Coco Chanel và những dấu ấn làm “xoay chuyển” địa hạt thời trang nữ giới

Ngày đăng: 19/08/22

Một nhà thiết kế tài năng, một người đàn bà quyền lực với hàng loạt câu nói bất hủ, của những bài học kinh doanh đáng giá, và hơn hết là một biểu tượng bất diệt của địa hạt thời trang, nhất là nữ giới, Coco Chanel dù đã “tỏa sáng” trên một bầu trời mới nhưng những dấu ấn của bà để lại vẫn là kho di sản vô giá không-dễ-thay-thế. 

Gabrielle “Coco” Chanel – một huyền thoại thời trang bất diệt, một trong những nhà thiết kế trứ danh và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 đến tận bây giờ. Cũng được đào tạo cơ bản như biết bao cô thợ may lúc bấy giờ, Coco Chanel đã vượt qua mọi rào cản, phá tan hàng loạt quy chuẩn thời trang “cứng ngắt” để trở thành một kẻ nổi loạn, một người phụ nữ làm nên nhiều cuộc cách mạng lừng lẫy cho địa hạt thời trang nữ và là người phụ nữ tiên phong cho hàng loạt cuộc bùng nổ trong bức tranh toàn cảnh thời trang. Đặc biệt, Coco Chanel đã giải phóng cơ thể người phụ nữ thoát khỏi sự bó buộc của lớp áo nịt ngực bằng sự thoải mái của chiếc áo thủy thủ và quần ống rộng biểu tượng. 

Bà ấy từng chia sẻ: “Không có gì đẹp hơn sự tự do của cơ thể.” và các thiết kế của Coco đã phản ánh trực tiếp điều đấy – một Chanel mềm mại, buông thả và có chút “ái nam ái nữ” được thể hiện rõ nét trên chiếc váy đen nhỏ huyền thoại (LBD-Little Black Dress). Coco Chanel – “người phụ nữ của mọi phụ nữ” luôn mong muốn rằng nữ giới có thể hít thở và di chuyển thoải mái nhất trong chính bộ quần áo của họ, cũng giống như cách đàn ông mặc quần áo. Vì thế, có thể nói những thiết kế, các giá trị sáng tạo của Coco cuối cùng chỉ để giải phóng cơ thể của phụ nữ. 

Đã gần hơn nửa thế kỷ, huyền thoại thời trang này rời bỏ thế giới thời trang của chúng ta, nhưng di sản của Coco Chanel vẫn còn đó, vẫn là kho lưu trữ bất tận cho mọi thế hệ mai sau. Cuộc cách mạng mà bà khiến cách ăn mặc của chúng ta, của phụ nữ thay đổi từ tủ quần áo thường nhật đến dạ hội vẫn còn đó, cách mà bà khiến nhiều nhà mốt xây dựng lại lý tưởng của họ vẫn còn tồn tại. 

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 139 của “người đàn bà quyền lực” Coco Chanel, cùng Style Republik tri ân 8 thiết kế signature mà bà làm “xoay chuyển” cả địa hạt thời trang lẫn cục bộ thời trang nữ giới!

Quần âu cho nữ giới

Chanel không phải là nhà mốt tạo ra những chiếc quần âu đầu tiên cho phái nữ nhưng có lẽ là người khiến phụ nữ mặc quần tây dài thay vì những chiếc váy truyền thống. Vào Thế chiến thứ nhất, phụ nữ đã bắt đầu làm những công việc thường ngày của đàn ông. Đây cũng là lúc Coco Chanel thiết kế ra những chiếc quần âu dài cho phụ nữ, giúp họ thoải mái hơn trong các hoạt động, thể thao, vui chơi hàng ngày thay vì váy. Dần dà, quần dài đã trở thành một món đồ thiết yếu trong tủ quần áo của phụ nữ. Không những đáp ứng được nhu cầu thực tế của nữ giới, Coco Chanel còn khiến quần âu sở hữu được những giá trị thời trang không-dễ-thay-thế hay cột mốc đầu tiên trong chặng đường đòi quyền bình đẳng của phái nữ. 

Coco Chanel cũng là người ưa chuộng diện những bộ trang phục rộng rãi, đặc biệt là những chiếc quần thùng thình của bạn trai. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc bà diện một chiếc quần phom dáng rộng rãi, thoải mái cùng chiếc áo phông sọc thủy thủ ở bãi biển French Riviera vào năm 1918, đến ngày nay vẫn lan tỏa tầm ảnh hưởng sâu sắc đến giới mộ điệu.

Vào thời điểm đó, đồ mặc nhà có phom dáng rộng rãi như thế được cho là khiếm nhã vì chúng chỉ được mặc khi ngủ nhưng vào giữa những năm 1920, những thiết kế này đã trở thành mặt hàng chủ yếu của các tiểu thư giàu có và là những thiết kế nhất định phải có trong các bộ sưu tập của Chanel.

Áo sọc thủy thủ

Kể từ thế kỷ 19, những chiếc áo breton len sọc được làm từ len đan chặt đã được các thủy thủ, ngư dân Pháp mặc rộng rãi để bảo vệ khỏi các tác nhân môi trường. Tuy nhiên, Chanel đã biến chúng thành thời trang.

Vào những năm 1910, chúng ta dễ dàng thấy những chiếc áo sọc xuất hiện trong cửa hàng của cô ở khu nghỉ dưỡng ở Deauville, Normandy. Coco Chanel đã đem chi tiết sọc ứng dụng vào nhiều biến thể thời trang khác nhau như các thiết kế từ vải jersey, trên những chiếc túi áo patching hay trên những chiếc thắt lưng. Vẻ ngoài bình thường và ít “nghiêm trọng” hơn nhiều so với vẻ đẹp cứng nhắc của thời đại Belle Époque, nhanh chóng thuyết phục được mọi cô nàng sành điệu, không chỉ trên bãi biển và còn ở ngoài phố. Và chẳng bao lâu nữa, các sọc Breton đã xuất hiện trên trang bìa danh giá của cả Vogue Anh và Mỹ. Đến tận ngày nay, chúng trở thành một chi tiết không thể thiếu trong tủ quần áo của mình.

Đồ trang sức thiết kế và ngọc trai giả

Ngoài bông hoa trà, chiếc mũ cối hay lớp vải tweed, mỗi khi nhắc đến vòng cổ ngọc trai, chúng ta thường nghĩ ngay đến Coco Chanel. Tuy nhiên những vòng cổ ngọc trai trắng ngà đó không thật sự “sang trọng và xa xỉ” nhưng ta thường nghĩ, mà là một hỗn hợp thật, giả lẫn lộn. Bà từng chia sẻ: “Trang sức được làm ra không phải để khiến phụ nữ trông giàu có mà tô điểm cho sự xinh đẹp của họ.” Chính sự cá tính và thái độ tự tin của Chanel đã tạo nên một cuộc cách mạng đồ trang lúc bấy giờ. Bà cũng cho rằng “phụ nữ nên thường xuyên diện đồ trang sức cùng với những bộ cánh thường ngày, thay vì chỉ gắn bó mãi với một viên đá quý chỉ được khoe trong những dịp quan trọng.”

Từ đó, bà đã ưu tiên sử dụng platinum, thủy tinh hay pha lê để làm nên những sợi dây chuyền, hoa tai giúp phụ nữ luôn quý phái dù trong thường phục. Coco Chanel đã thành công kết hợp được vẻ đẹp cao cấp, sang trọng của thời trang với tính ứng dụng thực tế của nó trong sáng kiến về trang sức của mình. Và bà đã đem những sáng kiến đấy lên trên chính sàn diễn các bộ sưu tập của mình, biến thứ được coi là rẻ tiền trở thành biểu tượng của phong cách hiện đại (mặc dù đối thủ đầu tiên của bà – Paul Poiret nên được ghi nhận là người tiên phong trong xu hướng).

Vào đầu những năm 1930, bà đã hợp tác với nhà kim hoàn người Ý Duke Fulco de Verdura để tạo ra chiếc còng chữ thập Maltese “iconic”, với những viên đá bán quý nhiều màu. Vào cuối thập kỷ đó, cô đã cho ra mắt chiếc vòng cổ biểu tượng với dây xích, ngọc trai giả và lớp đá lấp lánh. Tiếp đó là hàng loạt chiếc vòng cổ ngọc trai layer phổ biến của thương hiệu. 

Chiếc váy đen nhỏ (LBD – Little Black Dress)

Từ thời Victoria, màu đen đã là gam màu để ám chỉ cho nỗi buồn và sự phiền muộn, tuy nhiên, đối với Coco Chanel, sắc màu này đại diện cho vẻ đẹp thanh lịch “vượt thời gian”. Năm 1926, khi chiếc little black dress của Chanel với tay áo dài, phom váy suông và hạ eo cùng một chuỗi ngọc trai và được trang trí bằng một chuỗi ngọc trai xuất hiện trên tạp chí Vogue Mỹ, nó đã được dự đoán sẽ trở thành “đồng phục” cho tất cả phụ nữ sành điệu cùng cái tên “Chanel’s Ford” – được đặt theo hãng xe sành điệu nhất lúc bấy giờ. Đã biết bao thập kỷ trôi qua, LBD vẫn mãi là một món đồ yêu thích và nhất định phải có trong mọi tủ quần áo của tín đồ thời trang. Dù ngày càng có nhiều thiết kế LBD mới lạ nhưng sự sang trọng từ những ngày đầu của LBD từ Chanel vẫn chưa ai vượt qua. 

Bộ suit Chanel

Những bộ suit của Chanel được mệnh danh là một trong những kẻ thay đổi cả cuộc chơi, cả ván cờ thời trang – không chỉ cho toàn cảnh thời trang mà còn cho sự phóng khoáng của phụ nữ. Vào những năm 1920, Coco Chanel đã chính thức ra mắt set đồ hai mảnh đầu tiên, được lấy cảm hứng từ trang phục nam giới và thể thao, nhất là những bộ vest của người tình của bà – Công tước Westminster. Với mong muốn giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc áo nịt ngực và váy dài gò bó của những thập kỷ trước, Chanel đã chế tạo ra một chiếc váy ôm người và một chiếc áo khoác không cổ làm từ vải tuýt – một loại vải sau đó được coi là không phù hợp.

Bộ vest hiện đại, có chút nam tính trong đường cắt may, là một món “vũ khí” lý tưởng cho người phụ nữ thời hậu chiến khi bắt đầu bước chân đầu tiên vào thế giới kinh doanh. Đến tận hơn hai thế kỷ, những bộ suit Chanel vẫn còn đó, vẫn tạo ra nhiều nguồn cảm hứng cho thế hệ sáng tạo mai sau và được kế thừa liên tục trong khắp các bộ sưu tập của nhà Chanel, bao gồm cả những bộ sưu tập của Karl Lagerfeld. Một số phụ nữ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại cũng đã từng diện suit Chanel như một lời tuyên ngôn, từ Audrey Hepburn và Grace Kelly đến Brigitte Bardot và cả Công nương Diana.

Chanel No.5

Nước hoa Chanel No.5 chắc chắn không còn là một “thuật ngữ” quá xạ lạ trong thế giới thời trang, làm đẹp. Vào năm 1921, Chanel ra mắt nước hoa No.5 cùng tên của mình – đây cũng là l tên theo chính chủ thương hiệu. Theo truyền thuyết kể lại, bà đã thách thức nhà pha chế nước hoa Pháp-Nga Ernest Beaux để tạo ra một mùi hương có thể khiến người cảm nhận “có mùi như phụ nữ thay vì hương hoa hồng”. Cuối cùng Beaux đã tạo ra 10 mùi hương khác nhau được đánh số theo thứ tự để bà chọn. Tuy nhiên không cần suy tính, bà đã quả quyết chọn mùi hương số 5. Tại sao ư? Bà đã giải thích: “Tôi đã ra mắt bộ sưu tập váy thiết kế đầu tiên vào ngày 5 tháng 5 và để tiếp nối truyền thống số 5, tôi đã chọn mùi hương số 5, đây cũng là con số may mắn của tôi.” Và suy đoán của Chanel quả không lầm, Chanel No.5 chính là chai nước hoa nổi tiếng và bán chạy nhất thế giới. Sự pha trộn của mùi hương này đã lật đổ quan niệm nước hoa chỉ gắn liền với tầng lớp cao cấp, thay vào đó lý tưởng cho phụ nữ từ tự nhiên, nhân tạo, khiêu khích đến thuần khiết.

Vải Jersey – Từ loại vải rẻ tiền đến thế giới thời trang cao cấp

Khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Paris, một kinh đô thời trang bậc nhất thế giới, Coco Chanel đã khiến khách hàng phải bất ngờ với lớp vải jersey bình dân thay vì lớp lụa sa tanh đắt tiền. Đây là một sự lựa chọn khác thường vào thời điểm đó vì vải Jersey hầu như chỉ được sử dụng cho đồ lót nam cho đến thời điểm đó. Tuy nhiên, đã thuyết phục được sự khó tính của thời trang lúc đấy khi làm loại vải giá bình dân này đáp ứng được nhu cầu ăn mặc đẹp của phụ nữ thời chiến: giá rẻ, bền chắc, thoải mái, và còn thời trang. Bà là nhà thiết kế đầu tiên sử dụng vải jersey vào thời trang nữ trên loạt thiết kế từ váy, đầm, áo len và hơn thế nữa. Đến thời của Lagerfeld, truyền thống này cũng được duy trì qua hàng loạt bộ sưu tập khác nhau. 

Túi 2.55

Là một trong những chiếc túi Chanel mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại, túi 2.55 đã lật đổ mọi quy tắc khi nó ra mắt vào tháng 2 năm 1955 (ngày ra mắt cũng chính là nguồn gốc của cái tên). Đây là chiếc túi sang trọng đầu tiên dành cho phụ nữ đi kèm với dây đeo vai. Đây cũng là sáng kiến khiến bà gặp nhiều tranh cãi, đối với những người theo đuổi thời trang kiểu cũ, quai đeo sẽ làm mất phom của túi nhưng Coco Chanel thì khác. Bà gắn cho túi quai đeo chỉ đơn giản là nó tiện năng. Và chính sự tiện năng đó đã khiến túi 2.55 trở thành một đột phá, mang lại sự tự do mới cho phụ nữ và thay đổi cách thiết kế túi xách của phụ nữ.

Túi 2.55 cũng là bản phối hoàn hảo của 2 signature từ nhà mốt Chanel: lớp lót màu đỏ tía đậm và nền vải vết vết cắt kim cương lấy cảm hứng từ những chiếc áo khoác mà nam giới mặc tại các cuộc đua.

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo CNN