Ede yarns – Chuyện về người trẻ tìm cách phục hồi nghệ thuật thủ công truyền thống

Ngày đăng: 15/09/21

Ede yarns là dự án về văn hóa nhằm khôi phục kỹ thuật làm sợi và phương pháp nhuộm của người Ede, để từ đó tái hiện lại phương thức làm nên thổ cẩm truyền thống đang trên đà mai một và thất truyền. 

Ede Yarns được thành lập bởi Lưu Vũ, người con của Đắk Lắk, với mong muốn giữ lại nét đẹp văn hóa, kết nối những người trẻ cùng thực hiện hóa ước mơ khôi phục thổ cẩm nguyên bản của người Êđê. Cùng Style-Republik nghe những chia sẻ của Founder Lưu Vũ cùng bạn Đinh Lăng, đại diện truyền thông của dự án, để hiểu thêm về dự án phục hồi nghệ thuật thủ công truyền thống, cũng như những kế hoạch tương lai của Ede yarns.

Các thành viên của nhóm Ede yarn (từ trái qua phải): Founder Lưu Vũ, bạn Đinh Lăng và Chris Ty

Bạn có thể chia sẻ về câu chuyện thành lập của nhóm Ede yarns? Điều gì đã kết nối các bạn lại với nhau? 

Đinh Lăng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hơn 40 năm qua, thổ cẩm nguyên bản của người Êđê đã không còn được chế tác. Những thổ cẩm hiện có đa phần là thổ cẩm bán thủ công. Quy cách làm một tấm vải chỉ được bắt đầu từ giai đoạn mua sợi đã được nhuộm về để dệt, bỏ qua công đoạn làm sợi và nhuộm màu từ thực vật như trước đây. 

Bên cạnh đó, hơn 90% nghệ nhân lành nghề, am hiểu tường tận quy trình chế tác thổ cẩm đều đã trên 70 tuổi. Người Êđê từ xưa đã có văn hóa kiến thức truyền miệng, ông bà chỉ cho con cháu mà không được ghi lại trên bất cứ giấy tờ nào nên cứ qua mỗi thế hệ sẽ ít nhiều bị mai một. Các cơ sở tài liệu chính thống không đi sâu nghiên cứu hệ sinh thái, phương pháp chiết xuất màu tự nhiên, khôi phục công cụ nguyên bản hay kỹ thuật dệt mà chỉ dừng lại ở kiến thức chung chung, chỉ thể hiện hình ảnh hoa văn họa tiết. Chính vì thế thế hệ trẻ người Êđê ít quan tâm và không có cơ hội tiếp xúc với những kiến thức di sản truyền thống độc đáo này.

Hoạt động hơn 1 năm, thành viên của Ede Yarns đã nhiều hơn nhưng điều giúp chúng em luôn có thể kết nối với nhau đó là sức hút của câu chuyện văn hóa, niềm say mê những điều xưa cũ và tính cấp thiết của vấn đề.

Trước thực trạng đó, người Êđê đang dần mất đi toàn bộ kiến thức về quy trình chế tác thổ cẩm nguyên bản, mất đi cơ hội giúp người trẻ Êđê có công việc ổn định và vị thế xứng đáng trong lĩnh vực văn hóa và thời trang. Trăn trở từ những điều trên, Ede Yarns được thành lập với mong muốn khôi phục và phát triển làng nghề chế tác thổ cẩm nguyên bản của người Êđê tại tỉnh Đắk Lắk. 

Ban đầu, anh Vũ, chị Chris Ty và em gặp nhau trong một buổi workshop nhuộm chàm ở Sài Gòn. Từ đó mấy anh em biết nhau, kết bạn thông qua Facebook nhưng không liên lạc gì nhiều. Một thời gian sau anh Vũ nói về những ý tưởng mới chớm của Ede Yarn trên Facebook và rủ những người hứng thú cùng tham gia. Lúc đó, em chủ động liên lạc rồi cả chị Chris Ty, và một chị khác ở Ban Mê. Hoạt động hơn 1 năm, thành viên của Ede Yarns đã nhiều hơn nhưng điều giúp chúng em luôn có thể kết nối với nhau đó là sức hút của câu chuyện văn hóa, niềm say mê những điều xưa cũ và tính cấp thiết của vấn đề.

Ede Yarns theo chân bác Y Phơng vào rừng tìm một số loại thực vật, tìm nguồn nguyên liệu tự nhiên để chiết xuất màu nhuộm.

Quá trình tìm về kỹ thuật dệt vải truyền thống của người Êđê đã diễn ra như thế nào?

Lưu Vũ: Lúc đó tôi liên hệ với những người Êđê thông qua bạn bè, tôi mới biết vải sợi thủ công hiện giờ không còn chỉ là vải từ nơi khác mang đến, điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi mới bắt đầu tìm hiểu về nhuộm tự nhiên thông qua các nguồn tài liệu tìm được và tập tành chiết xuất màu nhuộm thử từ các loại thực vật xung quanh, từ đó mà tôi bắt đầu hiểu một chút về nhuộm tự nhiên và các phụ gia liên quan đến kỹ thuật này. Trong quy trình nhuộm của người Ede cũng là nhuộm tự nhiên nên khi đã có kiến thức về nhuộm tự nhiên tôi hiểu hơn về quy trình và phương pháp. Sau đó tôi tìm hiểu về các kỹ thuật nhuộm của người Ede như thế nào. Bắt đầu bằng việc đi tìm cây Krum qua lời hướng dẫn của các nghệ nhân già. Sau khi hỏi nhiều nơi thì gặp được gia đình cô Mtim gia đình đã nhuộm vải từ xưa và hướng dẫn lấy nhuộm từ các loại cây còn lại, thì mình mới biết thêm về màu nhuộm. 

Để có bông kéo sợi, mình lại đi tìm những nguồn bông ở địa phương. May mắn là nguồn bông được trồng ở Daklak, mình thu mua nó. Để kéo được sợi và có công cụ, mình lại đi tìm và phục chế nó. Ban đầu việc phục chế khá khó khăn vì mình không biết, mình phục chế có đúng không và có hoạt động thực tế được không. May mắn là mình được người có khả năng phục chế các công cụ này một cách chính xác. 

Lúc này, tụi mình đã nắm được phương pháp nhuộm, có bông, có công cụ… lúc đó mình ráp quy trình lại và bắt đầu sản xuất được những sợi chỉ nguyên bản đầu tiên, xong rồi nhuộm và dệt để tạo nên hai tấm vải thổ cẩm nguyên bản đầu tiên sau bốn mươi năm. 

Công cụ thủ công dùng để lấy phần hạt bên trong bông
Bông được làm tơi nhờ vào công cụ Mach pah
Bông được cuộn thành lọn để chuẩn bị cho công đoạn kéo sợi
Sợi được giặt bằng nước lạnh để chuẩn bị nhuộm màu tự nhiên
Nghệ nhân xếp sợi lên khung, phối màu để chuẩn bị đưa lên khung cửi
Trong suốt quá trình dệt, nghệ nhân sử dụng hồ (cháo đặc) để quét lên sợi, giúp tăng độ chắc cho từng sợi chỉ. Lưng và tay là hai bộ phận chịu sức nhiều nhất vì các bác nghệ nhân phải ngồi hàng giờ liền.

Khó khăn trong quá trình phục hồi kỹ thuật dệt vải của Ede yarns thế nào? 

Lưu Vũ: Vì đã quá lâu nên không còn bao nhiêu người biết về quy trình này, còn những người biết thì sống tại vùng sâu vùng xa chứ không còn ở thành phố, thế nên để bắt đầu mình không chỉ tìm ở trong thành phố mà còn những nơi xa hơn. Khi mà đi tìm có những nguồn tin chính xác và không chính xác, để hiểu phải mất thời gian so sánh, suy luận để đưa ra định hướng đúng nhất để tìm được cách đúng để phục hồi được. 

Thứ hai những cái tác động bên ngoài như dịch bệnh khiến cho người địa phương cũng e ngại tiếp xúc với tụi mình. Dịch cũng làm ảnh hưởng đến tài chính của nhóm. Hầu như nhóm chưa được tài trợ về tài chính, các hoạt động đều từ tiền túi cá nhân. Nếu việc kinh doanh cá nhân không hiệu quả cũng ảnh hưởng đến tinh thần của thành viên trong nhóm. 

Còn một vấn đề nữa là, suy nghĩ trong đầu mình, chưa chắc những người xung quanh có thể thấu hiểu. Mọi người xung quanh thường băn khoăn khi làm điều gì đó liệu nó có ra tiền không, trong khi hoạt động này chỉ thuần về nghiên cứu, tạo ra nền tảng kiến thức để ngành nghề phát triển hơn. Nên sự ủng hộ cũng như lan toả khá khó khăn, nhất là thời điểm trước khi nhóm có được thành phẩm. Mọi người cứ khuyên bảo cái này nó không thành công đâu, làm sao có thể làm được… Rất nhiều nghi vấn. Và việc phục hồi này cũng chưa có người làm, nên có lúc mình cũng bị bơ vơ trong suy nghĩ. Đây là điều khó khăn nhất trong dự án này. 

Tấm thổ cẩm dệt bởi Ede yarns

Bạn có thể chia sẻ vài kỷ niệm vui mà nhóm các bạn có được trong quá trình làm việc? 

Đinh Lăng: Với Ede Yarns, em có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt. Những câu chuyện hay ho luôn xuất hiện trên mỗi chuyến đi thực địa của team. Có mấy dạo em, anh Vũ và chị Ty đi rừng để tìm cây, hai chị em lại cứ xúng xính váy đầm mà lội suối hay trèo núi vẫn nhanh. Rừng đến mùa sâu thì ở đâu cũng toàn là bướm xanh, chúng đậu trên nền đất dày đặc chỉ cần bước nhẹ thôi thì chúng sẽ bay lên y hệt như bức tranh trong mấy câu chuyện cổ tích. 

Nói về Ede Yarns là một chuỗi những câu chuyện gắn bó với bà con ở buôn. Các bác mặc dù gặp chúng em lần đầu nhưng khi chúng em xin ngủ lại đêm để mai có thể tiếp tục công việc thì các bác đồng ý ngay. Tối đến mọi người đem hết chăn gối, mùng mền, cho chúng em đắp. Chúng em còn được ngắm tấm chăn là của hồi môn của bác gái, tấm chăn thổ cẩm được dệt thủ công đã bạc màu.

Ede Yarns còn là những đêm thức đến 1-2 giờ sáng ngồi nghĩ ý tưởng cho nội dung sắp tới, là buổi trưa trên láng chài giữa đồng ruộng để quan sát lớp bùn đang được nhuộm dần vào từng sợi vải. Ede Yarns còn là cảm giác thần kỳ khi lần đầu chúng em thấy được một sợi chỉ sẽ được kéo ra như thế nào, là những hụt hẫng vì phải “thôi coi như bỏ, làm lại cách khác”. Tất cả đều là khoảnh khắc nhưng khi nhắc lại cảm xúc vẫn luôn vẹn tròn.

Một triển lãm của Ede yarn trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm LAP diễn ra vào tháng 4.2021 nhằm lan toả dự án đến với công chúng

Các bạn có thể chia sẻ về các kế hoạch sắp tới của Ede yarns?

Lưu Vũ: Ede yarn dự kiến hoạt động trong vòng 3 năm, năm đầu khởi tạo dự án, năm hai là củng cố kiến thức và năm ba là lan toả kiến thức đó. Hiện tại chúng mình đang ở giai đoạn đầu của giai đoạn hai của dự án. Mục tiêu của năm nay là củng cố kiến thức. Sắp tới Ede Yarns sẽ nghiên cứu chuyên sâu hơn các hạng mục chất liệu trong đó có cây Krum, cây tạo màu quan trọng của người Ede. Hiện tại thì chưa có các bài nghiên cứu vào về loại cây này cả, nên Ede yarns muốn mang đến góc nhìn khoa học để có thể hiểu, phát triển và ứng dụng nó vào đời sống.

Dự án tiếp theo là khôi phục hai bộ trang phục truyền thống nguyên bản của người Êđê. Trong trang phục truyền thống có rất nhiều điều để tìm hiểu như thực vật trang trí, cách chế tác, văn hoá may mặc… Sau khi hoàn thành mục tiêu tiếp theo là có thể tổ chức buổi triển lãm ở Hà Nội, TP. HCM, Daklak… để có thể giới thiệu văn hoá của người Êđê đến với công chúng. 

Hiện tại, Ede Yarn đang thực hiện dự án Lang Thang Buôn Mê – Lưu lại hình ảnh Buôn Ma Thuột qua những tấm postcards.

Hiện tại, Ede Yarn đang thực hiện dự án Lang Thang Buôn Mê – Lưu lại hình ảnh Buôn Ma Thuột qua những tấm postcards. Chương trình được khởi tạo với mục đích lưu lại hình ảnh những địa danh ở Buôn Ma Thuột. Đồng thời, xây dựng nguồn quỹ để hoạt động dự án khôi phục quy trình chế tác thổ cẩm nguyên bản của người Ê-đê tại Đắk Lắk. Thông tin chi tiết tại đây

Thực hiện: Hoàng Khôi 

Ảnh: Ede yarn