Condé Nast và những cú sa thải nhân viên cấp cao lâu năm một cách chóng vánh

Ngày đăng: 09/10/21

Vừa qua, tại Trung Quốc, toà án đã xử bà Sophia Liao thắng kiện tập đoàn Condé Nast với hành vi cho thôi việc nhân viên theo cách không hợp pháp. Tuy nhiên, việc sa thải nhân viên cấp cao của Condé Nast không phải là điều mới mẻ hay thậm chí còn có rất nhiều tiền lệ ở tập đoàn này. 

Bà Sophia Liao, từng là chủ tịch của Condé Nast tại Trung Quốc. Bà đã bị cho thôi việc vào tháng Chín năm ngoái, sau gần 20 năm làm việc cho tập đoàn này. Bà đã được trọng tài lao động của Trung Quốc xử thắng khi đâm đơn kiện công ty cũ của mình. Bà Sophia tin rằng mình bị chấm dứt việc làm một cách sai trái và việc sa thải là bất hợp pháp theo quy định của luật pháp Trung Quốc. 

Bà Sophia Liao (áo đen bên trái) từng là chủ tịch của Condé Nast tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù được xử thắng kiện, quyết định này dường như chỉ có tính chất an ủi về mặt tinh thần. Theo Jing Daily đưa tin, Condé Nast dường như không vì vậy mà có ý định phục chức cho bà Sophia Liao. Hiện tại, Condé Nast tại Trung Quốc đã kháng cáo với quyết định này, họ cũng từ chối bồi thường hay tiếp tục hợp đồng lao động. Trước đó, vào năm 2020, cựu tổng biên tập Vogue China, bà Angelica Cheung cũng rời đi sau 16 năm làm việc tại đây.

Nhìn lại, việc sa thải trong ngành truyền thông thời trang – sai thải đột ngột hay cứng rắn, không phải là điều mới mẻ. S.I.Newhouse (1927-2017), hay còn được gọi là Si, người ngồi ở vị trí chủ tịch công ty truyền thông Condé Nast từ năm 1975, ông trùm của ngành tạp chí, là người khởi đầu thời kỳ vàng son của những tờ tạp chí thời trang và giải trí. Trong thời kỳ nắm quyền của mình, S.I.Newhouse đã ra quyết định mua và làm lại các tạp chí danh tiếng như The New Yorker, Details cũng như hồi sinh Vanity Fair. 

S.I.Newhouse (1927-2017) hay còn được gọi là Si, người ngồi ở vị trí chủ tịch công ty truyền thông Condé Nast từ năm 1975, ông trùm của ngành tạp chí, là người khởi đầu thời kỳ vàng son của những tờ tạp chí thời trang và giải trí.

Bên cạnh khả năng nhìn xa trông rộng về ngành truyền thông, Si còn nổi tiếng bởi những cuộc sa thải diễn ra chóng vánh: như tổng biên tập Valerie Weaver rời đi chỉ sau một câu hỏi nhẹ tênh “Có phiền hà gì không nếu chúng ta đổi trưởng ban biên tập nào?”. Grace Mirabella, cựu tổng biên tập của Vogue từ năm 1971 đến năm 1988 còn tệ hơn, bà chỉ biết mình bị sa thải thông qua bạn bè trên một bản tin truyền hình.

Năm 2017, Lucinda Chambers, Cựu biên tập viên của tờ Vogue Anh, người đã làm việc 25 năm cho tòa soạn này cũng bị thôi việc trước khi về hưu.

Năm 2017, Lucinda Chambers, Cựu biên tập viên của tờ Vogue Anh, người đã làm việc 25 năm cho tòa soạn này cũng bị thôi việc trước khi về hưu. Mở đầu cho sự ra đi của bà vào năm ấy, tờ New York Times từng viết “ngọn lửa địa ngục cũng không dữ dội bằng cơn thịnh nộ của biên tập viên bị sa thải…”. Sau đó, Lucinda Chambers đã có một bài viết dài trên trang web độc lập hé lộ những mặt trái của ngành truyền thông thời trang – nơi mà bà đã làm việc suốt thời gian dài với cái nhìn của người trong cuộc. 

Năm 2018, “Bà đầm thép” Anna Wintour, Tổng biên tập tờ Vogue từ năm 1988 cũng bị đồn là sẽ bị thôi việc trước làn sóng thay máu nhân sự của Condé Nast, khi mà những năm gần đây ngành xuất bản thời trang dần mất đi quyền lực tuyệt đối. Sự trỗi dậy của mạng xã hội, thế hệ blogger và influencer, youtuber, tiktoker đã thay đổi luật chơi của ngành thời trang ngày nay. Bên cạnh đó, tin đồn cũng cho rằng Jonathan Newhouse – Chủ tịch của Condé Nast không muốn quyền lực tập trung vào một mình bà Anna như từ trước đến nay. Vị chủ tịch này ủng hộ cho Edward Enninful, Tổng biên tập Vogue UK hiện tại. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Condé Nast, ông Bob Sauerberg đã chấm dứt tin đồn này bằng một tuyên bố: bà Anna Wintour sẽ tiếp tục giữ cương vị tổng viên tập của Vogue cũng như Giám đốc nghệ thuật của Condé Nast ‘vô thời hạn’.

Năm 2018, “Bà đầm thép” Anna Wintour, Tổng biên tập tờ Vogue từ năm 1988 cũng bị đồn là sẽ bị thôi việc trước làn sóng thay máu nhân sự của Condé Nast, khi mà những năm gần đây ngành xuất bản thời trang dần mất đi quyền lực tuyệt đối.

Ông Bob Sauerberg cho biết: “Anna Wintour là một nhà lãnh đạo tài năng và là người dẫn đầu vai trò sáng tạo có sức ảnh hưởng không lường hết được. Bà ấy không thể thiếu trong quá trình công ty chúng tôi chuyển đổi và đồng ý sẽ làm việc với chúng tôi vô thời hạn trong vai trò tổng biên tập ở Vogue cũng như Giám đốc sáng tạo của Condé Nast”.

Sự ưu ái và tôn trọng của Condé Nast dành cho bà Anna Wintour, người được gọi là biên tập viên thời trang quyền lực nhất mọi thời đại vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trong làn sóng thay đổi: Ai sẽ (chủ động) ra đi hay (bị buộc) phải ra đi vào ngày mai vẫn là một câu hỏi vang vọng.

Sự ưu ái và tôn trọng của Condé Nast dành cho bà Anna Wintour, người được gọi là biên tập viên thời trang quyền lực nhất mọi thời đại vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trong làn sóng thay đổi: Ai sẽ (chủ động) ra đi hay (bị buộc) phải ra đi vào ngày mai vẫn là một câu hỏi vang vọng. Nhất là những năm gần đây, Vogue đã dịch chuyển sang chọn lựa những người trẻ hơn gắn bó mật thiết với mạng xã hội. Đơn cử như Blogger kiêm influencer Margaret Zhang được bổ nhiệm làm Tổng biên tập cho tạp chí Vogue China ở tuổi 27, người hiện là tổng biên tập trẻ tuổi nhất của Vogue hiện nay. 

Thực hiện: Hoàng Khôi