#FashionWeekStreetStyle – Văn hóa mặc đẹp ở tuần lễ thời trang, liệu Việt Nam có đang bỏ lỡ?

Ngày đăng: 09/10/22

“Street Style” là một từ khóa phổ biến nhất trong suốt fashion week. Văn hóa mặc đẹp tại các tuần lễ thời trang cũng được hưởng ứng bởi đông đảo tín đồ ở quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa của thời trang này có lẽ vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ. 

“Tứ địa” thời trang Xuân Hè 2023 đã chính thức kết thúc. Từ New York, London, Milan đến Paris, tuần lễ thời trang Xuân Hè lần này ắt hẳn là một mùa sôi động nhất từ trước đến nay với vô vàn khoảnh khắc nổi bật cùng những giá trị sáng tạo đặc sắc trên sàn diễn. Nếu các nhà thiết kế, thương hiệu lần lượt trình làng lăng kính thời trang khác biệt của mình, lăng xê hàng loạt xu hướng hay trào lưu ăn mặc mới mẻ thì bên ngoài sự hào nhoáng đấy, thì “sàn diễn đường phố” là tấm gương phản ánh chân thật nhất cách mà giới trẻ “sử dụng” thời trang và cũng là nơi để chúng ta có thể thấy được xu hướng, phong cách thời trang nào đang được yêu thích bằng chính những câu chuyện đậm chất cái tôi của họ. 

Dần dà, từ những ngày đầu thành lập vào thế kỷ 20 ở Anh Quốc đến tận nay, street style nói chung văn hóa mặc đẹp ở các tuần lễ thời trang nói riêng  ngày càng được lớn mạnh. Kéo theo đó, các hashtag  #ParisFWstreetstyle #LondonFWstreetstyle #MilanFWstreetstyle hay #NYFWstreetstyle cũng biến thành hot search trên tất cả các nền tảng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt truy cập. Khi những con phố trở thành đường băng thời trang của từng cá thể thì nơi đây cũng là nơi “làm việc” mới của các tay săn ảnh. Để có được những tấm ảnh đẹp nhất trên mạng xã hội hay các trang tin, báo chí thời trang uy tín, nhà nhà người người bắt đầu đổ xô diện đồ đẹp xuống phố vào thời điểm fashion week. Từ đó điều này cũng trở thành một thói quen, một văn hóa mới của giới trẻ. “Đặc sản” này trong tuần lễ thời trang không chỉ thu hút sự tham gia nhiệt tình của những người trẻ, các KOLs hay Influncers mà còn là dịp để các ngôi sao ngành giải trí “lấn sân” sang thế giới thời trang xa xỉ này. 

Không bài bản, tỉ mỉ hay đắt tiền như các bộ cánh của ngôi sao nổi tiếng trên thảm đỏ hay những “công thức thời trang” của dàn khách mời ở từng show diễn, những bộ cánh ngoài phố sẽ mang đến một tinh thần và nguồn cảm hứng hoàn toàn mới lạ, phóng khoáng, tự do và đầy “bản ngã” hơn. Những câu chuyện thời trang riêng biệt này luôn có một sức nóng nhất định và là điều mà khán giả mong đợi nhất trong suốt fashion week. Tuy nhiên, văn hóa thời trang này chỉ có sức nóng tại quốc tế, ở Việt Nam thì chưa được hưởng ứng một cách nồng nhiệt. 

Street Style ở Việt Nam thật sự vẫn chưa là một yếu tố quan trọng trong ngành thời trang Việt, có lẽ là bởi thời gian hình thành và phát triển của thời trang Việt Nam còn quá ngắn. Khi thế giới đang tiếp nhận và thiết lập những tinh hoa thời trang, nghệ thuật thì Việt Nam còn đang phải đương đầu với chiến tranh, nạn đói,…Thời trang ở Việt Nam thời điểm đó chỉ dừng lại ở nhu cầu bảo vệ cơ thể, chứ chưa bàn luận về thẩm mỹ. Nói cách khác, Việt Nam xuất phát trễ hơn với các quốc gia khác trên bản đồ thời trang thế giới. Khi thời trang gặt được nhiều “trái ngọt” như thời gian hiện tại với sự phát triển của thời đại cùng thế hệ mới, thì street style tại Việt Nam mới dần hình thành. 

Khi nhắc về những con phố street style ở Việt Nam, thì thật sự cũng không có quá nhiều tư liệu hay hình ảnh. Có lẽ những câu chuyện thời trang cá nhân này chưa đạt được độ nhận diện cao. Cụ thể, văn hóa “street style” ở tuần lễ thời trang Việt Nam chỉ thu hút được một tệp người hưởng ứng nhất định – những cá thể có cá tôi thời trang thật sự khác biệt với số đông thay vì đa dạng những cá tính thời trang khác biệt khác. Bên cạnh đó, khi Tuần lễ thời trang Việt Nam diễn ra, độ lan tỏa của tinh thần thời trang vẫn chưa thực sự hiệu quả; thay vào đó, là sự tập trung vào sự nổi tiếng của chương trình, sự xuất hiện của các ngôi sao nổi tiếng, hoa hậu hay những sự cố không muốn có trên sàn diễn, thảm đỏ. Điều này có thể dễ dàng nhận ra khi không có quá nhiều tin tức “thuần thời trang” như review về bộ sưu tập mà thay vào đó là sự chuyển hướng dư luận sang “nghệ sĩ này, tiktoker kia xuất hiện tại…”, “hoa hậu này mặc đồ phản cảm tại…” hay “người mẫu kia gặp sự cố rách váy trên sàn diễn của…”. Tất cả, đều là công thức cung của các title tin tức khi đề cập đến Tuần lễ thời trang.

Từ đây, Tuần lễ thời trang Việt Nam cũng nhận về sự đánh giá và nhìn nhận tiêu cực của cộng động ái mộ thời trang Việt. Những drama tự tạo đó cũng là một phần lý do khiến những sàn diễn đường phố chưa thể phổ biến và hưởng ứng bởi người Việt. Mang tính là sân chơi để giới trẻ thể hiện cái tôi thời trang tuy nhiên khi đưa lên mặt báo, những hình ảnh street style chỉ tràn ngập những khoảnh khắc tỏa sáng của ngôi sao, nghệ sĩ, Tiktoker,…; spotlight đều thuộc về những người có tên tuổi và những cá tính thời trang bình thường lại mất cơ hội thể hiện. Vì thế, dần dần sàn diễn đường phố cũng không thể náo nhiệt và càng ngày vắng vẻ hơn. Các fashion influencers thực thụ của Việt Nam như Châu Bùi, Quỳnh Anh Shyn, Khánh Linh (Cô em Trendy),…cũng phải đến cái địa đàng thời trang thế giới, những con phố thời trang bên ngoài show diễn để “kể” câu chuyện thời trang của chính mình, cũng như đem sự tự hào và công nhận về thị trường thời trang Việt Nam. 

Tóm lại, Tuần lễ thời trang Việt Nam vẫn chưa thể khuếch đại tinh thần thời trang cho cộng đồng thời trang trong nước; song song đó văn hóa mặc đẹp vào thời điểm này cũng chưa ảnh hưởng một cách mạnh mẽ với hội tín đồ, những cái tôi thời trang cũng chưa có đủ sân chơi để thể hiện và đến hiện tại street style vẫn bị bỏ lỡ tại làng thời trang Việt. 

Thực hiện: Dory