Christian Dior Haute Couture Fall/Winter 2022/2023: Dù trời giông bão nhưng những “đóa hồng” vẫn chưa bao giờ gục ngã

Ngày đăng: 06/07/22

“Haute Couture là một cuộc gặp gỡ thân thiết giữa khách hàng và những nghệ nhân thủ công tài ba.” Maria Grazia Chiuri chia sẻ.

Khi xã hội bất ổn với hàng loạt vấn đề chính trị, dịch bệnh, suy thoái môi trường, chúng ta thường cho rằng đây là thời điểm không dành cho các show diễn thời trang. Xấu xí và cái đẹp luôn được xem là hai vị khắc tinh, khó thể nào mà tồn tại cùng nhau được. Và chính sự mâu thuẫn này đã truyền cảm hứng cho nữ giám đốc sáng tạo của nhà mốt Pháp – Maria Grazia Chiuri cho ra đời bộ sưu tập couture Fall/Winter SS23, với mong muốn nghệ thuật ấn tượng từ show diễn Haute Couture, từ những bộ quần áo có một không hai được khâu vá tỉ mỉ bởi những đôi tay thành thạo của người nghệ nhân có thể tạm thời làm con người xao lãng khỏi những u buồn, lo lắng đang bủa vây. Dù thế giới có ra sao thì con người cũng cần phải lạc quan để không bị đánh ngã. 

Xuyên suốt show diễn, người xem đã thấy được một Dior thật nhẹ nhàng, lãng mạn và đầy thơ mộng. Chiuri cũng đã mô phỏng lại khu vườn hoa hồng thời thơ ấu của Christian Dior với những bức thêu dân gian chủ đạo, bảng màu trung tính ngọt ngào, những chi tiết tinh xảo kết hợp trên sự đa dạng chất liệu từ len crepe, len cashmere, ren đến thước lụa mềm mại. Đối với Chiuri, những show diễn Haute Couture là một gặp gỡ thân mật giữa khách hàng và những nghệ nhân tài ba đứng sau những tác phẩm thời trang đẳng cấp, và cũng là lúc để tôn vinh nghệ thuật vô giá từ những đôi bài tay thành thạo ấy mà không dễ mua bằng tiền.

Đằng sau những bức tranh thêu lần này chính là bàn tay khéo léo của nghệ sĩ người Ukraine – Olesia Trofymenko. Từ khi Chiuri nhìn thấy bức tranh phong cảnh đậm chất dân gian Ukraine của Trofymenko tại Maxxi, bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Rome, Chiuri đã muốn hợp tác cùng cô ấy trong bộ sưu tập couture mùa thu của mình. Sau khi thảo luận với nhau, nghệ sĩ đã đề xuất sử dụng một yếu tố văn hóa dân gian Ukraine, Tree of Lifes (Cây đời – một biểu tượng cho cuộc sống) làm biểu trưng chủ đạo. Và Chiuri đã thật sự ấn tượng về ý nghĩ này. Không chỉ vì sự ủng hộ và làm nổi bật tác phẩm của một nghệ sĩ trong thời chiến tranh, mà còn vì tính biểu tượng của Cây đời – một chi tiết xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo. “Nó nói về sự tuần hoàn trong cuộc sống,” Chiuri chia sẻ. Chiuri đã mời Trofymenko thiết kế cho show diễn với những tấm thảm hoa thêu tay vô cùng kỳ công. Mỗi chiếc đều được làm thủ công một cách tỉ mỉ bởi những người phụ nữ tại Trường Thủ công Chanakya ở Mumbai, nơi hợp tác với Dior trong mùa sắp tới.

Trùng hợp rằng, câu chuyện của Chiuri lại giống với thời điểm Christian Dior thành lập haute couture của mình ngay sau Thế chiến thứ hai. Sự kỳ công trong trang phục của ông thời bấy giờ không chỉ mang lại vẻ đẹp lộng lẫy, sự lạc quan cho khách hàng mà còn đổi mới sinh kế cho tầng lớp người lao động Pháp. Nhìn chung, Dior Couture Fall/Winter không quá ấn tượng về phom dáng độc lạ, những phom dáng dài, ống tay loe, bồng bềnh vẫn được lặp lại, gam màu trắng và be nhẹ nhàng vẫn chiếm phần lớn trong bộ sưu tập. Tuy nhiên khi nhìn cận cảnh những thiết kế, ta có thể nhìn thấy rõ sự tôn vinh của Chiuri dành cho giá trị thủ công, thể hiện rõ trên những bề mặt được thiết kế tinh xảo, đặc biệt là ở những bông hoa, đặc biệt là hoa hồng Dior, được chế tác thành những miếng vá bằng ren và thêu đính cườm 3 chiều sắc sảo. 

BST còn gây ấn tượng với sự kết hợp tinh xảo giữa nền vải tartan với chi tiết khâu tay, một chiếc maxi xếp tầng mỏng manh ở eo, những chiếc áo Bar huyền thoại của nhà một được thiết kế với kỹ thuật mới và một chiếc váy dài giữa có cổ áo kiểu Mao gợi nhớ đến những bộ váy được mặc vào dịp Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc. Lấy cảm hứng từ văn hóa nhân gian, Chiuri đem đến những chi tiết đặc trưng của từng nét đẹp truyền thống từ những nền văn hóa khác nhau. Truyền thống cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lý do tại sao và cách chúng ta ăn mặc hàng ngày. Qua đây, Chiuri còn muốn truyền tải một thông điệp ý nghĩa: dù bạn có là văn hóa nào đi chăng nữa thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nếu chúng ta thuộc về nhau, đoàn kết thành một tập thể vững mạnh. Chiuri chia sẻ: “Tôi nghĩ thời trang có cơ hội xây dựng cầu nối giữa những cộng đồng khác nhau và những tiếng nói khác nhau.”

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo Vogue và Elle