[FASHION CAREER TALK] Trò chuyện cùng Stylist Trần Đạt : “Hãy biến đam mê trở thành sự nghiệp, thứ có thể nuôi sống và gắn kết với ta dài lâu”

Ngày đăng: 30/06/22

Cùng Style-Republik trò chuyện cùng một trong những gương mặt stylist nổi bật trong làng giải trí Việt, người đứng sau hàng loạt vẻ đẹp lộng lẫy của các “nàng Hậu”, về những chia sẻ, lời khuyên bổ ích về con đường theo đuổi nghề stylist hào nhoáng.

Fashion Stylist Trần Đạt (Trần Phạm Thành Đạt) – người đồng hành cùng nhan sắc Việt trên đấu trường sắc đẹp, tuy không trực tiếp thiết kế, nhưng các bộ trang phục qua bàn tay mix & match tài năng của anh thì đều khiến giới đam mê thời trang phải không ít lần trầm trồ, thán phục. Cũng vì lẽ đó, Trần Đạt là cái tên không còn mấy xa lạ trong ngành thời trang Việt, nổi tiếng với những dấu ấn tỏa sáng tại các sự kiện, show truyền hình và các cuộc thi sắc đẹp của hàng loạt mỹ nhân Việt như Kim Duyên, H’Hen Niê, Hương Giang, Phạm Hương, Lệ Quyên, Phương Khánh,…

Và không thể không nhắc đến sự đóng góp của anh với tư cách Styling Director cùng đội ngũ của mình tại các mùa Miss Universe Vietnam – cuộc thi sắc đẹp có đêm chung kết đáng nhớ ngày hôm qua cùng nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng người hâm mộ. Anh là người phụ trách mang tới những bộ trang phục và hoàn thiện vẻ ngoài cho các cô gái tài sắc trước mỗi phần thi từ đầu cho tới đêm chung kết. Không chỉ dừng lại ở vai trò Stylist cho các cuộc thi sắc đẹp, anh Trần Đạt còn thử thách mình trong việc styling cho nhiều dự án khác nhau như dự án điện ảnh “Chị chị em em 2″, “Gái già lắm chiêu 3”, “Nghề siêu dễ”, TVC 2021 của PNJ, Sa Vũ của NTK Lê Thanh Hòa, Công Trí SS21,… Ngoài ra, anh cũng sở hữu riêng công ty D2Styling, được biết đến với các dịch vụ tư vấn hình ảnh và phong cách. Niềm đam mê cho nghề Stylist của Trần Đạt lớn đến mức chính anh vẫn luôn ôm ấp ước mơ phát triển và mang nghề Fashion Stylist đến gần hơn với thế hệ trẻ ngày nay, để ngành Stylist nói riêng và ngành thời trang Việt nói chung ngày càng rộng mở và ghi danh trên bản đồ của giới điệu mộ thế giới.

Cùng Style-Republik lắng nghe những chia sẻ chân thành, kinh nghiệm quý giá trong suốt con đường làm nghề của Stylist Trần Đạt nhé!

Chúng ta đã rất quen thuộc với hình ảnh một stylist Trần Đạt đứng sau sự thành công của các nàng hậu khi họ xuất hiện, những vẻ ngoài mãn nhãn trên thảm đỏ hay những dự án hình ảnh được đầu tư, nhưng lại ít được nghe về một Trần Đạt của những ngày đầu tiên làm nghề. Điều gì đã luôn gắn bó cùng anh từ khoảng thời gian đầu của sự nghiệp?

Trần Đạt của ngày hôm nay luôn đam mê với nghề như ngày đầu. Đó là điều thúc đẩy bản thân tôi trong công việc. Tôi cũng thường chia sẻ với những cộng sự của mình hãy biến đam mê đó trở thành sự nghiệp, thứ có thể nuôi sống mình và gắn kết với nó dài lâu.

Khoảng thời gian làm việc tại các tạp chí thời trang, trợ lý stylist đã xây dựng cho tôi một nền tảng và kiến thức sẽ hỗ trợ cho công việc stylist rất nhiều. Đó là môi trường rất tốt. Và tôi luôn trân trọng những cơ hội được làm việc cùng các thương hiệu thời trang, người nổi tiếng. Mỗi dự án, bộ ảnh đều là thành quả của lao động nghiêm túc với mong muốn được cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.

Tham gia vào công tác tổ chức Miss Universe Vietnam 2022 là một trải nghiệm mới mẻ đối với anh trong sự nghiệp và cũng đã gặt hái được thành công. Việc bước chân vào lĩnh vực các cuộc thi sắc đẹp đòi hỏi anh phải thay đổi như thế nào?

Công việc stylist có nhiều mảng khác nhau và mỗi mảng đều có tính chất rất đa dạng. Từ tham gia thực hiện các buổi photoshoot, làm việc với ca sĩ, nghệ sĩ,… Với các cuộc thi sắc đẹp lại càng khác biệt hơn nữa. Không chỉ thay đổi cho thí sinh mà bản thân tôi và ekip cũng phải thay đổi rất nhiều. Ta không thể buộc các bạn thí sinh phải ăn mặc như các nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác, mà làm sao để giữ được hình ảnh sang trọng, khí chất của một hoa hậu cho các bạn. Mỗi sự kiện, không gian mà các bạn xuất hiện đều cần được chuẩn bị sao cho mọi thứ phù hợp nhất. Đó là điều mà mình phải học và thay đổi từng ngày.

Mối quan hệ của stylist với khách hàng của mình là gì?

Mỗi khách hàng đều có những mục đích hướng đến khác nhau. Họ muốn gì, cần gì và nên thế nào,… bản thân stylist cần thấu hiểu những điều đó. Mọi người thường nghĩ stylist là người áp đặt hơn là một người có tư duy và khả năng tư vấn cho khách hàng những lựa chọn hợp lý nhất với khách hàng. Trong suốt quá trình làm việc, cả hai đều cùng trao đổi để cho ra kết quả tốt nhất. Khách hàng đã có một phong cách và sự yêu thích trong rất nhiều năm nhưng vẫn sẽ tìm kiếm các stylist vì họ cũng cần sự tươi mới, gỡ bỏ những e ngại như một sự phát hiện về con người họ để trở nên xinh đẹp và tự tin hơn. 

Đôi khi có những thời điểm, sự kiện xảy ra không như những gì anh và khách hàng mong muốn, hoặc có thể là sự chê bai, tình huống xấu về trang phục trên thảm đỏ hay các sự kiện. Anh có còn nghĩ nhiều về những ý kiến tiêu cực không?

Nếu nói là không bận tâm thì hoàn toàn không đúng. Vì với mỗi công việc, sản phẩm, mình đều đặt tâm huyết vào nó. Dù cho đó là một trang phục hằng ngày hay cho một sự kiện quan trọng đi chăng nữa. Tôi đều sẽ nhận những sai sót của bản thân hay của ekip. Hay mình nói vui là tai nạn nghề nghiệp. Đó là lỗi ở bản thân mình hay ở những khâu, ekip khác mà mình không thể giải thích hết cho khán giả hiểu được.

Từ những điều đó, bản thân mình cố gắng rút kinh nghiệm và kiểm tra kỹ lưỡng hơn cho mỗi công việc, trang phục để đảm bảo nó không trở thành lỗi lầm lớn và ảnh hưởng đến không chỉ khách hàng mà còn rất nhiều bộ phận, tổ chức khác. 

Cũng như những vai trò khác trong lĩnh vực sáng tạo, cảm xúc là yếu tố rất quan trọng tác động lên công việc. Làm thế nào để anh có thể kiểm soát được cảm hứng để đảm bảo chất lượng công việc cho mỗi dự án mà mình tham gia?

Cảm xúc là một phần quan trọng tạo nên sự hứng khởi khi làm việc. Nhưng không phải lúc nào chúng ta sẽ có cảm xúc tốt. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có trách nhiệm hoàn thành công việc đạt chất lượng. Sau quá trình làm việc, chúng ta sẽ rút ra được những công thức hay sự gắn kết với các cộng sự để vận hành công việc thay vì để cho yếu tố cảm xúc chi phối quá nhiều. Điều đó có được qua quá trình làm từ những việc nhỏ, những trải nghiệm khác nhau hình thành nên sự phản xạ và kinh nghiệm làm việc. Tất nhiên là cảm xúc vẫn cần thiết để công việc thăng hoa và cho ra kết quả tốt hơn. Nhưng nếu không có nó thì công việc vẫn hoàn thành.

Với mỗi dự án, tôi luôn cố gắng dành thời gian để gặp gỡ và lắng nghe khách hàng nhiều hơn để tạo nên sự yêu thích của mình với dự án và để xem mình có thật sự muốn và có thể làm công việc này hay không. Khi có sự gắn kết giữa mọi người thì công việc sẽ trôi chảy. 

Khi ta lao động chăm chỉ và có niềm đam mê với nghề, trái ngọt sẽ đến. Nhưng anh có nghĩ chỉ như thế đã đủ? Hay ta cần thêm những gì để phát triển trong công việc này (đức tính, tố chất hay kỹ năng gì,…)

Tính thẩm mỹ là một ưu thế trong công việc stylist. Như các công việc khác trong ngành thời trang, tư duy thẩm mỹ và sự nhanh nhạy với xu hướng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Công việc stylist cũng đòi hỏi ta tiếp xúc nhiều với các người nổi tiếng, những sự kiện và cả những thị phi. Vì thế nó cũng đòi hỏi ở ta sự tôn trọng và khả năng bảo mật thông tin. Đó là điều rất quan trọng. Khi ta càng có cơ hội tiếp xúc và biết nhiều thông tin phía sau hậu trường, thì nó càng đòi hỏi mình phải giữ gìn thông tin cho khách hàng và cộng sự của mình. Vì nếu để truyền thông tin ra ngoài, nó có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khách hàng, sự kiện mà mình tham gia cũng như những tổ chức khác. Vấn đề này xảy ra rất thường xuyên và rất đáng tiếc cho cơ hội làm việc của các bạn.

Bên cạnh đó là sự kiên trì khi bạn phải chấp nhận một áp lực rất lớn trong công việc, về thời gian và cả dư luận. Có những tình huống gấp cấp bách cần xử lý trong khoảng thời gian rất ngắn và có thể xảy ra sự cố do không thể chuẩn bị kỹ mà chỉ stylist mới hiểu được. Cả khách hàng và stylist đã phải chiến đấu để có được hình ảnh của khách hàng xuất hiện trước công chúng. Đó là điều cần được rèn luyện để sắp xếp mọi thứ hợp lý và hạn chế nhất những sự cố.

Sự kiên trì không chỉ là bạn chăm chỉ làm việc gì đó mà còn là theo đuổi một vấn đề cho đến cùng. Kiên trì để giữ mình khỏi những cái ảo ảnh và thị phi để nghiêm túc với nghề và giữ được uy tín của mình trong công việc và với khách hàng.

Thực hiện: Hiếu Lê


SR Fashion Career Talk Episode 4: “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?”

Trong bối cảnh phương tiện truyền thông phát triển chóng mặt đồng nghĩa với nhiều cơ hội thể hiện bản thân, cùng với nhu cầu thẩm mỹ ở mỗi cá nhân ngày càng tăng cao, Fashion Stylist đang là xu hướng nghề nghiệp nổi bật trong giới trẻ, cụ thể là genZ.

Hiện nay, nghề Fashion Stylist thu hút những người yêu thời trang còn bởi cơ hội hợp tác với các ngôi sao nổi tiếng, tham dự các sự kiện thời trang sôi động để thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản sắc cá nhân. Tuy nhiên, tồn tại trong xu hướng đó là những hiểu nhầm và cái nhìn chưa được rõ ràng về con đường để trở thành Fashion Stylist chuyên nghiệp. Do vậy, SR Fashion Career Talk sẽ quay trở lại trong Tháng 7 này với Episode 4, cùng chủ đề:  “Biết mặc đẹp và nghĩ bạn có thể thành Fashion Stylist?” mục đích mang đến cơ hội định hướng nghề nghiệp cho sinh viên cùng những người muốn tìm hiểu và bước chân vào ngành thời trang Việt Nam.

Thông tin chi tiết sự kiện:

Fashion Career Talk – Phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang Việt Nam

Đăng ký tham gia miễn phí tại: https://bit.ly/Fashioncareertalkep4Fashionstylist

  • Ngày giờ: 9:30AM -12:30 PM, Thứ Bảy 02.07.2022
  • Địa điểm: Hoa Sen University, P 204, 8 Nguyễn Văn Tráng, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh