Đằng sau câu chuyện Shein tham gia thị trường resale: Bán lại có phải là giải pháp mang tính bền vững?
Ngày đăng: 21/10/22
Không chỉ những thương hiệu thời trang xa xỉ nhận thấy tiềm năng của thị trường resale mang lại, mà gã khổng lồ của thời trang nhanh cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng gia nhập thời cuộc.
Vừa qua, Shein – nổi tiếng là thương hiệu thời trang siêu nhanh đến từ Trung Quốc đã ra mắt nền tảng resale, để chống lại phần nào đó những lời chỉ trích về rác thải thời trang mà thương hiệu tạo ra. Nền tảng resale này cho phép khách hàng Mỹ có thể mua đi và bán lại những chiếc croptop và đầm ôm thông qua ứng dụng.
Vì sao Shein tham gia thị trường resale?
Động thái này vừa nhằm tạo dựng chỗ đứng vững chắc hơn cho Shein trong một thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh, vừa là một phần của một loạt nỗ lực nhằm chống lại những lời chỉ trích về mô hình kinh doanh của họ – ra mắt sản phẩm với tốc độ nhanh, chi phí thấp – trái ngược với những nỗ lực nhằm tạo ra nền thời trang bền vững hơn.
Theo thống kê của BOF vào tháng Năm năm nay, có gần 100 thương hiệu và nhà bán lẻ ra mắt kênh resale trong 2 năm vừa qua. Trong đó có những thương hiệu xa xỉ trứ danh như Balenciaga và Valentino cho đến những tên tuổi phổ biến như Shein, H&M và PrettyLittleThing.
Sự gia tăng của các nền tảng được xây dựng từ chính thương hiệu này đẩy mạnh áp lực đối với kênh thương mại như Poshmark và The RealReal, trong hoàn cảnh sụt giảm mức định giá trong năm nay do tình hình ngày càng có nhiều cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, sự cạnh tranh về khách hàng ngày càng mãnh liệt, lượng hàng hoá tồn kho và thách thức về mặt lợi nhuận.
Đầu tháng này, gã khổng lồ công nghệ Naver của Hàn Quốc đã mua Poshmark với giá 1,2 tỷ USD, chưa bằng một nửa mức định giá của công ty khi được niêm yết vào tháng 1 năm ngoái, giá khi ấy là 3 tỷ USD. Tuần trước, nền tảng bán lại giày sneaker Goat đã mua lại công ty thời trang Grailed.
Jessica Ramirez, một nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Jane Hali & Associates, cho biết: “Có rất nhiều nền tảng… tự nó đã là một cuộc cạnh tranh nên các thương hiệu tham gia và thực hiện nó cũng là một khía cạnh cạnh tranh khác”.
Đối với các thương hiệu lớn như Shein, việc bán lại không có khả năng mang lại doanh thu lớn trong thời gian ngắn. Nhưng nó cung cấp lý do thuyết phục để giữ khách hàng quay lại, có khả năng mở ra nhiều điểm tiếp xúc mới (touching point) của người tiêu dùng và xây dựng sự tương tác. Đồng thời, nó cũng khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn khi nhận thấy họ có thể bán lại sản phẩm đó, theo phân tích từ chuyên gia kinh tế.
Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, dịch vụ bán lại của Shein sẽ chỉ có ở Mỹ, công ty cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác vào năm tới. Tuy rằng Shein không mong đợi kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào thông qua nền tảng này, nhưng thương hiệu cho biết, đang định vị nó như một phần trong nỗ lực nhằm giải quyết lượng chất thải đáng kể do ngành công nghiệp thời trang, mà trong đó có chính thương hiệu tạo ra. Nhà phân thích Ramirez cho biết: “Shein đã bị công kích rất nhiều vì không phải là một thương hiệu bền vững. Người ta đã săm soi trong một thời gian, vì vậy đây cũng là một cách để chống lại điều đó.”
Resale có thực sự đi kèm với bền vững?
Cùng thời điểm Shein tung ra nền tảng resale, một bộ phim tài liệu điều tra về điều kiện làm việc tại nhà máy của Shein cũng đã được phát hành. Untold: Inside the Shein Machine, (Tạm dịch: Chuyện chưa kể: Bên trong cỗ máy Shein) phát hành trên kênh Channel 4 của Anh, cáo buộc rằng công nhân tại các nhà máy ở Quảng Châu làm việc liên tục, tới 18 giờ một ngày và họ chỉ có một ngày nghỉ mỗi tháng. Họ chỉ được trả lương theo sản phẩm, phải làm ra 500 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ nhận được 4 xu cho mỗi sản phẩm. Họ còn bị khấu trừ tiền khi mắc sai sót. Nhà máy đã ẩn danh công nhân trong cuộc điều tra để bảo vệ họ.
Theo các chuyên gia về tính bền vững nhận xét, các nền tảng bán lại không đủ để bù đắp cho việc khai thác và sản xuất thừa mứa vốn có trong mô hình kinh doanh thời trang nhanh. Bản thân các sản phẩm thời trang nhanh cũng có thể có thời hạn sử dụng ngắn hơn nhiều so với hàng may mặc chất lượng với mức giá cao hơn. Với chất lượng không cao vòng đời sản phẩm không thể nào kéo dài. Trong bộ phim tài liệu, Giám đốc điều hành của ngân hàng tái chế Traid cũng nhận xét, các sản phẩm từ các thương hiệu thời trang nhanh không được tạo ra để sử dụng lâu dài.
Thời gian qua, Shein đã tự liên kết với các dự án liên quan đến tính bền vững, như ra mắt một quỹ khí hậu 5 năm, trị giá 50 triệu USD với 15 triệu USD cho Quỹ OR vào tháng 6 và xuất bản một báo cáo ESG, trong đó phác thảo mạng lưới chuỗi cung ứng của mình (tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng nó đã bỏ qua tình trạng sản xuất thừa mứa và quyền lợi của người lao động).
“Hãy trả cho những người làm quần áo đó một mức lương đủ sống. Đó mới là ưu tiên.” – Theo Venetia La Manna, nhà vận động cho thời trang công bằng phát biểu.
“Điểm đáng kinh ngạc là dường như không có cách nào để mô hình kinh doanh này có thể hoạt động [bền vững]”, nhà báo Iman Amrani, người đã thực hiện cuốn phim tài liệu, chia sẻ với Vogue Business. Theo Vogue Business, “resale” không phải là cách thức mà đầu tiên Shein nên thực hiện để được coi là bền vững hơn. Theo Venetia La Manna, nhà vận động cho thời trang công bằng phát biểu: “Hãy trả cho những người làm quần áo đó một mức lương đủ sống. Đó mới là ưu tiên.”
Thực hiện: K.
Tổng hợp từ Business of Fashion và Vogue Business