Chanel và chính sách “mỗi người một túi”
Ngày đăng: 14/10/21
Chanel hiện đang giới hạn số lượng mua những chiếc túi “bestseller” với chính sách: mỗi người chỉ được mua một chiếc một năm. Liệu các thương hiệu đình đám khác có thực hiện chính sách này?
Bắt đầu từ tháng này, Chanel sẽ áp dụng chính sách “mỗi người một túi” vào thị trường đồ cũ của mình đối với những chiếc túi đình đám của họ như Classic Flap Bag và Coco Handle. Nhà mốt này còn áp dụng chính sách hạn chế đối với những mặt hàng bằng da size nhỏ khác, và từ đây, trong vòng 1 năm, các “con nghiện đồ hiệu” chỉ có thể mua 1 chiếc túi trong cùng 1 loại. Hơn thế nữa, giá của những chiếc túi “bán lại” này cũng được đẩy lên rất cao so với bình thường. Tuy nhiên, chẳng có gì có thể ngăn cản lại những người nghiện mua sắm, những chiếc túi vẫn liên tục được săn đón bởi dãy người xếp hàng trước các cửa hàng.
Theo trang Jing Daily, với sự phát triển liên tục của thị trường đồ cũ như hiện tại, các nhà mốt đình đám cũng rục rịch đổi “kịch bản” kinh doanh của mình với các chính sách hạn chế số lượng mua hàng nhằm duy trì tính độc quyền của họ. Mới gần đây, “ông lớn” Hermès cũng giới hạn số lượng mua túi xách của nhãn hàng xuống chỉ còn hai chiếc với cùng một kiểu dáng hai lần một năm. Lẽ đương nhiên, những khách hàng “ruột” cũng chẳng thấy vui vẻ gì với chính sách hạn chế này của các thương hiệu cao cấp. Mặt khác, đối với các nhà mốt đình đám thì đây ắt hẳn là một chính sách hiệu quả để giải quyết các tình trạng mua hết hàng để có thể bán lại với giá cao ngất ngưỡng, giống như những Daigou ra nước ngoài săn hàng hiệu rồi về bán lại với giá cắt cổ.
Trung Quốc nổi tiếng với một “thị trường phi chính thức” hay còn được gọi là “chợ xám” mà các Daigou khét tiếng cầm đầu. Theo ước tính của BCG, vào năm 2020, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 35 tỷ đô la vào thị trường xa xỉ ở nước ngoài, và 28 tỷ đô la (80%) đã được chi qua các trang bán đồ xách tay này. Mặc dù những người mua “gián tiếp” này có thể giúp các thương hiệu tăng doanh số bán hàng trong một thời gian ngắn, nhưng về đường dài, thì có thể làm tổn hại đến các nhãn hàng trên toàn cầu trong việc xác định người tiêu dùng trung thành lẫn chia sẻ trải nghiệm mua hàng với họ.
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng ngại hơn đó là “hỗn loạn” giá cả, tức khách hàng có thể mua những mặt hàng “bán lại” này với mức giá có thể là đắt hơn giá bình thường, thậm chí là có thể mua trúng hàng giả. Kết quả là, hình ảnh thương hiệu của các nhãn mốt có thể bị lu mờ trong mắt người tiêu dùng. Nhưng công bằng mà nói, nhờ vào các Daigou mà các BST của các nhà mốt không chỉ được quảng bá rộng rãi mà còn bán được nhanh chóng cho hàng trăm thậm chí hàng ngàn người tiêu dùng trên WeChat. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, động thái của Chanel là nghĩ về đường dài. Dù có là đồ “bán lại” hay đồ mới, thì bản chất của các mặt hàng xa xỉ vốn là khan hiếm. Khi nhu cầu khách hàng ngày càng tăng đi nữa thì các thương hiệu sẽ càng tiếp tục hạn chế số lượng mua hàng. Họ sẽ không đánh mất sự khan hiếm mà bán tràn lan ra thị trường dù có là hàng tồn kho đi nữa. Với điều này, cũng dễ dàng thấy được trước mắt các thương hiệu đình đám trên thế giới sẽ áp dụng chính sách hạn chế lượng mua ở Trung Quốc và thậm chí là hơn thế nữa.
Thực hiện: Huỳnh Trân