[Fashion Insider] Trò chuyện cùng NTK Tom Trandt: Công việc của một NTK là làm ra sản phẩm để giải quyết vấn đề

Ngày đăng: 04/03/20

Giữa giai đoạn chạy nước rút cho BST Số 8, NTK Tom Trandt đã cùng Style-Republik chia sẻ về những trải nghiệm của Môi-Điên và cá nhân anh. Đó có thể là những khó khăn, thử thách hay cả sự trăn trở về ngành thời trang tại Việt Nam.

Từng bước đi của Tom Trandt đều có sự cân nhắc trong đó. Từ các thiết kế cá tính, sáng tạo nhưng không bồng bột đến những chiến dịch, dự án mà anh vô cùng tâm huyết. Lựa chọn hướng đi riêng nhưng luôn gắn bó mật thiết với phần còn lại của thời trang, Môi Điên không chỉ là cuộc dạo chơi mà là sự đầu tư nghiêm túc của Tom đối với thời trang bền vững. Các thiết kế của anh đã xuất hiện trên các tạp chí lớn như ELLE, L’officiel,… cùng với sự ra mắt các BST đều đặn theo mùa và được tờ The New York Times giới thiệu.

Chân dung NTK Tom Trandt
Chân dung NTK Tom Trandt

Không ngại khai phá mảnh đất mới, giờ đây Môi-Điên là cái tên tiên phong trong phân khúc của mình, dẫn ngày càng nhiều thương hiệu đi theo xu hướng thời trang tái chế và thời trang bền vững (sustainable fashion). Và đặc biệt, cái tên này cũng chứng minh rằng thời trang tái chế không đắt đỏ như nó đã từng. Với các thiết kế như túi ba gang áp dụng kỹ thuật cắt rập zero waste không để lại vải thừa. Không chỉ đơn thuần là chuyện tiết kiệm nguyên liệu, đó là sự đầu tư chất xám.

Đã quá nổi tiếng với các bạn trẻ, nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của cái tên Môi-Điên. Tom có thể chia sẻ một chút về lý do vì sao lại chọn cái tên này không?

Bản thân mình cũng không hiểu ý nghĩa của nó. Mình đặt tên thương hiệu khi đang chịu ảnh hưởng của một loại chất kích thích nào đó. Có thể vì vậy nên hiệu ứng nó mang lại về mặt cảm xúc cũng nằm ngoài kinh nghiệm thường thức. Hiện giờ Môi Điên được định nghĩa bằng sản phẩm, và một câu chuyện 3 năm. 

Tạo nên các thiết kế sáng tạo từ nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi là một điểm mạnh rất lớn của Môi-Điên, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều thứ và luôn kèm theo thử thách. Tại sao anh lại lựa chọn con đường khó khăn này ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp?

Tụi mình luôn có hứng thú với việc xử lý chất liệu và luôn thích thử nghiệm. Những thử thách sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và những sản phẩm lạ có thể mang lại hiệu quả kinh tế nếu quản trị sản xuất tốt. 

Sản phẩm phản ánh sự lựa chọn của nhà thiết kế sau khi đã cân nhắc giữa mục đích, thử thách và cơ hội 

Xử lí chất liệu vốn là thế mạnh của Môi-Điên, để có được thành quả chắc chắn phải trải qua một khoảng thời gian dài thử nghiệm, anh có thể chia sẻ những khó khăn khi bắt đầu với những kỹ thuật mới không?

Hiện tại trong nhóm thiết kế đã có một bạn chuyên về xử lý chất liệu nên các thử nghiệm được đẩy nhanh. Nếu đi theo một quy trình sản xuất chuẩn, cả những kỹ thuật nhiều tính thủ công nhất cũng có thể được sản xuất hàng loạt. Kinh nghiệm của các bộ sưu tập trước luôn là nền tảng cho những thử nghiệm mới của các bộ sưu tập sau, nhờ vậy mà mọi thứ cũng khá mượt mà. 

Việc tái sử dụng nguyên liệu có phải chỉ là một cách khuyến khích bảo vệ môi trường? Hay nó còn ẩn chứa ý nghĩa nào khác?

Sản phẩm của mình không mang thông điệp ẩn, ý nghĩa luôn rõ ràng. Mình là nhà thiết kế nên công việc của mình không đơn giản là khuyến khích mà là làm ra sản phẩm để giải quyết vấn đề, giới thiệu cho mọi người thêm sự lựa chọn. Đồng thời, sản phẩm phản ánh sự lựa chọn của mình sau khi đã cân nhắc giữa mục đích, thử thách và cơ hội. 

Lựa chọn cá tính thay vì xu hướng đã giúp thương hiệu của Tom không bị “nhấn chìm” trong thị trường, nhưng điều đó liệu có làm gia tăng gánh nặng kinh tế lên thương hiệu Môi-Điên hay không?

Do từ khi còn là học sinh tới giờ, mình chưa bao giờ chọn con đường còn lại nên tạm thời mình không đo lường được gánh nặng gia tăng này. Chúng ta cũng có cơ hội là người dẫn đầu xu hướng khi chọn đào sâu đề tài của riêng mình, còn tiềm năng và thử thách đều tồn tại trong cả phân khúc cao cấp và phổ thông.

Thành lập thương hiệu ngay sau khi về nước, việc xây dựng và quản lý đã giúp Tom học được gì mà môi trường tại Parsons chưa thể mang lại?

Cũng giống như tại các ngôi trường khác, bằng cử nhân thiết kế chỉ tập trung đào tạo chuyên môn. Các kiến thức sản xuất và kế toán, quản trị mình có là do tự trau dồi và bộ máy hôm nay là đã được vi chỉnh, cập nhật qua thời gian. Ở Việt Nam, hệ thống hỗ trợ chưa hoàn thiện nên các nhà thiết kế phải tự lực nhiều và cũng học được rất nhiều. 

Chúng ta cũng có cơ hội là người dẫn đầu xu hướng khi chọn đào sâu đề tài của riêng mình

Đối với Tom, buyer là những người như thế nào?

Để ngành thời trang vận hành mượt mà và chuyên nghiệp, phải có sự tồn tại của các hệ thống. Nhà phân phối là cầu nối giữa nhà thiết kế và khách hàng. Những góp ý của họ về sản phẩm, xu hướng, nhân vật rất có giá trị vì họ hiểu rõ thị trường và thường xuyên tiếp cận với các nhân tố mới trong ngành. 

Nếu có các buyer, tổ chức PR, hiệp hội thời trang,… sẽ có thể giúp chuyên nghiệp hóa ngành thời trang. Theo Tom vì sao thị trường Việt Nam vẫn chưa xuất hiện các nhân tố này, đặc biệt là buyer?

Các nhà thiết kế Việt Nam xưa nay rất chủ động về bán lẻ nên để chuyển hướng theo mô hình kinh doanh qua trung gian, họ cần thấy được những quyền lợi và cơ hội mà những đối tác này mang lại. Ngược lại đi vào một thị trường mà các đối tác của mình đều có thể tự chủ về bán lẻ cũng là một thử thách lớn cho các nhà phân phối. Thị trường khi lớn dần lên sẽ dẫn theo sự phát triển của các cá nhân và tổ chức liên quan. 

Thị trường quốc tế chuộng ngành bán sỉ, trong khi Việt Nam lại phát triển bán lẻ nhiều hơn, Tom đã cố gắng giải quyết bài toán khó này như thế nào khi quyết định theo đuổi cả hai?

Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên biết được những ngóc ngách và khoảng trống trong thị trường này để lách vào. Thị trường Việt Nam hiện nay cạnh tranh cũng rất khốc liệt, sự rèn luyện trong thị trường này sẽ cho mình nhiều lợi thế khi tiếp cận các thị trường khác. Làm các dự án với các tổ chức như British Fashion Council cho mình sự chuẩn bị cần thiết để mở rộng sang thị trường Âu Mỹ. 

Việc phải cân bằng về mặt tài chính có bao giờ ảnh hưởng đến tính sáng tạo trong BST hay không?

Luôn luôn, và ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn. Kiến thức tài chính luôn là yếu huyệt của các nhà thiết kế. Khi còn là sinh viên, bạn bè mình luôn phải ăn mì gói vào cuối tháng còn những sinh viên ngành tài chính mà mình biết thì không. Ngân sách và nhân lực là những nguyên liệu đầu tiên để làm ra sản phẩm. 

Bên cạnh phát triển các BST và hoàn thành khóa học tại IFS, những kế hoạch trong tương lai của Tom là gì?

Sắp tới, khi ra mắt BST Số 8, Môi-Điên sẽ có thêm một phần của BST được dành cho thị trường quốc tế. Hiện tại, tụi mình đang mở rộng hợp tác với các cá nhân và tổ chức để thực hiện những dự án thú vị.  

Style-Republik cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này

Fashion Insider là chuỗi các buổi trò chuyện cùng những nhân vật hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam ở các vị trí khác nhau. Đó có thể là nhà thiết kế, fashionista, nhà báo, họa sĩ, người mẫu,… chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân không chỉ trong công việc sáng tạo mà còn về cuộc sống.
Đồng thời Style-Republik mong muốn khích lệ các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang khi giới thiệu về các vị trí công việc khác nhau và gợi lên hình ảnh về những nhân vật thầm lặng nhưng là một phần không thể thiếu của ngành thời trang.

Thực hiện: Hiếu Lê
Hình ảnh: Nhân vật cung cấp, Duy Bảo