“Ethical fashion” là gì? Có phải chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến “thời trang đạo đức”?

Ngày đăng: 28/10/22

“Ethical fashion” (tạm dịch: thời trang đạo đức) không dễ dàng để định nghĩa. Dù rằng vài năm trở lại đây nhiều khía cạnh trong ngành thời trang, như chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) hay sao chép đạo nhái, ngày càng được quan tâm thảo luận nhiều hơn trên các diễn đàn.

Tuy nhiên, sau khi những thông tin được chuyển tải qua cuốn phim tài liệu Untold: Inside the Shein Machine, (Tạm dịch: Chuyện chưa kể: Bên trong cỗ máy Shein) phát hành trên kênh Channel 4 của Anh, khiến chúng ta phải lần nữa suy ngẫm về “thời trang đạo đức”. Đằng sau những lớp váy áo lộng lẫy và hào nhoáng, hay đằng sau việc chọn lựa những bộ trang phục để diện xuống phố ngày thường, phải chăng người tiêu dùng cần quan tâm nhiều hơn đến việc “ai đã tạo ra chúng” và “tình trạng lao động của họ như thế nào”? Họ có đang bị bóc lột thậm tệ để tạo ra sản phẩm giá rẻ? 

Đằng sau cuốn phim tài liệu, góc khuất của ngành thời trang nhanh 

Untold: Inside the Shein Machine, (Tạm dịch: Chuyện chưa kể: Bên trong cỗ máy Shein) phát hành trên kênh Channel 4 của Anh đã hé lộ tình trạng lao động khắc khổ của công nhân, những người trực tiếp tạo ra sản phẩm cho thương hiệu. Các công nhân tại các nhà xưởng ở Quảng Châu đã làm việc liên tục, tới 18 giờ một ngày và họ chỉ có một ngày nghỉ mỗi tháng. Cơ sở vật chất tại nơi làm việc nóng bức và ngột ngạt. 

Công nhân nhận được mức lương cơ bản 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng – tương đương khoảng 14 triệu đồng, để làm ra 500 sản phẩm mỗi ngày. Hoặc họ chỉ được trả lương theo sản phẩm, với vài xu cho mỗi sản phẩm, tương đương vài ngàn đồng. Họ còn bị khấu trừ tiền khi mắc sai sót. Nhà máy đã ẩn danh công nhân trong cuộc điều tra những nhà xưởng nhận gia công cho Shein.

Theo số liệu được trích dẫn bởi các báo cáo tin tức Trung Quốc do công ty cung cấp, doanh thu ước tính của Shein năm 2020 đạt mức 63,5 tỷ nhân dân tệ (gần 10 tỷ USD). Mức giá vô cùng bình dân của Shein, cùng nhiều chiến lược marketing rầm rộ phủ sóng khắp toàn cầu qua các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, kiến Shein trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu thời trang nhanh như Zara và H&M. Hiệp hội Quyền của Người lao động và Trung tâm Nguồn nhân lực & Kinh doanh, phải đặt câu hỏi về việc làm thế nào công ty sản xuất hàng hóa của mình với giá rẻ như vậy? từ đó phát hiện việc thiếu minh bạch trong các thông tin cung cấp từ Shein. 

Untold: Inside the Shein Machine đã phần nào lý giải được vì sao Shein có thể cung cấp sản phẩm với mức giá rẻ đến thế. Bên cạnh việc tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, và khi không thể nào hạ thấp giá thành nguyên liệu được nữa, các chủ lao động nghĩ cách hạ thấp chi phí lao động của công nhân. 

Đây là một vấn nạn nhức nhói. Theo Venetia La Manna, nhà vận động cho thời trang công bằng phát biểu: “Hãy trả cho những người làm quần áo đó một mức lương đủ sống. Đó mới là ưu tiên.”

Thời trang đạo đức là gì? Thời trang như thế nào mới gọi là “đạo đức”? 

Đây là một điều không dễ dàng để lý giải, bởi “đạo đức” là một khái niệm tương đối khó định nghĩa, nhất là việc dùng nó để vạch ra những bộ quy chuẩn áp dụng cho ngành công nghiệp may mặc này. 

Thời trang đạo đức có thể hiểu là quá trình thiết kế, sản xuất và phân phối hàng may mặc tập trung vào việc giảm thiểu tác hại cho con người và hành tinh.

Tuy nhiên, thời trang đạo đức có thể hiểu là quá trình thiết kế, sản xuất và phân phối hàng may mặc tập trung vào việc giảm thiểu tác hại cho con người và hành tinh. Theo nghĩa lý tưởng nhất, thời trang đạo đức mang lại lợi ích cho những người làm việc trong chuỗi cung ứng và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, trong đó phải có người lao động chứ không chỉ thương hiệu và người tiêu dùng. 

“Thời trang đạo đức” hướng đến việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như “Ai đã làm ra bộ quần áo này?” “Người đó có kiếm được mức lương đủ sống không?” “Việc trả lương có công bằng không?” và nhiều hơn thế nữa.

Tuy không thể can thiệp vào quá trình làm ra sản phẩm và xem xét toàn diện sự vận hành của ngành công nghiệp thời trang, nhưng với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta có thể đòi hỏi các thương hiệu trở nên minh bạch hơn trong việc trả lương cho công nhân – người trực tiếp tạo ra sản phẩm, thông qua việc ủng hộ các thương hiệu theo đuổi triết lý thời trang đạo đức.

“Thời trang đạo đức” có thể phát triển và có chỗ đứng tại Việt Nam? 

Theo WWD, người tiêu dùng đã dành hơn 7 tỷ giờ online để tìm kiếm các mặt hàng “bền vững”, “đạo đức”, “công bằng thương mại” và “thân thiện với môi trường” vào năm 2020. Số liệu cho thấy, “Ethical fashion” mang nhiều triển vọng, mặc dù điều này phụ thuộc vào việc các thương hiệu thực sự có đạo đức có thể chuyển tải thông điệp của họ đến người tiêu dùng như thế nào. 

Theo WWD, người tiêu dùng đã dành hơn 7 tỷ giờ online để tìm kiếm các mặt hàng “bền vững”, “đạo đức”, “công bằng thương mại” và “thân thiện với môi trường” vào năm 2020.

Ảnh: Kilomet109

Một số thương hiệu thời trang có thể dùng hình thức “green washing” để thúc đẩy doanh số nhằm qua mắt người tiêu dùng. “Ethical fashion” cũng có thể trở thành chiêu bày cho các thương hiệu gian lận nếu không có các chứng nhận, các báo cáo rõ ràng và minh bạch. 

Ảnh: Metiseko

Tại Việt Nam, mặc dù không quá phổ biến, tuy nhiên, vẫn có các thương hiệu như Kilomet109, Metiseko, Fashion4Freedom hiện thúc đẩy thời trang đạo đức. Những thương hiệu này là một trong những đại diện của mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, thông qua thời trang để giúp những người thợ có tay nghề cao hơn, giúp những người nghệ nhân tạo dựng một cuộc sống tốt hơn, đồng thời nỗ lực gìn giữ và bảo tồn các giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của quê hương đất nước.

Style-Republik tin rằng, cũng như mô hình kinh doanh thời trang bền vững tại Việt Nam, theo đà phát triển và đòi hỏi của người tiêu dùng, thời trang đạo đức sẽ dần trở thành yếu tố quan trọng trong triết lý kinh doanh ngày nay của các thương hiệu Việt. 

Thực hiện: Hoàng Khôi

Đọc thêm: 

Ethical fashion certifications: 10 chứng nhận về thời trang đạo đức mà bạn cần biết

Giải đáp 9 “lời đồn” về thời trang đạo đức & thời trang bền vững