Có một loại da thuần thực vật được làm từ bã thừa của quả táo

Ngày đăng: 14/09/21

Thương hiệu Beyond Leather có trụ sở tại Copenhagen đã kết hợp bã thừa từ sản xuất nước táo và rượu táo với cao su tự nhiên để tạo ra một loại da thay thế từ thực vật có tên là Leap.

Chất liệu thay thế da động vật được chế tạo bằng cách trộn bã thừa của táo với cao su tự nhiên và đắp lên lớp nền dệt làm từ bông và sợi gỗ trước khi hoàn thiện bằng lớp phủ bảo vệ, tạo ra một cấu trúc ba lớp có thể tách rời khi hết tuổi thọ.

Beyond Leather đã tạo ra một giải pháp thay thế da động vật có tên là Leap từ phế phẩm công nghiệp

Leap được xem như vật liệu sinh học hiện đang phát triển và được thiết kế để giảm thiểu các tác động đến môi trường khi sử dụng da động vật và các chất thay thế bằng nhựa. Trong số các vật liệu sinh học nổi bật hiện nay, có Piñatex, làm từ phế phẩm lá dứa, đang được sử dụng trong các sản phẩm của Hugo Boss, cũng như da làm từ nấm đang được thử nghiệm bởi Adidas, Stella McCartney và Hermès.

Theo ước tính, phiên bản làm từ quả táo của Beyond Leather thải ra ít hơn 85% CO2 trong quá trình sản xuất so với da truyền thống. Tuy nhiên việc đánh giá toàn bộ vòng đời vẫn chưa được hoàn tất.

Từ bả của quả táo tạo nên một vật liệu mới với chất lượng mềm mại và dẻo dai giống như da thật

Leap được làm từ vỏ, lõi, thân và hạt của quả táo, những thứ còn sót lại sau khi quả được ép lấy nước. “Khoảng 25% quả táo sẽ bị bỏ đi sau khi ép lấy nước trái cây hoặc rượu táo“, người đồng sáng lập Beyond Leather – Hannah Michaud, nói với Dezeen. Chúng tôi cung cấp nguồn phế phẩm của táo cho Leap từ một nhà sản xuất nước trái cây nhỏ của Đan Mạch với lượng bã thải ra 500 đến 600 tấn mỗi năm.”

Phế phẩm thừa của táo được kết hợp với cao su tự nhiên tạo ra một loại bùn đồng nhất

Theo Michaud, sinh khối của táo này giúp mang lại cho vật liệu cuối cùng một lớp hoàn thiện mềm mại nhưng dẻo dai và chắc chắn giống như da thật. Bà giải thích: “Chất bã của táo có hàm lượng rất cao các sợi ngắn và polyme, nếu được sử dụng đúng cách, chúng có thể được kích hoạt để tạo ra độ bền và độ cứng cần thiết cho nguyên liệu cuối cùng.”

Táo chiếm phần lớn sản phẩm của chúng tôi và trong tương lai, chúng tôi muốn nó tạo nên toàn bộ sản phẩm.”

Leap mềm dẻo và chắn chắn giống như da thật

Hiện tại, Leap sử dụng lớp nền đan chéo dệt từ bông hữu cơ được chứng nhận và Tencel, một loại sợi được làm từ bột gỗ. Và cũng giống như nhiều lựa chọn thay thế, da có nguồn gốc thực vật như Piñatex, độ bền của Leap đang được đảm bảo với sự trợ giúp của một lớp phủ nhựa bảo vệ, tạo dập nổi cho kết cấu và chứa các sắc tố giúp thay thế màu sắc của da.

Lớp phủ được làm một nửa từ polyurethane và polyether có nguồn gốc dầu mỏ truyền thống, và một nửa là nhựa sinh học. Beyond Leather hy vọng cho đến năm 2024 sẽ hoàn thiện được vật liệu hoàn toàn dựa trên sinh học và có thể phân hủy sinh học.

Michaud nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu thay thế lớp phủ hiện tại theo cách vẫn có thể mang lại chất lượng mong muốn mà không cần sử dụng nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ), dựa trên triết lý của công ty là sử dụng phế phẩm từ chất thải làm thành phần cốt lõi”.

Trong khi đó, phiên bản vật liệu của Leap trong năm nay cung cấp cho các thương hiệu thời trang sẽ có thiết kế tách rời để các vật liệu cấu thành có thể được tái chế một cách riêng biệt.

Michaud cho biết thêm: “Điểm quan trọng của thiết kế ba lớp là lớp phủ có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và vải dệt có thể được loại bỏ vào cuối vòng đời của sản phẩm hoàn thiện.”

Mỗi lớp trong thiết kế có thể tách rời trong các vòng tái chế tương ứng của chúng trong khi bản thân quả táo có thể tự phân hủy sinh học.”

Lớp nền dệt giúp tăng cường sự chắc chắn của Leap

Thương hiệu giày dép Allbirds gần đây đã hợp tác với công ty khởi nghiệp vật liệu Natural Fiber Welding để tạo ra một vật liệu hoàn toàn mới mà hãng tuyên bố là sản phẩm thay thế da từ thực vật đầu tiên được sản xuất hoàn toàn không dùng dầu mỏ, đồng thời tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn 98% so với da động vật.

Phát biểu với Dezeen trong khuôn khổ chuỗi các cuộc cách mạng carbon, Hana Kajimura, người đứng đầu về tính bền vững của Allbirds giải thích rằng lý do khiến hiệu suất của vật liệu sinh học bị tụt hậu so với nhựa hóa thạch là do họ không nhận được cùng một số tiền tài trợ.

Các kết cấu khác nhau có thể được in nổi vào lớp phủ bảo vệ

Hana Kajimura đã nói: “Chúng ta than thở về việc vật liệu tự nhiên có thể không hoạt động tốt như vật liệu tổng hợp nhưng điều này là do sự thiếu đầu tư và đổi mới trong ngành này… Chúng ta đã đổi mới chất liệu tổng hợp trong nhiều thập kỷ, kể từ những năm 1800 khi phát hiện và bắt đầu khoan dầu. Và chúng ta đã chưa đầu tư số tiền tương tự vào các vật liệu tự nhiên hay thực sự tìm ra cách để tăng hiệu suất của chúng.”

Thực hiện: C.

Theo Dezeen