[Fashion Insider] Trò chuyện cùng nhà thiết kế Châu Minh Đức: Từ trợ lý đến nhà thiết kế cho thương hiệu thời trang

Ngày đăng: 27/08/20

Nosbyn Studio, một thương hiệu trẻ nhưng thú vị với câu chuyện thương hiệu của riêng mình. Đặc biệt là những thiết kế từ bộ sưu tập đầu tiên “vừa quen vừa lạ”. Quen là bởi đây là những phom dáng kinh điển và được khai thác rất nhiều, nhưng thông qua cách thiết kế thông minh và khả năng ứng dụng kỹ thuật xếp nhúng ở những chi tiết, bộ phận khác nhau đã tạo nên điểm nhấn và màu sắc mới mẻ cho những phom dáng cũ.


Một phần nào đó, tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ và tâm huyết của đội ngũ sáng tạo phía sau khi nhìn kỹ những nếp xếp, tỉ lệ và chạm vào sản phẩm thực tại cửa hàng để cảm nhận chất vải của trang phục. Tất cả đã thúc đẩy tôi tìm gặp nhà thiết kế Châu Minh Đức để tìm hiểu thêm về câu chuyện sáng tạo của anh và Nosbyn.

Chân dung nhà thiết kế Châu Minh Đức
Chân dung nhà thiết kế Châu Minh Đức

Xin chào anh, anh có thể chia sẻ một chút về công việc trước đây và vì sao anh lại quyết định trở thành một nhà thiết kế?

Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi làm trợ lý thiết kế trong hơn hai năm. Đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu tiếp cận với tất cả các công đoạn để đưa một sản phẩm đến tay khách hàng, từ khâu lên ý tưởng, thực hiện sample (mẫu), cả những quy trình đằng sau cho đến khi làm ra sản phẩm hoàn chỉnh và tôi đã học hỏi được rất nhiều từ đó.

Tôi cũng chưa hình dung mình sẽ làm một nghề nào khác ngoại trừ việc làm NTK thời trang. Ngay từ bé tôi đã vẽ những hình sketch (phác họa) đầy vở của mình, xem những bộ hình thời trang trên TV để tập vẽ lại. Thời điểm đó tôi cũng không có ý niệm về đây là một nghề, nhưng tôi luôn nghĩ rằng lớn lên mình phải làm việc này.

Điều quý giá nhất anh có được từ công việc này là gì? Đó có phải động lực giúp anh vượt qua khó khăn hay không?

Thật sự, công việc này liên quan rất nhiều đến cảm xúc. Để làm tốt, tôi phải học cách cân bằng nó, đôi khi là lựa chọn nghiêng về lý trí, cũng có lúc phải biết chiều chuộng cảm xúc. Mẫu thiết kế sẽ ngày càng hoàn thiện hơn khi chúng ta cho cảm xúc một vị trí xứng đáng.

Cũng có thể nói, giá trị mà công việc mang lại cho tôi là niềm vui. Mặc dù không tránh khỏi áp lực, nhưng chính nó giúp tôi có mục đích để mỗi sáng thức dậy và tiếp tục làm việc.

Một ý tưởng tốt sẽ dẫn bạn đi qua hết tất cả mọi thứ để hoàn thành một bộ sưu tập.

Tuy là một thương hiệu khá mới mẻ và được thành lập vào năm 2019, nhưng Nosbyn Studio đã có hơn 7 bộ sưu tập được giới thiệu đầy đủ theo các mùa trong năm. Mất bao lâu để sản xuất một bộ sưu tập và cần đặc biệt chú trọng những khâu nào trong quá trình thiết kế để có thể tạo nên sản phẩm tốt nhất?

Đó là một quy trình kéo dài trong khoảng bốn tháng kể từ khi lên ý tưởng đến công đoạn sản xuất và đưa đến khách hàng. Đối với tôi, tất cả các khâu trong cả quá trình đều đáng lưu tâm. Thứ nhất là việc lên ý tưởng, đó là khâu cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định. Dưới góc nhìn cá nhân của tôi, một ý tưởng tốt sẽ giúp bạn giải quyết tất cả các vấn đề để hoàn thành một bộ sưu tập. Ý tưởng sẽ dẫn dắt bạn từ việc lựa chọn chất liệu, màu sắc, form dáng đến các chi tiết trên mẫu thiết kế. Nhờ vậy tôi có thể sáng tạo nên một thiết kế hoàn chỉnh, tạo tiền đề cho các công đoạn tiếp theo.

Có một điểm thú vị là trong xuyên suốt các bộ sưu tập của Nosbyn Studio, kỹ thuật xếp nhún được ứng dụng ở một tuần suất khá thường xuyên. Có vẻ anh có tình cảm rất đặc biệt với kỳ thuật này?

Tôi thấy chi tiết này rất đặc biệt. Nó tạo nên nét đặc trưng cho các thiết kế của Nosbyn Studio. Không chỉ là chi tiết xếp nhún trên bề mặt mà còn là cách xử lý kỹ thuật bên trong để tạo nên cấu trúc giúp giữ cho các nếp cố định, không bị xô lệch trong suốt quá trình sử dụng giúp người mặc cảm thấy thoải mái mà vẫn tôn dáng.

Anh có lo lắng rằng việc sử dụng quá nhiều một kỹ thuật khiến cho thương hiệu và nhà thiết kế bị đánh giá là nhàm chán không?

Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về điều này. Nhưng tôi thấy rằng mình vẫn sẽ sử dụng kỹ thuật đó và biến hóa đa dạng hơn qua từng bộ sưu tập. Đây là thách thức nhưng cũng là một ưu điểm giúp tạo nên nét đặc trưng, độc đáo của thương hiệu.

Bên cạnh đó, Nosbyn Studio cũng còn một số chi tiết nổi bật khác như circle, bubble, twist,… Và tôi cũng sẽ không ngừng sáng tạo để phát triển thêm nhiều chi tiết mới trong các thiết kế của mình.

Đối với anh, bên cạnh khả năng sáng tạo, một nhà thiết kế cần có những điều gì?

Đối với tôi, điều quan trọng nhất một nhà thiết kế cần có là đam mê. Tiếp đến là cá tính của bản thân. Và cuối cùng là sự tỉ mỉ, khắt khắt khe với chính bản thân trong suốt quá trình làm việc. Như tôi từng chia sẻ trên trang cá nhân, có những mẫu sketch của tôi hoàn toàn không giống với sản phẩm cuối cùng. Bởi trong từng công đoạn tôi luôn trăn trở rằng: “Nó đã hoàn thiện chưa? Có cần chỉnh sửa thêm hay không?” và nếu không điều chỉnh liên tục bản thân tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu. Đến khi sản phẩm hoàn thiện mới chính là thành quả mà mình muốn.

Có thể nói, sản phẩm chính là đứa con tinh thần và thể hiện rõ “cái tôi sáng tạo” của nhà thiết kế. Nhưng đối với một thương hiệu, tính thương mại cũng cần được ưu tiên. Anh làm thế nào để có thể cân bằng được hai yếu tố này?

Đó là một câu hỏi mà rất nhiều người luôn trăn trở, không chỉ riêng bản thân tôi. Mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng. Tôi nghĩ rẳng tiêu chí đánh giá một sản phẩm không chỉ dựa trên sự sáng tạo, gợi nên cảm xúc gì cho người mặc mà còn ở tính ứng dụng. Vì vậy bản thân đôi lúc cần biết cân bằng giữa mảng đó. Riêng tôi thì luôn tâm niệm mình phải là mình trước, những ai cùng thế giới quan, cùng cảm nhận thì sẽ tìm đến mình.

Có hay xảy ra bất đồng giữa nhóm thiết kế và các bộ phận khác hay không? Và đâu là cách giải quyết?

Thật sự là có, nhiều là khác và người thiết kế phải bảo vệ quan điểm của cá nhân mình. Khi gặp vấn đề dẫn đến tranh cãi, chúng tôi thường ngồi lại thảo luận để tìm ra hướng đi phù hợp.

Ví dụ như chúng tôi thường tranh luận về việc sản phẩm khi ra mắt có được được đón nhận hay có hợp gout với khách hàng hay không bởi sản phẩm và tính mới mẻ của nó cần thời gian để được khách hàng chấp nhận, chúng tôi thống nhất quan điểm đó và tìm cách đem sản phẩm đến gần hơn với khách hàng và khi đã quen mắt, khách hàng sẽ không ngại thử.

Sản phẩm và tính mới mẻ của nó cần thời gian để được khách hàng chấp nhận.

Qua những chuyển biến của tình hình xã hội và môi trường, người tiêu dùng đang có xu hướng quay trở lại với tự nhiên, thời trang bền vững vì thế cũng được quan tâm và lựa chọn nhiều hơn. Nhưng cùng với đó, có không ít người hiểu chưa đúng về phong cách này và đòi hỏi các thương hiệu phải đáp ứng đầy đủ bảng tiêu chí mới được gọi là thương hiệu bền vững. Trong khi tại Việt Nam hiện tại rất khó để làm được tất cả. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá thế nào là thời trang bền vững. Ở Việt Nam rất khó để đạt được tất cả điều đó. Thời trang bền vững không chỉ là bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, hạn chế chất thải, mà còn là vấn đề về nhân công,… Tôi vẫn cố gắng tạo nên những mẫu thiết kế mà khách hàng có thể giữ trang phục bên mình lâu hơn và không cảm thấy nó bị lỗi mốt hoặc có thể mặc ở nhiều dịp và nhiều nơi.

Song song đó, thời trang bền vững còn nằm ở việc chúng ta chọn chất liệu, Tính bền chắc của sản phẩm giúp cho khách hàng sử dụng nó nhiều và lâu hơn, không bị lãng phí, được “tái sử dụng” thay vì mặc nó một hai lần hay trong một thời gian ngắn.

Tôi luôn muốn khách hàng có thể sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và tận dụng tối đa công năng của sản phẩm.

Nosbyn Studio đã có những nỗ lực gì để hướng đến thời trang bền vững? 

Nosbyn Studio đã và vẫn đang cố gắng giảm thiểu ít nhất có thể lượng rác và nilon trong quá trình đóng gói và vận chuyển sản phẩm. Từng mét vải sau quá trình sản xuất sẽ được giữ lại và tái sử dụng.

Và như đã chia sẻ, tôi luôn muốn khách hàng có thể sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể, tận dụng tối đa công năng của sản phẩm. Điều này thể hiện qua cách tôi và Nosbyn Studio lựa chọn chất liệu có độ bền cao để sản xuất những thiết kế có thể ứng dụng được trong nhiều dịp.

Đâu sẽ là bước đi tiếp theo của thương hiệu trong tương lai là gì?

Nosbyn Studio định hướng sẽ mở rộng các showroom lớn hơn đến các quốc gia xung quanh nhưng do một vài yếu tố khách quan từ dịch bệnh nên thương hiệu tạm hoãn lại kế hoạch. Bên cạnh đó, tôi và team luôn tìm kiếm những chất liệu tốt hơn, đẩy mạnh tính đa dạng trong thiết kế nhưng vẫn giữ được đặc trưng của thương hiệu để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Chúng tôi cũng đang ấp ủ nhiều dự định về một dòng sản phẩm thú vị hơn như trang phục dạ tiệc, phụ kiện,… và mong sớm được thực hiện những điều ấy.

Đối với những bạn trẻ đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang hay giám đốc sáng tạo, anh nghĩ các bạn cần chuẩn bị những gì khi còn ngồi trên giảng đường?

Đó chính là kiến thức, nó là nền tảng quan trọng nhất. Kiến thức nền sẽ giúp ta làm được rất nhiều thứ. Không có gì là lãng phí trong quá trình học. Từ những thứ nhỏ nhất đều sẽ giúp ích cho công việc thiết kế của mình sau này. Các bạn đừng nghĩ cái này quan trọng, cái kia không quan trọng, hay không cần học, tất cả mọi thứ đều có lý do của nó và mình cần phải học hỏi nhiều nhất có thể.

Tiếp theo là một niềm đam mê, nó phải rất là mãnh liệt. Ngành này rất dễ mà cũng rất khó. Nó rất dễ để ta tìm việc, nhưng cũng rất khó để ở lại với nó nếu không thật sự có đam mê. Lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề là thứ bạn phải giữ từ khi đi học đến khi bước vào nghề. Mình chỉ cần chân thành và nhiệt huyết thì mình sẽ nhận lại những điều xứng đáng.

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả của Style-Republik!

Fashion Insider là chuỗi các buổi trò chuyện cùng những nhân vật hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam ở các vị trí khác nhau. Đó có thể là nhà thiết kế, fashionista, nhà báo, họa sĩ, người mẫu,… chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân không chỉ trong công việc sáng tạo mà còn về cuộc sống.

Đồng thời Style-Republik mong muốn khích lệ các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang khi giới thiệu về các vị trí công việc khác nhau và gợi lên hình ảnh về những nhân vật thầm lặng nhưng là một phần không thể thiếu của ngành thời trang.

Thực hiện: Hiếu Lê

Ảnh: Duy Bảo