Chanel Métiers d’Art 2023 – Cuộc gặp gỡ văn hóa giữa Senegal và Pháp

Ngày đăng: 09/12/22

Chanel – một trong những nhà mốt huyền thoại trên bề dày lịch sử thời trang, lại tiếp tục đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên của châu Âu tổ chức một buổi trình diễn thời trang ở vùng Châu Phi Hạ Sahara. 

Không chỉ đơn thuần một buổi giới thiệu bộ sưu tập mới cũng như tôn vinh nghệ thuật thủ công từ tay nghề chế tác bậc nhất thế giới, Chanel Métiers d’Art 2023 còn là một cuộc gặp gỡ văn hóa vô cùng thú vị, mở ra câu chuyện văn hóa kéo dài ba ngày tại thủ đô của Senegal với lễ hội thời trang kéo dài ba ngày nhằm tôn vinh âm nhạc, điện ảnh và cả nghệ thuật tại Palais de Justice của Dakar. Đây còn là một cuộc hứa hẹn sẽ tạo nên cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại. Pharrell Williams, đại sứ của nhà mốt Pháp chia sẻ trước show diễn, đã nói: “Đây có lẽ là một cuộc hẹn tình cờ nhưng đằng sau đó là sự bình đẳng khi một nhà mốt hàng đầu của Pháp quay lại nơi từng là thuộc địa của người Pháp để tạo ra một cuộc giao thoa văn hóa tuyệt đẹp.” 

“Buổi gặp mặt lịch sử này còn giống như một ‘bài tập’ tuyệt vời để khi những nhà mốt khác nhìn vào và ngẫm nghĩ  “Chúng ta đang và sẽ làm gì để trở thành một phần của cuộc trò chuyện vì nhân loại này?” bởi vì ngay bây giờ, thế giới đầy rẫy sự chia rẽ, hàng loạt cuộc chiến tranh đang diễn ra.” – nam ca sĩ chia sẻ thêm sau khi show diễn kết thúc.  

Việc Chanel tổ chức show diễn thời trang đầu tiên của nhà mốt ở Châu Phi đồng thời là buổi trình diễn đầu tiên của một nhà mốt thời trang trên toàn thế giới ở vùng Châu Phi Hạ Sahara, thực sự là một bước đi đầy tham vọng. Tuy nhiên cũng là một đề bài khó và nguy hiểm đối với thương hiệu cao cấp của Pháp. Để có thể tránh được mọi cáo buộc về chiếm đoạt văn hóa, Chanel không chỉ mời các nghệ nhân tại châu Phi tham gia sáng tạo ở bộ sưu tập lần mà còn đi xa hơn, hợp tác lâu dài với những dự án nghệ thuật nhằm tôn vinh, phát triển ngành nghề thủ công và thúc đẩy tính bền vững trong thời trang. 

Dù chưa bao giờ đặt chân đến lục địa châu Phi nhưng chính vẻ đẹp cuốn hút và đầy mê hoặc của Dakar – một thành phố, trung tâm nghệ thuật đang phát triển mạnh mẽ, đã thu hút tâm hồn sáng tạo của Virginie Viard. “Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi làm điều gì đó không gắn liền với cội nguồn của nhà mốt. Bản thân tôi muốn có một cuộc trao đổi giữa sáng tạo, giữa các nền văn hóa khác nhau và điều đó sẽ phù hợp với bộ sưu tập Métiers d’Art lần này.” – giám đốc sáng tạo của Chanel chia sẻ. 

Từ khi lần đầu diễn ra, Métiers d’art đã trở thành di sản nghệ thuật trứ danh của Chanel, nơi mà nghệ thuật và thời trang hòa quyện thành một cũng như để tôn vinh những kỹ nghệ và tác phẩm thủ công của các maison tài ba của nhà mốt. Và ở bộ sưu tập Métiers d’art lần này qua từng thiết kế, người thưởng thức không chỉ được chiêm ngưỡng những thước vải tweed xa xỉ được thêu dệt tỉ mỉ, những mảnh hạt, cườm được đính kết kỳ công và phức tạp mà còn được trải nghiệm một nền văn hóa mới cùng chuyến hành trình đi qua tại một vùng đất mới mẻ. Khác với những bộ sưu tập trước, Chanel Métiers d’art lần này ngoài khiến người xem thán phục trước những chế tác kỳ công của thời trang ra thì còn khiến họ thích thú và “gật gù” với những bản in hoang dại được kết hợp từ bản in da động vật với logo đặc trưng của nhà mốt Pháp, bảng màu cũng sặc sỡ hơn bao giờ hết và dường như những sợi vải tweed cũng trở nên tinh nghịch và sôi động hơn để có thể thể hiện hết giá trị từ nền văn hóa đặc trưng ở châu Phi. 

Điểm dừng chân đầu tiên sau khi đến Dakar chính là đảo Gorée, ngay ngoài khơi của thành phố, nơi từng buôn nô lệ châu Phi dưới thời thuộc địa và hiện tại nơi này đã là một di tích. Sau đó, người xem sẽ được đưa đến một xưởng vẽ của điêu khắc gia Ousman Sowe, tiếp đó là một chuyến tham quan chợ thủ công ở địa phương và một khu phố cổ đầy nghệ thuật. Trước khi đến điểm dừng, chúng ta sẽ tham gia vào một “điểm hẹn văn học” giữa Marie NDiaye, Charlotte Casiraghi và Rokhaya Niang và rồi đến chặng cuối khi được đắm chìm vào độ tinh xảo tuyệt đẹp của những thiết kế nội thất từ Ousmane Mbaye. 

Xuyên suốt bộ sưu tập, ắt hẳn những bộ suit giản dị, khiêm tốn nhưng cũng phóng khoáng và đầy tự do từ những năm 70 ở nền văn hóa La Sape nổi tiếng ở Congo với những chiếc áo vest đính đá màu mè cùng với những chiếc váy nổi bật bởi những bản in rực rỡ,… là những dấu ấn “chiếm sóng” và thu hút được sự tán thưởng của hơn 800 vị khách mời. Hài hòa cùng những bản phối đó chính là sự thêm thắt của những chiếc quần jean ống loe, giày đế bệt cũng như các chiếc váy xếp tầng vừa cổ điển vừa sang trọng vượt thời gian. Trái ngược với các show diễn của Chanel ở kinh đô ánh sáng, nơi khách mời thường ưa chuộng những món đồ xa xỉ của nhà mốt, người xem lần này lại mê mẩn màn kết hợp hài hòa giữa những chiếc túi xách chần bông đặc trưng của thương hiệu cùng những bộ trang phục truyền thống hay những thiết kế thời trang châu Phi đương đại.

Nếu nhìn lại tất cả các bộ sưu tập trong suốt nhiệm kỳ của Viard tại Chanel, thì đây cũng là một trong những bộ sưu tập thể hiện được tinh thần chiết trung nhất của nhà mốt, từ những bộ suit được làm từ vải tweed ca rô trứ danh được layer cùng áo vest đính cườm với chiếc váy quấn quanh, hoàn thiện bộ cánh chính là những lớp dây chuyền được xếp lớp đặc trưng, đặc biệt còn có những chiếc charm hình dạng của lục địa châu Phi và đầu sư tử nạm ngọc. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa thợ thêu Lesage và nhà sản xuất hoa Lemarié, bộ sưu tập còn gây ấn tượng với những chi tiết điểm xuyến đặc sắc, từ những viên kim cương giả lấp lánh trên chiếc áo len cùng bản in hình thoi, đến những bông hoa trà chắp vá theo phong cách DIY và những miếng dán hình trái tim nằm rải rác khắp nơi một chiếc áo vest đen.

Những tín đồ đam mê chủ nghĩa tối đa có lẽ sẽ “siêu lòng” với những vẻ ngoài dệt kim kết hợp cùng bản in đốm da báo quá khổ, hoa và logo chữ C đôi méo mó, kết hợp với áo vest hoặc quần da màu hồng đào và mận nhạt ngọt ngào. Đối với những tín đồ yêu thích vẻ đẹp hoài cổ, bản phối chiếc váy ren trắng phóng khoáng cùng chiếc áo len màu xanh lam kết hợp thắt lưng sẽ thuyết phục được bạn. Ngoài những thước tweed mang tên thương hiệu, ở bộ sưu tập lần này denim còn là “gương mặt” xuất hiện vô cùng tích cực.  

Không bàn về những hoạt động hợp tác cùng nhau sau này, bộ sưu tập đã là một cuộc giao lưu văn hóa thật sự – hòa bình và gắn kết, và chính sự kết hợp màu sắc trên chất liệu và sự thỏa thuận giữa chất liệu và kỹ thuật đã phản ánh sự thân mật, tinh thần đoàn kết giữa hai nền văn hóa, đất nước khác nhau,… để có thể tạo ra một giá trị nào đó hoàn toàn mới. Sẽ hiếm khi người thưởng thức thời trang lại thấy được tinh thần thời trang cổ điển, sang trọng “chuẩn” Chanel, đậm chất Pháp lại có thể hòa hợp trong bầu không khí vui nhộn, phóng khoáng và đa màu sắc như Senegal từ bộ đôi chữ C kép – họa tiết đầu sư tử, tinh thần thời trang đặc biệt từ văn hóa La Sape ở Congo đến một số chất liệu và hoa văn kết cườm bắt nguồn từ nguyên liệu gốc ở Châu Phi. 

Theo như chủ tịch của Chanel – Bruno Pavlovsky, chương trình “giao lưu văn hóa” cũng như các kỹ thuật thủ công giữa nhà mốt và nơi tổ chức không chỉ đơn thuần là một show diễn thời trang thông thường mà còn là một loạt các hoạt động tương tác sắp tới giữa le19M của Chanel và Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi IFAN của Dakar. Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 12 tháng 1 đến ngày 31 tháng 3 tại Bảo tàng Nghệ thuật IFAN, mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là hướng đến các sinh viên và đặc biệt là những người học nghề thủ công, bởi lẽ Chanel đang ký kết hợp tác với một số trường học.

Ngoài ra, nhà mốt còn hợp tác với các nhà sản xuất bông hữu cơ tại địa phương với nỗ lực đảm bảo được tính bền vững trong thời trang. Các sáng kiến tương tự cũng đã được thực hiện ở Ấn Độ, Ai Cập và Peru. Pavlovsky chia sẻ “Dù Senegal có truyền thống sản xuất bông, nhưng chất lượng cần được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của thương hiệu. Trong vòng ba đến năm năm tới, mục tiêu của chúng tôi là có thể đáp ứng được một phần nhu cầu của chúng tôi bằng bông của Senegal được sản xuất trong điều kiện tốt với mức giá hợp lý.”

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo Vogue và WWD