Địa đàng thời trang sắp sửa được chiêm ngưỡng các show diễn của Chanel tại Bảo tàng Grand Palais huyền thoại
Ngày đăng: 11/09/24
Sau bốn năm tu sửa toàn diện, bảo tàng Grand Palais sẵn sàng tiếp đón địa đàng thời trang. Và Chanel đã trở thành một trong những nhà mốt đầu tiên lên kế hoạch chuẩn bị trình diễn tại địa điểm mang tính biểu tượng này.
Với khối kiến trúc nổi bật, đặc trưng bởi mái vòm bằng kính nằm cạnh bờ sông Seine, bảo tàng Grand Palais là một trong những điểm đến nổi tiếng khi nhắc đến Pháp. Ban đầu, bảo tàng Grand Palais được xây dựng làm triển lãm cho Hội chợ Thế giới năm 1900; cho đến nay đã trở thành nơi tổ chức mang tính biểu tượng cho các buổi trình diễn thời trang, sân khấu, cũng như sự kiện thể thao. Xuất hiện cùng cung điện Petit Palais và cầu Alexandre III, sự xuất hiện của Grand Palais đánh dấu một kỷ nguyên mới trong những cải tiến trong xây dựng, đặc biệt là khi sử dụng vật liệu hiện đại kết hợp bê tông cốt thép.
Trong thế giới thời trang, Grand Palais đã trở thành một trong những địa điểm huyền thoại để tổ chức các buổi trình diễn ra mắt bộ sưu tập mới. Và đối với Chanel, không gian nghệ thuật này đã không còn xa lạ với nhà mốt Pháp. Giữa nhà mốt Chanel và Grand Palais đã tồn tại một mối hợp tác sâu sắc mang tính lịch sử, được đánh dấu bằng những buổi trình diễn ngoạn mục đã định nghĩa lại nghệ thuật trình diễn thời trang. Bắt đầu từ năm 2005, Grand Palais đã trở thành sân khấu hiện thực hóa cho tầm nhìn sáng tạo của Karl Lagerfeld. Cố giám đốc nghệ thuật của nhà mốt Pháp đã bứt phá mọi tiêu chuẩn truyền thống của bối cảnh trình diễn thời trang, khi liên tục biến gian giữa của Grand Palais thành một siêu thị khổng lồ, bản sao khổng lồ của Hẻm núi Verdon, hay bối cảnh có Tháp Eiffel vĩ đại. Tất cả những không gian trình diễn sáng tạo vô song tại Grand Palais dần trở thành dấu ấn cốt lõi trong kho di sản của nhà mốt Pháp, tại nhiệm kỳ của “ông hoàng tóc bạc”.
“Karl Lagerfeld đam mê kiến trúc của Grand Palais. Ông lấy cảm hứng từ những bức ảnh lịch sử cho các bối cảnh sàn diễn của mình” – Bruno Pavlovsky, chủ tịch thời trang tại Chanel chia sẻ. Những buổi trình diễn mang tính biểu tượng này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của Chanel mà còn củng cố Grand Palais như địa điểm lý tưởng cho các buổi biểu diễn hoành tráng. Bruno Pavlovsky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Grand Palais đối với thương hiệu, so sánh nó với các địa danh mang tính biểu tượng khác của Chanel như Rue Cambon và Place Vendôme. Pavlovsky coi Grand Palais là một trung tâm văn hóa quan trọng sẽ tiếp tục định hình ảnh hưởng của cả Paris và Pháp. Khi Paris trải qua những thay đổi, Grand Palais sẽ đứng vững trước thử thách của thời gian, giống như Tháp Eiffel, ông nhấn mạnh.
Nhà mốt Pháp cũng nỗ lực đóng góp vào công cuộc bảo tồn Grand Palais. Kể từ năm 2018, Chanel đã đóng vai trò quan trọng là nhà bảo trợ độc quyền của Grand Palais, hỗ trợ các hoạt động văn hóa và nghệ thuật của nơi này. Năm 2018, Chanel đã đầu tư 25 triệu euro để hỗ trợ việc trùng tu Grand Palais, nhằm mục đích khôi phục lại vẻ đẹp kiến trúc rực rỡ của nó.
Đây là khoản tài trợ lớn nhất từng được thực hiện cho một tổ chức công cộng tại Paris, ngoài Nhà thờ Đức Bà. Mối quan hệ lâu dài này hiện đang kéo dài thêm năm năm nữa, củng cố vị thế của nhà mốt Pháp là Nhà bảo trợ chính của Grand Palais.
Thông qua quỹ tài trợ GrandPalaisRmn, cam kết gia hạn của Chanel nhấn mạnh sự tận tâm của thương hiệu đối với cả việc phục hồi không gian mang tính biểu tượng và phát triển các chương trình văn hóa cũng như nghệ thuật của mình từ năm 2024 đến năm 2028. Pavlovsky nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác này như một phần trong tầm nhìn của Chanel về việc hỗ trợ văn hóa. Thật vậy, “Chanel luôn và sẽ vẫn là nhà bảo trợ của văn hóa. Các khoản đầu tư của chúng tôi gắn liền với sự sáng tạo, cho dù là trong các bộ sưu tập hay trong các quan hệ đối tác văn hóa của chúng tôi”. Nhà mốt xa xỉ này không chỉ muốn quảng bá thương hiệu của mình mà còn đóng góp vào sức sống của Paris.
Cam kết gia hạn sự hỗ trợ lần này còn để Chanel đổi lấy việc giữ lại quyền độc quyền sử dụng gian giữa của Grand Palais này cho các buổi trình diễn thời trang của mình, Bruno Pavlovsky chia sẻ với WWD. Vào tháng 4 năm 2024, khu Nave của Grand Palais chính thức được đổi tên thành “Gabrielle Chanel” để vinh danh người sáng lập thương hiệu. Không gian này cũng sẽ là nơi tổ chức show diễn thời trang Xuân/Hè 2025 Ready-to-Wear của Chanel vào tháng 10 năm 2024. Buổi trình diễn này còn đánh dấu lần mở cửa trở lại chính thức của Grand Palais sau Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris, mở màn cho các hoạt động nghệ thuật bao gồm hội chợ Art Basel Paris vào tháng 10 và triển lãm trưng bày tác phẩm sắp đặt đồ sộ của nghệ sĩ Nhật Bản Chiharu Shiota vào tháng 12.
Didier Fusillier, Chủ tịch của GrandPalaisRmn, đã trình bày chi tiết về những nỗ lực phục hồi rộng rãi đang được tiến hành, đồng thời nhấn mạnh đến tay nghề thủ công liên quan. Grand Palais đang được trẻ hóa để lấy lại vẻ đẹp vinh quang như ban đầu. Khung màu xanh lá cây reseda đặc trưng và những bức tường màu kem của công trình đang được bảo quản cẩn thận để đảm bảo có thể đáp ứng các tiêu chuẩn bảo tồn và vận hành hiện đại. Một trong những điểm nổi bật của quá trình phục hồi là việc Studio MTX, một phần của xưởng thêu Montex, tạo ra một tấm rèm hoành tráng. Tấm rèm này sẽ biến khu trung tâm Nave trong Grand Palais thành một không gian sự kiện linh hoạt. Để phù hợp với cam kết của CHANEL đối với nghề thủ công, tấm rèm sẽ được thêu trong các hội thảo công cộng được tổ chức tại la Galerie du 19M, không gian triển lãm gắn liền với trung tâm thủ công mỹ nghệ của thương hiệu ở ngoại ô Paris. Các hội thảo này, hợp tác với các Maisons d’art khác tại le19M, sẽ cho phép du khách tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo.
Đến tháng 6 năm 2025, khách du lịch toàn cầu sẽ có thể khám phá Grand Palais với một giao diện được trùng tu hoàn toàn mới, nơi sẽ có những không gian sáng tạo được thiết kế cho các cuộc triển lãm và các sự kiện văn hóa khác trong tương lai. Lần đầu tiên trong lịch sử của Grand Palais, một phần không gian sẽ được mở cửa miễn phí cho công chúng. Sáng kiến này sẽ cho phép hơn 4.000 mét vuông, nằm giữa gian giữa và Palais de la Découverte, được mở cửa miễn phí, do đó mang đến một chiều hướng mới cho cam kết của Grand Palais về sự hòa nhập văn hóa. Fusillier cho biết: “Chúng tôi muốn Grand Palais trở thành nơi mà mọi người đều có thể cảm nhận được sự chào đón nồng nhiệt, dù là để trình diễn thời trang hay sự kiện văn hóa. Sự hợp tác lần này thể hiện tinh thần đổi mới và truyền thống vốn định hình cả Chanel và Grand Palais”.
Trong nhiệm kỳ của Virginie Viard, nữ giám đốc nghệ thuật mang đến những bối cảnh trình diễn thời trang tối giản và thanh lịch hơn. Đối với những tín đồ trung thành với những sáng tạo vô biên của Karl Lagerfeld, cũng như các show diễn ngoạn mục của ông, họ luôn khát khao có thể đắm chìm vào miền không gian giao thoa giữa thời trang và nghệ thuật đó một lần nữa. Nhưng rõ ràng kỷ nguyên mà Virginie Viard dẫn dắt đã không hiện thực hóa được giấc mơ đó. Vì thế, tin tức Chanel chính thức trở lại Grand Palais để chuẩn bị trình làng bộ sưu tập mới đã gieo mầm hy vọng trong họ. Làng mốt càng thêm háo hức, mong chờ vào cái tên mới được xướng tên cho danh xưng “giám đốc nghệ thuật” đang bị bỏ trống tại Chanel. Họ kỳ vọng và không khỏi tò mò rằng người kế nhiệm của Virginie Viard lẫn Karl Lagerfeld sẽ làm việc với địa điểm ấn tượng này như thế nào?
Tuy nhiên, hiện tại Pavlovsky vẫn từ chối khẳng định ai sẽ là tân giám đốc nghệ thuật của Chanel, và đang tập trung hết mực vào công đoạn hậu cần của sự kiện vào tháng tới. “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thể biến gian giữa của Grand Palais thành một không gian nghệ thuật – thời trang ngoạn mục, vì màn trở lại này rất quan trọng, nhưng đồng thời cố gắng không ‘cạnh tranh’ với tác phẩm phi thường của Karl. Sự xuất hiện của tân giám đốc nghệ thuật mới chắc chắn sẽ tác động đến cách chúng tôi sử dụng Grand Palais,” ông chia sẻ.
Thực hiện Dory
Theo DSCENE, WWD