Cuộc giao thoa của thời trang và hội họa (Phần 2)

Ngày đăng: 10/12/20

Dù là trước đây hay hiện tại, thời trang vẫn bị một nhóm người xem là thứ phù phiếm, tầm thường và hầu như không phải là một loại hình nghệ thuật. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Mối quan hệ đan xen giữa hai ngành đã được gắn kết từ rất lâu và nuôi dưỡng lẫn nhau như một mối quan hệ cộng sinh.

Nhớ lại năm 2006, nhân vật Nigel đã than thở trong “The Devil Wears Prada” rằng: “Cô không biết rằng bản thân đang làm việc tại nơi (Vogue) sản sinh ra các nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ sao? Halston, Karl Lagerfeld, Oscar de la Renta. Những gì họ làm, những gì họ tạo ra còn vĩ đại hơn cả nghệ thuật bởi vì cô đang sống trong đó.” Tất nhiên, điều này nghe có vẻ rất cảm tính. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nghệ thuật ăn mặc là thứ có khả năng thể hiện những điều mà con người muốn truyền tải đến thể giới.

Nghệ thuật luôn được xem là một lĩnh vực nhiều cảm tính, và trường hợp đối với thời trang cũng không phải ngoại lệ. Những người hoài nghi luôn đánh giá thấp và thường ví thời trang như chiếc bánh răng vô nghĩa trong cỗ máy sản xuất hàng loạt phục vụ chủ nghĩa tiêu dùng, không có bản chất riêng và mâu thuẫn với tất cả ý thức hệ của các lĩnh vực như thơ ca siêu việt. Để hạ thấp giá trị duy mỹ của thời trang bằng giá trị vật chất, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia Alex Prager đã từng nói: “Một số tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất đã được thực hiện bằng tiền hoa hồng.” Tất nhiên, không phải tất cả thời trang đều là nghệ thuật – nhưng không thể đánh đồng tất cả và rũ bỏ tầm nhìn mang tính cách mạng của các cá nhân trong ngành. Từ ảnh hưởng của Jean Cocteau, quan hệ đối tác của Jeff Koons với Louis Vuitton và Stella McCartney, và các bộ sưu tập Basquiat của Coach, đến việc Kim Jones của Dior tìm thấy nguồn cảm hứng từ nghệ sĩ Amoako Boafo, và Helmut Lang tham gia Dự án Rive Droite của Saint Laurent. Sự hợp tác của các nghệ sĩ và nhà thiết kế luôn thu hút sự chú ý và ngày càng phổ biến.

Để dẫn chứng cho sự giao thoa của thời trang và các ngành nghệ thuật khác, cụ thể là hội họa, Style-Republik đã điểm lại những sự kiện quan trọng khi nghệ thuật bước lên sàn diễn. Bên cạnh đó, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các tác phẩm mang tính biểu tượng và được yêu thích nhất.

ANDY WARHOL

CAMPBELL’S SOUP CANS, ANDY WARHOL 1962
CAMPBELL’S SOUP CANS, ANDY WARHOL 1962
CHIẾC VÁY CAMPBELL’S SOUP CANS, ANDY WARHOL 1966-67
CHIẾC VÁY CAMPBELL’S SOUP CANS, ANDY WARHOL 1966-67

Nhà tiên phong và nghệ sĩ đa phương tiện theo phong cách Pop Art Andy Warhol được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm đồ họa của ông về các đồ vật hàng ngày hoặc nhiều mặt hàng chủ lực của văn hóa đại chúng trước đây. Là một trong những nghệ sĩ khá mạo hiểm trong lĩnh vực thời trang, các tác phẩm của ông làm xóa nhòa những rào cản của hai thế giới sáng tạo. Chiếc váy Campbell’s Souper được chính Andy Warhol sao chép lại đã cho thấy sức ảnh hưởng của tác phẩm Campbell’s Soup Cans năm 1962, nghệ sĩ đã chứng minh được ý nghĩa về mặt văn hóa của cả nghệ thuật và thời trang đều vô cùng đáng giá. Tác phẩm của Andy Warhol đã trở thành nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế nổi tiếng, từ Halston và Versace cho đến Raf Simons ngày nay, liên tục xuất hiện trên đường băng tại các kinh đô thời trang.

MARILYN MONROE, ANDY WARHOL 1967
MARILYN MONROE, ANDY WARHOL 1967
NAOMI CAMPBELL TRONG THIẾT KẾ CỦA Gianni Versace, 1991
NAOMI CAMPBELL TRONG THIẾT KẾ CỦA Gianni Versace, 1991
VERSACE Xuân-Hè 2018
VERSACE Xuân-Hè 2018

Nhà thiết kế Roy Halston và nghệ sĩ Andy Warhol đã có lịch sử cộng tác lâu dài trong suốt thập niên 70. Năm 1991, Gianni Versace khoác lên Naomi Campbell và Linda Evangelista vào chiếc váy in hình Marilyn Monroe và James Dean được minh họa bởi Warhol, thể hiện sự công nhận nghệ sĩ nhạc pop như một mặt hàng thời trang cao cấp. Đối với buổi trình diễn Xuân-Hè 2018 của mình, Donatella Versace đã bày tỏ lòng kính trọng đối với người anh trai quá cố vĩ đại nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Gianni Versace bằng cách lấy từ kho lưu trữ và tái hiện lại mẫu váy đặc biệt này.

CHRISTIAN DIOR THU-ĐÔNG 2013
CHRISTIAN DIOR THU-ĐÔNG 2013
CALVIN KLEIN Xuân-Hè 2018
CALVIN KLEIN Xuân-Hè 2018

Một nhà thiết kế cũng vô cùng mến mộ gu thẩm mỹ “Warholian” chính là Raf Simons. Từ Dior đến Calvin Klein, ông đã mang các bản phác thảo, hình vẽ của Warhol vào thiết kế và ký kết hợp đồng bốn năm với Quỹ Andy Warhol, cho phép ông sử dụng các tác phẩm của nghệ sĩ.

KATSUSHIKA HOKUSAI

THE GREAT WAVE OFF THE COAST OF KANAGAWA, KATSUSHIKA HOKUSAI 1829
THE GREAT WAVE OFF THE COAST OF KANAGAWA, KATSUSHIKA HOKUSAI 1829

Được tạo nên cách đây gần 200 năm dưới triều đại Edo tại Nhật Bản như phần đầu tiên trong một loạt 36 tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của núi Phú Sĩ của họa sĩ Katsushika Hokusai, The Great Wave off Kanagawa đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Sức ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong hội họa cổ điển, mà còn lan đến nền văn hóa đại chúng và ngành công nghiệp thời trang.

GIVENCHY HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 1998
GIVENCHY HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 1998
CHRISTIAN DIOR HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 2007
CHRISTIAN DIOR HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 2007

Trong 5 năm làm việc tại nhà mốt Givenchy, thiên tài quá cố Alexander McQueen đã tạo nên chiếc váy dạ hội phủ đầy cườm lấp lánh với hình ảnh cơn sóng thần của Hokusai và bầu trời màu vàng cam trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân-Hè 1998. Còn với John Galliano, khi còn tại nhiệm ở Dior, ông đã thiết kế lại mẫu áo khoác bar trứ danh cho màn trình diễn Haute Couture Xuân-Hè 2007. Một chiếc áo bar với kiểu dáng kết hợp kimono cùng các nếp gấp origami và hình ảnh mây sóng được thêu, vẽ tay dọc theo chân áo.

LUCAS CRANACH THE ELDER

 ADAM AND EVE, LUCAS CRANACH THE ELDER 1526
ADAM AND EVE, LUCAS CRANACH THE ELDER 1526

Năm 2014, gặp đôi sáng tạo Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli của Valentino đã mang đến một chiếc đầm được thêu thủ công tinh xảo cho buổi trình diễn Haute Couture Xuân-Hè của mình. Nổi bật trên chiếc đầm là hình ảnh bức tranh của họa sĩ Phục hưng người Đức Lucas Cranach the Elder. Các hình thêu mô tả cảnh Adam và Eva (những con người đầu tiên theo Kinh Thánh) đang cầm quả cấm trong Vườn Địa Đàng. Trang phục này sau đó đã được giới thiệu lại trong triển lãm Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination của bảo tàng Metropolitan, New York thể hiện tính biểu tượng và cách mà thời trang khai thác chuẩn mực thẩm mỹ của giáo hội Thiên Chúa Giáo.

VALENTINO HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 2014
VALENTINO HAUTE COUTURE XUÂN-HÈ 2014

GEORGIA O’KEEFFE

Được gọi với cái tên “Mẹ của chủ nghĩa hiện đại Mỹ”, họa sĩ Georgia O’Keeffe đã gây được tiếng vang và sự ngưỡng mộ của công chúng đối với những bức tranh về những bông hoa đang nở rộ, những tòa nhà chọc trời ở New York và cả những cảnh quan hoang mạc vùng New Mexico. Bộ quần áo mà bà hay mặc cũng rất đặc trưng và dễ nhận biết như cà vạt, mũ gaucho, những món phục sức từ miền Viễn Tây. Đến nỗi vào năm 2017, bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn đã tổ chức một cuộc triển lãm về người nghệ sĩ cách mạng này, trưng bày cả tác phẩm và trang phục đặc trưng của bà mang tên Georgia O’Keeffe: Living Modern.

’GEORGIA O’KEEFFE AT YOSEMITE’, CHỤP BỞI ANSEL ADAMS 1938
’GEORGIA O’KEEFFE AT YOSEMITE’, CHỤP BỞI ANSEL ADAMS 1938
CHRISTIAN DIOR CRUISE 2018
CHRISTIAN DIOR CRUISE 2018

Bà cũng trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri. Maria đã mang hình ảnh của Georgia O’Keeffe vào bộ sưu tập Cruise đầu tiên của mình tại Dior vào năm 2018. Với những chiếc mũ gaucho được làm bởi chính Stephen Jones, bộ sưu tập trở nên đầy sang trọng, mang đậm dấu ấn của những đường khắc kỷ, tông màu đất đầy mộc mạc.

MICHAEL KORS XUÂN-HÈ 2016
MICHAEL KORS XUÂN-HÈ 2016
MICHAEL KORS XUÂN-HÈ 2016
MICHAEL KORS XUÂN-HÈ 2016

Nếu bộ sưu tập của Maria Grazia Chiuri bắt nguồn từ tủ quần áo của Georgia O’Keeffe, thì các nghệ sĩ khác lại bày tỏ lòng tôn kính thông qua những bức tranh táo bạo và mạnh mẽ, thứ đã khiến bà trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Từ những hình tượng như xương đầu linh dương, hình ảnh đồ họa của Gareth Pugh Xuân-Hè 2015 đến những bông hoa anh túc đầy nữ tính và rực rỡ của Michael Kors, các tác phẩm của O’Keeffe như một nguồn cảm hứng vô tận.

Thực hiện: Hiếu Lê