Dự án Re-Join – Ngành thiết kế thời trang, trường Đại học Văn Lang: Nói không với chất thải thời trang!

Ngày đăng: 07/07/22

Hiện nay, phát triển bền vững là xu thế của ngành công nghiệp thời trang, với mục tiêu là phát triển đồng hành với bảo vệ môi trường, rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra và áp dụng rộng rãi, một trong số đó là phương pháp thiết kế dựa trên tư duy không rác thải. Với mong muốn nâng cao sự hiểu biết thông qua việc thực hành “không chất thải” trong thời trang, ngành thiết kế thời trang, trường Đại học Văn Lang đã cho ra đời dự án Re-join, thực hành tái thiết kế các sản phẩm thời trang đã hạn sử dụng, mang đến diện mạo mới, giá trị sử dụng mới cho sản phẩm, góp phần giảm thiểu rác thải thời trang.

Hiểu rằng những nỗ lực cá nhân, đơn lẻ không thể giải quyết được vấn đề môi trường có tính toàn cầu, vì vậy, trong phạm vi hoạt động này, ngành thiết kế thời trang nói riêng trường Đại học Văn Lang nói chung mong muốn kêu gọi sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng, cùng nhau trong các hoạt động nhỏ, mục đích mong muốn lan tỏa ý thức giảm thiểu sự dụng các sản phẩm thời trang nhanh, giảm thiểu rác thải thời trang, đóng góp một phần rất nhỏ vào nỗ lực bảo vệ môi trường.

Dự án Re-Join năm 2019 do ngành Thiết Kế Thời Trang, khoa Mỹ thuật và Thiết kế trường Đại học Văn Lang khởi xướng lần đầu tiên từ tháng 11 đến tháng 12 – 2019. Trở lại năm 2022, dự án Re-Join năm 2022 được tổ chức từ tháng 6/2022-7/2022 với 4 giai đoạn chính:
– Thu gom quần áo cũ
– Workshop 7:00AM (sử dụng SCAMPER để phát triển mẫu thiết kế từ quần áo cũ)- may các mẫu thử nghiệm
– Show diễn 11:00AM trình diễn kết quả workshop
– Báo cáo workshop thông qua tập sách mô tả hành trình
Mục tiêu của dự án là tạo ra các hoạt động để sinh viên ngành Thời Trang tiếp cận, thực hành với Thời Trang bền vững góp phần xây dựng ý thức
môi trường, cộng đồng, hướng dẫn sinh viên tận dụng quần áo cũ kết hợp với công cụ SCAMPER để phát triển mẫu thiết kế, và liên kết các đơn vị trong hành trình thay đổi hành vi tiêu dùng trong lĩnh vực thời trang.

Ngày 2,3/7/2022 dự án Re-join chính thức bước sang giai đoạn 2 thông qua workshop SÁNG TẠO VỚI KĨ THUẬT SCAMPER với sự tham gia của tập thể sinh viên trường ĐH Văn Lang và Học viện thời trang F.A.C.E.

Kĩ thuật SCAMPER được sử đụng để hướng tới việc từ một thứ đã tồn tại, biến đổi để tạo ra những thứ mới. SCAMPER là cụm từ viết tắt của: Substitute (thay thế), Combine (kết hợp), Adapt (điều chỉnh), Modify (sửa đổi), Put to other Uses (chuyển đổi mục đích sử dụng), Eliminate (loại bỏ) and Reverse (đảo ngược). Tại workshop, thông qua quy trình của design thinking, người tham gia lần lượt trải qua các giai đoạn: thấu cảm, xác định, đưa ý tưởng, thử nghiệm, kiểm tra

  • Thấu cảm – xác định: Người tham gia nhận các sản phẩm quần áo được quyên góp từ chương trình. Qua việc quan sát trang phục, hiểu về cấu trúc, chất liệu, hoa văn hoạ tiết, chi tiết trang trí, kĩ thuật của từng loại trang phục người tham gia quyết định sử dụng các nhóm trang phục để bắt đầu việc đổi mới
  • Đưa ý tưởng: Thông qua việc chụp hình, vẽ phác thảo người tham gia thực hiện cùng lúc bằng kĩ thuật SCAMPER để thay  đổi kiểu dáng trang phục, từ kiểu dáng mới này ghi chép, vẽ lại và rút kinh nghiệm để thực hiện SCAMPER cho ra nhiều mẫu

Tại giai đoạn này, người tham gia ứng dụng SCAMPER như sau:

– S: Thay thế các thành tố trong trang phục: Cấu trúc, chi tiết kỹ thuật, chất liệu

– C: Kết hợp 2 hoặc nhiều thành phần của các trang phục lại với nhau.

– S: Thích nghi: Thay đổi/bổ sung để phù hợp với một mục đích/hoàn cảnh cụ thể (Ví dụ: Vận dụng vào các giải pháp thiết kế để thể hiện ý tưởng/đề tài, vv)

– M: Điều chỉnh: Điều chỉnh tổng thể hoặc chi tiết trên trang phục bằng cách phóng to/thu nhỏ, kéo dài/rút ngắn, cường điệu/tiết chế. Các thành tố có thể được Điều chỉnh: Phom dáng, Kết cấu trang phục, Chi tiết kỹ thuật, Chất liệu, Chi tiết trang trí.

– P: Sử dụng với mục đích khác 

– E: Loại bỏ một hoặc 1 phần của các thành tố trong trang phục.

– R: Đảo ngược: Đảo chiều: trên xuống dưới, trong ra ngoài, v.v… của Phom dáng, Kết cấu trang phục, Chi tiết kỹ thuật

  • Thử nghiệm: là quá trình diễn ra qua lại trong quy trình lặp lại: đưa ý tưởng- thử nghiệm- kiểm tra- đưa ý tưởng, từ những trang phục có sẵn, người tham gia tạo được rất nhiều thiết kế mới thông qua việc vẽ phác thảo và cắt ghép trực tiếp từ trang phục. Tiêu chí đánh giá mẫu thử nghiệm là các thiết kế tôn trọng hình dáng có sẵn của trang phục, tận dụng những đặc điểm đã tồn tại. 
  • Kiểm tra: Sau khi có rất nhiều các mẫu thử nghiệm người tham gia lựa chọn các trang phục để thực hiện sản phẩm từ vải được tài trợ bởi Green Yarn với sự hướng dẫn kĩ thuật của các giảng viên ngành thời trang ĐH Văn Lang

Workshop được hướng dẫn bởi:

– Thầy Nguyễn Hoàng Lâm – giám đốc học thuật Arkki Việt Nam, giáo viên phương pháp sáng tạo khoa Mỹ Thuật & Thiết Kế ĐH Văn Lang

– Cô Man Thị Hồng Thiện – giáo viên phương pháp sáng tạo khoa Mỹ Thuật & Thiết Kế ĐH Văn Lang

– Cô Hoàng Thị Ái Nhân – giáo viên kĩ thuật cắt may trường ĐH Văn Lang

– Thầy Phạm Minh Tâm – giáo viên thiết kế thời trang trường ĐH Văn Lang

– Thầy Trần Đinh Minh Huy – giáo viên thiết kế thời trang trường ĐH Văn Lang 

– Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh – giáo viên thiết kế thời trang trường ĐH Văn Lang

Trong hai ngày của workshop với sự tham gia của hơn 100 sinh viên, gần 1000 ý tưởng được đưa ra qua các giai đoạn, gần 100 mẫu thử nghiệm đã được tạo ra với khoản 70 mẫu hoàn thiện, tập thể sinh viên và giáo viên đã lựa chọn 20 mẫu thiết kế để may lại trên nền vải được tài trợ bởi Green Yarn.

Thực hiện: S-R