Đạo nhái trong thiết kế thời trang, đã đến thời “hợp pháp hóa”?

Ngày đăng: 03/05/18

Chuyện đạo nhái trong thời trang không còn gì xa lạ. Những phiên toà diễn ra dai dẳng xét xử về vấn đề này đều đi vào ngõ cụt khiến cho giới mộ điệu hoài nghi, phải chăng giờ đây đạo nhái đã trở nên “hợp pháp”?

Carrie Anne Roberts, nhà thiết kế người Anh đứng đằng sau thương hiệu Mère Soeur, vào một buổi sáng đã hốt hoảng với một loạt tin nhắn từ những quen trên mạng xã hội khi biết thương hiệu “thời trang nhanh” Old Navy cho ra mẫu thiết kế áo phông y hệt chiếc áo bán chạy nhất của cô với giá rẻ hơn một nửa so với giá gốc.

Roberts là một người mẹ đơn thân, cô bán những món đồ dùng cho mẹ và bé như áo phông, túi tote và cốc cafe được trang trí hình ảnh một bà mẹ tươi cười. Chiếc áo phông mà Old Navy sao chép mang dòng chữ: “Rasing the Future”. Roberts đã thiết kế dòng chữ này để đi kèm với chiếc áo phông trẻ em mang dòng chữ “The Future” để tạo một cặp áo đôi mẹ con ngộ nghĩnh. Và Old Navy cũng sao chép luôn ý tưởng cho chiếc áo phông trẻ em.

Thiết kế áo phông của Roberts bên trái và thiết kế nhái của Old Navy bên phải.

Sau nhiều ngày bị lên án với những lời chỉ trích, Old Navy chỉ bỏ hình ảnh quáng cáo chiếc áo khỏi website mặc dù họ vẫn bày bán ở cửa hàng. Old Navy trả lời email của Roberts, chỉ ra rằng Roberts không gắn trade mark cho cụm “Raising the Future” hay “The Future” và cũng không có trade mark cho phông chữ hay thiết kế đồ hoạ của chiếc áo, vì vậy cô không có quyền pháp lý đối với những món đồ đó.

Cùng với đó, trong thư điện tử Old Navy cũng nói rõ, họ sẽ không đặt thêm một đơn hàng nào sản xuất chiếc áo này nữa, Roberts coi đó là một chiến thắng nhỏ mặc dù cô vẫn khó chịu khi một công ty lớn có thể kiếm lợi nhuận từ sản phẩm sáng tạo của một nhà thiết kế độc lập.

Các thương hiệu lớn có thễ dễ dàng ăn  cắp thiết kế của các công ty nhỏ mà không gặp vấn đề pháp lý gì bởi thời trang không hoàn toàn được bảo vệ theo luật bản quyền của Mỹ.

Roberts sẽ không phải là nhà thiết kế cuối cùng gặp phải chuyện như thế này. Các thương hiệu lớn có thễ dễ dàng ăn  cắp thiết kế của các công ty nhỏ mà không gặp vấn đề pháp lý gì bởi thời trang không hoàn toàn được bảo vệ theo luật bản quyền của Mỹ. Một bộ quy tắc được soạn thảo cách đây bốn thập kỉ, luật bản quyền định vị thời trang chỉ như là một ngành công nghiệp sản xuất chứ không có sáng tạo. Với những điều luật còn nghèo nàn như này, thời trang sẽ không có được những sự bảo vệ về mặt pháp lý, ngay cả khi số lần bị copy trắng trợn ngày một tăng.

Có hàng trăm trường hợp như của Roberts. Các thương hiệu lớn sao chép thiết kế của các thương hiệu nhỏ hơn, tuy nhiên những công ty thời trang nhanh mới thực sự là những thành phần thường xuyên sao chép, lấy ý tưởng từ thiết kế của các hãng khác. Forever 21 đã bắt chước mọi thứ từ chiếc vỏ điện thoại của thương hiệu LA indie cho đến chiếc áo nữ quyền nổi tiếng ngập tràn Instagram hoặc đồ bơi nổi tiếng của một thương hiệu khác hay chiếc áo khoác của người chiến thắng giải thưởng của CFDA/Vogue Fashion Fund…

Trái: Adidas Yeezy Boost 750. Phải: mẫu thiết kế tương tự của Zara

Zara thì có cả một danh sách riêng những sản phẩm sao chép, từ đôi giày trị giá 795 đô la của Balenciaga cho đến đôi Yeezys nổi tiếng của Kanye West. Trong năm 2016, Zara đã bị lên án khi sao chép một bức tranh vẽ illustrator Tuesday Bassen cũng như làm nhái đôi sandals của nhà thiết kế Aurora James thuộc Brother Vellies.

H&M cũng có những bản sao gây tranh cãi, gần đây nhất là kiểu font chữ gothic cộp mác Gosha Rubchinskiy bị sử dụng tràn lan trên các áo phông của H&M. Urban Outfitters cũng không ngoại lệ, một cuộc chiến pháp lý dài dằng dẵng khi Navajo Nation kiện công ty này sử dụng mẫu hoạ tiết bản địa của bộ tộc người Mỹ trên đồ lót. Stradivarius mới đây cũng bị tài khoản DietPrada tố đạo nhái mẫu giày Pink Satin Knife Mules của Balenciaga với phiên bản rẻ hơn đến 30 lần, bán với giá 27 đô la trong khi giá của Balenciaga là 795 đô la.

Bên trái: Stradivarius, bên phải: Balenciaga

Và không chỉ các hãng thời trang giá rẻ mới đi sao chép thiết kế của hãng khác, mà dòng thời trang cao cấp cũng tồn tại vấn đề này. Bộ sưu tập cruise 2018 của Gucci với chiếc áo khoác là một bản sao gần giống với một thiết kế có từ những năm 1980 dòng couture của Dapper Dan.

Chanel cũng đã có một vụ bê bối vào năm 2015, nhà thiết kế người Scotland Mati Ventrillon đã rất ngạc nhiên khi thấy những phần mà nhóm thiết kế của Chanel mượn từ nghiên cứu của cô và mang nó ra sàn diễn. Sau khi Ventrillon bày tỏ sự không hài lòng về tình huống này, Chanel đã đồng ý ghi nhận nhà thiết kế là nguồn cảm hứng trên tất cả các nguồn truyền thông về bộ sưu tập.

Thực tế cho thấy, mạng xã hội đơn cử như Instagram là một trong những nơi được các thương hiệu thời trang nhanh coi là nguồn tài nguyên thiết kế dồi dào, để từ đó họ lấy ý tưởng cho bộ sưu tập của mình. Bất cứ một thiết kế nào, nếu nó được đăng trên Instagram, sau một thời gian đã bị các hãng thi nhau làm nhái, phiên bản gốc dường như sẽ bị lãng quên trong vòng xoáy đó.

Thương hiệu thời trang nhanh Boohoo có thể sản xuất sản phẩm chỉ trong 2 tuần. Đối thủ của Boohoo là Asos, cũng sản xuất với tốc độ tương tự. Mỗi tuần trên trang web ra mắt hơn 4000 mẫu thiết kế. Cả hai thương hiệu đều thừa nhận Instagram là nơi họ tìm kiến và theo dõi xu hướng dễ dàng, giúp cho công việc kinh doanh của họ thêm phát triển.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là nơi giúp cho những “nạn nhân” của câu chuyện đạo nhái này có cơ hội lên tiếng, bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình, nếu không có những “followers” trung thành thì làm sao Roberts có thể yêu cầu Old Navy dừng sản xuất mẫu thiết kế nhái của mình, và nếu như Dapper Dan không lên tiếng và được mọi người ủng hộ nhiệt tình liệu Gucci có ghi nhận thành quả của anh đối với BST của họ? Rõ ràng là không!

Mạng xã hội giúp con người có tiếng nói hơn, một thương hiệu không thể nào có thể ngó lơ hàng nghìn “comments” giận dữ về việc đạo nhái nếu họ muốn bảo vệ hình ảnh thương hiệu hay doanh thu của mình.

Mạng xã hội cũng là một công cụ mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi, cũng giống như làn sóng #MeToo trước đó. Mạng xã hội giúp con người có tiếng nói hơn, một thương hiệu không thể nào có thể ngó lơ hàng nghìn “comments” giận dữ về việc đạo nhái nếu họ muốn bảo vệ hình ảnh thương hiệu hay doanh thu của mình.

Những nhà thiết kế nhỏ lẻ không thể mong chờ rằng một ngày nào đó chuyện đạo nhái này sẽ hoàn toàn kết thúc, hay họ có thể dựa vào luật sở hữu trí tuệ hiện hành, tuy nhiên họ hoàn toàn có thể dựa vào mạng xã hội để lên tiếng bảo vệ chính mình.

Chuyển ngữ: Cherie 

Theo: Vox