Đối thoại cùng CEO Faslink – Sứ mệnh tuyên truyền và xây dựng thời trang bền vững tại Việt Nam

Ngày đăng: 21/08/20

Kể từ khi thời trang bền vững được truyền tải sâu rộng tại thị trường thời trang Anh Quốc vào 2013, cho đến hiện tại thì thời trang bền vững đã không còn đơn giản chỉ là một xu thế của ngành thời trang mà được xem là một tôn chỉ hoạt động, định hướng phát triển, phương châm vận hành được chú trọng đầu tư bởi nhiều doanh nghiệp, tổ chức lớn nhỏ trong ngành công nghiệp này.

Tóm tắt nội dung


Không nằm ngoài thời cuộc, Việt Nam cũng là một quốc gia đang đón nhận thời trang bền vững như một thách thức mới, cũng như là cơ hội phát triển đầy tiềm năng nhờ vào những lợi thế sẵn có nêu trên. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị phần của thời trang bền vững trong ngành thời trang nội địa được dự đoán sẽ tăng trưởng tới 11% vào năm 2027, với sự giảm thiểu đáng kể các tác nhân gây ô nhiễm và nguy hại tới môi trường.

Nguồn cung ứng vải eco-friendly (thân thiện với môi trường) hay vải tái chế từ nguyên liệu rác thải vẫn luôn là yếu tố cấu thành quan trọng của một sản phẩm thời trang bền vững. Tuy nguyên liệu cấu thành không phải là tất cả để khẳng định thương hiệu thời trang đó là bền vững, nhưng nó phần nào giúp giải quyết vấn đề về hao tổn tài nguyên lẫn ô nhiễm môi trường – những nan đề khó khăn nhất của toàn ngành thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh. Theo nghiên cứu, cotton sẽ mất đến 3 tháng để phân hủy; sợi len là từ 25-40 năm; da từ 30-40 năm; cao su từ 50-80 năm; vải thun lycra sẽ mất đến 200 năm để phân hủy, và polyester – chất liệu chiếm đến ½ tủ đồ của mỗi người cũng sẽ mất đến 200 năm để phân hủy.

Để tăng trưởng, ngành công nghiệp thời trang nhanh luôn cần phải sản xuất sản phẩm mới liên tục, dẫn đến tình trạng vòng đời sản phẩm bị rút ngắn, giá thành phải cạnh tranh thị trường, chất liệu cấu thành sản phẩm đều là những chất liệu không thân thiện với môi trường, gây ô nhiễm khi phân hủy, khó để cải tạo, và chất lượng kém bền chắc. Sản phẩm cũng vì thế mà rất dễ hư hao chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, gây ô nhiễm nguồn nước trong quá trình giặt tẩy, bị vứt bỏ vì mau lỗi mốt cũng như tính năng sản phẩm gần như là chỉ để mặc trên người.

Thời trang nhanh và chủ nghĩa tiêu dùng càng phát triển, rất nhiều tổ chức môi trường, phi chính phủ, các nhà khoa học, bảo tồn tự nhiên, cộng đồng những người chống chủ nghĩa tiêu dùng và bài trừ sự lãng phí lẫn tổn hao của thời trang đã khích lệ tất cả mọi người trên trái đất học cách để yêu quần áo mà họ đã sở hữu. Chính bởi thế mà chất liệu cấu thành nên trang phục càng cần được chú trọng và tăng cường thêm tính năng ưu việt để dòng đời sản phẩm được kéo dài lâu hơn.

Nếu phải nhắc đến một trong những doanh nghiệp lớn chuyên về chất liệu vải công nghệ cao, thân thiện với môi trường, được tạo dựng từ những nguồn nhiên liệu tự nhiên sẵn có và vô cùng dồi dào ở tại Việt Nam thì đó chính là công ty Kết nối thời trang – Faslink. Với kinh nghiệm hơn 14 năm xây dựng, hoạt động và phát triển vững mạnh tại thị trường Việt Nam, là một doanh nghiệp cung ứng vải chất lượng cao cho rất nhiều doanh nghiệp thời trang nội địa lớn trong nước như Ivy Moda, Ninomax, Viettien, Owen, Hnoss, Couple TX, YAME… Faslink dần từng bước thâm nhập thị trường thời trang nội địa trong việc cung ứng những chất liệu may mặc công nghệ cao tốt nhất cả nước.

Đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thời trang thân thiện môi trường, thời trang bền vững – Faslink.

Tầm nhìn và sứ mệnh của Faslink được định rõ bao gồm: hướng tới mục tiêu trở thành công ty chuyên cung ứng các giải pháp nguyên phụ liệu, đồng phục và gói dịch vụ FOB hàng đầu Việt Nam lẫn trong khu vực bằng chiến lược phát triển bền vững, và cung cấp những dòng chất liệu ứng dụng công nghệ thông minh và các giải pháp trang phục chuyên nghiệp phù hợp nhất nhằm mang lại giá trị cao (GIÁ TRỊ TIỆN ÍCH) nhất cho khách hàng và cộng đồng. Đối với chất liệu, những tiêu chí đề ra bao gồm: chất liệu thân thiện với sức khỏe, thiết kế đạt các tiêu chí thẩm mỹ và sáng tạo, phom dáng tiện nghi, giúp người mặc tăng năng suất lao động, tối giản hóa quá trình bảo quản, truyền tải được văn hóa và thông điệp của khách hàng, quá trình sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường

Chính bởi chiến lược phát triển và sự ủng hộ vững mạnh dành cho thời trang bền vững, thời trang thân thiện môi trường của Faslink mà Style-republik đã có một cuộc trao đổi với người sáng lập kiêm CEO của công ty là chị Trần Hoàng Phú Xuân để hiểu thêm hơn về mô hình vận hành, những đóng góp cho ngành thời trang nội địa, cũng như tiềm năng phát triển của thị trường chất liệu may mặc tại Việt Nam trong tương lai gần.

Chị Trần Hoàng Phú Xuân (bên trái) – tổng giám đốc của Faslink.

Công ty Kết nối thời trang – Faslink với hơn 14 năm hoạt động, điều gì khiến cho chị và đội ngũ nhân lực cảm thấy tự hào nhất trong quá trình hình thành và phát triển?

Có hai điều khiến cho Faslink cảm thấy tự hào nhất, đầu tiên là luôn kiên định với những gì mới mẻ, tân tiến, tiên phong ở thị trường. Từ khóa để nói về yếu tố này sẽ là “innovation”. Faslink là doanh nghiệp sản xuất và thiết kế đồng phục chuyên nghiệp ở đầu tiên trên thị trường nội địa. Trước khi có sự ra đời của Faslink thì nhà may vẫn là những nơi sẽ nhận gia công đồng phục của các doanh nghiệp, thiếu đi yếu tố chuyên nghiệp, cải tiến về sản phẩm lẫn quy trình hoạt động. Faslink cũng là doanh nghiệp cung ứng vải công nghệ cao, vải thân thiện với môi trường, vải tái chế đầu tiên trên thị trường. Là một doanh nghiệp tiên phong, những gì mà Faslink theo đuổi trong những ngày đầu thành lập là khó khăn vô kể. Nhưng sự kiên trì và theo đuổi bền bỉ những giá trị đặt ra của đội ngũ công ty là đặt nguyện vọng của khách hàng lên hàng đầu, đã phần nào chứng minh được tính hiệu quả, cũng như giúp gặt hái được những thành công xứng đáng ở hiện tại.

Điều thứ hai mà cá nhân chị cảm thấy tự hào nhất, đó là một đội ngũ nhân lực rất chuyên tâm và nỗ lực để phát triển bản thân lẫn mô hình kinh doanh của công ty. Faslink có một “dream team” đúng nghĩa theo cảm nhận của cá nhân chị. Niềm say mê, lòng tin, sự chủ động và luôn chia sẻ của mọi người được đặt để ở đúng vị trí của nó. Điều đó khiến cho công việc lúc nào cũng vô cùng thuận lợi bởi đó đã thành ý thức chung của tất cả thành viên. Các bạn cảm thấy hạnh phúc với những giá trị mình đang đem lại cho bản thân, doanh nghiệp, khách hàng lẫn cộng đồng. Chính điều đó cũng giúp tiếp thêm nhiều cảm hứng lẫn niềm vui cho cả ê kíp trong công ty.

Châu Bùi là gương mặt đại diện cho chiến dịch kết hợp giữa Faslink và Biti’s Hunter trong tháng 6 vừa qua.

Chị có thể chia sẻ những thế mạnh vượt trội của Faslink đối với từng dịch vụ, giải pháp hiện đang cung ứng trên thị trường thời trang trong nước? (thiết kế đồng phục, cung ứng vải sợi, ODM)

Thiết kế đồng phục là một thị trường đầy tiềm năng trên thế giới và ở các nước phát triển, và ở riêng tại Việt Nam thì vẫn chưa hình thành một ngành công nghiệp thực thụ, nếu so với thế giới thì rõ ràng nước ta vẫn chưa định vị và nhìn nhận đúng về thị trường này. Uniform (đồng phục) có nhiều dòng sản phẩm chuyên biệt khác nhau như cooperate uniform (đồng phục công sở), hospitality uniform (đồng phục ngành dịch vụ), workwear (đồng phục bảo hộ), medical wear (đồng phục y tế), School Uniform (đồng phục trường học)…

Mỗi dòng sản phẩm này đều có những đòi hỏi gắt gao và một số chuẩn mực nhất định. Việt Nam là một trong những nước có nguồn nhân lực lao động dồi dào của khu vực châu Á. Điều đó khiến cho nhu cầu thiết kế đồng phục của các doanh nghiệp lớn hơn gấp nhiều lần so với nguồn có thể cung ứng. Giá trị thị trường (market value) của thiết kế đồng phục là không hề nhỏ, dành ra rất nhiều cơ hội phát triển cho các công ty theo đuổi mô hình này và Faslink tự hào là doanh nghiệp thiết kế đồng phục chuyên nghiệp đầu tiên tại thị trường Việt Nam.

Đặt mục tiêu là mở rộng và phát triển bền vững, Faslink đã chuyển mình từ đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất thuần gia công (CMT: Cut – Make – Trim) sang FOB (Free On Board: Mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (Original Design Manufacturing: Thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng) cho các doanh nghiệp thời trang Việt Nam và quốc tế. Đối với dịch vụ ODM và cung ứng vải sợi thì đây là hình thức “one stop service” mà Faslink đang cung ứng cho các khách hàng của mình. Faslink luôn có những loại chất liệu tân tiến, với tính năng vượt trội nhưng khi kết hợp với hình thức ODM sẽ góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực tế thì Faslink muốn đưa ra giải pháp hữu ích cho các khách hàng của mình, và những gói dịch vụ của Faslink đang cung ứng cho thị trường sẽ phần nào giúp họ cảm thấy an tâm, thêm hơn tín nhiệm cũng như bớt cất nhắc, suy nghĩ quá nhiều khi đưa ra quyết định.

Thiết kế đồng phục, ODM và cung ứng vải chất lượng cao là những dịch vụ chính yếu của Faslink.
Đồng phục thiết kế của Heineken Việt Nam bởi Faslink.
Đồng phục học sinh được thiết kế bởi Faslink.
“Thiết kế đồng phục là một thị trường đầy tiềm năng, và ở riêng tại Việt Nam thì vẫn chưa hình thành một ngành công nghiệp thực thụ, nếu so với thế giới thì rõ ràng nước ta vẫn chưa định vị và nhìn nhận đúng về thị trường này”.

Chị có thể chia sẻ đôi chút về những nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường (vải sợi tái chế, làm từ nguyên liệu xanh) mà Faslink hiện tại đang cung ứng cho thị trường thời trang Việt Nam?

Faslink đem về thị trường Việt Nam rất nhiều nguồn nguyên liệu mới, thậm chí có những chất liệu chỉ mới lần đầu tiên được sản xuất trên thế giới. Từ năm 2011, Faslink đã nhập khẩu những chất liệu vải thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường nội địa. Faslink là đơn vị duy nhất và đầu tiên làm điều này ở Việt Nam. Năm 2012, Faslink đã kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trên thế giới để mang đến thị trường trong nước nguyên liệu vải sản xuất từ cây tre. Năm 2015, Faslink đã đưa chất liệu vải công nghệ nano tân tiến với nhiều tính năng vượt trội về thị trường Việt Nam. Năm 2017, Faslink tiếp tục ra mắt thành công chất liệu vải tái chế từ bã cà phê khi kết hợp sản xuất với các nhà phát triển sợi uy tín trên thế giới.

https://youtu.be/ZbSux0SIQpY Nhiều doanh nghiệp chỉ định sản xuất là đối tác của Faslink có những công nghệ sản xuất tân tiến, có thể giảm thiểu lượng nước hao phí để sản xuất chất liệu (ví dụ như sợi vải tencel) lên tới 70-80%. Faslink cũng đồng thời có cơ may được hợp tác với nhiều doanh nghiệp có khả năng tái chế sinh học các loại phế phẩm hàng ngày của Việt Nam như bã mía, ngô, sen, vỏ sò để tạo ra chất liệu vải tái chế vừa thân thiện với môi trường, vừa giải quyết vấn đề rác thải từ nguyên liệu tự nhiên. https://youtu.be/aeF2Kq5jbcw

Vốn dĩ Việt Nam có nguồn nhiên liệu tự nhiên rất dồi dào, vậy nên Faslink mong chắp cánh những ý tưởng táo bạo để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu vải mới dựa vào chính tiềm lực tự nhiên sẵn có tại Việt Nam. Để sản xuất vải ứng dụng có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì Faslink hiện nay sẽ cần hợp tác quốc tế trong vấn đề công nghệ.

Trong thời gian vừa qua, Faslink cũng đã chủ động mong muốn kết hợp cùng các trường Đại học tại Việt Nam với các nghiên cứu thành công về vật liệu dệt tái chế và sinh thái ở góc độ phòng thí nghiệm, để có thể có cơ hội đóng dấu “Made by Vietnamese” và cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là một hướng đi hoàn toàn khả thi, sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp mới ở nước ta, nơi mà chất liệu vải thân thiện môi trường được sản xuất theo sản lượng lớn, chất lượng ổn định, đáp ứng cho ngành may mặc nước nhà, tạo tiền đề phát triển vững mạnh cho toàn ngành thời trang nội địa.

Khi gõ Faslink vào công cụ tìm kiếm của Google, top kết quả tìm kiếm hiển thị là từ khóa Faslink khẩu trang kháng khuẩn. Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trên diện rộng, liệu chất liệu kháng khuẩn và vi-rút sẽ trở nên thịnh hành trong tương lai? Và liệu Faslink đã có kế hoạch gì cho việc cung ứng chất liệu này cho thị trường Việt Nam không?

Một tin (rất) vui là Faslink đã có chất liệu vải kháng vi-rút mới nhất trên thị trường để sẵn sàng giới thiệu tới khách hàng tại thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Chất liệu vải kháng vi-rút là sáng chế mới nhất (ra mắt hồi tháng Sáu) của ngành công nghiệp sản xuất chất liệu may mặc bởi sự tác hợp giữa một doanh nghiệp lớn có trụ sở tại Ý là Albini Group và một công ty dệt may tại Thụy Sỹ là HeiQ. Faslink có đầy đủ những tín chỉ và giấy chứng nhận tính năng đi kèm với chất liệu vải mới này. Đối với chất liệu kháng khuẩn thì Faslink đã làm thành khẩu trang vải để quyên tặng các tổ chức y tế đang ở vùng tâm bão của dịch bệnh tại Việt Nam, sản xuất cho doanh nghiệp địa phương, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Trong bối cảnh hiện nay thì khẩu trang đang trở thành một nhu cầu thiết yếu để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng rất có thể trong tương lai thì khẩu trang cũng vẫn sẽ được sử dụng rộng rãi và trở thành nhu cầu thực tiễn trong đời sống thường nhật của công dân ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi bệnh dịch có nhiều diễn biến phức tạp và ý thức cộng đồng tăng cao. Chất liệu kháng khuẩn, kháng vi-rút và tính năng bảo vệ sức khỏe sẽ dần có được sự quan tâm đông đảo của toàn ngành thời trang; cũng giống như nhân quyền và bảo vệ môi trường là những vấn đề trọng yếu được quan tâm trong vòng 10 năm qua.

“Chất liệu kháng khuẩn, kháng vi-rút và tính năng bảo vệ sức khỏe sẽ dần có được sự quan tâm đông đảo của toàn ngành thời trang; cũng giống như nhân quyền và bảo vệ môi trường là những vấn đề trọng yếu được quan tâm trong vòng 10 năm qua”.

Liệu chất liệu kháng khuẩn, kháng vi-rút của Faslink có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất các loại mặt hàng thời trang (ngoài trang phục bảo hộ y tế) khác chứ?

Đối với chất liệu vải kháng vi-rút thì bề mặt có một lớp phủ hoạt chất (an toàn cho người mặc) giúp triệt tiêu vi-rút ngay khi có sự tiếp xúc và hoàn toàn có thể sử dụng để thiết kế trang phục thời trang, mang tính ứng dụng cao. Giá thành của chất liệu kháng vi-rút tuy có cao hơn so với các chất liệu thân thiện với môi trường, kháng khuẩn, nhưng tính hiệu quả của nó đã được xác minh và chứng thực. Nhưng dù sao thì đây cũng là một công nghệ mới nên cần đến nhiều sự ủng hộ và dám thử nghiệm của nhiều doanh nghiệp.

Công nghệ vải kháng khuẩn đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường, nhưng nó không được ứng dụng rộng rãi vào thời trang mà chỉ ứng dụng vào việc tạo ra đồng phục hay trang thiết bị bảo hộ cho những nhân lực phải đối diện với nguồn vi khuẩn hằng ngày như bệnh viện, sản xuất thực phẩm, xử lý rác thải môi trường. Tuy nhiên, Faslink cũng có những chất liệu vải tân tiến có tính năng kháng khuẩn hiệu quả (khử mùi hôi trên cơ thể) mà hoàn toàn có thể ứng dụng trong việc sản xuất những trang phục ứng dụng hàng ngày.

Bên cạnh đó, một điều thú vị hiện nay công nghệ sợi tiên tiến đang mang lại cho chúng ta những nguyên liệu kháng khuẩn tự nhiên từ sợi, sẽ hạn chế gây hại tối đa (vì không dùng hóa chất kháng khuẩn) và hiệu quả kháng khuẩn cũng sẽ lâu bền hơn sau nhiều lần giặt. Ví dụ, sợi bamboo, sợi sen, sợi cafe đều ghi nhận tính kháng khuẩn lần lượt là 99.6%, 85% và 80%

Nhiều thương hiệu nội địa tại thị trường Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động và tác động đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong thời kỳ COVID-19, chị có lời khuyên nào tới các doanh nghiệp thời trang để vượt qua được khó khăn ở thời điểm hiện tại không?

Đầu tiên vẫn cần phải nhìn nhận rằng đây là tình hình chung của ngành thời trang trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp, tùy vào quy mô của họ, sẽ cần đa giải pháp để vượt qua những thách thức và khó khăn của đại dịch COVID-19. Tất cả mọi khía cạnh của doanh nghiệp đều cần phải được nhìn nhận và tái cấu trúc lại như tài chính, thị trường, chuỗi cung ứng, đầu vào lẫn đầu ra của mô hình kinh doanh. Việc định hình lại kế hoạch vận hành dựa theo diễn tiến của dịch bệnh cũng thiết yếu, với nhiều kịch bản mang nhiều giải pháp khác nhau.

Đối với nhiều doanh nghiệp phải đối diện với giải pháp cuối cùng nhằm duy trì ngân sách là cắt giảm bớt nhân lực thì chị hoàn toàn có thể chia sẻ được với điều đó. Đối với Faslink thì nguồn nhân lực chính là tài sản đáng giá nhất của doanh nghiệp, nên trong giai đoạn khó khăn này mọi người đều thấu hiểu, chia sẻ cùng nhau để không một ai bị bỏ lại phía sau. Đó cũng là một điều vô cùng may mắn của Faslink, mà với tư cách là một lãnh đạo thì chị cảm thấy rất trân trọng. Thực tế là kể từ khi dịch bệnh xảy ra vào tháng Ba năm nay thì Faslink cũng chỉ tuyển dụng thêm chứ không phải cắt giảm nhân sự nào cả (cười).

Và một tinh thần quan trọng hơn hết là sự gắn kết trong các nghiệp đoàn ngành nghề, hay quy mô hơn là góc độ xã hội, các doanh nghiệp nên cởi mở sẽ chia, tìm giải pháp liên kết để cùng nhau vượt dịch an toàn

Yếu tố bền vững của thời trang được đặt ở vị trí trọng tâm trong việc kinh doanh, Faslink vẫn phát triển rất tốt trong mùa dịch COVID-19.

Theo chị, Faslink có thể hỗ trợ và loại bỏ những khó khăn nào cho các doanh nghiệp khi theo đuổi tính bền vững của thời trang trong việc kinh doanh?

Bên cạnh quan điểm, một trong những lí do quan trọng khiến cho nhiều doanh nghiệp thời trang cảm thấy đắn đo trong việc lựa chọn các chất liệu thân thiện với môi trường hay tái chế là giá thành của nó. Nhưng Faslink có thể cam đoan rằng giá thành giữa chất liệu thông thường và chất liệu thân thiện với môi trường mà Faslink đang cung ứng trên thị trường sẽ không quá chênh lệch và các doanh nghiệp thời trang nội địa nên mạnh dạn chuyển mình thành doanh nghiệp thời trang bền vững. Một chi phí nhỏ có thể tăng lên nhưng điều này cần được hiểu là môi trường chúng ta sẽ được bảo vệ tốt hơn. Có thể nói chi phí cho nguyên liệu eco đã giảm 70% – 80% trong vòng 5 năm qua.

Để làm được điều này thì chị và đội ngũ phải thương thảo rất nhiều lần đối với các đối tác chỉ định sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, để chi phí sản xuất chất liệu ở mức tối ưu nhất. Bản thân những doanh nghiệp sản xuất chất liệu ở các quốc gia này cũng rất chú trọng vấn đề về môi trường. Đây như là tiếng nói chung của những doanh nghiệp có cùng nguyện vọng, định hình phát triển bền vững và phần nào đóng góp công sức để phát triển ngành thời trang bền vững, cũng như xây dựng một tương lai “xanh” cho nhiều thế hệ về sau

Faslink cũng đang thỏa thuận để hợp tác với một doanh nghiệp tại Đài Loan để sản xuất packaging (túi đựng sản phẩm) hay label (nhãn mác sản phẩm), các chi tiết thiết kế như nút, hột được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường. Khi các doanh nghiệp thời trang nội địa có nhu cầu thì Faslink cũng có thể đưa ra giải pháp giúp họ từng bước xây dựng một doanh nghiệp thời trang bền vững toàn diện.

IVY MODA, COUPLE TX, OWEN, VIETTIEN, HNOSS, YAME, NINOMAX… đều là những khách hàng lâu năm của Faslink.
“Faslink có thể cam đoan rằng giá thành giữa chất liệu thông thường và chất liệu thân thiện với môi trường mà Faslink đang cung ứng trên thị trường sẽ không quá chênh lệch và các doanh nghiệp thời trang nội địa nên mạnh dạn chuyển mình thành doanh nghiệp thời trang bền vững”.

Là một người làm kinh doanh, am hiểu về nhu cầu của các doanh nghiệp thời trang lớn, cũng như hiểu rõ về tính tiên phong của chất liệu trong việc sản xuất thì chị có lời khuyên thiết thực nào dành cho những người trẻ khởi nghiệp với thời trang?

Người trẻ hãy luôn giữ một thái độ cầu thị, ham học hỏi, trau dồi kỹ năng mềm và tin vào trực giác của bản thân. Quan trọng nhất là các bạn nên theo đuổi những điều khiến cho mình cảm thấy hạnh phúc, nhất là trong công việc, bởi hành trình này sẽ luôn phải đối diện với những trở ngại, thách thức (dù là do những yếu tố chủ quan hay khách quan tác động) thì chính niềm tin vào giá trị mình xây dựng, đam mê dành cho công việc sẽ giúp người trẻ vượt qua được những khó khăn.

Thêm hơn thì người trẻ cũng cần học cách cân bằng cuộc sống để không đặt bản thân vào tình trạng bị stress, hay tiêu cực khi khởi nghiệp. Một điều quan trọng khác là người trẻ cũng nên làm giàu thêm hơn các mối quan hệ công việc, xã hội, nguồn lực hỗ trợ, hợp tác để khởi nghiệp thành công. Trong thực tế hợp tác công việc, cá nhân chị đang rất tự hào và tin vào một ngành thời trang nội địa phát triển và có dấu ấn trong khu vực vì đang có một thế hệ các bạn trẻ làm nghề rất giỏi, nhạy bén và tâm huyết.

Hiện nay Faslink đang tuyển dụng những vị trí nào để bổ sung nguồn nhân lực nội bộ không?

Hiện tại Faslink đang cần tuyển dụng những vị trí như nhân viên kinh doanh cho mảng đồng phục lẫn chất liệu vải của công ty. Thêm nữa là vị trí marketing để đẩy mạnh công tác tiếp thị, tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp thông tin hữu ích tới khách hàng lẫn cộng đồng người yêu thời trang, sử dụng mạng xã hội. Những ứng viên cho vị trí nhân viên kinh doanh lẫn marketing đều cần có kinh nghiệm, yêu thích thời trang, thích ứng nhanh và đặc biệt là có sự quan tâm, hiểu biết nhất định về thời trang bền vững. Faslink luôn có nhiều quyền lợi hấp dẫn dành riêng cho những người trẻ muốn cùng công ty để xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh thời trang bền vững.

Bên cạnh đó thì chị cũng mong được tiếp cận các công trình nghiên cứu về sợi mới của các nhóm sinh viên để cùng hiện thực hóa các nguyên liệu eco cải tiến cộp mác Made-In-Vietnam.

Triển lãm chất liệu và công nghệ vải – Life In Motion của Faslink vào giữa năm ngoái đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực.
Triển lãm bao gồm show diễn thời trang với các sản phẩm được tạo dựng từ chất liệu tiên phong cho cả nam lẫn nữ.

 

Thực hiện: Fellini Rose