Chanel làm thế nào để tăng doanh thu khi “khước từ” mảng kinh doanh trực tuyến?

Ngày đăng: 05/07/22

Bất chấp tất cả những trở ngại, từ chính sách phong tỏa vì Covid-19 ở Trung Quốc, Nga xâm lược Ukraine đến lạm phát gia tăng toàn cầu, doanh thu của Chanel trong năm 2021 đã tăng 50% lên 15,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 23% so với trước đại dịch vào năm 2019, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng gần gấp ba lần 170% lên 5,5 tỷ USD.

Những con số ấn tượng này đến từ chiến lược kết hợp khôn ngoan giữa giá thành cao và khối lượng sản xuất lớn, cụ thể là một chiếc túi Maxi Chanel có giá 10.000 USD – bằng giá với các mẫu Birkin và Kelly của Hermès, khá cao so với giá 7.000 USD vào năm 2019. 

Bên cạnh đó còn phải kể đến một loạt các khoản đầu tư dài hạn. Chanel đã chi 1,8 tỷ USD cho hoạt động tiếp thị, 758 triệu USD đầu tư vốn, bao gồm việc mua lại một tòa nhà mới ở San Francisco, một cửa hàng ở Miami Design District và bổ sung thêm 50 cửa hàng làm đẹp độc lập. Trong một cuộc phỏng vấn với BOF, Giám đốc Tài chính Philippe Blondiaux chia sẻ rằng các cửa hàng vật lý đã góp phần làm nên sự tăng trưởng vượt bậc của Chanel, vì các cửa hàng mới dành riêng cho VIC (Những khách hàng rất quan trọng) đã thúc đẩy một biên giới mới trong ngành hàng xa xỉ.

Ngoài ra, nếu không xét đến doanh số bán mỹ phẩm trực tuyến, vốn đã tăng 32% vào năm ngoái và có thể thúc đẩy bộ phận làm đẹp trở thành lĩnh vực dẫn đầu trong vòng vài năm, Chanel trên thực tế vẫn là thương hiệu nổi tiếng chậm phát triển ở mảng kinh doanh online, vì trong nhiều năm, thương hiệu đã từ chối bán sản phẩm trực tuyến, ngoại trừ một số phụ kiện. Về cơ bản, cửa hàng trực tuyến Chanel không phải là một điểm mua sắm, mà là một tính năng hỗ trợ, trong tương lai nó sẽ bao gồm khả năng đặt lịch hẹn, cho phép khách hàng thử hầu hết các sản phẩm may mặc và nhận dịch vụ hậu mãi.

Vì vậy, khi chứng kiến mỗi cửa hàng đều đón nhận lượng khách đông đảo, công ty vẫn cam kết duy trì mạng lưới cửa hàng dày đặc với 250 cửa hàng, gấp đôi Louis Vuitton hay Gucci. Để đạt được mục tiêu này, Chanel có kế hoạch tăng cường dịch vụ khách hàng bằng cách thuê hơn 3.500 nhân viên mới, bao gồm nhiều nhân viên bán hàng, cũng như mở các cửa hiệu đặc quyền phục vụ riêng những khách hàng có mức chi tiêu cao nhất – chiến lược này sẽ bắt đầu tại các thành phố lớn của châu Á đầu năm 2023.

Ở địa hạt thời trang cao cấp, Chanel không phải là thương hiệu cao cấp đầu tiên thử nghiệm các cửa hàng dành riêng cho VIC, vì Brunello Cucinelli đã mở một cửa hàng dành riêng cho khách hàng đặc quyền ở New York vào tháng 12 năm ngoái. Về vấn đề này, Blondiaux bày tỏ, “Mối quan tâm lớn nhất của Chanel là bảo vệ khách hàng, đặc biệt là khách hàng hiện tại. Vì thế chúng tôi sẽ đầu tư vào các cửa hàng được bảo vệ rất kỹ lưỡng để phục vụ người mua theo cách đặc quyền.”

Mặc dù không rõ động thái này sẽ diễn ra như thế nào, thế nhưng như trong trường hợp của túi Birkin, liệu việc nhận được ‘phần thưởng’ độc quyền bằng cách mua sắm liên tục sẽ thực sự khuyến khích khách hàng giàu có chi tiêu nhiều hơn hay sẽ là một chiêu phản tác dụng. Có lẽ chúng ta nên đón chờ những hành động tiếp theo của hãng thời trang xa xỉ này giữa thời điểm thị trường đang dự báo nhiều biến động như hiện nay.

Thực hiện: Bảo Long
Theo NSS Magazine