Đối thoại cùng Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ: Phụ nữ làm sáng tạo hay xô ngã vùng an toàn của bản thân

Ngày đăng: 25/03/22

Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ là một trong những người phụ nữ có sức ảnh hưởng sâu rộng trong ngành thời trang Việt Nam. Chị hiện đảm nhiệm vai trò sáng tạo cho tạp chí Đẹp – tờ tạp chí thời trang với hơn 20 năm trở thành kim từ điển giúp khơi nguồn cảm hứng cho ngành thời trang Việt Nam.

Là một người phụ nữ với xúc cảm, bản năng, và cảm quan nghệ thuật được mài dũa theo từng cột mốc trưởng thành trong nghề, Hà Đỗ là khách mời nhân vật mà Style-republik có dịp đối thoại trước thềm sự kiện SR Fashion Business Talk “Tại sao chúng ta vẫn cần tạp chí thời trang?”

Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ: Phụ nữ làm sáng tạo hay xô ngã vùng an toàn của mình
Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ qua ống kính của nhiếp ảnh gia Tang Tang.

Khiếu thị thẩm mỹ gắt gao

Thành công và chứng thực cho tài năng của Hà Đỗ, phần nhiều đến từ tờ tạp chí Đẹp – vốn dĩ được chị coi là một đứa con tinh thần của mình. Đẹp phát triển, Hà Đỗ phát triển, trên mọi phương diện, nhất là thị hiếu thẩm mỹ và cảm quan về thời trang. Trong công việc, sẽ chẳng cần đến ai nhận xét, tự Hà Đỗ nhận mình là một người làm sáng tạo cực khó tính. Cái sự cầu toàn, gắt gao đòi hỏi trong công việc đó của chị là chuẩn mực, là lời giao kết với chính bản thân. 

Chuẩn mực đó ngày càng được nâng cao, cũng như cảm quan nghệ thuật được mài dũa theo thời gian, tăng trưởng sau những thử thách lẫn thành tựu đạt được khi theo đuổi sự nghiệp sáng tạo. Đã lựa chọn theo đuổi công việc sáng tạo từ thời trẻ và là một người phụ nữ luôn bứt phá giới hạn của bản thân, chính sự cầu toàn, gắt gao đó đã tạo ra những sản phẩm chứng thực cho khiếu thị thẩm mỹ và danh tiếng của một Hà Đỗ của ngày hôm nay.

Sáng tạo là công việc, là đam mê, là động lực đủ nhiều để khiến cho một giám đốc sáng tạo với hơn 12 năm kinh nghiệm dẫn dắt một tờ tạp chí thời trang danh tiếng, lâu đời nhất tại Việt Nam, phải nhắc nhớ bản thân rằng vẫn luôn có rất nhiều thứ mà bản thân phải học và tích cực trau dồi thêm. Cho dù có bị cho là khó tính, thì sự thỏa nguyện và tự hào về những nỗ lực và tâm huyết bỏ ra vẫn luôn là sự tưởng thưởng tuyệt vời nhất cho một cá nhân làm sáng tạo. Chị cười khi nói về sự khó tính của mình “khó tính trong sáng tạo, nhưng mà lại thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong những khía cạnh khác trong cuộc sống em à.” Quả thực, Hà Đỗ trở nên dễ gần và cởi mở chia sẻ, một khi bắt được sóng rung cảm của chị. 

Đẹp là một nhân cách của Hà Đỗ

Khi chị còn trẻ, tạp chí thời trang ở nước ngoài du nhập về Việt Nam chưa nhiều như bây giờ. Để cầm được trên tay một cuốn tạp chí nước ngoài, hít hà mùi giấy thơm, trầm trồ trước bố cục sắp đặt những hình ảnh thời trang đẹp đẽ, giàu cảm hứng đến vô vàn, được thả mình trong không gian sinh động của thời trang trên từng trang giấy báo, khiến cho chị nhận thấy được tầm nhìn lẫn giá trị của một tờ báo thời trang tại Việt Nam một cách rõ ràng hơn. Chị trân quý báo giấy thời trang lắm, cả cái sức mạnh đầy lực cưỡng của hình ảnh và giá trị được bảo chứng của một thương hiệu cao cấp, cách họ kể câu chuyện, gìn giữ tính thẩm mỹ đã tạo nên di sản thương hiệu. 

Ngày đó chị còn tỷ mẩn vẽ lại từng cái bìa quảng cáo của các thương hiệu mình yêu thích như Allure, Opium (Saint Laurent) hay Light Blue (Dolce & Gabbana). Đến tận bây giờ, khi nói về sự gắn kết với thời trang, không có gì khiến chị cảm thấy hứng thú hơn là câu chuyện và tính di sản của một thương hiệu. Chị trân quý cái cơ hội được là một người trong ngành thời trang, được mở rộng tầm nhìn, được lắng nghe, và có cái nhìn tiệm cận về bề dày lịch sử của một thương hiệu và cách mà giá trị của một thương hiệu được gìn giữ.

Phải nói Đẹp là một nhân cách của Hà Đỗ là bởi vì cái nhân cách đấy có diện mạo được định hình suốt 12 năm qua, còn cá tính, thì lại là một câu chuyện thú vị khác. Cơ duyên để chị gắn mình với Đẹp, không phải là nhờ việc sáng tạo, mà là nhờ vào việc viết lách. Hà Đỗ của những năm tháng tuổi trẻ, vừa du học về nước, từng mến mộ “Go F*ck Yourself”, một chuyên trang bình phẩm về phong cách thời trang của những nhân vật sừng sỏ trong ngành thời trang thế giới. Chị thích cái tinh thần kiên định, can đảm, sự dõng dạc, có chính kiến và quan điểm cá nhân rõ ràng như thế, và bắt đầu viết về thời trang, cũng bằng những bài blog của riêng mình. Đó là cơ duyên của Hà Đỗ và Đẹp.

Đến hiện tại, khi đã chớm 40, làm mẹ của một cậu con trai 5 tuổi, thì diện mạo và cá tính của Đẹp cũng phần nào trở nên đồng điệu, dịu dàng, nhẹ nhàng, đằm thắm hơn, và càng thêm sành điệu, tinh tế, sâu sắc, lẫn sự tự tin. Hà Đỗ đã gắn mình với cái nhân cách này hơn cả một thập kỷ, và dù là người không thích nhìn quá xa xôi về tương lai, nhưng cũng vẫn phải thừa nhận rằng mối gắn kết riêng tư này vẫn còn mạnh mẽ lắm.

Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ: Phụ nữ làm sáng tạo hay xô ngã vùng an toàn của mình
Hà Đỗ và con trai Leon

Mạch sống của tạp chí thời trang

Tạp chí thời trang, trong mắt của chị, vừa trần trụi, phù phiếm nhưng giàu cảm hứng và đẹp như một giấc mơ. Giấc mơ được dưỡng nuôi bên trong tâm hồn của một cô gái trẻ, không những không thể dập tắt dễ dàng mà còn lớn dần theo năm tháng. Chị ví lực hấp dẫn của thời trang mạnh mẽ đến mức nó như một giáo phái đúng nghĩa, tiếp nối và kéo dài sự mê hoặc đến mộng mị đôi lúc của những người đã đem lòng say mê nó. Trong vai trò là một người làm sáng tạo, chị cũng đi tìm cảm hứng từ trong chính giấc mơ của mình và chia sẻ nó tới độc giả của Đẹp.

Khi internet, mạng xã hội và công nghệ trở thành xương sống của xã hội, và thời trang cũng là như vậy, thì sự tồn tại của tạp chí thời trang đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, đối tượng GEN-Z – một thế hệ lớn lên với rẫy đầy tiện ích công nghệ và mạng xã hội, cũng dần trở thành đối tượng khách hàng được chú trọng trên nhiều phương diện, dần cảm thấy xa cách với việc sở hữu những thứ như một cuốn tạp chí thời trang. Chưa kể đến những metaverse, công nghệ AI, blockchain, NFT, Web 3.0, UGC (user-generated-content) sẽ còn sớm khiến cho internet phát triển lên một tầm cao mới. 

Là một người làm báo và tạp chí thời trang lâu năm, bản thân Hà Đỗ cũng thừa nhận rằng những cái mới của thời đại đã từng là thách thức đối với ekip của tạp chí. Nhưng cũng trong chính những sự loay hoay, bận rộn, lắng lo của bản thân, thì câu trả lời tìm đến không thể nào đơn giản hơn. Nếu đã không thể thay đổi những thứ đang thay đổi, thì điều tốt nhất có thể làm là thay đổi góc nhìn của chính thân. Học cách bình thản hơn, học cách thích ứng tốt hơn, học cách tiếp tục vun vén để duy trì làm tốt, hoặc có thể là tốt hơn những gì mình đang làm tốt, thay vì phải chật vật thay đổi hay gồng gượng để theo đuổi một cái mới, đi theo một chuẩn mực, một sự kỳ vọng nào đó. 

Chị tin rằng mạch sống của tạp chí thời trang, đối với từng thế hệ sẽ có ý nghĩa khác nhau, mà ở đó còn có sự hậu thuẫn của bối cảnh, của thói quen, của tư duy, và của góc nhìn cá nhân. Đối với thế hệ của chị sẽ là những người hoài niệm về những ký ức đẹp của bản thân. Đối với thế hệ trẻ hơn, có thể là họ đã và vẫn dưỡng nuôi với việc đọc và tìm kiếm những thông tin cô đọng, chắt lọc, giàu cảm hứng – thay vì những thứ nội dung được kiến tạo với đủ thứ mục đích khác nhau, phục vụ lợi ích của những nhóm khác nhau, nhưng bão hoà và lắm lúc nhiễu động.

Cá nhân chị, không thể nói hay đại diện cho những tờ tạp chí nào khác, nhưng đối với Đẹp, thì chị mong muốn giữ vững được bản sắc, cái hồn, cái nhân diện, cái mạch sống và cảm hứng dồi dào mà Đẹp đã và luôn gắm gửi tới độc giả của mình qua mỗi số báo, và chị lại có thể tiếp tục truyền thụ những giấc mơ đẹp, giàu cảm hứng tới những người mến mộ thời trang như chị.

Chị cười, dí dỏm ví von rằng chị muốn Đẹp là nơi mà người ta muốn tìm tới vì họ biết đến đó sẽ giống như được thưởng thức đồ ăn ngon vậy. Mạch sống của một tờ tạp chí thời trang, đến từ chính những con người đang nỗ lực để tạo ra nội dung của nó mà thôi.

Làm sáng tạo cần xô ngã giới hạn của bản thân

Phải hiểu rằng tài năng thiên phú chưa bao giờ là điều duy nhất quyết định thành công của bất kể điều gì trong cuộc sống, mà chính sự khổ luyện, rèn giũa tư duy, kỹ năng mới tạo nên cơ nghiệp. Hà Đỗ, để có được như ngày hôm nay, đã phải trải qua một hành trình dưỡng nuôi sự sáng tạo ngay từ trẻ. Chị là một người ham thích việc vẽ vời – vốn là thiên hướng khiến cho chị lựa chọn công việc sáng tạo. Việc học vẽ không chỉ cần một đôi tay khéo léo, tỉ mẩn mà còn cần đến một đôi mắt tinh tế, bởi từ con mắt mới điều khiển được đôi bàn tay. 

Hà Đỗ lựa chọn đúng ngành mình muốn học, ra trường làm đúng công việc mà mình yêu thích, đó là về truyền thông và thiết kế. Chị theo học và tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ hoạ tại trường School of Visual Arts ở New York. Công việc đầu tiên mà chị làm ngay khi ra trường là Junior Director cho một agency ở Mỹ. Chị làm đồ hoạ trong ngành agency cũng được cơ số năm, đảm nhiệm vị trí Giám đốc mỹ thuật ở JWT và công ty quảng cáo LOWE Vietnam trước khi được mời về làm Giám đốc sáng tạo cho Đẹp đến tận thời điểm hiện tại. 

Chị là người có quan niệm cứ làm tốt những gì mình vốn dĩ phải làm tốt trước đã, rồi có muốn phát triển hay rẽ ngang rẽ ngược gì đó thì tùy duyên. Vậy nên, chị chú tâm làm tốt và tạo ra thành quả với Đẹp, rồi cái duyên cũng tự tìm tới. Chị được mời làm Giám đốc sáng tạo cho bộ phim Gái già lắm chiêu 3 của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito – một bộ phim thời trang với đủ miếng bi – hài – kịch. Làm phim về thời trang vẫn chưa phải là giới hạn khiến chị cảm thấy thoả, vậy là chị tiếp tục cật lực sáng tạo trong Em và Trịnh – một bộ phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.

Tham gia làm phim kích thích sự sáng tạo của Hà Đỗ. Nó là thử thách, là sự phấn khích vì chị được làm được học được giao thoa với ý tưởng sáng tạo của một ekip quy mô rộng lớn hơn gấp nhiều lần so với tạp chí thời trang. “Làm sáng tạo thời trang đơn thuần khiến chị chưa đủ đã,” chị thú nhận, “Nên khi lựa chọn vùng an toàn của bản thân, bản thân chị cảm thấy sự sáng tạo của mình sẽ có hành trình dài hơi hơn.”  Giới hạn về vùng an toàn của chị không chỉ đơn thuần chỉ có sự sáng tạo, mà còn là về mặt con người, về định kiến hay tư duy của bản thân.

Chị rõ ràng là một người làm sáng tạo với kinh nghiệm vô cùng đa dạng. Còn nhớ trước đây, chị còn thử sức làm Giám đốc sáng tạo của chương trình truyền hình thực tế đi tìm người mẫu “Vietnam’s Next Top Model” ở mùa giải thứ 6 (2017). Chị luôn là một giám khảo công tâm và góp ý thẳng thắn để thí sinh có được sự phát triển vượt khỏi sự mong đợi ban đầu trong toàn bộ quá trình thi của họ. Dường như không có một thử thách nào có thể khiến chị lung lạc ý chí, và không có một cơ hội nào tìm đến mà chị không thử sức và quyết trao đi tất cả những gì mình có thể cống hiến. Nó đã trở thành tôn chỉ sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp của Hà Đỗ, khiến nhiều người cảm phục.

Những bài học về sự sáng tạo được đúc kết bởi Hà Đỗ

Cách duy nhất để giỏi nghề trong nghề này, theo Hà Đỗ, là phải làm nhiều, làm nhiều hơn để biết mình đang ở đâu. Yêu nghề, theo quan niệm của Hà Đỗ, là phải chăm chỉ. Người làm nghệ thuật, sáng tạo càng có nhiều năm trong nghề thì lại càng cần phải luyện tập để mài dũa kỹ năng bén sắc hơn. Chị tâm niệm, muốn dẫn dắt thì trước tiên phải làm thợ trước đã. Đến tận bây giờ, Hà Đỗ vẫn học, vẫn tiếp thu, vẫn cố gắng để nâng cao tư duy làm nghề của mình.

Sáng tạo nên mang bản sắc cá nhân, nhưng nó là một nỗ lực của cả tập thể. Hà Đỗ tin vào sự cộng hưởng trong công việc sáng tạo, bởi nó vẫn luôn là cách chị làm sáng tạo. Chị gặp gỡ, chuyện trò, lắng nghe, mở tư duy để tiếp nhận những sáng kiến hay ý tưởng nảy sinh với mọi người. Chị cũng trao cơ hội cộng tác cùng những người trẻ có cái nhìn duy mỹ, mang bản sắc cá nhân, khác biệt với chị để tạo ra thành quả sáng tạo chung. Chị luôn tìm kiếm những tài năng mới để khai thác lẫn thúc đẩy tiềm năng của họ. Họ tăng trưởng về tư duy làm nghề, về kỹ năng, về sự nghiệp thì chị cũng học được cái gì đó mới, và lấy đó làm sự khích lệ trong công việc của mình.

Làm sáng tạo thì luôn nên phải vận động và giàu năng lượng. Ý tưởng nghệ thuật càng nghĩ, càng bó mình trong một không gian, gắng cưỡng, thúc ép thì tâm trí sẽ càng trì trệ, càng khó để ý tưởng phát sinh. Vậy nên, khi bí bách như vậy, Hà Đỗ sẽ luôn vận động, tập cách để giải quyết những công việc khác nhưng vẫn chừa những khoảng thông suốt để nghĩ về ý tưởng. Đôi lúc, trong lúc chị du lịch, gặp gỡ, rửa chén, chăm con, đi chợ… lại nảy ra những phương án hay, ý tưởng sáng tạo mới mẻ. Không gây áp lực cho bản thân, không thụ động chờ ý tưởng tới, phải để cơ thể linh hoạt thì trí óc mới mở mang, đó chính là cách mà Hà Đỗ làm sáng tạo.

Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ: Phụ nữ làm sáng tạo hay xô ngã vùng an toàn của mình

Hà Đỗ, một cái tên – một thương hiệu, một tâm hồn nghệ thuật có cá tính riêng, một người phụ nữ làm sáng tạo hay xô ngã giới hạn của bản thân mình. Cảm ơn chị đã dành thời gian để đối thoại cùng Style-republik!

Thực hiện: Fellini Rose


 

SR Fashion Business Talk sẽ quay trở lại trong tháng 3, 2022 với Episode 14 – chủ đề: “Tại sao chúng ta vẫn cần Tạp chí thời trang?”.

Với sự dẫn dắt bởi chị Trần Hà Mi, Fashion Marketing Strategist và cũng là Co-Founder Style-Republik.com, buổi talkshow sẽ khẳng định lại ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của tạp chí thời trang – loại ấn phẩm gắn liền với lịch sử phát triển của ngành thời trang qua vô vàn thăng trầm.

Chủ đề talkshow còn là cơ hội để chúng ta kịp thời giải đáp những câu hỏi về Tạp chí thời trang, trong bối cảnh phát triển của công nghệ cùng các nền tảng kỹ thuật số ngày nay.

  • Cách tạp chí thời trang kết nối với các thương hiệu và độc giả ngày nay.
  • Đâu là hướng đi tương lai của tạp chí thời trang?
  • Làm sao để tạp chí vẫn giữ vai trò hàng đầu trong việc giám tuyển và định hình các xu hướng thời trang?
  • THÔNG TIN SỰ KIỆN:

Đăng ký tham dự: https://bit.ly/SRFBTEp14fashionmagazine

  • Thời gian: 9:30 AM – 11 AM Thứ Bảy 26.03.2022
  • Địa điểm: C space, 12-13, Đường N1, Khu thương mại Nam, KCN Tân Thuận, Quận 7, TP. HCM

*Sự kiện không thu phí nên số lượng chỗ ngồi giới hạn, vui lòng đăng ký sớm sẽ được giữ chỗ