Có gì đáng chú ý từ việc Society Pass mang Leflair trở lại thị trường Việt Nam?

Ngày đăng: 26/06/21

Đầu tháng 6.2021, sau khi thủ tục phá sản chính thức được chấp thuận, thị trường kinh doanh rộ lên tin đồn sàn giao dịch điện tử Leflair sẽ trở lại thị trường Việt Nam với một nhà đầu tư mới. Tin tức này đã được xác nhận vào ngày 23.06.2021 vừa qua, bởi Society Pass – công ty công nghệ từ Mỹ chuyên vận hành các nền tảng tiếp thị và mua sắm trực tuyến dựa trên hệ thống dữ liệu người dùng. 

Society Pass sở hữu thương hiệu Leflair, đồng thời khẳng định sẽ mang nền tảng này quay trở lại thị trường Việt Nam vào quý III/2021. Sau đây là những điều cần chú ý về thương vụ này. 

Society Pass sở hữu thương hiệu Leflair, đồng thời khẳng định sẽ mang nền tảng này quay trở lại thị trường Việt Nam vào quý III/2021. Ảnh: Society Pass

Leflair là gì?

Cho những ai chưa biết: Leflair là trang thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu giảm giá ra đời năm 2015 tại Việt Nam, sáng lập bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. 

Là dự án triển khai theo mô hình flash-sales đã khá thành công tại châu Âu và Trung Quốc, Leflair thường mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong một khoảng thời gian có hạn. 

Trong 4 năm đến 2019, Leflair tuyên bố có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice, vào quý III/2019, website của công ty có khoảng 1,6 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Startup này cũng từng gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD. 

Tuy nhiên website của Leflair đóng cửa vào tháng 2.2020. Khi đóng cửa công ty chưa xử lý xong số công nợ với khoảng 500 nhà cung cấp với số tiền lên đến 2 triệu USD. Vụ việc đến nay vẫn chưa có tiến triển mới. Đến đầu tháng 6, thủ tục phá sản của Leflair vừa được chấp nhận. 

Leflair là trang thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu giảm giá ra đời năm 2015 tại Việt Nam

Công ty mua Leflair có lý lịch thế nào?

Society Pass – công ty công nghệ từ Mỹ chuyên vận hành các nền tảng tiếp thị và mua sắm trực tuyến dựa trên hệ thống dữ liệu người dùng. Society Pass tập trung tiếp nhận quản lý các nền tảng thương mại điện tử và kết nối khách hàng với các thương nhân ở khắp Đông Nam Á và Nam Á. 

Thông qua những thương vụ M&A trong các năm qua, Society Pass nhắm đến xây dựng một mạng lưới kết nối dữ liệu lớn trong khu vực, phục vụ cho việc xây dựng các công cụ quản lý dữ liệu khách hàng và chương trình khách hàng thân thiết cho doanh nghiệp.

Leflair trở lại như thế nào dưới quyền Society Pass?

Society Pass đã chính thức công bố quyền sở hữu thương hiệu Leflair và dự định đưa trang bán hàng này ra mắt vào quý III năm nay. 

Sau khi thu mua, Leflair sẽ chỉ là cái tên quen thuộc, được mua lại và vận hành hoàn toàn bởi ông chủ mới và không chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ. Chủ sở hữu mới cho biết, Leflair sắp tới sẽ được vận hành trên một nền tảng hoàn toàn mới, từ thiết kế giao diện, quy trình vận hành cho đến mô hình quản lý doanh nghiệp được Society Pass thiết kế riêng. 

Theo Ray Liang, Giám đốc vận hành Society Pass, những thay đổi cần thiết sẽ được áp dụng nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững và quyền lợi cuối cùng cho nhà cung cấp và khách hàng. Chúng tôi đã mua lại quyền sở hữu thương hiệu Leflair với sự tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà thương hiệu này đã xây dựng trong 5 năm qua tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục mang theo trong tương lai“, ông Ray Liang, Giám đốc vận hành Society Pass, cho biết về lý do mua lại Lefair.

Liên quan đến các công nợ với nhà cung cấp tại Việt Nam, Society Pass trả lời với tờ Vnexpress, công ty chỉ mua lại thương hiệu Leflair từ đối tác là nhà sáng lập ở Hong Kong, và không liên quan đến pháp nhân cũ tại Việt Nam cũng như 2 cá nhân là Pierre-Antoine Brun và Loic Gautier.

Điều này khiến cho việc Leflair sẽ trở lại làm dấy lên tranh luận trong cộng đồng kinh doanh thời trang Việt Nam. Từ việc vì sao một chủ đầu tư này không xây dựng một nền tảng mới thay vì mua lại Leflair từng có “phốt” trước đây, cho đến quyền lợi của các nhà cung cấp cũ sẽ được giải quyết như thế nào. Nhân đây, các nhà cung cấp tại Việt Nam cũng cần cân nhắc cẩn thận và xem xét các lời khuyên từ các chuyên gia trong ngành luật trước khi hợp tác cùng các doanh nghiệp khác để đảm bảo quyền lợi của mình.

Thực hiện: K.

Tổng hợp từ Brands Vietnam, Vietnam Franchise, VNexpress