Công nghệ có thực sự giải quyết trọn vẹn các vấn đề bền vững trong thời trang?

Ngày đăng: 03/05/21

Chúng ta là một xã hội ám ảnh với công nghệ và các công ty thời trang biết điều đó. Năm 2007, người tiêu dùng chi khoảng trung bình 1.200 USD mỗi năm cho công nghệ, giờ đây con số đó đã tăng hơn nữa. Riêng thị trường công nghệ tiêu dùng ở Mỹ, dự kiến đạt 461 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng sẵn sàng mua các dịch vụ và tiện ích cao cấp, nhưng ít ai sẵn lòng trả thêm cho hàng may mặc và phụ kiện bền vững. Một cuộc khảo sát từ IBM và Morning Consult cho thấy người mua sẽ trả thêm khoảng 3 USD hoặc tổng cộng trung bình là 14 USD – cho một chiếc áo thun được sản xuất bền vững. Một số tiền ít hơn 1 USD so với mức lương tối thiểu theo giờ ở Los Angeles.

Ảnh: H&M

Sự so sánh công nghệ với áo thun này có thể giải thích tại sao nhiều công ty nỗ lực tạo ra một mô hình thời trang “bền vững” tập trung vào các tiến bộ công nghệ mới với tính thương mại cao. Ví dụ như việc sử dụng nhiều vải tái chế hơn hoặc sử dụng các vật liệu phi truyền thống như nấm, hơn là dựa trên những nỗ lực nền tảng để hướng đến giải quyết vấn đề cốt lõi của các hoạt động sản xuất cho thị trường đại chúng. Một doanh thu ổn định là chìa khóa để đưa thời trang tới con đường bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, số liệu của các báo cáo lại cho thấy một câu chuyện khác.

Công nghệ thịnh hành & Sáng kiến có triển vọng thương mại

Mặc dù tiếp thị rộng rãi với hình ảnh bóng bẩy nhưng hầu hết các sáng kiến tập trung vào “tính bền vững” này chỉ đóng một phần nhỏ trong tổng số sản phẩm của một công ty thời trang. Chẳng hạn, bộ sưu tập capsule tái chế của gã khổng lồ bán lẻ ASOS, ra mắt vào tháng 9 năm 2020, chỉ có 29 mặt hàng trong tổng số 80.000 SKU của nhà bán lẻ – hay 0,03% sản phẩm của công ty cung cấp.

ASOS ra mắt BST capsule bền vững vào tháng 9 năm 2020

Theo cách tương tự, như một phần của “chiến lược thời trang ‘tuần hoàn’ toàn diện để thúc đẩy các mục tiêu bền vững”, Ralph Lauren tiết lộ rằng họ sẽ cung cấp các sản phẩm được chứng nhận bởi Cradle to Cradle™ vào năm 2025. Thương hiệu phong cách sống đa quốc gia này tạo ra 6,2 tỷ USD doanh thu hàng năm từ khoảng 15 dòng sản phẩm khác nhau. Họ sản xuất từ áo len cashmere đến áo thun polo và quần chinos nổi tiếng của mình. Và Ralph Lauren vẫn chưa xác định những mặt hàng nào sẽ thuộc chương trình chứng nhận này. Tuy nhiên, thương hiệu thời trang lâu đời này đã tiết lộ rằng họ đã “đặt mục tiêu sản xuất ra [chỉ] năm sản phẩm biểu tượng” cho danh sách chứng nhận của Cradle to Cradle.

Chiến dịch thời trang tuần hoàn với các thiết kế làm từ chai nhựa của Ralph Lauren

Chưa hết, H&M là một trong những công ty năng nổ nhất trong việc đưa ra các thông báo PR liên quan đến công nghệ – từ LOOP đến Bộ sưu tập với trách nhiệm xã hội vẫn đang được vận hành. Trong khi đó, gã khổng lồ thời trang nhanh của Thụy Điển này luôn giữ vững danh hiệu một trong những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất toàn cầu, sản xuất hàng triệu sản phẩm may mặc mỗi năm. Hầu hết trong số đó đã sẵn sàng được tái chế sau một vài lần mặc để khách hàng đổi lấy khoản giảm giá 15%, hướng tới khích thích mua sắm tiếp nối.

Ngoài tác động tương đối nhỏ từ các sáng kiến bền vững so với sức mạnh tiếp thị được sử dụng lên các sáng kiến đó, còn tồn tại một vấn đề cơ bản hơn. Đọc lướt qua bất kỳ báo cáo bền vững thời trang nào cũng nhanh chóng cho thấy rằng hầu hết các công ty chỉ dựa vào các sáng kiến công nghệ và/hoặc giảm thiểu carbon để đáp ứng các mục tiêu bền vững của họ, trong khi việc xem xét lại các mô hình tăng trưởng mới là điều cần làm.

HM và chiến dịch bền vững “close the loop” – “đóng vòng lặp”

Logic kinh doanh cơ bản là một công ty có thể tăng thu nhập của mình bằng cách tăng số lượng mặt hàng, tỷ suất lợi nhuận hoặc kết hợp của cả hai. Trong khi các thương hiệu chiếm vị trí cao nhất trong ngành thời trang được hưởng lợi đáng kể trong nhiều trường hợp từ biên lợi nhuận được tăng lên bởi những mặt hàng như kính mắt hiệu và túi xách vải canvas mang nhãn hiệu, toàn ngành công nghiệp nói chung đã ngày càng chú trọng đến số lượng sản xuất để tăng thu nhập của họ, đặc biệt là khi tỷ suất lợi nhuận của thị trường đại chúng đã giảm xuống. Điều này đã thúc đẩy một cuộc chạy đua đến đáy về cả tiền lương và chất lượng. Đây rõ ràng là một phần quan trọng của vấn đề bền vững trong thời trang.

Tuy nhiên, mọi điều không hẳn u ám đến vậy. Xét từ góc độ sản xuất, dường như có một số trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như Prada, thương hiệu xa xỉ tên tuổi đầu tiên ưu tiên tính bền vững, chứng tỏ mình là một ứng cử viên đầy hứa hẹn. Họ đẩy mạnh các kế hoạch của mình bằng khoản vay 5 năm trị giá 50 triệu euro (55 triệu USD) từ Tập đoàn Crédit Agricole. Ngoài ra, tập đoàn có trụ sở tại Milan thông báo rằng họ sẽ ngừng giảm giá vào năm 2019 để duy trì lợi nhuận tốt hơn, một động thái có thể cho thấy họ sẽ cẩn thận hơn về số lượng sản xuất mỗi mùa. (Và trên thực tế, trong một cuộc gọi báo cáo thu nhập vào tháng 3, các giám đốc điều hành của Prada Group đã tiết lộ rằng họ có thể “tránh dư thừa hàng tồn kho” và việc giảm giá, do đó có thể “cải thiện đáng kể” định vị giá của nó.)

Vậy còn vấn đề dữ liệu?

Sản xuất dư thừa liên tục, công cuộc chinh phục không ngừng về quy mô và vòng xoáy tiền lương đi xuống là những vấn đề chính nổi bật trong nhiệm vụ tái thiết lại của ngành thời trang. Nhưng hơn thế nữa, tính minh bạch vẫn tiếp tục là một vấn đề. Bất chấp những nỗ lực tiếp thị vô tận về tính bền vững của họ, các thương hiệu hiện không công bố dữ liệu về tiến độ trong hầu hết các trường hợp, cũng như không phải chứng minh cách những công nghệ này cho phép họ tiếp tục tăng sản lượng trong khi giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, điều này có thể đang thay đổi. Những vấn đề thực sự trong chiến lược phát triển bền vững “đầy ma thuật” của thời trang có thể sẽ được vén màn bí mật. Các nhà đầu tư và cơ quan quản lý đang ngày càng chú ý sát sao đến việc tiếp thị của thương hiệu có đi đôi với hành động của họ hay không và liệu công ty có thể bảo đảm lợi nhuận (botton line) và kết quả thực tế chứ không phải những câu chuyện PR xuất sắc hay không.

Quyền Ủy viên SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ) Allison Lee gần đây đã kêu gọi thảo luận công khai về một loạt các tiết lộ liên quan đến khí hậu và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp) với sự quan tâm “tăng vọt” từ các nhà đầu tư bởi vì “các công ty đang báo cáo theo những cách khác nhau, từ hồ sơ truyền thống của SEC đến một loại tài liệu gần giống như một tập tài liệu quảng cáo”. Nếu vậy thì “Làm thế nào để các nhà đầu tư có thể tự tin rằng thông tin đó là đáng tin cậy?” Allision đặt ra câu hỏi.

Trong số 15 chủ đề mà SEC đang kêu gọi thu thập “thông tin hoặc chỉ số được định lượng và đo lường nào nên được tiết lộ vì nó có thể là yếu tố quan trọng đối với quyết định đầu tư hoặc bỏ phiếu”, “những công ty đăng ký đang làm gì trong nội bộ để đánh giá hoặc dự đoán các kịch bản khí hậu”, và “thông tin nào từ hoặc về các đánh giá nội bộ như vậy nên được tiết lộ cho các nhà đầu tư để thông báo cho các quyết định đầu tư và biểu quyết. ”

Ủy viên SEC Caroline A. Crenshaw đã khẳng định trong một tuyên bố trước Ủy ban Quản lý Tài sản (AMC) vào ngày 19 tháng 3 rằng “các nhà đầu tư có những định nghĩa khác nhau về ‘bền vững’ và cách những người quản lý ESG cung cấp thông tin trong các quyết định đầu tư của họ. Do đó, “Vai trò của Ủy ban là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiết lộ tài liệu đến các nhà đầu tư, và phải có ý nghĩa cho các nhà đầu tư. Điều đó đặc biệt đúng đối với các tiết lộ liên quan đến ESG, vì chúng thường không nhất quán và không thể so sánh được ”.

“Điều mà chúng ta nên hướng tới,” bà nói, “là một chế độ công bố thông tin rõ ràng mang lại sự nhất quán trong thông tin về ESG, có thể so sánh được, đáng tin cậy và dễ hiểu cho các nhà đầu tư.”

Ngành công nghiệp thời trang (và các ngành khác) nên hướng tới một chế độ công bố thông tin tương tự, có sự nhất quán, có thể so sánh được, đáng tin cậy và dễ hiểu. Nói cách khác là phải có tính minh bạch, điều mà ít thương hiệu thời trang nào có thể đảm bảo với kế hoạch bền vững hiện tại của mình. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cần phải thừa nhận một thực tế rằng sự bền vững sẽ không bao giờ đạt được chỉ thông qua công nghệ, cho dù những nỗ lực có lớn và thú vị đến đâu.

Báo chí thời trang nói chung và người tiêu dùng có thể không tính toán cụ thể, nhưng các nhà đầu tư và cơ quan quản lý sẽ làm việc đó.

Thực hiện: Khánh Linh

Theo The Fashion Law