Đại dịch bóp nghẹt cuộc sống của công nhân dệt may Ấn Độ

Ngày đăng: 11/05/20

Bằng việc hủy đơn hàng với các nhà cung cấp Ấn Độ trong thời điểm cách ly do dịch COVID-19, các thương hiệu thời trang đang đẩy những người lao động, vốn dễ bị tổn thương, đến bờ vực của đói nghèo trong một thị trường mà hơn 60 triệu người phụ thuộc vào ngành công nghiệp thời trang để kiếm sống.

Đối với những người lao động nghèo nhất ở Ấn Độ, làm việc trong ngành thời trang thế giới tại Ấn Độ, tác động của đại dịch là vô cùng thảm khốc. Ở đây và những đất nước đang phát triển, với số tiền lương “ngày nào đủ ngày ấy” thì việc cách ly và tự bảo vệ mình là một sự “xa xỉ” thật sự. Đứng trên vị trí những công nhân này, mối đe dọa của một loài vi rút có khả năng gây tử vong cùng không đáng sợ bằng những nguy cơ trước mắt như thất nghiệp, bị trục xuất và chết đói.

Ngành công nghiệp thời trang Ấn Độ thật sự rất rộng lớn, bao gồm các thương hiệu bán lẻ trong nước, gia công xuất khẩu cho các công ty thời trang nhanh quốc tế như Zara, Primark, Gap và H&M, sản xuất dệt may, xuất khẩu vải thêu xa xỉ, một ngành công nghiệp thủ công lớn và là một trong những trung tâm sản xuất denim lớn nhất thế giới. Theo Tổ chức Thương hiệu Ấn Độ (một sáng kiến của Bộ Thương mại), khoảng 60 triệu công nhân ở Ấn Độ phụ thuộc vào ngành dệt may để kiếm sống.

“8000 rupee (105 đô la) là mức lương trung bình hằng tháng ít nhất mà một người công nhân được nhận, cuộc sống luôn rất khó khăn” ông Gopinath K. Parakuni, tổng thư ký của Cividep Ấn Độ, một tổ chức phi chính phủ giáo dục và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động có trụ sở tại Bangalore.

“Khoản hỗ trợ sinh hoạt phí của chính phủ là quá ít. Hầu như tất cả trong số họ đang mắc nợ các người cho vay tiền địa phương. Thất nghiệp là lẽ tất nhiên. Họ sẽ không thể trả nổi tiền thuê nhà và bị đuổi sớm và sẽ không thể mua đủ thức ăn.”

Mặc dù nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm tại một vài khu vực từ ngày 3/5, nhưng không rõ là ở mức nào và có khả năng những lệnh cấm khác sẽ được gia hạn. Trong khi đó, ảnh hưởng của đại dịch đang bóp nghẹt nền kinh tế Ấn Độ, những người ủng hộ cho công nhân ngành may mặc còn cảnh báo rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

“Các đơn đặt hàng đang dần bị hủy bỏ, nhiều thương hiệu từ chối thanh toán cho các đơn đã hoàn thành, họ thậm chí còn không quan tâm đến chuỗi cung cấp, vận chuyển,…” bà Anannya Bhattacharjee, chủ tịch Liên minh người lao động ở bang Bắc Haryana, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất ở Ấn Độ, và là điều phối viên quốc tế của Liên minh tiền lương châu Á chia sẻ.

“Chúng tôi nhận thấy những lỗ hổng ban đầu giữa các chính sách phúc lợi cho công nhân của chính phủ và khả năng đáp ứng của ngành công nghiệp này, các thương hiệu quốc tế đang cố chối bỏ trách nhiệm của mình.” bà Anannya nói thêm

Ngoài thị trường thời trang nội địa khổng lồ, Ấn Độ còn là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ năm trên toàn cầu, với giá trị xuất khẩu hơn 8 tỷ đô la hàng may mặc hàng năm theo Tổ chức Thương mại Thế giới. “Nhưng bây giờ, do sự sụt giảm doanh số bán lẻ trên toàn thế giới, các đơn hàng của chúng tôi dần bị hủy bỏ 75-80% tính đến nay” Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ Sharad Kumar Saraf ước tính. Trong khi đó, các nhà sản xuất như Punit Lalbhai đang cảm thấy bối rối trước cách một số đối tác quốc tế đang hành xử ngày càng thiếu quyết đoán
.
“Vấn đề đáng bận tâm nhất chính là nhu cầu may mặc bị ảnh hưởng trên toàn cầu cùng một lúc. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã trì hoãn, giữ lại hoặc hủy đơn đặt hàng” ông Punit , giám đốc điều hành của Arvind Limited, tập đoàn trị giá 1,7 tỷ USD có hoạt động bao gồm một mạng lưới bán lẻ rộng lớn trên khắp Ấn Độ. Arvind là một trong những nhà sản xuất denim lớn nhất thế giới, có thể sản xuất hơn 100 triệu mét vải và 6 triệu chiếc quần jean hàng năm cho các nhãn hiệu nội địa, cũng như các thương hiệu quốc tế như Levis và Gap. “Sau 6 đến 8 tháng tới, chúng tôi không hy vọng sẽ chạy được hơn 50% công suất, mặc dù còn quá sớm để nói liệu điều đó có khả thi hay không.” ông nói thêm.

Tác động là khác nhau nhưng nỗi tổn thương là của chung

Các trung tâm dệt may trải dài khắp Ấn Độ, nhưng dưới tác động của đại dịch, mỗi khu vực lại chịu những mức độ thiệt hại khác nhau.

Theo báo cáo năm 2019 của Trung tâm Quyền Công nhân Toàn cầu, Vùng Thủ đô Quốc gia Delhi (phía Bắc) , các thành phố vệ tinh Gurgaon, Noida và Faridabad chiếm diện tích lớn thứ hai về xuất khẩu hàng may mặc và là nơi tập trung của hàng ngàn nhà máy may mặc quy mô nhỏ với phần lớn người di cư.

Bengaluru có tập trung sản xuất hàng may mặc lớn thứ ba. Một phần nhờ vào các trung tâm xuất khẩu tại bang Tiruppur, Tamil Nadu là nhà xuất khẩu hàng dệt kim lớn nhất Ấn Độ với hơn 10.000 đơn vị sản xuất hàng phục vụ cho xuất khẩu trị giá gần 4 tỷ đô la hàng năm, 36% trong số đó chuyển đến châu Âu và 34% sang Mỹ. Lực lượng lao động còn tương đối trẻ, khoảng 90% là nữ và không có tiếng nói trong xã hội.

Một báo cáo được công bố vào ngày 10 tháng Tư bởi Liên minh tiền lương châu Á đã nhấn mạnh rằng trong khi chính phủ Ấn Độ “đã ban hành các chỉ thị để bồi thường cho công nhân trong trường hợp đóng cửa nhà máy, thì điều này chủ yếu được áp dụng cho những người lao động chính thức.”

Giáo sư Mark Anner, giám đốc Trung tâm Quyền của người lao động toàn cầu, lưu ý điều luật này không hợp lý vì trong ngành thời trang và dệt may, phụ nữ thường được tuyển dụng làm công nhân thời vụ, ngắn hạn hoặc làm việc theo dự án nhỏ.

“Họ (nữ công nhân may mặc) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng khổng lồ. Họ kiếm được thu nhập ít hơn nam giới và thường mắc nợ. Nhiều người không có hợp đồng chính thức và được trả bằng tiền mặt. Họ sẽ sống sót như thế nào? Ai sẽ trả lương cho họ? Và họ sẽ được trả như thế nào?” ông đặt vấn đề.

“Một điều gần như chắc chắn, nếu không có hợp đồng lao động chính thức, họ sẽ không được bảo vệ bởi các luật, không được hưởng phúc lợi lao động của chính phủ” bà Anannya nói.

“Công nhân nữ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động ngành may mặc và ngay cả trong những hoàn cảnh bình thường, họ phải đối mặt với bạo lực và quấy rối tình dục hàng ngày tại nơi làm việc. Cuộc khủng hoảng này chắc chắn làm trầm trọng thêm cuộc sống vốn đã căng thẳng của họ. Lao động nữ sẽ bị buộc phải thỏa mãn tính dục của một vài kẻ có quyền, tìm cách nuôi sống bản thân và gia đình, cố gắng cùng với người phụ thuộc mà không có sự hỗ trợ từ nơi làm việc hoặc nhà nước.”


Các công đoạn dệt vải cung cấp phần lớn việc làm trong ngành công nghiệp may mặc, là những nhà tuyển dụng lớn thứ hai sau ngành nông nghiệp Ấn Độ và là một phần trong kế sinh nhai của những người sống ở những vùng nông thôn, theo Bộ Thương mại cho biết.

Nhiều người thợ dệt làm nông nghiệp bán thời gian tại các ngôi làng và sẽ trở nên bận rộn khi mùa thu hoạch vừa kết thúc. Từ tháng Ba trở đi, họ bắt đầu công việc dệt vải toàn thời gian. Radharaman Kothandaraman, người sáng lập và giám đốc điều hành của House of Angadi cho biết “Mất bất kỳ khoản thu nhập nào từ nghề dệt là một đòn giáng mạnh vào toàn bộ cộng đồng ở nông thôn.”

Ông sở hữu ba cửa hàng xa hoa ở Bengaluru, cung cấp sari (trang phục truyền thống Ấn Độ) và quần áo may sẵn hiện đại, và sử dụng 2.500 thợ dệt thủ công, những người trung bình dệt một triệu mét vải may sari cao cấp cho thị trường nội địa, cũng như nguyên liệu vải cho các thương hiệu Quốc tế bao gồm Ralph Lauren, Donna Karan và Armani.

Công ty của Radharaman sẽ trả lương cho thợ dệt trong tháng rưỡi tới, và dự định sẽ tiếp tục cho đến khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

“Kinh doanh Quốc tế của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi gần 70 % vì toàn thế giới đang ở chế độ phong tỏa. Trước đây, bất cứ khi nào có một cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có thể phụ thuộc vào doanh nghiệp trong nước như một giải pháp thay thế, nhưng khi tất cả các cửa hàng đều đóng cửa và không có sự tiêu thụ những mặt hàng không phải nhu yếu phẩm thì ta buộc phải nỗ lực tìm cách giải quyết.” ông nói thêm.

Theo Manjula Tiwari, giám đốc điều hành của Cover Story, một thương hiệu thăm dò thị trường Ấn Độ cho Zara, các công ty như của cô đã mở rộng nhanh chóng trong vài năm qua trên khắp Ấn Độ hiện và đang dẫn đầu lĩnh vực này.

“Những người đứng đầu ngành công nghiệp đang thảo luận với chính phủ để hỗ trợ công nhân trong thời điểm chưa từng có này vì nếu không thực hiện, chúng ta có thể nghĩ đến viễn cảnh đóng cửa kinh doanh, mất việc làm và ảnh hưởng đến các nhà cung cấp và khách hàng ở quy mô rất lớn.” Manjula cho biết.

Ở Ấn Độ, có một “di chứng” sau khi đất nước được giải phóng gọi là “chủ nghĩa cô lập xã hội” đã ăn sâu vào tâm lý người tiêu dùng, sự ngăn cấm và hà khắc có khả năng tác động đến hành vi chi tiêu của người tiêu dùng nếu vượt qua khủng hoảng trước mắt.

Phong tỏa và một hành trình dài

Việc phong tỏa bị chỉ trích nhiều vô số kể vào ngày 23 tháng Ba do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố đã gây ra sự bất ổn về tài chính của hàng triệu công nhân và người nghèo, những người chiếm khoản 60% dân số Ấn Độ. Công dân Ấn Độ đã được thông báo trước bốn giờ để đảm bảo họ có đủ thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác với số lượng đủ cho một lệnh giới nghiêm kéo dài 21 ngày (đến nay đã quá thời hạn). Giờ đây, một số người dân tại các thành phố phải báo cáo cho các trạm kiểm soát của cảnh sát khi ra khỏi thành phố và thực hiện nghiêm ngặt lệnh cấm di chuyển.

Điều này gây thêm khủng hoảng cho những người lương chỉ ”làm ngày nào đủ ăn ngày đó”. Như nhà báo Rana Ayyub đã nhấn mạnh trong một tâm thư gửi cho Tổng biên tập BoF Imran Amed, đối với những người nghèo nhất Ấn Độ, chủ yếu dựa vào những công việc không chính thức và số tiền lương hàng ngày để sống sót, lệnh phong tỏa là quá thảm khốc.

Theo Cividep, khoảng 400.000 công nhân, gần ba phần tư lực lượng lao động ngành may mặc ở Bengaluru (80% là phụ nữ), bao gồm cả người di cư từ vùng nông thôn Karnataka và các bang lân cận như Tamil Nadu, đã trở về nhà vì sự trì trệ sản xuất.

Ở Delhi, bức tranh về sự di cư cũng tương tự, với một cuộc rời đi của những người di cư nghèo khó, vốn tạo thành một phần đặc trưng của cuộc sống hàng ngày ở thủ đô quốc gia. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân và công nhân ngành may mặc là người Hồi giáo, những người tạo thành một nhóm thiểu số lớn nhất trong một dân số Ấn Độ đa phần theo đạo Hindu. Người Hồi giáo đã là mục tiêu trong làn sóng bạo lực cộng đồng gần đây nhất nổ ra ở Delhi trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào cuối tháng Hai. Bây giờ chỉ bốn tháng đầu năm 2020, họ đang trải qua một làn sóng khủng hoảng thứ hai.

Anannya nói rằng “Họ gặp phải khó khăn chồng chất khi không biết phải ở đâu – trụ ở thành phố với hy vọng được đi làm trở lại mặc dù họ không thể trả tiền thuê nhà hoặc cho các nhu yếu phẩm; hay trở về làng quê và các huyện nghèo, đối mặt với nạn thất nghiệp cùng đói kém mà ban đầu khiến họ phải rời đi.”

Nghèo khổ và thiếu ăn, nhiều công nhân ngành dệt may không được trả lương ở Bắc Ấn Độ cũng bị buộc phải làm điều ngược lại với lệnh tự cách ly của chính phủ, và một cuộc di cư hàng loạt nổ ra, những cảnh tượng gợi nhớ đến Cuộc chia cắt Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan 1947, hướng về nhà của mình cách xa các đô thị mà ban đầu họ di cư để tìm việc làm. Phải đi bộ hàng trăm dặm, một số người đã chết, nhiều người đã bị đánh đập bởi cảnh sát và hàng ngàn người chỉ tìm thấy nỗi sợ hãi và kỳ thị khi trở về ngôi làng ở vùng nông thôn với nguồn lực chăm sóc sức khỏe rất ít và cộng đồng thì sợ bị lây lan dịch bệnh từ những người thành phố.

Rana cảnh báo rằng “Vào thời điểm Ấn Độ đang quay cuồng vì suy thoái kinh tế và căng thẳng xã hội, đại dịch đang phơi bày sự phân chia cấu trúc sâu sắc giữa giàu và nghèo ở nước này hơn bao giờ hết.”

Con đường phía trước

Ở nước láng giềng Bangladesh, một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 27 tháng Ba bởi Trung tâm Quyền Công nhân Toàn cầu đã báo cáo rằng hàng triệu công nhân đã được gửi về nhà mà không được trả tiền. Nó tiết lộ rằng gần như tất cả thương hiệu phương Tây đã từ chối hỗ trợ tiền lương của công nhân. Chưa đầy một tuần sau khi chính phủ ban hành lệnh cách ly, một số thương hiệu bao gồm H&M, Inditex và Target đã cam kết trả tiền cho các đơn hàng đã hoàn thành hoặc các đơn hàng hiện đang sản xuất. Tuy nhiên, những người mua khác không cam kết được như thế.

Còn ở Ấn Độ, một mô hình tương tự với một số thương hiệu sử dụng các điều khoản độc quyền trong các hợp đồng của họ (thường chỉ được sử dụng trong trường hợp thiên tai hoặc chiến tranh) để biện minh cho việc không trả tiền cho các nhà sản xuất. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng đối với người lao động, khi mà vốn dĩ an sinh xã hội và phúc lợi chính phủ không đầy đủ ngay cả vào thời điểm ổn định nhất.

Giáo sư Anner nhấn mạnh về sự cần thiết của ngành công nghiệp thời trang cần coi đây là cơ hội để giải quyết một số bất công lâu đời trong chuỗi cung ứng của mình.

“Đại dịch minh họa sự mất cân bằng quyền lực mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp. Sau nhiều thập kỷ cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng tôi thấy một số thương hiệu lớn, như C&A và Primark, đột ngột chấm dứt mối quan hệ với các nhà cung cấp và không chịu trách nhiệm nào cho tất cả các khoản nợ của họ. Những người khác, chẳng hạn như H&M, thì đang chịu trách nhiệm. H&M đã đưa ra một ví dụ mà tất cả thương hiệu nên tuân theo” Giáo sư Anner nói.

“Chính phủ, ngân hàng, thương hiệu và người tham gia chuỗi cung ứng sẽ phải trải qua thiệt hại rất lớn để ngành công nghiệp tồn tại trong cuộc khủng hoảng này. Ngay cả khi điều đó xảy ra, tôi nhận thấy nhiều người sẽ rời bỏ công việc kinh doanh, và năm tới có thể sẽ là thời điểm khủng hoảng nhất mà ngành công nghiệp này từng thấy.”

Câu hỏi sắp tới là những bài học nào đã được rút ra từ tất cả những điều này? Khi mà chuỗi cung ứng khổng lồ của ngành công nghiệp dệt may sẽ không thể hoạt động như cách nó đã từng.

Thực hiện: Hiếu Lê
Theo BoF