Chỉ những người Nga sống ở nước ngoài mới có thể mua sắm tại Chanel

Ngày đăng: 07/04/22

Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp, Chanel đã ngừng bán túi xách và các áo quần cho công dân Nga, đồng thời tuyên bố sẽ chỉ bán cho những người Nga sinh sống ở nước ngoài.

Với áp lực gia tăng đối với các thương hiệu xa xỉ nhằm ủng hộ các lệnh trừng phạt với Nga sau cuộc xâm lược của nước này vào nước láng giềng Ukraine, một số cửa hàng Chanel trên toàn cầu đã từ chối bán cho những người Nga đang lấy hàng về nước. Mặc dù khách hàng Nga là đối tượng khách hàng và chịu chi của thương hiệu này.

Theo Daily Mail, Chanel sẽ cấm “bán, trực tiếp hoặc gián tiếp, các mặt hàng xa xỉ cho bất kỳ thể nhân, pháp nhân hoặc thực thể nào ở Liên bang Nga, hoặc để sử dụng ở Liên bang Nga.” Điều này sẽ đòi hỏi chỉ những người Nga thường trú ở nước ngoài mới có quyền mua sắm tại Chanel.

Các phương tiện truyền thông xã hội đã đầy rẫy những câu chuyện về những người Nga bị từ chối bán hàng tại Chanel. “Chúng tôi hiểu rằng các biện pháp này, nhằm tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, có thể tạo ra những bất tiện nhất định cho một số khách hàng. Chúng tôi hiện đang làm việc để cải thiện quy trình và xin lỗi vì bất kỳ sự hiểu lầm và bất tiện nào liên quan”, Chanel cho biết trong một tuyên bố.

Ca sĩ nổi tiếng người Nga Anna Kalashnikova trong một bài đăng trên Instagram tuyên bố cô không được phép mua túi và hoa tai tại một cửa hàng Chanel ở Dubai. Khi phàn nàn về chứng sợ Russiaphobia, cô đề cập đến việc bản thân Coco Chanel có liên hệ với Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matxcơva Maria Zakharova trong một bài đăng trên Instagram đã cáo buộc Chanel “hủy bỏ nước Nga”, viện dẫn các tài liệu của Abwehr rằng Coco Chanel là người cung cấp thông tin cho Đệ tam Đế chế, sống trong một căn hộ giàu có ở Ritz trong chiến tranh, được tài trợ bởi người Đức.

Khách hàng Nga của Chanel được yêu cầu xuất trình tài liệu để xác nhận rằng các sản phẩm họ mua sẽ không được sử dụng ở Nga. Đây là điều khó khăn để chứng minh, đồng thời có thể xem là hành vi phân biệt đối xử, tuy nhiên các thương hiệu xa xỉ bị kẹt trong lệnh trừng phạt hiện đang áp dụng. 

Thực hiện: K.