[Fashionary] Từ điển thời trang: Các loại giày dép

Ngày đăng: 28/08/20

Chuyên mục Fashionary: Từ điển thời trang sẽ cung cấp cho các bạn đọc giả một kiến thức tổng quan về các thuật ngữ, tên gọi, định nghĩa trong thời trang mà mọi tín đồ thời trang đều cần phải biết.

Tuần này, Style-Republik giới thiệu đến các bạn các thuật ngữ về các loại giày dép. Dù thế giới thời trang có biến hóa đa dạng đến thế nào, chúng đều được phát triển dựa trên những item cơ bản được giới thiệu sau đây.

 

  • Thigh-high boots (Bốt cao ngang đùi): loại bốt cao ngang đến đùi, thường làm bằng chất liệu mềm, ôm sát chân. 
  • Knee-high boots (bốt cao ngang gối): bốt cao ngang đến đầu gối.
  • Wellington boots (bốt Wellington): hay còn gọi là bốt cao su, bốt đi mưa. Thường được làm từ chất liệu cao su hoặc nhựa. Lần đầu tiên được mang bởi công tước xứ Wellington là Arthur Wellesley rồi dần phổ biến trong giới quý tộc và trung lưu ở Anh từ thế kỷ thứ 19. 
  • Cowboy boots (bốt cao bồi): thường được làm từ da bò, có gót thấp và ngón chân tròn hoặc nhọn và được trang trí với các đường cắt trên cổ giày. Được ra đời với mục đích tương tự như quần jeans, với dáng vẻ cứng cáp và bền bỉ, được những người đàn ông miền viễn Tây sử dụng để vật lộn với hiểm nguy khi khai phá thiên nhiên.
  • Ugg boots (bốt Ugg): bốt làm từ lông và da cừu với phần lông ở mặt trong để giữ ấm. Nguồn gốc của Ugg boots đến từ Úc sau đó trở nên thịnh hành ở Mỹ ở cuối thập niên 90s và lan ra toàn thế giới ở những năm 2004 – 2005. Từ “ugg” được cho rằng là từ nói chệch đi của “ugh” hay “ugly”. Những ai mang loại giày này được cho là có gu thời trang “quê mùa”.
  • Gladiator shoes (giày chiến binh): loại giày có nhiều dây đan chéo nhau từ bàn chân và có thể dài lên đến đầu gối. Giày chiến binh có nguồn gốc từ Roma từ năm 246 trước công nguyên. 
  • Wedges (giày đế xuồng): Giày đế xuồng là con lai giữa giày sandal đế bệt và giày cao gót, có phần đế kín từ gót đến mũi, tạo thành hình khối cao dưới đế. Giày đế xuồng (Wedge Heel) ra đời dưới bàn tay tài hoa của nhà thiết kế giày người Ý, Salvatore Ferragamo, vào năm 1936. Vào cuối những năm 1930, khi chiến tranh xảy ra dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, ông đã tìm ra nguyên liệu gỗ và bần để tạo nên mẫu giày đế xuồng huyền thoại. Gỗ và bần giúp đôi giày trở nên nhẹ nhàng và bền hơn, giữ đôi bàn chân thoải mái, dễ chịu khi di chuyển.
  • Sock boots (bốt tất): bốt có phần cổ chân ôm sát và làm từ chất liệu co giãn, đàn hồi như len, thun…
  • Chelsea boots (bốt Chelsea): là loại bốt ôm chân, cao đến mắt cá chân với thun co giãn hoặc cao su lưu hóa ở hai bên hông giày, mũi giày lượn tròn. Nhờ vào phát minh cao su lưu hóa của Charles Goodyear vào năm 1839 mà J.Sparkes-Hall, thợ đóng giày của nữ hoàng Victoria đã sáng chế ra boot co dãn, dễ dàng mang vào và tháo ra mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thập niên 1950, trước khi đến với cái tên Chelsea Boots, nó được gọi là Paddock boots. Vào thời kỳ này, nhóm “Chelsea Set” là một nhóm bao gồm các nghệ sĩ, nhà làm phim cũng như nhà hoạt động xã hội trẻ nổi lên ở vùng King’s Road tại phía Tây London. Họ rất ưa thích Paddock boots và chúng sớm trở thành phụ kiện không thể thiếu của trang phục hằng ngày của họ. Tên gọi Chelsea Boots ra đời từ đó.
  • Clogs (giày clog): Giày clog có nguồn gốc từ Hà Lan. Bắt đầu từ nhu cầu dành cho những người lao động nặng ở nông thôn hoặc ở những nhà máy để bảo vệ chân. Sau đó không lâu, giày gỗ lại trở lại với tên gọi mới là “Swedish”, lần này đã được cải tiến với sự xuất hiện của chất liệu da kết hợp với đê giày bằng gỗ đặc biệt là  được phái nữ ưu thích. Những năm 1970 đến 1980, Swedish rất thời thượng cho quý ông, đến những năm 1980 đến 1990 thì lại rất thời thượng cho phụ nữ . Những đôi giày gỗ Glog này nó còn là nguồn gốc để hình thành nên những đôi giày da nam đế cao từ 6-8 inch như hiện nay.
  • Sneakers (giày thể thao): Các loại giày thể thao nói chung. Loại giày này có tiền thân là Giày Plimsoll, được sản xuất vào năm 1870, loại giày chuyên dụng để đi biển. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, công ty Keds đã cho ra mắt lần đầu tiên dòng giày sneakers, được chế tạo phần đế bằng cao su mềm thay cho các chất liệu đế cứng thường thấy thời bấy giờ giúp đạt được sự êm ái vượt trội trong di chuyển (cái tên Sneaker cũng có nghĩa là người lén lút).
  • Loafers (giày lười): Thiết kế thành giày thấp, không dây buộc hay khóa cài, chỉ đặc trưng bằng lớp thân trên hình chữ U nối với thành giày đã giúp loafer mang lại sự tiện lợi cho người mang. Một công ty sản xuất giày ở London vào những năm 1847 thiết kế những chiếc giày chỉ cần xỏ chân vào để sử dụng trong nhà, đặc biệt là ở những biệt thự mùa hè ở vùng đồng quê nước Anh của Hoàng gia và giới quý tộc. Vào những năm 1930, Na Uy sản xuất rất nhiều kiểu giày loafer, chỉ cần xỏ chân vào với cảm giác rất thoải mái và không lâu sau đó, kiểu giày này bắt đầu được xuất khẩu sang các nước châu Âu và châu Mỹ. Cho đến khi tạp chí Esquire lần đầu tiên giới thiệu về kiểu giày này, loafers trở thành món phụ kiện được số đông ở Mỹ yêu thích. Năm 1966, nhà thiết kế người Ý Gucci làm mới kiểu giày lười bằng cách thiết kế thêm một quai nganh mũi giày bằng kim loại với hình dáng hình dây cương buộc ngựa. Đến năm 1970, kiểu giày lười của Gucci (the Gucci loafers) được yêu thích rộng rãi, đặc biệt đã trở thành “đồng phục” của các doanh nhân ở phố Wall Street.
  • Oxfords (giày Oxford): Giày oxford là đôi giày da, kiểu dáng classic và có phần dây buộc được may ở bên dưới của mui giày. Phần buộc dây của hai mui giày sẽ được may khít lại với nhau. Vào khoảng thế kỷ thứ 18, tiền thân của giày Oxford chính là từ những đôi bốt cài khuy với đế cao mà đàn ông Châu Âu vẫn thường dùng. Trải qua thời gian, nhà sản xuất đã hạ đế xuống thấp hơn và thay khuy bằng dây buộc với đường rãnh ở cạnh. Giúp cho việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn, người sử dụng cũng thấy thoải mái hơn. Và đó, giày oxford dần dần được hình thành như vậy. Vùng Scotland và Ireland được xem là nơi đầu tiên giày Oxford xuất hiện và nó có tên gọi đầu tiên là Balmorals. Sau này, các sinh viên trường Oxford ở Anh đã chuyển sang gọi tên loại giày này chính bằng tên của ngôi trường tại Anh quốc.
  • Monk straps (giày monk strap): Monk Strap là loại giày có đặc trưng ôm chân và phần móc khóa tinh tế dùng thay cho dây giày. Có ba loại Monk Strap với một- hai- ba móc khóa. Loại Double Monk Strap với hai móc khóa là phổ biến nhất. Từ nhiều thế kỷ trước, Monk Strap là loại giày dành cho các thầy tu. Đến thế kỷ XIX, nhà sáng lập thương hiệu truyền thống làm giày bespoke của Anh là John Lobb đã cải tiến mẫu giày tu sĩ này để phù hợp với hoàng tử Edward. Đến năm 1920 giày monk strap được đặt theo tên của con trai nhà sáng lập là  “William”. Đến năm 1945, hãng giày John Lobb bắt đầu sản xuấn những đôi giày William Monk Strap và là mẫu giày mang tính di sản của hãng này.
  • Crocs (giày crocs): Lấy cảm hứng từ clog nhưng được thiết kế từ chất liệu nhựa nhẹ, bền, không thấm nước, chống trượt và kháng khuẩn bởi công ty Crocs. Những đôi sandal quai hậu có phần đầu trông giống con cá sấu. Đó cũng là lý do thương hiệu này mang tên Crocs (crocodile: cá sấu).
  • Espadrilles (giày đế bện thừng): Những đôi giày được ưa chuộng cho mùa hè này có đặc điểm là đế giày bọc bằng đay esparto. Đay esparto là một loại cỏ được ưa chuộng để đan dây thừng, rổ rá, thảm… ở khu vực Địa Trung Hải. Giày espadrilles lần đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 13-14 ở miền Nam Pháp và Tây Ban Nha. Cái tên espadrilles được cho là đến từ chữ esparteña trong Catalan (một ngôn ngữ của Tây Ban Nha). Hoặc cũng có thể đến từ chính cây đay esparto. Ban đầu, nó là mẫu giày hành quân của quân đội vua Aragon (nay là Tây Ban Nha). Sau đó, sự bền bỉ của nó biến kiểu giày này thành mẫu giày nhà nông.
  • Ballerina flats (giày búp bê): Ballet flats có nguồn gốc nguyên thủy từ giày múa ba lê, là kiểu giày rất linh hoạt và tiện dụng dành cho nữ. Giày đế bệt được thiết kế với nhiều loại vải và dùng cao su làm đế rất mỏng cho đôi giày. Vào năm 1957, Audrey Hepburn, biểu tượng thời trang và là người tiên phong khiến những đôi giày đế bệt trở thành kiểu giày làm điên đảo phái nữ trên toàn thế giới qua bộ phim Funny Face.
  • Cone heel (giày gót hình chóp): giày cao gót có phần đế hình chóp (phần gót nhỏ dần từ trên xuống dưới)
  • Ankle strap (giày quai mảnh): giày cao gót có quần quai mảnh ôm quanh cổ chân và mu bàn chân.
  • T-strap (giày quai chữ T): Giày T-strap có 2 quai, một quai vòng ngang quanh cổ chân, quai dọc còn lại nối liền với mũi giày tạo thành hình chữ T.
  • Open-toe (giày hở mũi): Giày hở mũi thường có khoét to ở phần ngón chân, để lộ cả 5 ngón chân.
  • Peep-toe (giày hở mũi): Tương tự giày open-toe nhưng độ hở ít hơn, để lộ khoảng 1-2 ngón chân.
  • Stiletto heel (giày gót nhọn): Giày được đặt tên theo con dao stiletto có lưỡi mảnh và cực sắc bén. Để được gọi là stiletto, đôi giày phải cao tối thiểu 5cm và phải có gót cực mảnh được làm từ kim loại
  • Platform (giày đế thô): Giày platform có phần đế trước dày và đế sau cao để cân bằng độ chênh lệch giữa mũi và gót. Cho dù độ dốc có thể chỉ từ 5–7cm, tổng chiều cao của đôi giày có thể vượt hơn 10cm.Đôi giày có khả năng ăn gian chiều cao nhưng không quá dốc gây mỏi chân khi đi lại.
  • Scarpin (giày mũi nhọn): Giày bít mũi có gót thanh mảnh và đầu mũi cũng rất nhọn. 
  • Slingback (giày quai hậu): Giày slingback hở gót và có quai hậu ôm sát cổ chân
  • Mules (giày mule): Giày sục trong tiếng anh gọi là Mule là một kiểu giày lai giữa giày và dép tức có nghĩa là không có phần quai gót chân hoặc hạn chế phần gót quanh chân. Những đôi giày sục ra đời từ thành Rome cổ đại, ban đầu chúng không được phổ biến cho lắm mãi cho tới thế kỷ thứ XVI mới gần như phổ biến toàn châu Âu. Thời bấy giờ giày sục được xem là loại dép đi trong phòng ngủ và ít khi được sử dụng nơi công cộng. 
  • Kitten heel (giày kitten): Giày kitten có tổng chiều cao chỉ từ 3–5cm và gót giày thường thanh mảnh.
  • Mary Jane (giày Mary Jane): Được đặt tên theo nhân vật Mary Jane trong truyện tranh Người Nhện. Theo hình vẽ trong truyện tranh nguyên thủy, giày Mary Jane có gót chunky và mũi tròn, nhưng qua thời gian thì bây giờ cái tên Mary Jane được dùng để miêu tả bất cứ đôi giày nào bít mũi và có tối thiểu một quai vòng qua mu bàn chân.
  • D’Orsay (giày D’Orsay): Ra đời vào thế kỷ thứ 19, giày D’Orsay được cho rằng bắt nguồn từ họa sỹ bá tước người Pháp Alfred D’Orsay. Thời bấy giờ, giới quý tộc ở triều đình Pháp chuộng giày pump bó sát chân, nhưng đôi khi những người có bàn chân to không tìm được đôi giày đủ rộng. Bá tước D’Orsay đã đề xuất khoét đi thành giày để tạo sự thoải mái cho những người có đôi bàn chân to.
  • Flip-flops (dép xỏ ngón): Dép có xỏ quai giữa ngón chân cái và ngón kế bên.

 

Thực hiện: Mỹ Đỗ