắn liền với địa vị và sự sang trọng khó có được, nhưng Hermès luôn đại diện cho gu thẩm mỹ kín đáo. Từ năm 1940, tờ New York Times đã tường thuật như thế này về Hermès: “Hermès có lẽ là cửa hàng thời trang duy nhất trên thế giới mà khách hàng có thể chọn được ít nhất một sản phẩm đúng ý họ”. 

Chất lượng của từng sản phẩm đã đem danh tiếng của Hermès lên một đỉnh cao trong làng thời trang. Họ tập trung vào sản xuất thủ công, với nhiều sản phẩm vẫn “được cho ra lò” hoàn toàn tại Pháp. Một quy trình kiểm soát chất lượng phức tạp đã được định ra để đảm bảo sản phẩm không có bất kỳ khuyết điểm nào dù là nhỏ nhất. Sự hoàn hảo trong từng đường khâu chỉ may đã giúp Hermès được nhiều tín đồ thời trang săn đón. Tuy nhiên, những sản phẩm bị lỗi sẽ không loại bỏ hoàn toàn mà sẽ được thương hiệu đem đi tái chế với ý tưởng sáng tạo – đây cũng chính là nguồn gốc hình thành nên Petit H của hãng. Công xưởng khai phá vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhặt nhất. 

Từ hồi định nghĩa bền vững và tái chế vẫn chưa được xem trọng trong làng thời trang, thì Hermès đã ra mắt Petit H vào năm 2010 để đem đến sức sống mới cho những vật dụng bị “bỏ rơi”. Sáng kiến này bắt nguồn từ Pascale Mussard – hậu duệ thứ 6 của Thierry Hermes và đã trải qua được hơn một thập kỷ. Bà mong muốn chuyển hóa vẻ đẹp của những vật không còn giá trị sử dụng dưới một hình dạng mới. 

Triển lãm Petit H của Hermès tại Singapore

Thông thường, các sản phẩm của Petit H được tái chế lại từ quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, đồ nội thất, yên cưỡi ngựa. Bất kể thứ gì, chỉ cần đưa qua “công xưởng tái sinh vật liệu bỏ đi”, chúng đều sẽ được khoác lên một hình dạng mới.

Chính ở đây, trong xưởng chế tạo này với những công cụ và máy móc đã tạo ra những vật thể kỳ lạ và tuyệt vời. Sau đó, Petit H đã đưa chúng dạo quanh thế giới với sự xuất hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapore, Trung Quốc… Tưởng nhỏ nhưng giá trị không hề nhỏ, chúng luôn trong tình trạng sold out (hết hàng) sau khi được bày bán. 

Người thừa kế di sản của bà Pascale Mussard sau khi bà rời đi vào năm 2018 chính là Godefroy de Virieu. Người đàn ông đã viết nên một trang mới cho Petit H. Quy mô được mở rộng hơn và được bán trực tiếp trên trang web của xưởng. 

Thực hiện: Mỹ Tâm

Theo I-d.vice.com